Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI WTO – THỰC TIỄN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI WTO – THỰC TIỄN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được đưa ra trên cơ sở kế thừa và rút kinh nghiệm từ những bất cập trong các quy định về giải quyết tranh chấp đã từng phát huy tác dụng tích cực trong hơn 50 năm trong lịch sử GATT 1947. Điều này đã góp phần nâng cao tính xét xử của thủ tục này cũng như tăng cường tính ràng buộc của các quyết định tranh chấp.

Mặc dù tính cưỡng chế của các Khuyến nghị do cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB) đưa ra vẫn còn nhiều hạn chế nhưng với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của WTO tới các quốc gia Thành viên, cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO vẫn được các quốc gia lựa chọn để xử lý các vấn đề vi phạm pháp luật thương mại quốc tế nói chung và các tranh chấp liên quan đến các biện pháp Phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) nói riêng là một trong những nội dung thường xuyên xảy ra giữa các quốc gia thành viên.

Mục tiêu căn bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO là nhằm đạt được một giải pháp tích cực cho các bên trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc thực thi các Hiệp định của WTO. Trong bối cảnh các vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng thì việc sử dụng hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm hơn nữa. Bài viết này sẽ tìm hiểu tình hình sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

1.     Tình hình sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp

Trong năm kỷ niệm 20 năm thành lập, WTO đã đạt đến một cột mốc quan trọng khi tiếp nhận vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại thứ 500. Tổng giám đốc WTO – ông Roberto Azevêdo cho biết: "Điều này cho thấy hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đã có được niềm tin to lớn của các nước thành viên, và hệ thống này đã được đánh giá là một cơ chế công bằng, hiệu quả và tích cực trong giải quyết các vấn đề thương mại".

Kể từ khi WTO được thành lập vào ngày 01 tháng 01 năm 1995, các nước thành viên đã bắt đầu tiến hành các vụ việc tranh chấp về một loạt các vấn đề thương mại khác nhau và các nước thành viên đang phát triển và phát triển cũng đã tiến hành các vụ việc khiếu nại với số lượng tương ứng. Trong khi phần lớn các khiếu nại tập trung vào quy định của WTO về trợ cấp và chống bán phá giá, các nước thành viên cũng đã khiếu kiện về các chế độ thuế quan khác nhau, các biện pháp an toàn thực phẩm, các cam kết trong các cơ chế dịch vụ, các quy tắc đóng gói và dán nhãn, các biện pháp bảo vệ động vật, và các chương trình môi trường. Trong số 500 vụ việc đã đệ trình, chỉ hơn một nửa vụ việc đạt đến giai đoạn tố tụng, cho rằng yêu cầu của hệ thống đối với các nước thành viên có liên quan nhằm cố gắng tìm ra một giải pháp thống nhất thông qua việc tham vấn với nhau để các vụ việc tránh phải bước vào giai đoạn tố tụng.

Vụ việc tranh chấp thứ 500 đã được gửi vào ngày 10 tháng 11 năm nay khi Pakistan đưa ra yêu cầu tham vấn với Nam Phi liên quan đến thuế chống bán phá giá tạm thời của Nam Phi đối với xi măng nhập khẩu từ Pakistan. Hai bên hiện nay sẽ tham vấn với mục đích đi đến một giải pháp thoả thuận thống nhất.

Tổng cộng có 300 vụ tranh chấp trong khoảng thời gian 47 năm được đưa ra theo hệ thống giải quyết tranh chấp của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) - tiền thân của WTO. Mặc dù hệ thống GATT đã hoạt động khá tốt, hệ thống giải quyết tranh chấp được đưa ra cùng với sự thành lập của WTO vào năm 1995 đã được thiết kế nhằm đảm bảo một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và đáng tin cậy hơn, bao gồm cả việc yêu cầu tự động thành lập Ban hội thẩm theo yêu cầu thứ hai[1] [Tobi1] của một thành viên WTO và thông qua các báo cáo giải quyết tranh chấp trừ khi tất cả các thành viên có quyết định khác. Các cơ chế của WTO cũng đưa ra khả năng kháng cáo đối với các báo cáo của Ban hội thẩm, một tính năng hiếm có trong giải quyết tranh chấp quốc tế vào thời điểm đó.

Các tranh chấp hiện nay nhìn chung là phức tạp và cồng kềnh hơn nhiều so với những tranh chấp trong thập kỷ đầu tiên của WTO. Bên cạnh đó, quy mô và tính chất bản đệ trình của các bên và độ dài các báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm cũng phát triển. Các tranh chấp hiện nay là rất khác so với suy nghĩ của những người soạn thảo các quy tắc giải quyết tranh chấp, và các khiếu kiện không phải xuất hiện hiếm hoi như các nước thành viên đã nghĩ. Kết quả là, các thành viên và Ban Thư ký WTO sẽ phải điều chỉnh hướng đến một thế giới mới về giải quyết tranh chấp của WTO.

Tổng giám đốc WTO đã phát biểu "Chúng tôi đang phân bổ thêm nguồn lực để giải quyết tranh chấp và đang làm việc với các nước thành viên để tìm giải pháp. Tôi tự tin rằng chúng tôi có thể làm việc với nhau để đảm bảo rằng hệ thống giải quyết tranh chấp tiếp tục cung cấp cho các nước thành viên với mức độ dịch vụ cao nhất có thể".

Một số số liệu về mức độ sử dụng thường xuyên hệ thống giải quyết tranh chấp của các nước thành viên WTO:

Thành viên

Bị đơn

Nguyên đơn

Antigua and Barbuda

1

0

Argentina

20

22

Armenia

0

1

Australia

7

15

Bangladesh

1

0

Belgium

0

3

Brazil

27

16

Canada

34

18

Chile

10

13

China

13

33

Colombia

5

4

Costa Rica

5

0

Croatia

0

1

Cuba

1

0

Czech Rep

1

2

Denmark

1

1

Dominican Republic

1

7

Ecuador

3

3

Egypt

0

4

El Salvador

1

0

European Communities

95

82

France

0

4

Germany

0

2

Greece

0

3

Guatemala

9

2

Honduras

8

0

Hong Kong, China

1

0

Hungary

5

2

India

21

23

Indonesia

10

13

Ireland

0

3

Italy

0

1

Japan

21

15

Korea

17

15

Malaysia

1

1

Mexico

23

14

Moldova

1

1

Netherlands

0

3

New Zealand

9

0

Nicaragua

1

2

Norway

4

0

Pakistan

5

3

Panama

7

1

Peru

3

5

Philippines

5

6

Poland

3

1

Portugal

0

1

Romania

0

2

Russian Federation

4

6

Singapore

1

0

Slovak Rep

0

3

South Africa

0

5

Spain

0

3

Sri Lanka

1

0

Sweden

0

1

Switzerland

4

0

Chinese Taipei

6

0

Thailand

13

3

Trinidad & Tobago

0

2

Turkey

2

9

Ukraine

4

3

United Kingdom

0

3

United States

108

124

Uruguay

1

1

Venezuela

1

2

Vietnam

3

0

 Tóm tắt các vụ tranh chấp (đến ngày 10 Tháng Mười Một 2015)

Đến nay, 500 tranh chấp đã được đưa lên WTO, trong đó:

• 110 vụ tranh chấp đã được giải quyết song phương hoặc rút đơn kiện

• 282 vụ tranh chấp đã tiến hành các giai đoạn tố tụng

Đối với phần còn lại, không có kết quả nào được thông báo cho WTO.

Tổng cộng có 102 nước thành viên đã tham gia vào một cuộc tranh chấp, hoặc là bên khiếu nại hoặc bị đơn hoặc là một bên thứ ba. Điều đó có nghĩa là 63% các thành viên đã sử dụng hệ thống.

Việc ủy quyền cho một thành viên trả đũa một lần đối với một thành viên khác đã cho là vi phạm các nghĩa vụ của WTO đã được thực hiện 18 lần, có nghĩa là chỉ có 10% các vụ tranh chấp đã đạt kết quả này cuối cùng.

Tỷ lệ tuân thủ phán quyết giải quyết tranh chấp là rất cao, khoảng 90%.

2.     Sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại

Trong số các vụ việc được được giải quyết tại DSB, số vụ việc liên quan đến các biện pháp PVTM chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Trong tổng số gần 500 vụ việc tranh chấp giải quyết tại WTO từ năm 1996 đến nay, có khoảng 250 vụ việc liên quan đến các quy định về PVTM[2].  Các số liệu những năm gần đây cho thấy các vấn đề về PVTM ngày càng thường xuyên là nội dung mà các quốc gia Thành viên đưa ra giải quyết tranh chấp tại WTO

Thống kê về các vụ việc tranh chấp tại WTO từ 2012 – 2015

Description: http://www.vca.gov.vn/uploads/image/2015/12_17/01.jpg

Nguồn: tổng hợp từ  www.wto.org

Theo số liệu tổng hợp từ trang thông tin chính thức của WTO, số lượng vụ việc khiếu nại tại WTO về PVTM những năm gần đây luôn chiếm từ 50% tổng số vụ việc. Trong 9 tháng đầu năm 2015, đã có 7 vụ việc tranh chấp liên quan đến PVTM được đưa ra giải quyết bằng cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO trên tổng số 10 vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế, chiếm 70% vụ việc. Trong số đó, 5 khiếu nại liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM [3], 2 khiếu nại về trực tiếp các chương trình trợ cấp của nước Thành viên[4]. Các số liệu này cho thấy các quốc gia theo sát việc cơ quan tiền hành điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM. Các vi phạm của cơ quan điều tra liên quan đến thủ tục thông báo, cơ sở tính toán biên độ bán phá giá, cơ sở đánh giá thiệt hại là những nội dung gây tranh chấp.

Trong số các vụ việc tranh chấp về PVTM gần đây, đáng chú ý có một số vụ việc do các nước đang phát triển là quốc gia khiếu kiện như Việt Nam và Indonesia. Điều này cho thấy mặc dù quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO là tương đối phức tạp và tốn kém, các quốc gia này vẫn lựa chọn sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước. Có thể thấy rằng, việc sử dụng các biện pháp PVTM cũng như sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO về PVTM đã rất quen thuộc với các quốc gia Thành viên, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Có một số nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc các quốc gia lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO để xử lý các vấn đề về phòng vệ thương mại. Trong số đó, có quan điểm cho rằng cơ chế tòa án của nước nhập khẩu không mang lại một kết quả trọn vẹn và hợp lý, do đó cần thực hiện việc giải quyết tranh chấp tại một cơ quan quốc tế [5]. Là thủ tục điều tra do một cơ quan của nước nhập khẩu tiến hành, nên về nguyên tắc, các khiếu nại về quá trình điều tra cần được giải quyết tại Tòa án của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, các phán xét của các cơ quan này trên thực tế không thực sự thỏa đáng do những lợi ích về kinh tế chính trị của nước nhập khẩu. Vì lẽ này, các nước xuất khẩu khi phát sinh tranh cãi, mâu thuẫn về quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ lựa chọn DSB, là một cơ quan quốc tế khách quan hơn. Hơn thế nữa, các khiếu nại thường liên quan đến chính các quy định của pháp luật phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, ví dụ như quy định về zeroing trong điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ, nên khi đưa vụ việc ra Tòa Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ thì sẽ không nhận được phán quyết có lợi, bởi lẽ, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra đúng quy định pháp luật.

3.     Tình hình sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO tại Việt Nam

a. Các vụ việc tranh chấp do Việt Nam khởi kiện

Cho đến nay, Việt Nam đã tiến hành 03 vụ việc giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, cả 03 vụ việc này đều là tranh chấp về các biện pháp phòng vệ thương mại (02 vụ khiếu kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh và 01 vụ việc khiếu kiện Indonesia về biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn lạnh – vụ việc đang trong giai đoạn thành lập Ban hội thẩm).

Trong 02 vụ việc khiếu kiện đầu tiên đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã đạt được thắng lợi đối với một số khiếu kiện và phán quyết của DSB về cơ bản rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam:

- Phương pháp quy về 0 mà DOC áp dụng trong các kỳ rà soát 2,3,4,5 và 6 là vi phạm Hiệp định chống bán phá giá WTO.

- Quan điểm về thể chế toàn Việt Nam và áp dụng thuế suất toàn quốc là vi phạm Hiệp định Chống bán phá giá WTO.

- Quyết định rà soát hoàng hôn lần thứ 1 của DOC dựa trên các biện độ sử dụng phương pháp quy về 0 là vi phạm Hiệp định chống bán phá giá WTO, đề nghị DOC xem xét lại và đưa ra quyết định mới cho rà soát hoàng hôn.

- Việc DOC từ chối xem xét dỡ bỏ lệnh thuế cho một số nhà sản xuất là vi phạm Hiệp định chống bán phá giá WTO.

Với phán quyết như vậy của DSB, Việt Nam sẽ có cơ sở để yêu cầu Hoa Kỳ điều chỉnh lại phương pháp tính toán phù hợp với pháp luật quốc tế, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Để có được kết quả rất có lợi này cho các doanh nghiệp Việt Nam, vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp và sự phối hợp giữa Hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với các cơ quan Chính phủ trong vụ việc này đã phát huy được vai trò chủ động, tích cực. Mặc dù là những vụ việc tranh chấp đầu tiên Việt Nam nhưng Việt Nam cũng đã đạt được một số sự thắng lợi nhất định, đó là sự khích lệ lớn cho Việt Nam tự tin, chủ động hơn nữa trong việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong thương mại quốc tế mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các bên tranh chấp.

Ngày 01 tháng 6 năm 2015 vừa qua, Việt Nam cũng đã nộp đơn khiếu nại lên WTO về biện pháp tự vệ thương mại do Indonesia áp dụng đối với mặt hàng thép nhập khẩu. Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, cơ quan điều tra của Indonesia đã vi phạm một số điểm về quy trình thủ tục liên quan đến quyền được thông tin và tham vấn của nguyên đơn trong quá trình điều tra. Hiện nay vụ việc đang trong giai đoạn thành lập ban hội thẩm. 

b. Các vụ việc tranh chấp Việt Nam tham gia với tư cách bên thứ 3

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 20 vụ xử lý tranh chấp tại WTO với tư cách bên thứ 3 (DS434, DS360, DS375,  DS376DS377,  DS399,  DS402DS405,  DS414,  DS422DS430,   DS431,   DS432DS433,  DS437,  DS449DS464,  DS471,  DS474,  DS490)[6] . Tiêu chí để lựa chọn các vụ việc để tham gia bên thứ 3 của Việt Nam chủ yếu dựa trên các vấn đề, sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Đặc biệt, để lấy kinh nghiệm cho chính các vụ việc do mình khởi kiện, Việt Nam tham gia bên thứ 3 các vụ việc tương tự, ví dụ , vụ việc DS434, DS422 liên quan đến sản phẩm tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ, vụ việc DS402, DS464, DS471 liên quan đến phương pháp tính toán của Hoa Kỳ trong các vụ điều tra chống bán phá giá hay gần đây nhất, Việt Nam tham gia bên thứ ba vụ việc DS490 về biện pháp tự vệ đối với thép của Indonesia do Đài Loan khởi kiện. Các lập luận và khuyến nghị của DSB trong các vụ việc này sẽ là tài liệu và kinh nghiệm hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam khi là một bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.

4.     Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Mặc dù đạt được những kết quả có lợi trong các vụ tranh chấp đã khởi kiện ra WTO, trong quá trình chuẩn bị và tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO, Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Trước hết, Việt Nam vẫn còn tâm lý cho rằng việc đưa vụ việc ra giải quyết tại WTO sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước nên đã kéo dài giai đoạn chuẩn bị đệ trình vụ việc, làm giảm lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ khuyến nghị của DSB. Thêm vào đó, chi phí thuê luật sư tham gia vụ việc vẫn còn là một gánh nặng với cả Doanh nghiệp và Chính phủ, hạn chế khả năng tham gia của Việt Nam đối với cơ chế giải quyết tranh chấp tại DSB.

 Để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp này, Việt Nam cần có sự hoàn thiện về nhiều mặt.

- Về phía Chính phủ:

Thứ nhất, xây dựng quy chế tham gia khiếu nại tại DSB nhằm nâng cao sự chủ động của các cơ quan Chính phủ có liên quan khi chuẩn bị và tham gia vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO đồng thời nâng cao vai trò tư vấn của các Hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ. Hiện nay, nhiều cơ quan còn lúng túng chưa biết vai trò, nhiệm vụ của mình trong quá trình xử lý vụ việc, dẫn đến khả năng làm chậm các bước trong việc phối hợp với luật sư và Doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng và nâng cao đội ngũ luật sư công về tranh chấp thương mại để giảm gánh nặng tài chính khi tham gia các vụ việc tranh chấp trong WTO. Vấn đề chi phí thuê luật sư nước ngoại trong các vụ kiện luôn là rào cản lớn nhất đối với sự chủ động của Việt Nam khi đưa vụ việc ra WTO. Đối với vấn đề này, Chính phủ có thể xem xét kinh nghiệm của Ấn Độ, đào tạo đội ngũ luật sư trong nước giỏi về thương mại quốc tế ngay từ bậc đại học và dành đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ này. 

Thứ ba, tăng cường năng lực tham gia các vụ việc tranh chấp tại WTO cho các đại diện thương mại nước ngoài. Bên cạnh chi phí thuê luật sư, chi phí các đoàn công tác tham gia các thủ tục giải quyết tranh chấp tại WTO cũng chiếm nhiều kinh phí của Nhà nước. Trong trường hợp các đại diện thương mại có năng lực chủ động tham gia các vụ việc, đặc biệt là với tư cách bên thứ 3, các đoàn công tác này cũng sẽ được giảm bớt. Các đại diện thương mại với năng lực chuyên môn về phòng vệ thương mại và tranh chấp quốc tế sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam trong các quy trình cụ thể của cơ chế giải quyết tranh chấp.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định về phòng vệ thương mại và cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO tới doanh nghiệp. Trong một vụ việc giải quyết tranh chấp về phòng vệ thương mại, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng, để các vụ việc giải quyết tranh chấp đạt được kết quả có lợi, các doanh nghiệp cần được phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật quốc tế cũng như pháp luật trong nước có liên quan.

 - Về phía doanh nghiệp:

Thứ nhất, các doanh nghiệp tăng cường pháp chế doanh nghiệp về chuyên môn thương mại quốc tế.Khuyến nghị này đã được TS. Nguyễn Hữu Huyên - Nguyên Tham tán Phái đoàn thường trực CHXHCN Việt Nam Bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức quốc tế khác chia sẻ trong một bài viết về cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO[7]. Hiện nay, pháp chế doanh nghiệp mới quan tâm đến các vấn đề về thương mại trong nước mà chưa trang bị về lĩnh vực thương mại quốc tế, điều này hạn chế khả năng tham gia của chính doanh nghiệp trong các vụ việc tranh chấp. Khi pháp chế doanh nghiệp có sự am hiểu về vấn đề này, sự phối hợp với luật sư và cơ quan nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và cơ quan đại diện ở nước ngoài. Trong quá trình tham gia các vụ điều tra do cơ quan điều tra nước ngoài tiến hành, nếu phát hiện có những vi phạm pháp luật WTO hoặc pháp luật nước đó, doanh nghiệp cần mạnh dạn, chủ động thông báo cho Chính Phủ để được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.

- Về phía hiệp hội:

Các doanh nghiệp trong nhiều trường hợp thường có thâm lý e ngại liên lạc và trao đổi với các cơ quan Chính phủ, do đó, Hiệp hội cần đóng vai trò là cầu nối tích cực để doanh nghiệp có thể tiếp cận các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại cũng như sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO. Hơn thế nữa, trong các vụ việc cụ thể, Hiệp hội cũng chính là đơn vị tập hợp các doanh nghiệp để cùng phối hợp với Chính phủ tham gia các thủ tục cụ thể của quá trình giải quyết tranh chấp.                

Việt Hà

(Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại)

 

[1] Điều 6.1 DSU quy định: “Nếu bên nguyên đơn có yêu cầu, một ban hội thẩm phải được thành lập chậm nhất là tại cuộc họp của DSB tiếp theo cuộc họp mà tại đó yêu cầu này lần đầu tiên được đưa ra như một mục của chương trình nghị sự DSB, trừ khi tại cuộc họp đó DSB quyết định trên cơ sở đồng thuận không thành lập ban hội thẩm”. Theo đó, tại lần yêu cầu đầu tiên được đưa ra thảo luận tại chương trình nghị sự của DSB, bên bị đơn có thể bác bỏ việc thành lập ban hội thẩm, nhưng tại cuộc họp tiếp theo, do bên nguyên đơn yêu cầu (trong vòng 15 ngày kể từ lần họp đầu tiên), ban hội thẩm sẽ được tự động thành lập.

[2] Số liệu từ www.wto.org

[3] DS491,DS493,DS494,DS490,DS496.

[4] DS489,DS497

[5] Đinh Ánh Tuyết và Nguyễn Thị Phương Thảo, Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO:Công cụ hữu hiệu giải quyết tranh chấp quốc tế về phòng vệ thương mại, Bản tin Phòng vệ thương mại, số 5, quý 1/2015, trang 11

[6] https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_by_country_e.htm

[7] http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6774

 

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI WTO – THỰC TIỄN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Tác giả VIỆT HÀ
Tạp chí 2015
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ