Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

CẦN LÀM RÕ CƠ CHẾ BẢO ĐẢM QUYỀN

CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

TS. Nguyễn Thị Lan Hương

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

1. Xác định mục đích ban hành

Mỗi đạo luật đều có mục đích cũng như phạm vi điều chỉnh riêng. Bởi vậy, Dự thảo Luật Chứng khoán (Dự thảo 1/2006) hiện chưa quy định về mục đích ban hành là chưa hợp lý. Theo chúng tôi, việc quy định mục đích ban hành Luật Chứng khoán là cần thiết, bởi vì Luật Chứng khoán là văn bản thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, tạo ra kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp; mặt khác, để khuyến khích sự tham gia và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư chứng khoán.

Luật Chứng khoán của Trung Quốc ghi rõ mục đích là “quy phạm hoá hành vi phát hành và giao dịch chứng khoán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, duy trì và bảo vệ lợi ích của cộng đồng, trật tự kinh tế, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Điều 1)[1]. Còn Luật Chứng khoán Nhật Bản quy định rằng: “Mục đích của Luật Chứng khoán là bảo đảm công bằng trong phát hành, mua bán chứng khoán và các giao dịch khác, bảo đảm việc lưu thông chứng khoán thuận lợi để vận hành nền kinh tế và bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư” (Điều 1)[2].

Theo chúng tôi, ở nước ta, điều khoản về mục đích ban hành của Luật Chứng khoán nên được quy định như sau: “thực hiện công bằng trong việc phát hành, mua bán chứng khoán và các giao dịch khác để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. Bảo đảm quyền của nhà đầu tư trong quan hệ với công ty đại chúng

Các nguyên tắc[3] đề ra trong Dự thảo đã định hướng rõ nét tinh thần bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Dự thảo chưa thể hiện rõ quyền và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của nhà đầu tư nói chung.

2.1. Bảo đảm quyền của nhà đầu tư tiếp cận thông tin của công ty đại chúng

Công khai thông tin là một chế định quan trọng trong Luật Chứng khoán, gắn với nghĩa vụ của công ty đại chúng trong việc công khai thông tin theo đúng nội dung, trình tự do pháp luật quy định. Thông thường, việc công khai thông tin được thực hiện ở hai giai đoạn là công bố thông tin ở thị trường phát hành và công bố thông tin ở thị trường lưu thông.

Ở thị trường phát hành, thông tin từ công ty phát hành là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá giá trị thực của chứng khoán phát hành. Nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện quyền được tiếp cận thông tin của công ty đại chúng khi quyền này được pháp luật công nhận. Tức là, ngay trong giai đoạn phát hành chứng khoán ra công chúng, nhà đầu tư phải được biết thông tin về công ty phát hành, cụ thể là về nội dung hồ sơ đăng ký chào bán được Uỷ ban Chứng khoán tuyên bố có hiệu lực.

Tuy nhiên, Điều 20 Dự thảo chỉ quy định nghĩa vụ của công ty đại chúng còn chung chung, chưa quy định chi tiết về thời hạn các công ty và các cơ quan chức năng phải hoàn tất thủ tục công bố thông tin liên quan. Bởi vậy, nhà đầu tư khó có thể thực hiện được quyền tiếp cận thông tin của mình.

Ở thị trường lưu thông, việc công khai thông tin khác với ở thị trường phát hành là công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ năm, quý hoặc theo yêu cầu. Điều 22 Dự thảo đã quy định về nghĩa vụ của công ty đại chúng, nhưng lại viện dẫn áp dụng theo quy định của Chính phủ, pháp luật về tài chính, kế toán và kiểm toán... Quy định như vậy cũng khó xác định cụ thể quyền của nhà đầu tư sẽ được thực hiện như thế nào.

Hiện nay, công bố thông tin của công ty niêm yết là nghĩa vụ độc quyền của các Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Việc không chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ trong lập báo cáo tài chính và thủ tục công bố cứng nhắc đã dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư bị thiệt hại do nhận thông tin sai lệch và nguy cơ có giao dịch nội gián. (Xem thêm Hộp 1).

 

Hộp 1: Ngày 16/10/2004, Trung tâm giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) TP. Hồ Chí Minh đã đăng kết quả sản xuất kinh doanh quý III của Công ty cổ phần Bao bì xi măng Bỉm Sơn (BPC). Sau đó, ngày 22/10/2004, TTGDCK lại đăng kết quả sản xuất kinh doanh qúy III của Công ty với lợi nhuận sau thuế thấp hơn lần công bố 1 gần 800 triệu đồng. Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu trước khi công bố thông tin lần 2 đã bị lỗ do đầu tư dựa trên thông tin tài chính không chính xác (lần 1). Trong trường hợp này, trách nhiệm đối với công bố thông tin sai lệch chưa được làm rõ. 

Ngày 18,19/10/2004, có người bán đến 20.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần bánh kẹo Biên Hoà (BiBica). Ngày 20/10/2004, Bản tin TTGDCK mới công bố thông tin không tốt của công ty, lợi nhuận cả 3 quí không đạt nổi 50% kế hoạch năm. Trong sự việc này, các nhà đầu tư nghi ngờ giao dịch trên có thông tin nội gián (Theo Đầu tư Chứng khoán Số 255, 25/10/2004, tr.11).

 

Nếu pháp luật quy định rõ thời hạn công bố thông tin, đa dạng hoá phương tiện công bố thông tin thì nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin chính xác, đưa ra quyết định đầu tư kịp thời và tránh được những thiệt hại phát sinh. Đồng thời, với việc thể chế hoá quyền và nghĩa vụ cụ thể trong công bố thông tin của công ty đại chúng, sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cổ đông khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc giám sát hành vi vi phạm[4].

2.2. Cổ phiếu quỹ của công ty đại chúng

Khoản 9 Điều 7 của Dự thảo định nghĩa cổ phiếu quỹ là “cổ phiếu được chính công ty mua lại trong số cổ phiếu đã phát hành”. Khi công ty đại chúng mua bán cổ phiếu của mình, phải thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin về số lượng cổ phiếu được mua lại, bán lại; nguồn vốn để mua, bán lại; thời gian mua, bán lại. Ngoài ra, Chính phủ có nghĩa vụ quy định chi tiết về việc mua, bán lại cổ phiếu của công ty đại chúng (Điều 22). Những quy định trên chỉ trao quyền cho công ty đại chúng trong việc sở hữu cổ phiếu quỹ mà chưa xác định rõ phương thức mua và giới hạn sở hữu cổ phiếu quỹ của công ty đại chúng.

Tại Điều 91 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 có quy định về quyền của công ty mua lại cổ phần của mình: “Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây: Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong mỗi mười hai tháng. Trong trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định…”. Tuy nhiên, việc sở hữu cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm phần vốn kinh doanh của công ty, tức là có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông. Bởi vậy, để bảo vệ nhà đầu tư là cổ đông trước nguy cơ sở hữu cổ phiếu quỹ, theo chúng tôi, Dự thảo cần phải quy định cụ thể về nội dung công khai nghị quyết về mua cổ phần và thời hạn thực hiện nghĩa vụ báo cáo của công ty đại chúng cùng với chỉ dẫn áp dụng Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế[5], việc công ty đại chúng mua cổ phiếu của mình được tiến hành bằng phương thức mua công khai, có nghĩa là, công ty phải chào mua công khai trong một khoảng thời gian nhất định trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Việc chào mua công khai củng cố cơ hội nắm bắt được thông tin và tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng cho các nhà đầu tư trong mối quan hệ với công ty đại chúng. Đây là điểm Dự thảo cần bổ sung.

2.3. Các loại giao dịch bị cấm và chế tài xử phạt

Chương VII Dự thảo quy định về thanh tra và xử lý vi phạm, mặc dù đã xác định các vi phạm và dẫn chiếu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, nhưng chưa thể hiện tính cưỡng chế thi hành, và đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia.

Việc xác định các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt cụ thể ngay trong Luật Chứng khoán đã được nhiều nước công nhận, chẳng hạn như ở Nhật Bản, đối với mỗi hành vi vi phạm, điều khoản liên quan đều đưa ra định nghĩa và chế tài xử phạt cụ thể. Ví dụ về giao dịch nội gián bị cấm: người có liên quan đến giao dịch cổ phiếu của công ty trước khi công bố thông tin là người quản lý, người đại diện, người sử dụng lao động và người lao động của công ty đại chúng, kể cả trong công ty mẹ và công ty con (Khoản 1 Điều 166). Những người thực hiện hành vi giao dịch này bị phạt tù đến 3 năm, hoặc bị phạt tiền 3 triệu Yên (Khoản 1,19 Điều 198). Đối với người nhận được thông tin nội gián từ người quản lý của pháp nhân (Khoản 3 Điều 166), thì tài sản thu được do giao dịch sẽ bị tịch thu (Khoản 2 Điều 198).

Tuy mỗi nước có quan điểm xây dựng pháp luật riêng và hình thái của các vi phạm có khác nhau, nhưng nếu phát huy tính phòng ngừa vi phạm của các chế tài xử phạt thì có lẽ, Luật Chứng khoán nên quy định rõ chế tài xử lý vi phạm.

 

Hộp 2

Nghị định số 161/2004/NĐ-CP ban hành ngày 7/9/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm. Trung tâm Giao dịch chứng khoán là tổ chức theo dõi, Uỷ ban Chứng khoán là cơ quan xử lý vi phạm. Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định về một số tội danh liên quan đến vi phạm Luật Chứng khoán.

 

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và thời hiệu khởi kiện

Điều 90 của Dự thảo quy định tổ chức và cá nhân bị thiệt hại có quyền tự mình hoặc cùng tổ chức, cá nhân bị thiệt hại khác tiến hành khởi kiện để đòi tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại phải bồi thường. Các quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể kể ra là: quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do cung cấp thông tin sai lệch, quyền yều cầu bồi thường thiệt hại do hành vi thao túng thị trường, hay quyền yêu cầu hoàn trả lợi ích do có giao dịch nội gián...

Hàng hoá giao dịch trên thị trường chứng khoán là các giấy tờ có giá, việc xác định giá trị bồi thường mang tính đặc thù do giá chứng khoán thay đổi từng giờ, từng phút. Nếu Luật Chứng khoán quy định rõ cách xác định giá trị bồi thường thì việc áp dụng pháp luật sẽ đơn giản hơn nhiều. Luật Chứng khoán nhiều nước trên thế giới quy định cách xác định bồi thường thiệt hại. Ví dụ, ở Nhật Bản, giá trị bồi thường thiệt hại do cung cấp thông tin sai lệch là khoản chênh lệch giữa số tiền đã thanh toán và giá thị trường vào thời điểm yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu không xác định được giá thị trường thì là giá được suy đoán (khoản 1 Điều 19).  

Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật ở nước ta, khi luật chuyên ngành không có quy định áp dụng thì sẽ áp dụng luật chung. Chẳng hạn, đối với các vi phạm Luật Chứng khoán đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể áp dụng Bộ luật Hình sự để giải quyết. Tuy nhiên, như vậy, Luật Chứng khoán sẽ không phát huy được vai trò phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Bởi vậy, theo chúng tôi, nên quy định mức bồi thường thiệt hại và chế tài trách nhiệm cụ thể ngay trong Luật Chứng khoán.

Ngoài ra, Dự thảo chưa quy định việc xác định thời hiệu thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên có thể suy đoán rằng, đối với các tranh chấp liên quan sẽ áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 427 của Bộ luật Dân sự để giải quyết. Tuy nhiên, giao dịch chứng khoán là giao dịch mang tính chất đặc thù, bởi vậy, khi có hành vi vi phạm có nhất thiết phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện là 2 năm hay không cũng là một vấn đề cần xem xét.

4. Thu hồi lợi nhuận từ các giao dịch không công bằng

Điều 23 của Dự thảo quy định về giao dịch không công bằng như sau: “Thành viên hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, người phụ trách tài chính, phụ trách kế toán, và người quản lý khác... không được sử dụng những thông tin có được do mối quan hệ với công ty đại chúng để thực hiện giao dịch chứng khoán... Mọi khoản lợi nhuận do những người trên thu được từ việc mua và bán hoặc bán và mua chứng khoán của công ty đại chúng trong vòng 6 tháng được coi là thuộc về công ty đại chúng và công ty đại chúng có quyền thu hồi”.

Về bản chất, giao dịch không công bằng là giao dịch trong đó một bên tham gia giao dịch thực hiện những hành vi pháp luật cấm và gây thiệt hại cho bên kia. Theo thông lệ các nước quy định, giao dịch không công bằng là những giao dịch bị cấm (như giao dịch nội gián, giao dịch có lừa dối hoặc có thao tác thị trường). Trong trường hợp có hành vi vi phạm xảy ra, cổ đông - nhà đầu tư sẽ được bảo vệ bằng quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì người thu được lợi ích bất hợp pháp từ giao dịch bị cấm sẽ bị xử phạt hoặc bị tịch thu tài sản[6].

Như vậy, theo quy định Điều 23 của Dự thảo, giao dịch tư lợi của thành viên Hội đồng quản trị, hay Ban Giám đốc công ty chưa chắc đã gây thiệt hại cho công ty mà có thể làm mất niềm tin của nhà đầu tư và trật tự của thị trường, bởi vậy, không phải công ty mà là nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc lợi ích bất hợp pháp thu được sẽ bị tịch thu./.

 


[1] Luật Chứng khoán Trung Quốc 1998, sửa đổi gần đây năm 2005 (bản tiếng Nhật).

[2] Luật Chứng khoán Nhật Bản 1948, sửa đổi gần đây năm 2005 (bản tiếng Nhật).

[3] Xem: Điều 4 của Dự thảo Luật chứng khoán 1/2006.

[4] Luật Chứng khoán Trung Quốc (sửa đổi năm 2005) quy định nghĩa vụ công bố thông tin của công ty sau khi được Sở giao dịch Chứng khoán thẩm tra là: công ty phải công bố thông tin và phải đặt thông tin đó ở nơi được chỉ định để công chúng xem (Điều 53). Đối với Báo cáo sáu tháng một lần, thì sau khi kết thúc kỳ quyết toán trong vòng hai tháng (Điều 65), đối với Báo cáo quyết toán năm, thì sau khi kết thúc kỳ quyết toán trong vòng bốn tháng (Điều 66), công ty niêm yết phải gửi báo cáo về tình hình công ty, tình hình tài chính, nhân sự, v.v.. đến Cơ quan quản lý chứng khoán thuộc Quốc Vụ viện và Sở giao dịch Chứng khoán, và phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. 

[5] Chẳng hạn, Luật Chứng khoán Nhật Bản quy định về nghĩa vụ mua công khai cổ phiếu của chính công ty đại chúng tại điểm 2,3,4, Khoản 22, Điều 27.

[6] Tham khảo mục 3 của bài này.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP số 03/2006

CẦN LÀM RÕ CƠ CHẾ BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Tác giả TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tạp chí TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP số 03/2006
Năm xuất bản 2006
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ