Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM – THÀNH TỰU VÀ BÀI HỌC

PHAN THANH LONG

ThS. Phó trưởng phòng V25 Bộ Công an

Trong đời sống và quan hệ quốc tế hiện đại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ là dấu hiệu phê chuẩn hội nhập thị trường toàn cầu về chính sách và triển vọng phát triển kinh tế của một nước mà còn là một động lực phát triển quan hệ quốc tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, ngoại giao… thông qua đó bảo đảm lợi ích đan xen, cơ chế an ninh đa phương mà các nước đang hướng tới.

Tầm quan trọng của FDI không chỉ ở chỗ thu hút được nhiều nguồn vốn mà còn là kết hợp một cách hết sức hiệu quả giữa vốn, các mối quan hệ có liên quan như an ninh quốc gia nhằm đảm bảo cho môi trường đầu tư lành mạnh, ổn định, tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu quản lý tri thức và công nghệ hiện đại. Đây thật sự là một đòn bẩy sắc bén cho phát triển kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với bảo đảm an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu.

Nhân loại bước vào thế kỷ XXI, Thiên niên kỷ III trong một bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế trên thế giới trong những năm đầu, nhất là sau cuộc tập kích vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001, khiến cho tình hình kinh tế các nước gặp phải nhiều khó khăn, trước hết là vốn FDI khan hiếm và làn sóng FDI giảm nghiêm trọng ở tất cả các châu lục. Theo số liệu của Hội nghị thương mại và phát triển của LHQ (UNCTAD), tổng số vốn đầu tư trực tiếp trên thế giới giảm từ 1.300 tỷ USD năm 2000 xuống còn khoảng 760 tỷ USD năm 2001, còn năm 2002 mức giảm có chậm lại chút ít, trong đó FDI vào khu vực các nước công nghiệp phát triển giảm từ 1000 tỷ USD xuống còn 500 tỷ USD, tổng số vốn FDI đầu tư vào các nước đang phát triển cũng giảm từ 240 tỷ USD xuống còn 225 tỷ USD. Số liệu trên cho ta thấy tình trạng cạnh tranh thị trường vốn đang vận động gay gắt, vì nhu cầu về vốn của các nước đang phát triển vượt quá khả năng cung cấp vốn của các nước giàu có hơn.

Đối với Việt Nam, việc thu hút được các nguồn vốn FDI trong những năm qua có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhất là trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI nhằm bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, tạo ra thế và lực phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ những ngày đầu ban hành Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cuối năm 1987, đến nay sau 4 lần sửa đổi, bổ sung (1990, 1992, 1996, 2000) cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của pháp luật hiện hành và đưa ra được nhiều quy định pháp luật mới nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư lành mạn, có sức cạnh tranh ngày càng cao.

Trong hơn một thập kỷ qua, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, trong đó các nhà đầu tư khu vực EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và các nước Asean… chiếm tỉ lệ vốn ngày càng lớn, có hiệu quả cao với tổng số vốn đăng ký khoảng 40 tỷ USD. Trong đó nếu tính riêng các nhà đầu tư EU từ năm 1988 đến năm 2000, EU có 322 dự án được cấp phép, vốn đăng ký đạt 5,38 tỷ USD, chiếm khoảng 10% vốn dự án và 12,2 vốn đăng ký của tất cả các dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong số đó phải kể đến Pháp (104 dự án), Hà Lan (36 dự án), Anh (29 dự án), Đức (29 dự án) và Thụy Điển (8 dự án). Khu vực khác phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông… chiếm tỷ lệ vốn lớn đầu tư vào Việt Nam với nhiều ngành, lĩnh vực đầu tư đa dạng và phong phú.

Riêng về khu công nghiệp và khu chế xuất, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay các khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là khu công nghiệp) hiện có khoảng 1000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 10 tỷ USD và gần 800 dự án đầu tư trong nước với tổng sốn vốn đăng ký 40.000 tỷ đồng. Với số vốn lớn như vậy nên khu công nghiệp ngày càng đóng vai trò trọng yếu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vụ nước Mỹ bị tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 và cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động làm cho tình hình kinh tế thế giới bất ổn, toàn cảnh đầu tư nước ngoài không mấy sáng sủa, Việt Nam được đánh giá là môi trường chính trị – xã hội ổn định, an ninh, trật tự tốt nhất châu Á, là nơi đầu tư an toàn nhất châu Á – Thái Bình Dương, với nhịp độ tăng trưởng đứng hàng thứ 2 sau Trung Quốc ở khu vực Đông Á. Đây là một lợi thế to lớn để Việt Nam trở thành điểm đến của FDI quốc tế và điểm sáng của du lịch, dịch vụ, tài chính, tiền tệ quốc tế. Vì vậy, trong 9 tháng đầu năm 2002, kể cả vốn của các dự án mới cấp phép và vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động, Việt Nam đã thu hút thêm được trên 127 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tính chung 9 tháng đạt 1.475 triệu USD. Theo dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả năm 2002 số vốn có thể đạt tới 2 tỷ USD và số vốn này chủ yếu sẽ tập trung vào các khu công nghiệp không chỉ trên các địa bàn kinh tế trọng điểm. Đáng chú ý ở một số địa phương như Hải Phòng từ đầu năm 2002 tới nay đã thu hút thêm 18 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đang ký là 31,03 triệu USD. Thành phố Hồ Chí Mĩnh vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước trong 9 tháng năm 2002 thu hút gần 239 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tính chung đến nay thành phố Hồ Chí Minh có 1.203 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư 11.211 triệu USD, trong đó có 772 dự án 100% vốn nước ngoài với tổng số vốn là 3.625 triệu USD, 383 dự án liên doanh với tổng số vốn 6.177 triệu USD, 48 dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh với số vốn 1.409 triệu USD. Hà Nội thu hút thêm 40 dự án với số vốn đăng ký 101 triệu USD, nâng tổng số vốn hiện nay lên 3,3 tỷ USD đã thực hiện trên địa bàn thành phố; Bình Dương từ đầu năm 2002 đến nay thu hút thêm 109 dự án với tổng số vốn đăng ký 233,4 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào ngành công nghiệp, chiếm 99,6 số vốn. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại có 580 dự án với số vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD. Bắc Ninh, Quảng Ngãi, vùng Đông Nam Bộ, mức gia tăng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp đang trở thành một xu hướng khá phổ biến. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước nhà trong một bối cảnh cạnh tranh gay go và nghiệt ngã của dòng chảy FDI quốc tế đang có xu hướng chậm lại.

Trên cơ sở pháp lý đã hình thành, chúng ta đã phát huy được mặt tích cực của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, từ chỗ có vai trò không đáng kể đến nay đã “nổi lên như một điểm sáng” trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trên con đường chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra hơn 34,5% sản xuất toàn ngành công nghiệp, khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu (đó là chưa kể ngành dầu khí) và đóng góp 13% GDP cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút trên hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp làm việc trong các ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ liên quan; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, tiếp thu công nghệ hiện đại, trình độ quản lý và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, FDI vào Việt Nam đã giảm sút liên tục, đặc biệt là khi Trung Quốc gia nhập vào WTO, 9 tháng đầu năm 2002 đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà nghiên cứu hỏi vì sao đầu tư nước ngoài lại giảm nhanh như vậy? Rằng Việt Nam cần phải thi hành những biện pháp nào để thu hút đầu tư trở lại?

Chúng tôi cho rằng: Thứ nhất, tính không ổn định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang là vấn đề nổi cộm. Do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài nên trong quá trình điều hành vĩ mô còn lúng túng, thiếu chủ động, còn nặng sự vụ hành chính, nhiều cấp, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản pháp quy thiếu thống nhất, thậm chí có văn bản dưới luật lại khó hiểu, trái luật, tạo ra kẽ hở gây nhiều tiêu cực đáng tiếc.

Thứ hai là quản lý kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu bằng văn bản pháp luật, trong khi hệ thống pháp luật vẫn còn tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ, không nhất quán về chủ trương, mâu thuẫn lẫn nhau, thậm chí có vấn đề còn bỏ ngỏ.

Thứ ba là phạm vi quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào giai đoạn cấp phép, còn quản lý sau khi được cấp phép đi vào hoạt động lại bị coi nhẹ, thiếu quy định cụ thể phạm vi quản lý trong quá trình hoạt động, nên cơ quan nhà nước không nắm sát tình trạng kinh doanh của khu vực này.

Thứ tư là tình trạng “phép vua thua lệ làng” ở một số địa phương, chỉ thấy lợi ích cục bộ của mình mà chưa thấy lợi ích toàn cục, lợi ích quốc gia. Chưa mở rộng các phương án góp vốn trong liên kết liên doanh, hợp tác kinh doanh với nước ngoài.

Năm là chưa có chiến lược tổng thể và quy hoạch cụ thể về đầu tư nước ngoài gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo vùng, miền; gắn đầu tư nước ngoài với chiến lược an ninh quốc phòng, nhất là các khu vực nhạy cảm về bảo vệ an ninh quốc gia ở các đô thị và thành phố lớn trên phạm vi cả nước.

Trong thời gian gần đây tình trạng phân biệt đối xử như chế độ hai giá điện, nước, điện thoại chi phí cho cư trú đi lại còn cao hơn so với các nước trong khu vực làm cho môi trường đầu tư vào Việt Nam thiếu hấp dẫn (so với Trung Quốc chẳng hạn) đã được khắc phục dần, nhưng hiện tại các nhà đầu tư còn ta thán nhiều phiền toái về thủ tục hành chính không đáng có.

Tuy nhiên có cả nguyên nhân khách quan từ các nhà đầu tư, là bản thân các nhà đầu tư kinh tế cũng đang chịu lạm phát, họ khó khăn về vốn.

Trước tình hình đầu tư giảm sút, theo TS. Đỗ Đức Định, nghiên cứu viên cao cấp Viện Kinh tế thế giới tại Hà Nội, còn nhiều biện pháp cần phải được cải thiện để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư. Ví dụ như giải phóng mặt bằng, đất đai cũng cần phải cải thiện cho thích hợp, tỷ giá đối hoái, vay vốn ngân hàng cũng sẽ được cải thiện cho phù hợp hơn.

Còn Ngân hàng thế giới (WB) và các định chế Liên hợp quốc khác cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện cả chất lượng và số lượng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư theo hướng xuất khẩu và tạo việc làm.

Trong báo cáo về tình hình thế giới năm 2002 mới được công bố vào giữa tháng 9/2002, Tổ chức hội nghị LHQ về mậu dịch và phát triển cũng đã khuyến cáo Việt Nam xóa bỏ cơ chế hai giá, phân biệt đối xử giữa các đối tác nước ngoài và đối tác trong nước, xây dựng cơ chế luật đồng bộ, nhất quán, minh bạch, nâng cao trình độ xử lý các tranh chấp kinh doanh. LHQ cũng khuyến cáo Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm chiến lược đầu tư Trung Quốc, cũng như chú trọng hơn việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân công.

Gần đây cứ vào dịp đầu xuân, năm mới, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã chủ trì gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các bên có liên quan. Lắng nghe ý kiến của họ và để các nhà đầu tư hiểu rõ mục đích nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài là tín hiệu khả quan, đáng mừng nhằm tạo ra cơ hội tốt để cùng nhau khắc phục khó khăn đạt hiệu quả cao hơn trong hội nhập để phát triển, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia – Việt Nam.

THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM – THÀNH TỰU VÀ BÀI HỌC

Tác giả ThS. PHAN THANH LONG
Tạp chí TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ
Năm xuất bản 2003
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ