Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH TRONG DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH:  MỘT SỐ GÓP Ý NHẰM THỰC THI LUẬT ĐẦU TƯ 2005

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH TRONG DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH:

MỘT SỐ GÓP Ý NHẰM THỰC THI LUẬT ĐẦU TƯ 2005

TS.PHẠM DUY NGHĨA

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Một đạo luật chung áp dụng cho đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã có hiệu lực từ 01/07/2006. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang chủ soạn một nghị định đồ sộ hướng dẫn thi hành đạo luật này. Cùng với Luật Doanh nghiệp (Luật DN), liệu Luật Đầu tư (Luật ĐT) có góp phần giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của các liên doanh quốc tế và cải thiện môi trường đầu tư? Bài viết dưới đây đóng góp một thiển ý nhằm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ĐT 2005, nhất là từ một góc nhìn bảo hộ lợi ích của Việt Nam trong các liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài.

1. Không cầu toàn, văn bản hướng dẫn Luật ĐT 2005 nên chọn trọng tâm điều chỉnh

Về lâu dài, gom các hoạt động đầu tư về một mối để tiện quản lí là một kế hoạch đầy tham vọng. Chỉ riêng với nhà đầu tư nước ngoài, các kênh đầu tư đã trở nên hết sức đa dạng và được điều chỉnh bởi nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.

Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể lựa chọn nhiều kênh tiếp cận và đầu tư khác nhau như: (i) sử dụng mạng tiêu thụ có sẵn ở Việt Nam (đại diện thương mại, đại lí), (ii) thành lập văn phòng đại diện, (iii) thành lập chi nhánh, (iv) thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, (v) thành lập doanh nghiệp liên doanh với các đối tác Việt Nam, (vi) tham gia các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hay (vii) mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần. Các kênh đầu tư này được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó có Luật Thương mại 2005 (đại diện, đại lí, văn phòng đại diện, chi nhánh), pháp luật về chứng khoán (mua cổ phần trong công ty Việt Nam), các quy định của Luật DN 2005 và Luật ĐT 2005. Thêm nữa, khi được phép đầu tư vào các ngân hàng, cơ sở y tế, đào tạo và các hợp tác xã, nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành riêng áp dụng cho các loại hình dịch vụ đặc biệt này[1].

Vì hoạt động đầu tư đa dạng như vậy, để tăng tính khả thi, tránh trùng lặp với các văn bản đã có sẵn, Luật ĐT 2005 và Nghị định hướng dẫn thi hành chỉ có thể tập trung vào một số điểm, ví dụ như nhấn mạnh tới chính sách bảo hộ, khuyến khích đầu tư, quy trình giám sát đầu tư nước ngoài tuân thủ các quy định về chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và các tiêu chí khác của nước nhận đầu tư, mà không nên ôm đồm nhiều nội dung.

Nếu quá tham về nội dung điều chỉnh, dự thảo (lần thứ 14) của nghị định hướng dẫn thi hành Luật ĐT 2005 đã bao gồm 100 điều khoản, văn bản này hứa hẹn sẽ trở thành một siêu nghị định kiểu như NĐ181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thêm nữa, quyền hướng dẫn thực thi văn bản luật của Bộ KH&ĐT theo khoản 2 Điều 100 Dự thảo Nghị định là rất lớn, có thể làm cho môi trường pháp lí về đầu tư nước ngoài phức tạp dần lên (Luật ĐT có 89 điều, Nghị định 100 điều, các thông tư và công văn sau này của Bộ Kế hoạch & Đầu tư liệu có thể còn trung thành với tinh thần của Luật ĐT 2005, thiết chế nào giám sát và chỉnh sửa những lệch lạc có thể xảy ra giữa luật gốc và văn bản hướng dẫn thi hành).

Nếu tập trung vào một nội dung hẹp, dự thảo nghị định sẽ giản lược, khả thi và mạch lạc hơn. Thêm nữa cần tránh xung đột với luật về tổ chức công ty đã được quy định bởi Luật DN 2005, luật về hợp đồng (Bộ luật Dân sự , Luật Thương mại 2005), luật về tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Ví dụ có thể lược nhẹ các Điều 82 - 98 Dự thảo Nghị định về quản lí nhà nước về đầu tư; chức phận của các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã khá rõ trong Luật Tổ chức chính phủ và các nghị định về thẩm quyền các bộ, không cần nhắc lại ở văn bản này. Trong chương này có thể chỉ nên giữ lại Điều 98 về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các chủ đầu tư với nhau và với nhà nước.

2. Vấn đề của chúng ta: Được và mất trong các liên doanh quốc tế

Khác với người soạn Luật DN 2005 mơ cho dân doanh nhiều và mạnh như có thể, người soạn Luật ĐT có thể có những băn khoăn trong tiết độ vốn nước ngoài cho phù hợp với các mục đích trong nước. Nếu vay 750 triệu USD từ thị trường chứng khoán New York (với giá khá đắt so với Mã Lai và Inđônexia), để rồi đổ dồn cho một công ty Vinashin, làm cho vốn đầu tư của công ty này đã bằng ¾ quy mô của hãng đóng tàu Hyundai, người ta có thể hỏi rằng so với đầu tư lớn như thế, ngành đóng tàu có mang lại giá trị gia tăng đáng kể gì cho Việt Nam, trong khi sắt thép, động cơ, sơn và thiết bị đều nhập ngoại, còn nước ta chỉ đóng góp nhân công và hứng lấy những ô nhiễm trầm trọng về môi sinh [2].

Những cảnh báo khác cũng xuất hiện khi doanh nghiệp Việt Nam tốn công giải tỏa mặt bằng, góp phần phổ cập thương hiệu và xây dựng hệ thống tiêu thụ cho doanh nhân nước ngoài trong các liên doanh, để rồi một ngày do thua lỗ, bên nước ngoài dường như thôn tính phần vốn trong nước với giá rẻ. Chắc rằng khuyến khích đầu tư nước ngoài sẽ dẫn tới những được và mất cho nền kinh tế quốc nội, và một trọng tâm không thể tránh được của Luật ĐT 2005 là cân đối giữa lợi ích của Việt Nam như một nước tiếp nhận đầu tư và lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là một vấn đề lớn bởi lẽ một phần lớn (khoảng 70% dự án) các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được thực hiện dưới hình thức các liên doanh giữa bên nước ngoài và bên Việt Nam, trong đó bên Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhà nước (98% trong các dự án liên doanh). Lựa chọn hình thức liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài có một số ưu điểm như: tiếp cận thị trường nội địa nhờ góp sức của bên Việt Nam, tiếp cận nguồn đất đai đang do doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ mà chưa sử dụng, có được hậu thuẫn của các cơ quan nhà nước Việt Nam, nhất là cơ quan chủ quản của bên Việt Nam và chia sẻ rủi ro. Tuy vậy, hình thức liên doanh cũng bộc lộ khá nhiều yếu điểm, ví dụ như việc quản trị công ty đôi khi rất khó khăn do triết lí và văn hóa kinh doanh của các bên khác nhau, đôi khi bên Việt Nam có khả năng vốn rất hạn chế, sau khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thường lệ thuộc vào bên nước ngoài trong việc tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung hoặc tìm kiếm thị trường.

Dù chưa có chứng minh bằng thực nghiệm và cơ sở dữ liệu, song có nhiều dấu hiệu cho thấy bên nước ngoài có thể thao túng liên doanh khá dễ dàng, nếu bên Việt Nam thường chỉ là các doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ vốn góp áp đảo (thường 70% vốn góp từ nước ngoài) chỉ là một khía cạnh. Thậm chí, bên nước ngoài chỉ cần chiếm một tỷ lệ vốn rất thấp, kiểu như 10% cổ phần của các cổ đông chiến lược nước ngoài trong các ngân hàng quốc nội, song cổ đông nhỏ bé ấy vẫn có thể thao túng công ty, bởi lẽ phần quốc nội, dù là 30% hay tới 90%, đều không có đại diện rõ ràng. Bằng cách mua chuộc đại diện bên Việt Nam trong Hội đồng quản trị các liên doanh những lợi ích tư, ví dụ lương bổng cao (2,500-3,000 USD/tháng), cấp học bổng cho người thân, bên nước ngoài có thể vô hiệu hóa vai trò giám sát của các vị đại diện quốc hữu này và khai thác khối tài sản hầu như vô chủ góp từ Việt Nam [3].

Bởi vậy, cần nhấn mạnh rằng Luật ĐT có một mục đích hết sức hệ trọng là cân đối lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, khống chế chúng vì lợi ích của nước nhận đầu tư. Cần nhận rõ cách làm của gần 20 năm qua đã có những thành công và thất bại gì để thiết kế những cách giám sát mới, nếu không muốn biến nước ta thành một nơi khai thác nhân công rẻ, một nơi để tư bản nước ngoài xâu xé thị trường và các nguồn tài nguyên và cũng như tận thu phế thải công nghệ.

3. Xung đột lợi ích thường gặp trong liên doanh quốc tế

Từ quan sát thực tiễn, có thể thấy những xung đột lợi ích dưới đây thường xuất hiện trong các liên doanh quốc tế:

- Do bên Việt Nam thường là doanh nghiệp nhà nước, cho nên tìm kiếm sự đồng ý về nguyên tắc của cơ quan chủ quản, UBND các tỉnh và cơ quan hữu trách đôi khi cũng là một quy trình tốn kém thời gian. Bên nước ngoài đôi khi phải thuê công ty tư vấn đầu tư hoặc tư vấn pháp lí để thu xếp các sự đồng ý về nguyên tắc này. Nếu người trung gian này là người nhà thân thiết với lãnh đạo các cơ quan hữu trách kể trên thì quá trình tìm kiếm chấp thuận có thể diễn ra nhanh. Thời gian cho các bước cấp phép đầu tư theo các Điều 67, 68, 69 Dự thảo Nghị định trên thực tế chắc sẽ ít ý nghĩa, bởi nó chỉ công khai hóa các bước vận động nửa chìm nửa nổi như mô tả kể trên. Thêm nữa, quy ước như vậy mà không chế tài được, không ép được cơ quan nhà nước phải thực hiện, thì ý nghĩa pháp lí cũng thấp. Đây là thói quen có từ gần 10 năm nay, ban soạn thảo Nghị định có thể duy trì, song có thể dự báo hiệu ứng xã hội của các quy phạm kiểu này sẽ không cao.

- Tham gia Hội đồng quản trị thường có đại diện bên Việt Nam, mặc dù góp ít vốn song thường có cơ cấu ít nhất hai thành viên (ví dụ trong 5 thành viên Hội đồng quản trị sẽ có 02 đại diện bên Việt Nam và 03 đại diện bên nước ngoài). Điều thú vị là bên Việt Nam xem vị trí Hội đồng quản trị như là bổng lộc, thường đem chia thành hai xuất: 01 xuất dành cho doanh nghiệp trực tiếp tham gia liên doanh, 01 xuất dành cho cơ quan cấp trên, ví dụ một thành viên của Tổng công ty Hóa chất liên doanh với P&G, thì đơn vị thành viên cụ thể được cử một xuất Hội đồng quản trị, Tổng công ty cử một đại diện tham gia. Khi vận hành theo công ty cổ phần hay công ty TNHH theo Luật DN 2005, thói quen này có thể sẽ không được áp dụng nữa, vì Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Đại hội đồng cổ đông sẽ thay thế Hội đồng quản trị theo cách hiểu cũ. Bởi vậy, nếu muốn duy trì tiếng nói của bên Việt Nam trong liên doanh có lẽ nên suy tính các quy tắc chuyển đổi, hay các điều lệ mẫu áp dụng cho liên doanh.

- Cần có những khảo sát kĩ lưỡng hơn để đánh giá xem các đại diện của bên Việt Nam trong Hội đồng quản trị các liên doanh có thực sự đại diện cho lợi ích của bên Việt Nam, hay chú ý nhiều hơn đến lợi tư (lương cao, thường từ 2,500 - 3,000 USD/tháng và nhiều lợi ích tưkhác). Nay nếu đổi các Hội đồng quản trị thành các Hội đồng thành viên hay Đại hội đồng cổ đông, cơ chế thúc ép, giám sát người đại diện Việt Nam phải trung thành với lợi ích của bên Việt Nam vẫn còn hết sức thời sự và cần được đặt ra. Điều này chưa thấy được làm rõ trong Dự thảo nghị định.

- Rắc rối trong quản trị liên doanh quốc tế đôi khi cũng do bên Việt Nam có quyền phủ quyết khi bổ nhiệm Tổng giám đốc/Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thông qua điều lệ công ty liên doanh. Về nguyên tắc thông qua theo đa số tuyệt đối hay còn gọi là nguyên tắc nhất trí, Luật DN chỉ có một quy định duy nhất tại khoản 2 Điều 30 Luật DN 2005, theo đó định giá vốn góp phải theo nguyên tắc nhất trí (unanimous voting), các việc khác theo đa số, nếu không được thỏa thuận trong điều lệ công ty. Nếu muốn giữ cơ chế bảo vệ cũ, cũng nên tìm cách soạn thảo điều lệ mẫu cho liên doanh quốc tế và hối thúc các nhà đầu tư tuân thủ điều lệ mẫu, nếu thỏa thuận khác đi phải giải trình trước cơ quan đăng kí.

- Hiện nay khi liên doanh với nước ngoài, có thể xuất hiện nhiều rủi ro khác nữa, ví dụ như các rủi ro dưới đây:

+ Nguy cơ bên nước ngoài khai khống vốn, rút lãi về qua chênh lệch giá (price transfering), rút lãi về qua lương bổng quá cao cho nhân viên nước ngoài;

+ Nguy cơ bên nước ngoài ép mua vật tư, bao tiêu sản phẩm, dìm giá bán hàng trong khi bao tiêu sản phẩm;

+ Nguy cơ bên nước ngoài thao túng sổ sách, không tiết lộ thông tin, không cung cấp thông tin cho cổ đông Việt Nam, buộc công ty liên doanh quảng cáo bằng chi phí công ty con cho danh tiếng công ty mẹ, thua lỗ, ép bên Việt Nam bán lại cổ phần sau khi công ty thua lỗ;

+ Các mục đích du nhập quản trị công ty hiện đại, du nhập công nghệ thông qua liên doanh quốc tế khó có thể thực hiện được, bởi khối tài sản của doanh nghiệp nhà nước thường bị tách thành 2 phần, phần đem góp vào liên doanh và phần giữ nguyên sở hữu và quản trị lạc hậu;

+ Các rủi ro về môi trường sống, đầu tư kém chất lượng biến nước ta trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu.

Tóm lại, Luật ĐT 2005 và nghị định hướng dẫn thi hành, nếu đặt mục tiêu bảo vệ lợi ích của nước nhận đầu tư, phải tìm các công cụ để bảo vệ bên Việt Nam trước các nguy cơ phổ biến kể trên. Điều đáng lưu ý là, Luật DN 2005, với tư cách là một đạo luật chung, không cung cấp các công cụ riêng cho các liên doanh quốc tế. Nghị định hướng dẫn Luật ĐT 2005 nên xem việc quản trị những rủi ro này là một trọng tâm.

4. Luật DN và Luật ĐT 2005: Hai phản ứng khác nhau của nhà làm luật

Bảo vệ quyền lợi của bên Việt Nam suy cho cùng cũng là bài toán bảo vệ cổ đông, bảo vệ đối xử bình đẳng giữa các cổ đông trong một công ty- một chủ đích mà cả hai đạo luật về doanh nghiệp và đầu tư cùng quan tâm. Tuy nhiên có thể nhận thấy hai đạo luật này tiếp cận bài toán bằng các công cụ khác nhau. Trong khi Luật DN 2005 tìm cách hạn chế cấp phép, gia tăng hậu kiểm, buộc doanh nghiệp tuân thủ kỷ luật báo cáo và bị giám sát thường xuyên (ex post control), thì Luật ĐT 2005 duy trì tư duy truyền thống, kiểm tra ngay từ khi tổ chức thực hiện dự án (ex ante control), duy trì kiểm soát khi đăng kí đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài nhỏ hơn 300 tỷ đồng phải đăng kí, lớn hơn 300 tỷ đồng phải thẩm tra để cấp phép đầu tư [4].

Người soạn luật đã làm rõ mục đích của việc đăng kí tại khoản 4 Điều 62, theo đó cơ quan đăng kí chỉ ghi nhận các hồ sơ được nộp, mà không thẩm định, cũng không có quyền đòi thêm hồ sơ. Ngược lại, với các dự án lớn hơn 300 tỷ đồng, các tiêu chí thẩm tra cũng đã được liệt kê tại khoản 4 Điều 63. Hai quy chế này, theo thiển nghĩ của tôi đã được thiết kế rõ ràng, thành công, dễ tiên liệu (tuy nhiên mọi hoạt động tìm kiếm chấp thuận về góp đất và tài sản của doanh nghiệp nhà nước, của quan chức các cấp vẫn phải diễn ra trước khi đăng kí dự án như đã mô tả ở trên).

Điều cần thảo luận ở đây là liệu người làm luật có nên dồn cho Thủ tướng quá nhiều nghĩa vụ của một nhà kinh doanh, như xem xét phê duyệt các dự án đầu tư từ viễn thông, thuốc lá điếu, cho đến phát thanh, giáo dục, nghiên cứu, y tế, báo chí, như quy định tại Điều 53 Dự thảo Nghị định. Nên suy tính để mạnh dạn tản quyền hơn, hoặc thiết kế một hội đồng chuyên môn mang tính giám định, phản biện chính sách quốc gia, tránh thói quen biến chính khách thành công chức thừa hành vụ việc, ví dụ như quy định Thủ tướng phải xem xét, chấp thuận từng dự án vụn nhỏ như mở các trường tư.

Thêm nữa, có nên giản lược cho nhà đầu tư số lượng 8 hoặc 10 bộ hồ sơ mà người soạn luật yêu cầu, hoặc có cách nào kết nối thông tin giữa các bộ phận quản lí hành chính tiện ích và chính xác hơn chăng. Hình ảnh các giám đốc phải ngồi cả ngày để kí từng trang của các tệp hồ sơ là dấu hiệu ban đầu không thân thiện với các nhà đầu tư. Cần lí giải lí lẽ vì sao cần đến 8-10 bộ hồ sơ, phải chăng có quá nhiều cơ quan nhà nước cùng tham gia quản lí đầu tư nước ngoài, song đơn vị nào cũng muốn quản lý thông tin của mình mà không muốn chia sẻ với cơ quan khác.

Ngoài ra, đăng kí hay thẩm tra sẽ đạt được mục đích gì, nếu trong quá trình hoạt động nhà đầu tư nước ngoài không tuân thủ các cam kết trong hồ sơ đăng kí. Vụ việc các trung tâm Anh ngữ SITC đã cho thấy những khuyết tật đáng ngờ của cơ chế tiền kiểm, các loại giấy phép đầu tư đã không cản được SITC thành lập hàng chục chi nhánh trên toàn quốc, không tuân thủ báo cáo tài chính, quỵt tiền lương của hàng ngàn giáo viên và tiền học phí của gần 3 vạn học viên trên 21 tỉnh thành toàn quốc. Những bài học cay đắng khác với Trường Quốc tế Hà Nội, Trường Đại học Á Châu đều cảnh báo những nguy cơ của hệ thống tiền kiểm. Mục đích của việc đăng kí chắc rằng cũng phải giúp bảo vệ chủ nợ Việt Nam (người làm công, học sinh), bảo vệ môi trường sống, và xa hơn là cải thiện nỗi lo lạc hậu về công nghệ. Liệu hệ thống tiền kiểm đã chứng minh được hiệu quả trong gần 20 năm qua, hay cần phải tính tới những biện pháp can thiệp và phản ứng hiệu quả hơn của cơ quan nhà nước đối với đầu tư nước ngoài? Đây là điều cần khảo cứu kĩ lưỡng hơn trước khi quyết định duy trì hệ thống tiền kiểm truyền thống. Theo thiển nghĩ của tôi, nên gia tăng giám sát sau đăng kí, cưỡng bức mạnh mẽ trách nhiệm báo cáo, ví dụ như đe dọa bỏ tù giám đốc nếu từ chối báo cáo tài chính- chẳng hạn như pháp luật Anh Quốc, tăng cường nghĩa vụ kiểm toán độc lập, buộc kí quỹ, buộc mua bảo hiểm đối với những dự án có nguy cơ gây hại đến môi sinh. Những hình thức can thiệp này dường như sẽ hiệu quả hơn chỉ là giám sát ban đầu qua đánh giá tác động môi trường.

So với các quy định chung về tổ chức công ty đã được ghi nhận tại Luật DN 2005, phát triển thêm một số ý tưởng của các điều 46, 47 Luật ĐT 2005, Dự thảo Nghị định đưa ra một số quy định riêng khi thành lập liên doanh [5]. Trong khi công ty trong nước chỉ hoạt động theo điều lệ, mà không cần hợp đồng thành lập công ty, liệu khi thành lập công ty liên doanh bên cạnh điều lệ công ty có cần hợp đồng liên doanh cho liên doanh quốc tế [6]. Có thể phải xem thêm nội dung của hợp đồng liên doanh có gì khác với điều lệ công ty liên doanh, nếu không khác đáng kể thì không cần quy định. Sự khác biệt về thời hạn đầu tư có thể là một lí lẽ chưa đủ sức thuyết phục. Trên thực tế, hợp đồng sẽ rất cần đối với các liên kết lỏng lẻo kiểu như hợp doanh/hợp danh (BCC), song dường như đã được thay thế một phần bởi điều lệ trong công ty trách nhiệm hữu hạn và càng ít ý nghĩa trong công ty cổ phần. Ban soạn thảo cần lưu ý vấn đề này trước khi quy định chung cho liên doanh ở các loại hình công ty khác nhau.

Ngoài những nhận định kể trên, nếu tư duy theo mô thức doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm hoặc hạn chế, bởi vậy việc liệt kê các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp như Điều 8, Điều 9 Luật DN 2005 thực ra chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà rất ít ý nghĩa pháp lí có tính cưỡng bức phải thi hành. Tương tự như vậy, các điều 34 - 40 của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật ĐT 2005 liệt kê các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, song ý nghĩa thực tiễn của các điều này có thể không nhiều, bởi nhà đầu tư đương nhiên được hưởng quyền thông qua các hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư, các cam kết của nhà nước Việt Nam (Nghị định không cần cho, họ cũng đã có những quyền đó). Thêm nữa, nếu bị hạn chế, ví dụ về ngoại hối hay sử dụng nhân công, đều đã có pháp luật chuyên ngành. Việc sử dụng thuật ngữ nên nhất quán, tránh làm rối người phải thi hành với những quy định về “nghĩa vụ và trách nhiệm” ngay trong cùng một điều luật (Điều 43 Dự thảo Nghị định). Nếu là nghĩa vụ pháp lí thì mới cưỡng chế thi hành được, còn trách nhiệm chung chung thì rất khó thực thi.

5. Một số kết luận ban đầu

Từ những quan sát ban đầu, có thể thấy một đạo luật 89 điều đang chuẩn bị được hướng dẫn thi hành bởi một nghị định đồ sộ hàng trăm điều với quyền tự do giải thích luật rộng rãi của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Trong bối cảnh cả thế giới đang tìm cách giảm thiểu quy chế hành chính và tìm cách viết luật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thi hành cho giới doanh nhân, có thể ban soạn thảo nghị định cần suy tính tập trung vào những điều trọng yếu nhất mà Luật ĐT cần hướng tới. Trong khi đăng kí dự án đối với đầu tư của tư nhân trong nước có thể chưa là mục đích chính, thì việc bảo vệ lợi ích của nước nhận đầu tư, hạn chế lạm quyền bởi nhà đầu tư nước ngoài nên là một chủ đích rất đáng quan tâm. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong các dự án liên doanh với nước ngoài, bởi đa số đối tác Việt Nam trong các dự án này đều là doanh nghiệp quốc doanh. Sự không rõ ràng về sở hữu toàn dân đã và đang là cơ hội để các nhà tư bản lão luyện nước ngoài khai thác nhằm khống chế các liên doanh hoạt động theo ý đồ kinh doanh của họ. Luật ĐT và các văn bản hướng dẫn thi hành không thể né tránh thực tiễn đó.

[1] Điều 22 Luật ĐT 2005

[2] David Dapice, Fear of Flying: Why is Sustaining Reform so hard in Vietnam, Review of 20 years of Doi Moi in Vietnam, Hanoi, June 15-16, 2006

Vũ Thành Tự Anh, Huỳnh Thế Du, FETP Faculty Publication, có thể tải về từ:

http://www.fetp.edu.vn/home.cfm?rframe=/research_casestudy/facresearchliste.htm

Luật ĐT 2005: Luật ĐT 2005 ban hành ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006.

Dự thảo Nghị định: Dự thảo (số 14) hướng dẫn thi hành Luật ĐT 2005; Bộ KH&ĐT, ngày 13/06/2006.

[3] Thảo Nguyên, 2006, Quản lí phần vốn nhà nước: Hãy nhớ bài học liên doanh, Tia sáng 1/2006, tr. 59

[4] Điều 62, 63 Dự thảo Nghị định

[5] Xem các điều 77 - 80 Dự thảo Nghị định Luật ĐT 2005

[6] Điều 62, Điều 78 Dự thảo Nghị định Luật ĐT 2005

 

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH TRONG DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH: MỘT SỐ GÓP Ý NHẰM THỰC THI LUẬT ĐẦU TƯ 2005

Tác giả TS. PHẠM DUY NGHĨA
Tạp chí tạp chí khoa học pháp lý số 4( 35)/2006
Năm xuất bản 2006
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ