Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Từ quan hệ đặc biệt giữa lạm phát và lãi suất:

NGHĨ VỀ TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THEO KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

TS. Nguyễn Đại Lai
 

Trong thực tế khi có một mức lãi suất thấp cũng không hẳn đó là sự phản ánh một nền kinh tế mạnh, mà nhiều khi lại phản ánh một chính sách kinh tế vĩ mô chủ động...

Thông thường, theo quy luật khách quan, quốc gia có đồng tiền mạnh, ít lạm phát thì lãi suất thấp, ổn định; quốc gia có đồng tiền yếu, lạm phát thường cao và biến động phức tạp, thì lãi suất cũng thường cao và biến động phức tạp. Vì vậy, lạm phát và lãi suất là 2 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có quan hệ đặc biệt cần được làm sáng tỏ trong kinh tế thị trường.

Mối quan hệ mang tính độc lập tương đối

Trong kinh tế học vĩ mô, người ta sử dụng rất nhiều thước đo sức khoẻ của nền kinh tế tại những thời điểm cụ thể và theo chuỗi thời gian. Các thước đo đó chính là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, như: GDP, GDP/đầu người, lạm phát (CPI), chỉ số năng suất lao động xã hội, tỷ lệ thất nghiệp, mức và diễn biến thu nhập thực tế theo đầu người, tốc độ tăng sản lượng (Q), tỷ trọng đầu tư/GDP, tiết kiệm/GDP... Tuy vậy, hầu như chưa có nhà kinh tế nào coi lãi suất biến động qua thời gian là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, mà chỉ coi đơn giản là một công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT), hay một loại giá vốn thông thường. Thực ra, lãi suất cũng là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, vì nó vừa là công cụ, vừa là thước đo hiệu quả kinh tế và phủ sóng tới mọi lĩnh vực sản xuất hàng hoá, dịch vụ có quan hệ vay vốn. Lãi suất không chỉ là giá vốn, không chỉ là công cụ nhạy cảm, quan trọng nhất của CSTT, mà còn là sự phản ánh giá trị sức mua của đồng tiền một quốc gia. Thông thường, theo quy luật khách quan, quốc gia có đồng tiền mạnh, ít lạm phát thì lãi suất thấp, ổn định; quốc gia có đồng tiền yếu, lạm phát thường cao và biến động phức tạp, thì lãi suất cũng thường cao và biến động phức tạp. Vì vậy, lạm phát và lãi suất là 2 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có quan hệ đặc biệt cần được làm sáng tỏ trong kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, trong thực tế khi có một mức lãi suất thấp cũng không hẳn đó là sự phản ánh một nền kinh tế mạnh, mà nhiều khi lại phản ánh một chính sách kinh tế vĩ mô chủ động của nhà nước để khuyến khích đầu tư nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì với giá vốn thấp, cơ chế thị trường có thể dẫn hành vi của người vay tạo ra một bong bóng kinh tế khi có một lượng lớn dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Điều này đã xảy ra tại Nhật Bản vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Kịch bản tương tự cũng xảy ra ở Mỹ từ cuối những năm 1990 đến tận cuối năm 2016 với chính sách lãi suất thấp để kích thích đầu tư, nhưng một lượng lớn vốn đã chảy vào đầu cơ bất động sản, gây khủng hoảng kinh tế vào cuối những năm 2000. Trái lại, một nền kinh tế có đồng tiền mạnh như Vương quốc Anh, Chính phủ đã duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong nhiều năm dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher bằng cách chủ động giữ lãi suất ở mức cao hơn thông lệ để dòng vốn tìm nơi đầu tư có hiệu quả và tránh lạm phát. Như vậy, ngay cả trong các nền kinh tế phát triển, các chính phủ cũng sử dụng lãi suất như một công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô để giữ lạm phát trong phạm vi mục tiêu và tác động tới sức khỏe của nền kinh tế.

 

Ngược lại, khi nền kinh tế phải đối mặt với một mặt bằng lãi suất cao cũng không hoàn toàn do chủ trương chống lạm phát phải rút tiền về và/hoặc đơn thuần do cầu vốn quá lớn so với cung. Cả hai thái cực gây nên hiện tượng lãi suất tăng quá mức trên thị trường, như trường hợp của Việt Nam trong năm 2011 hoặc những năm đầu đổi mới 1986-1992 và đột biến một số năm nữa rải rác từ năm 1996 đến 2010 đều phản ánh một năng lực yếu kém của cả nền kinh tế lẫn việc lựa chọn mục tiêu của CSTT.

Chúng ta biết rằng, để bơm tiền vào lưu thông trong cơ chế thị trường của mọi quốc gia đều căn bản dựa vào tính độc lập của ngân hàng trung ương (NHTW) đối với chính phủ. Theo đó, tiền cơ sở bơm ra nền kinh tế (Ms) gồm tiền mặt lưu thông ngoài xã hội và tiền gửi của các NHTM (NHTM) tại NHTW. Tiền Ms này chỉ được NHTW bơm ra hay hút vào qua 4 con đường luân phiên, đồng thời hoặc tuỳ vào tính giới hạn hấp thụ và mối quan hệ giữa cung và cầu tiền từng thời kỳ, gồm: (1) Các nghiệp vụ tái cấp vốn: chiết khấu và/hoặc tái chiết khấu các giấy tờ có giá của các NHTM; (2) Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để mua vào/bán ra các giấy tờ có giá để bơm/hút tiền cơ sở; (3) NHTW có thể cho ngân sách nhà nước vay bù đắp thiếu hụt tạm thời trong ngắn hạn không quá 1 năm, làm tăng Ms; (4) NHTW mua vào/bán ra dự trữ ngoại hối để cung ứng tiền cơ sở (khi mua) và cung cấp ngoại tệ cho thị trường ngoại hối để hút tiền cơ sở về phù hợp với CSTT độc lập của NHTW. Vì ở hầu hết các nền kinh tế thị trường phát triển, nhà nước đều tôn trọng tính độc lập của NHTW trong mối quan hệ với các NHTM, nên quan hệ giữa lãi suất của ngành ngân hàng và lạm phát giá cả của nền kinh tế - xã hội cũng mang tính độc lập tương đối. Đây là một cách nhìn thực tiễn, rất cần được khai thác vận dụng để tránh những vòng luẩn quẩn mà Việt Nam đã từng vướng nhiều lần, trong nhiều giai đoạn phát triển, khi chúng ta vừa xây dựng một CSTT đa mục tiêu trái nhau (như: lãi suất phải gắn với kỳ vọng lạm phát và lãi suất gắn với tỷ giá), vừa muốn lưu thông tiền tệ phải vận động theo quy luật riêng của nó.

Nhìn từ thực tế tại Mỹ

Tạp chí Nghiên cứu quốc tế ngày 19/06/2015 đã dẫn lời Giáo sư Mỹ Marles Feltein cho biết: Tại Mỹ, Ms tăng bình quân 9%/năm trong 10 năm từ 1985 đến 1995, nhưng lạm phát bình quân cùng thời gian chỉ 3,5%/năm. Trong 10 năm kế tiếp (1995-2005), Ms tăng bình quân 6%/năm, giá cả thị trường vẫn ổn định ở mức tăng bình quân 2,5%/năm. Thậm chí năm 2005, Ms tăng đột biến tới 17,5%, nhưng CPI cùng năm chỉ ở mức 1,9% và lãi suất thị trường vẫn rất thấp, dưới 3,5%/năm và lãi suất trung tâm từ 0% đến 0,25%/năm. Điều đó chứng , tổng cầu Ms của Mỹ rất lớn. Từ năm 2008, NHTW Mỹ (Fed) đã tiếp tục thực hiện CSTT nới lỏng bằng cách thực hiện đồng thời 3 cơ chế: Fed trả lãi suất cho các khoản dự trữ bắt buộc của NHTM tại Fed; Fed chấp nhận cho các NHTM dùng giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu kho bạc) đặt vào NHTW thay dự trữ bắt buộc bằng tiền mặt; và Fed chủ động mua trái phiếu kho bạc dài hạn của NHTM với lãi suất thấp để nới lỏng Ms. Theo đó, Fed đã tăng lượng giá trị trái phiếu dài hạn nắm giữ tại NHTW từ 1.000 tỷ USD trong năm 2007 lên tới 4.000 tỷ USD vào cuối năm 2015. Mặc dù nới lỏng tiền tệ, nhưng bằng các nghiệp vụ độc lập của NHTW, Fed vẫn nắm đằng chuôi để chủ động điều chỉnh lượng cung tiền theo tín hiệu hấp thụ của nền kinh tế thông qua các NHTM bằng cách chủ động sử dụng các công cụ dự trữ bắt buộc, OMO và lãi suất trung tâm để khống chế tổng dư nợ nền kinh tế của các NHTM. Vì vậy, mặc dù Fed nới lỏng tiền tệ, nhưng không những không gây lạm phát, mà lãi suất thị trường cũng không tăng. Các NHTM vẫn khoẻ hơn ngay cả khi lãi suất cho vay thấp nhờ gia tăng các sản phẩm dịch vụ và gia tăng khách hàng vay vốn.

Trong điều kiện nền kinh tế nằm trong giới hạn tiềm năng phát triển còn rộng, nhu cầu đầu tư lớn, thì với CSTT nới lỏng nhiều năm qua của Mỹ đã tạo được nhiều việc làm, kích thích tăng năng suất lao động, tăng nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của xã hội, đồng thời dần dần phá được tấm băng bao phủ thị trường bất động sản bị lạnh lẽo quá mức từ năm 2007. CSTT của Mỹ như trên đã chứng tỏ rằng, các NHTM khoẻ hay yếu là phụ thuộc vào khách hàng nhiều hay ít, phụ thuộc vào nền kinh tế phát triển hay trì trệ và phụ thuộc vào năng suất lao động xã hội cao hay thấp, hơn là phụ thuộc vào lãi suất cao hay thấp! Vì vậy, có thể kết luận, chỉ số CPI đạt tới mức lạm phát hay chưa, trước hết và quan trọng nhất là phụ thuộc vào tiềm lực sản xuất và sức tiêu thụ hàng hoá dịch vụ, phụ thuộc vào giá đầu vào, gồm: nguyên, nhiên vật liệu, tiền lương và năng suất lao động, đồng thời trong chi phí đầu vào cũng bao gồm cả giá vốn (lãi suất). Tức là lãi suất chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố cấu thành nên giá cả hàng hoá, dịch vụ (hay cấu thành CPI). Do đó, mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất là mối quan hệ độc lập tương đối, dù đó là mối quan hệ nhạy cảm nhất, vì lãi suất thường liên quan đến tổng lượng Ms bơm ra nền kinh tế.

Những năm gần đây, mặc dù tổng lượng Ms của Mỹ tăng rất mạnh, nhưng nền kinh tế vẫn hấp thụ được mà không gây ra lạm phát trong khi lãi suất cũng rất thấp, cùng chiều với CPI. Đó là vì trong thời gian đó giá dầu giảm rất mạnh, số lượng người có việc làm gia tăng cùng với giảm thất nghiệp, nhu cầu mua sắm gia tăng và nhân tố rất mạnh khác là do đồng USD lên giá với nhiều đồng tiền quốc gia khác, gồm cả đồng tiền chung châu Âu (EURO), làm giảm chi phí nhập khẩu của Mỹ. Mặt khác, trong thời đại kinh tế phát triển và mở cửa, thì tốc độ tăng hay giảm giá của từng nhóm hàng hoá, dịch vụ luôn có sự dịch chuyển và tăng giảm rất khác nhau. Nếu nhóm nào đó có tốc độ giảm hay ổn định giá chiếm tỷ trọng cao, thì sẽ kéo theo mặt bằng CPI chung của toàn nền kinh tế thấp xuống do quyền số về lượng hàng hoá, dịch vụ của nhóm đó lớn hơn. Ví dụ, trong năm 2015, giá bình quân của nhóm hàng dịch vụ tổng hợp của Mỹ tăng tới 2,5%/năm, trong khi CPI của nhóm hàng hoá vật chất tiêu dùng lại giảm tới -0,2%/năm. Tổng hợp lại, CPI cả năm của toàn nền kinh tế Mỹ chỉ tăng dưới 2% trong năm 2015. Tuy nhiên, khi các yếu tố thuận và nghịch về biến thiên chi phí đầu vào khép dần khoảng cách và/hoặc biến đổi nhanh chậm khác nhau theo hướng bất lợi cho ổn định giá cả, thì lạm phát sẽ lại xuất hiện. Ví dụ năm 2015, CPI nhóm hàng hoá tiêu dùng ở Mỹ giảm đến -0,2% chủ yếu do giá dầu giảm rất mạnh và chi phí nhập khẩu thấp, trong khi các yếu tố khác như tiền lương, việc làm tương đối ổn định và tăng chậm. Năm 2016 và những năm tiếp theo, các yếu tố trên khép dần khoảng cách - tức là giá dầu tăng trở lại, nền kinh tế hướng xuất khẩu trong khi giá đồng USD vẫn quá mạnh, tiền lương tăng, lãi suất tăng…, thì chắc chắn các nhân tố thuận cho việc giảm CPI sẽ bị triệt tiêu dần và CPI sẽ tăng dần tương ứng.

Trường hợp của Việt Nam

Ở Việt Nam, nếu nhìn lại tổng quan về mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất trong nhiều giai đoạn phát triển vừa qua, chúng ta thấy luôn luôn bị luẩn quẩn trong quan điểm xây dựng một CSTT đa mục tiêu trái nhau, như: lãi suất vừa phải gắn với kỳ vọng lạm phát để hy vọng kích hoạt phát triển kinh tế và lãi suất gắn với tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu hơn nhập khẩu, vừa muốn lưu thông tiền tệ phải vận động theo quy luật riêng của nó, tức là lãi suất phải bảo vệ giá trị sức mua ổn định của đồng tiền trong nền kinh tế. Tức là mâu thuẫn giữa việc vừa muốn tăng Ms phá giá đồng tiền, giảm lãi suất để phát triển sản xuất với việc muốn nâng lãi suất để bảo vệ giá trị sức mua của đồng tiền trong môi trường kinh tế thị trường mở và hướng xuất khẩu. Rút cuộc hầu như không mục tiêu nào đạt được như kỳ vọng!

Thực tế trong lịch sử phát hành tiền pháp định của Việt Nam chưa bao giờ NHNN hay Chính phủ công bố giá trị đảm bảo bằng vàng hay bằng ngoại tệ mạnh nào. Chúng ta đã phải trải qua nhiều trận lạm phát Ms, từ lạm phát nhỏ, vừa đến lạm phát phi mã, nhưng người cầm tờ tiền là tài sản của mình (là giấy tờ có giá đối với bên phát hành ra nó là NHNN) chưa bao giờ được NHNN đền bù sự mất giá so với vàng sau một thời gian xác định. Cứ sau một thời gian dài mất giá chung của đồng tiền qua lạm phát, thì thay vì Nhà nước phải kiểm soát, thanh tra, phải quản lý nền kinh tế sao cho có năng suất lao động cao hơn, làm cho CPI chung và CPI cơ bản thấp hơn và/hoặc ổn định hơn, khiến thu nhập thực tế của người dân ổn định/hoặc cao hơn…, thì Nhà nước lại tăng lương với tốc độ nhỏ hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI cùng thời gian.

Ngày 30/12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, theo đó từ ngày 15/03/2017, các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện quy chế cho vay mới. Điểm được chú ý trong thông tư này là NHNN đã chính thức quy định và hướng dẫn về lãi suất cho vay giữa tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Cụ thể, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa. Theo quy định trên, không có trần lãi suất cho vay cụ thể. Đây là một bước căn bản tiến đến thị trường, nhưng nền kinh tế đã phải chịu đựng quá lâu với lối tư duy bao cấp!

Chúng ta nhớ vào ngày đổi tiền gần đây nhất, ngày 14/9/1985, tỷ giá là 15 VND mới ăn 01 USD, thì tỷ giá ấy đến đầu năm 2017 xung quanh 22.900 VND/USD, mất giá tới hơn 1.500 lần trong khi cùng thời gian từ đó đến nay USD chỉ mất giá so với vàng 3,9 lần, nhưng hiện nay giá vàng Việt Nam lại cao hơn so với Mỹ xung quanh 4.000.000 VND/cây. Để chống lại sự mất giá của đồng nội tệ, buộc NHNN trong nhiều năm qua phải thường xuyên duy trì mức lãi suất cao hơn nhiều so với các quốc gia có đồng tiền mạnh, ổn định, làm người đi vay phải chịu 2 lần thiệt: thiệt vì tiền lạm phát qua thời gian và thiệt vì phải trả lãi vay cao theo quan điểm “lãi thực dương”, tức là lãi suất cho vay = lãi suất huy động + chi phí + lợi nhuận của NHTM cùng thời gian. Trong đó, lãi suất huy động lại bao gồm lãi cho người gửi tiền + CPI cùng thời gian, thậm chí lấy CPI chung chứ không phải CPI cơ bản (core flation) để tính lãi suất tiền gửi thực dương cho người gửi tiền.

Ngoài ra, mặc dù nền kinh tế đã chuyển sang thời kỳ đổi mới từ năm 1986, nhưng đến năm 1990 NHNN mới có 2 pháp lệnh là cơ sở pháp lý cao nhất để điều chỉnh hoạt động ngành ngân hàng với rất nhiều nội dung phản ánh cơ chế độc quyền định giá vốn cho ngân hàng và sự phụ thuộc toàn diện của NHNN với Chính phủ. Ngay tại Luật NHNN hiện hành cũng còn bao gồm rất nhiều nội dung mang dấu ấn của cơ chế bao cấp, độc quyền và sự phụ thuộc của NHNN vào Chính phủ và Quốc hội. Theo đó, mục tiêu của CSTT ghi tại Điều 3 của Luật vẫn là: “mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát” và “Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện CSTT quốc gia”; “Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm”. Tại Điều 26 của Luật NHNN ghi: “NHNN tạm ứng cho NSNN để xử lý thiếu hụt tạm thời ngân quỹ..., khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định”!

Việt Nam lại có quá nhiều “trường hợp đặc biệt” nên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ có quá nhiều quyền hành trong việc kéo dài thời hạn vay tiền in ra từ NHNN! Tất cả các từ “lạm phát” ghi trong Luật cũng không phân biệt lạm phát cơ bản (là lạm phát đã loại trừ các nhóm hàng mà giá của chúng gắn với điều kiện tự nhiên và quyền quản lý độc quyền của Nhà nước, như: thực phẩm tươi sống, lương thực, năng lượng và các nhóm hàng độc quyền Nhà nước như dịch vụ y tế, giáo dục…) và lạm phát chung. Vì vậy, quan điểm về “lãi suất thực dương” cũng vẫn mập mờ trong cơ chế tính lãi suất của NHTM với cả người gửi tiền và nền kinh tế. Nếu mọi thứ đầu vào đều được chấp nhận ở đầu ra (giá bán), thì giá cả không phải là sự thể hiện của quan hệ cung-cầu trong kinh tế thị trường. Chúng ta đang làm ngược lại quy luật!

Từ những bất cập nói trên, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ cả về thể chế pháp lý lẫn vai trò điều hành cụ thể của NHNN. Trong đó, cần phải sớm tiến tới tách NHNN ra độc lập với Chính phủ. Ngay khi chưa tách thì Nhà nước cũng phải trao cho NHNN chức năng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về: Mục tiêu ổn định giá trị sức mua của đồng tiền Việt Nam; Quyền được chủ động sử dụng các công cụ CSTT để điều hành hoạt động ngân hàng, hoạt động ngoại hối; Thực hiện chức năng của NHNN đối với các tổ chức tín dụng về an toàn hoạt động ngân hàng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ với tư cách là khách hàng của NHNN.

Trong quan hệ giữa lãi suất và lạm phát phải nói rõ là quan hệ giữa lãi suất cho vay tốt nhất với lạm phát cơ bản cùng thời gian. Do đó, việc xác định hệ số nhân tiền (m) trong công thức tính Ms = m x Mb phải do NHNN quyết định theo thực tế khả năng đáp ứng cầu tiền tệ của nền kinh tế, chứ không thể in tiền theo lệnh của Chính phủ được! Trong công thức trên, m = (C+D)/(C+R), với m là số nhân tiền tệ; C là tổng lượng tiền mặt ngoài lưu thông; D là tổng lượng tiền khách hàng gửi vào NHTM; R tổng lượng tiền mà NHNN yêu cầu NHTM phải dự trữ và dự trữ bắt buộc; Mb là tổng lượng tiền cơ bản (còn gọi là tiền ngoài NHTW), gồm C + (D – R). Do D luôn luôn lớn hơn R nên m luôn luôn lớn hơn 1. Bởi vậy, Ms phải do NHNN “nắm đằng chuôi” nhờ quyền chủ động sử dụng các công cụ CSTT và những tác động gián tiếp vào tổng tiền gửi D của nền kinh tế vào NHTM.

Tóm lại, mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất trong nền kinh tế thị trường là mối quan hệ đặc biệt, vừa độc lập tương đối, vừa thúc đẩy/hoặc kìm hãm lẫn nhau khi liên quan đến tổng cầu tiền tệ Ms cao hay thấp và NHTW phải dùng các công cụ thích hợp của CSTT để can thiệp. Tuy nhiên, việc có lạm phát lớn hay nhỏ, thì chi phí mua vốn ở đầu vào của sản xuất, kinh doanh chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động tổng hợp đến lạm phát, trong điều kiện lượng cung tiền Ms nằm trong giới hạn thích ứng với sức hấp thụ và nền kinh tế nằm trong giới hạn tiềm năng phát triển còn rộng. Vì vậy, vấn đề ổn định giá cả hay lạm phát là 2 vấn đề khác nhau, cũng giống như lãi suất với lạm phát là 2 phạm trù khác nhau, tương tác vào nhau ở một mức độ nhất định dù là mang tính nhạy cảm nhất, nhưng chúng đều độc lập tương đối. Do đó, trong CSTT không thể cứ luôn có quan điểm xây dựng lãi suất trung tâm cao trên cơ sở dự báo CPI cao, thậm chí dựa trên “kế hoạch” một chỉ số CPI cao. Chính sách lãi suất dương phải chăng đã không còn phù hợp trong kinh tế thị trường, hoặc cũng không thể chỉ tăng lãi suất để chống lạm phát như là một chức năng riêng có của CSTT khi chưa phối hợp với các giải pháp tăng năng suất lao động, tăng cung hàng hoá, thay đổi cơ cấu hàng hoá và giảm các chi phí đầu vào khác. Trong CSTT của mọi NHTW phải luôn luôn coi việc giữ ổn định giá trị sức mua của đồng tiền quốc gia là mục tiêu/trách nhiệm xuyên suốt, quan trọng nhất, nếu không muốn nói là duy nhất./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2010). Luật Ngân hàng Nhà nước, số 46/2010/QH12, ngày 16/06/2010

2. Ngân hàng Nhà nước (2016). Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy điịnh hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng

3. Martin Feldstein (2015). Tại sao lạm phát ở Mỹ thấp dù lượng tiền cơ sở tăng, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số ra ngày 19/6/2015

 

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 05/2017

Nguồn: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-7832--nghi-ve-tai-cau-truc-he-thong-ngan-hang-theo-kinh-te-thi-truong.html

 

NGHĨ VỀ TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THEO KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Tác giả TS. Nguyễn Đại Lai
Tạp chí TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 05/2017
Năm xuất bản 2017
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.