Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA CHỦ THỂ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

ThS. ĐỖ PHƯƠNG THẢO - Đại học Thương mại

Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm không bán sản phẩm hữu hình mà bán sản phẩm vô hình, sản phẩm có thể hình thành hoặc không hình thành trong tương lai. Tại thời điểm bán bảo hiểm, “sản phẩm” bảo hiểm là chưa có. Vì vậy, để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, pháp luật kinh doanh bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh này. Để tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối, các chủ thể của hợp đồng bảo hiểm cần phải cung cấp thông tin cho nhau một cách chính xác. Theo đó, người mua bảo hiểm phải có trách nhiệm khai báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết về mọi yếu tố liên quan đến đối tượng bảo hiểm; bên bán bảo hiểm cũng phải có nghĩa vụ cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến dịch vụ bảo hiểm mà họ cung ứng. Trong bài viết này, tác giả phân tích sự cần thiết phải quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua và bên bán bảo hiểm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đưa ra những bất cập và hướng thoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hoạt động thương mại diễn ra hết sức phong phú và đa dạng. Trên thương trường các thương nhân không chỉ sử dụng các hoạt động thương mại truyền thống như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ để tìm kiếm lợi nhuận mà còn tìm đến những hoạt động thương mại hiện đại, đặc thù như: Nhượng quyền thương mại, logicstic, li-xăng, kinh doanh bảo hiểm… như là những công cụ hữu hiệu để đạt mục đích tối đa hóa lợi nhuận.

Không nằm ngoài vòng xoáy của sự phát triển đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày một phát triển tại Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ khi người tiêu dùng có thể sử dụng các gói bảo hiểm như một biện pháp tài chính mang tính phòng ngừa rủi ro và tiết kiệm tiêu dùng. Theo số liệu thống kê trên thực tế có khoảng 7% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ. Do đó, thị trường Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh khai thác trong tương lai. Thực tiễn sôi động của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý hiệu quả, vừa bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm, vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thương mại đặc thù này. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Tuy nhiên, pháp luật bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam hiện hành vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định, không những gây khó khăn cho các chủ thể của hợp đồng bảo hiểm trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà còn dẫn đến tình trạng nếu có tranh chấp xảy ra các bên cũng  như cơ quan giải quyết tranh chấp không thể giải quyết được vụ việc một cách công bằng và thỏa đáng.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ bàn đến quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Theo đó, các bên trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ngoài những nghĩa vụ như chi trả tiền bảo hiểm, giải thích hợp đồng bảo hiểm, đóng đầy đủ phí bảo hiểm, thông báo những thay đổi có thể dẫn đến tăng phí bảo hiểm… thì còn có một nghĩa vụ rất quan trọng đó là phải cung cấp thông tin cho nhau một cách đầy đủ và chính xác. Bên nào vi phạm nghĩa vụ này thì chủ thể còn lại của hợp đồng bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm thực hiện những nghĩa vụ tài chính nhất định như bồi thường thiệt hại, đóng phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ. Có thể nói, sự tồn tại quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua và bên bán bảo hiểm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là vô cùng cần thiết.

Khẳng định như vậy là bởi hai lý do sau: Thứ nhất, giống như các hoạt động thương mại khác, hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc trung thực và thiện chí - nguyên tắc cơ bản, quan trọng  được ghi nhận trong Luật Thương mại năm 2005. Thứ hai, xuất phát từ  đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là doanh nghiệp bảo hiểm bán “lời hứa, lời cam kết ” của mình đối với những rủi ro mà bên mua bảo hiểm có thể phải gánh chịu trong tương lai. Về bản chất, đây là một hoạt động thương mại dựa trên cơ sở lòng tin của các bên và thực tế bên mua bảo hiểm phải chi trả một số tiền không nhỏ cho doanh nghiệp bảo hiểm và nhận về một  “lời cam kết, lời hứa” vô hình của doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, quyết định tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm về sản phẩm mà họ cung ứng. Bên cạnh đó, đối với bên bán bảo hiểm để có thể xác định được giá trị của “lời hứa, lời cam kết” của mình, họ phải dựa trên những tính toán kỹ thuật, những phán đoán rủi ro, mà những phán đoán này lại phụ thuộc rất lớn vào những thông tin mà bên mua bảo hiểm cung cấp như thông tin về độ tuổi, tình trạng sức khỏe, đặc thù công việc… của bên mua bảo hiểm. Từ đó, có thể khẳng định việc tồn tại quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của bên bán và bên mua bảo hiểm nhân thọ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 là một điều tất yếu, góp phần đảm bảo cho hợp đồng bảo hiểm được giao kết và thực hiện trên thực tế.

Mặc dù cần thiết là vậy, nhưng nội dung cụ thể của quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có những điểm chưa thực sự hợp lý, cụ thể:

Một là, về hậu quả pháp lý của việc ra quyết định đình chỉ hợp đồng của một bên khi một bên vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin. Theo đó, nếu bên mua bảo hiểm vi phạm và doanh nghiệp bảo hiểm ra quyết định đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm được quyền thu phí đến thời điểm đình chỉ. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm và bên mua bảo hiểm quyết định đơn phương đình chỉ, thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại cho bên mua bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm chứng minh được có thiệt hại.

Như vậy là cùng một hành vi vi phạm nghĩa vụ được quy định trong Luật cũng như trong hợp đồng, nhưng hậu quả pháp lý mà mỗi bên gánh chịu lại không tương xứng, có thể nói là không có sự cân bằng. Bởi lẽ, với trường hợp bên vi phạm là bên mua bảo hiểm thì nghĩa vụ tài chính mà họ phải thực hiện rất rõ ràng, cụ thể là khoản phí mà họ đã và sẽ phải đóng đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng mà bên bán bảo hiểm không cần phải chứng minh thiệt hại. Nhưng với trường hợp bên vi phạm là bên bán bảo hiểm thì nghĩa vụ này lại khá mơ hồ, trừu tượng, nó phụ thuộc vào việc bên mua bảo hiểm có chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bên mua bảo hiểm không chứng minh được thiệt hại thì họ sẽ không được bồi thường. Thiết nghĩ, trong mối quan hệ với doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể được xác định là bên yếu thế cần phải được pháp luật quan tâm và bảo vệ nhưng dường như trong trường hợp này pháp luật lại nghiêng về bảo vệ cho các doanh nghiệp bảo hiểm - là bên có cả thế mạnh về tài chính, khả năng tự bảo vệ so với bên mua bảo hiểm. Để khắc phục hạn chế này, nên quy định hậu quả pháp lý của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 tương tự nhau. Các nhà làm luật có thể chọn một trong hai cách sau: Hoặc giữ nguyên nội dung hiện tại với trường hợp bên bán bảo hiểm quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng và sửa quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp bên mua bảo hiểm quyết định đình chỉ thành doanh nghiệp bảo hiểm phải “bồi thường thiệt hại phát sinh do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin” cho bên mua bảo hiểm; hoặc là giữ nguyên nội dung hiện tại với trường hợp bên bán bảo hiểm quyết định đình chỉ nhưng sửa đổi đối với trường hợp bên mua bảo hiểm quyết định đình chỉ theo hướng quy định những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để xác định nghĩa vụ tài chính mà bên bán phải thực hiện với bên mua bảo hiểm.

Hai là, về hành vi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin: Theo quy định tại Điều 19 thì một trong các hành vi được cho là vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin của cả bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm là “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng”.  Nếu chỉ dừng lại xem xét riêng quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì việc các nhà làm luật xác định hành vi vi phạm như trên là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu rộng ra các quy định liên quan, trong đó có sự so sánh đối chiếu với quy định về các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu tại khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì lại thấy có vấn đề cần phải quan tâm làm rõ. Cụ thể, một trong các trường hợp dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là “bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” (điểm d khoản 1 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Quy định này là hết sức phù hợp với những quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Vấn đề đặt ra là từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn việc phân biệt giữa “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” và “hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng” của các bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không phải điều dễ dàng, ranh giới của hai khái niệm này rất mờ nhạt. Thậm chí, trong một chừng mực nhất định, nội hàm của hai khái niệm này có thể coi là trùng với nhau. Trong khi đó, hậu quả pháp lý đối với chủ thể thực hiện một trong hai hành vi này lại rất khác nhau. Giả sử cùng một hành vi kê khai không đúng tuổi của bên mua bảo hiểm, đồng thời là người được bảo hiểm trong hợp đồng thì có thể có cách giải quyết không giống nhau giữa các bên của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Để bảo vệ quyền lợi của mình, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xác định hành vi này là “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” để quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu được khoản phí bảo hiểm. Trong khi đó, để giải thoát khỏi các nghĩa vụ hợp đồng cũng như nghĩa vụ tài chính khi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin, bên mua bảo hiểm sẽ chứng minh hành vi kê khai không đúng tuổi là hành vi sai. Mục đích là để đưa về trường hợp hợp đồng vô hiệu và được nhận lại khoản phí đã đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm vì hậu quả pháp lý của trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là “khôi phục lại trạng thái ban đầu các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận” (khoản 2 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000).

Như vậy là cùng một hành vi vi phạm nhưng các bên có thể sử dụng các căn cứ pháp lý khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình và các bên hoàn toàn có cơ sở để làm việc đó. Không dừng lại ở đó, việc Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 không phân định được ranh giới giữa hai khái niệm “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” và “lừa dối” còn dẫn đến tình trạng cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ tùy tiện và có khả năng hành xử tiêu cực khi tiến hành giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm khi được các bên lựa chọn để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng của mình. Thiết nghĩ để giải quyết những tồn tại trên, phải bổ sung nội dung giải thích thế nào là “lừa dối khi giao kết hợp đồng” và xác định những tiêu chí nhất định để phân định rõ với hành vi “cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật”. Làm được điều này mới có thể tránh được những tranh chấp, bất đồng xảy ra trên thực tế trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hơp pháp của các bên và từ đó, giúp chủ thể trong xã hội có thể an tâm khi thiết lập quan hệ hợp đồng thương mại đặc thù này.

MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA CHỦ THỂ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Tác giả ĐỖ PHƯƠNG THẢO
Tạp chí TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT ĐIỆN TỬ
Năm xuất bản 2016
Tham khảo
http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh-te.aspx?ItemID=138

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ