Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

NHẦM LẪN VỀ CẤM ĐẶT TÊN

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC – Chủ tịch Công ty Luật BASICO Trọng tài viên VIAC

Mỗi cái tên của doanh nghiệp có khả năng rơi vào một trong ba trạng thái: Không tốt, chẳng xấu (trung tính), tốt (hay) và xấu (dở). Vô thưởng, vô phạt thì khỏi phải bàn. Tốt thì pháp luật chẳng nên cấm, thậm chí cần khuyến khích. Còn xấu thì doanh nghiệp tự tránh. Chỉ có quá xấu đến mức nguy hại cho xã hội thì mới phải cấm.

Cấm lấy tên danh nhân

Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL ngày 01-10-2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc” đã quy định 8 trường hợp cấm đặt tên doanh nghiệp, trong đó có việc cấm “sử dụng tên trùng tên danh nhân”. Và đây chính là điều gây ra tranh cãi nhiều nhất.

Việc đặt tên doanh nghiệp là nhằm để phân biệt trong giao dịch, là sự gửi gắm mong muốn điều tốt đẹp và cao hơn nữa là thể hiện tầm văn hoá của doanh nhân. Vậy thì, chẳng tìm ra lý gì để cấm việc đặt tên là Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo hay Công ty Thương mại Nguyễn Du. Thậm chí có một Công ty Quang Trung hùng mạnh xuất hàng sang Trung Quốc và thế giới thì là điều quá tốt. Tại sao không khuyến khích mà lại phải cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân, giống như đó là việc xấu xa, tội lỗi? Thời hội nhập kinh tế toàn cầu rồi, không nên quay ngược lại “truyền thống lịch sử”, kiểu như cấm đặt tên kỵ huý. Cũng đừng hành động như đã từng xảy ra tình trạng phổ biến vào nửa thế kỷ trước, đó là việc dân ta lấy tên các tổng thống của một nước xâm lược để gọi vật nuôi cho bõ ghét. Trong khi đó, nhiều người văn minh, yêu quý danh nhân thì mới mượn tên đặt cho thú cưng hay con cái của họ.

Mà phải tránh những tên danh nhân nào đây, khi từ này có nghĩa rất rộng nếu xét trên các góc độ khác nhau. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), giải nghĩa đặc biệt ngắn gọn, danh nhân là “người có danh tiếng”. Nếu cứ bám theo nghĩa đó, thì không chỉ có danh nhân lịch sử, danh nhân văn hoá,… được thế giới hay quốc gia vinh danh, mà một ca sĩ thị trường đắt sô hoặc một cầu thủ bóng đá tài nghệ cũng đều có thể được gọi là “danh nhân”.

Nếu cho rằng, việc doanh nghiệp đặt theo tên danh nhân là tôn vinh họ, thì không cần hạn chế. Còn nếu nghĩ rằng, đó là việc xúc phạm danh nhân, thì hoàn toàn vô căn cứ. Suy cho cùng, thì việc lấy tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp không hề nhằm tôn vinh hay xúc phạm ai. Pháp luật chỉ cần can thiệp theo hướng, cấm xúc phạm danh nhân và cấm tôn vinh phản động.

Rồi thì, pháp luật lại tạo ra một trật tự mập mờ, khi vẫn buộc phải cho phép đặt tên là Công ty Nguyễn Trãi, nếu đó cũng chính là họ tên khai sinh của người thành lập doanh nghiệp. Hay ông Nguyễn và ông Trãi cùng thành lập doanh nghiệp thì chỉ được viết là Công ty Nguyễn – Trãi. Thế là quay lại cách viết tiếng Việt giống như hồi giữa thế kỷ trước. Ai có thể phân biệt nổi giữa việc không được, được viết bình thường và viết có gạch nối ở giữa tên danh nhân, nhất là sau khi những người sáng lập đã rời khỏi công ty?

Cấm dùng tên xấu xa

Thông tư cũng quy định cấm sử dụng “tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.” và “tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.”. Cũng giống như tên danh nhân, xác định đâu là tên của những nhân vật tạm gọi là xấu xa này? Nếu cứ tuân thủ đúng điều này, thì có lẽ không được đặt doanh nghiệp theo tên của những người đã bị phạt tù từ 7 năm trở lên theo quy định tại điều 78 về “Tội phản bội Tổ quốc”, Bộ luật Hình sự năm 1999, vì Hiến pháp quy định “Phản bội tổ quốc là tội nặng nhất” (Hiến pháp năm 1980 trở về trước còn quy định “là tội nặng nhất đối với dân tộc”).

Thông tư trên còn cấm cả việc doanh nghiệp “Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược”. Trải qua gần 1.000 năm đô hộ của phong kiến phương bắc, hơn một trăm năm xâm lược của thực dân đế quốc như sử sách vẫn viết, thì liệu dễ gì xác định địa danh nào nằm ngoài “các thời kỳ bị xâm lược”?

Như mọi sự vật, hiện tượng, doanh nghiệp cũng có tốt, có xấu, nhưng chắc chắn chẳng ai mong muốn cái xấu. Ai sẽ chọn tên xấu để đặt cho đứa con tinh thần của mình? Mà nếu cứ chọn, thì họ sẽ phải trả giá vì tên xấu sẽ mang lại ấn tượng xấu cho khách hàng và xã hội.

Lẩm cẩm về cấm đặt tên

Thông tư còn không cho phép “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền,…”. Vậy, thì tên Tổng công ty lương thực Miền Nam, hay Tổng công ty Điện lực Miền Bắc cũng “phạm huý”, vì có sử dụng từ ngữ thể hiện rõ sự phân biệt vùng miền? Rồi hơn đi xa hơn nữa, Thông tư ngăn cấm cả việc sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện sự “khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác”. Pháp luật cần gì ngăn cấm đến cả những cái tên khiếm nhã và lấy tiêu chí nào để xác định là khiếm nhã?

Luật Doanh nghiệp năm 2005

Điều 32. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.”

Tất cả các trường hợp cấm nói trên đều không thật sự hợp lý, thậm chí là có sự nhầm lẫn, lẩm cẩm và trái với quy định về cấm đặt tên của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Diễn đạt thật đơn giản, thì có thế quy vào 3 trường hợp cấm trong đặt tên doanh nghiệp, dựa trên 3 nhóm tiêu chí là: Nhầm lẫn, tục bậy và xúc phạm, tất nhiên là đến một mức độ nào đó, chứ không phải là cấm 100%. Chấp nhận tên gây nhầm lẫn thì dẫn đến hậu quả là đánh lừa khách hàng và gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác. Dung túng cho những cái tên quá tục, quá bậy thi làm hỏng văn hoá, đạo đức. Và đương nhiên là không thể cho phép tên gọi xúc phạm dân tộc, các tổ chức và cá nhân.

Phải chăng, vì quan điểm quá nặng về cấm đoán, nên khoản 3, Điều 14 về “Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp”, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ Về đăng ký doanh nghiệp, đã vượt Luật, cấm sử dụng “tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp”.

Nếu cho rằng, việc doanh nghiệp đặt theo tên danh nhân là tôn vinh họ, thì không cần hạn chế. Còn nếu nghĩ rằng, đó là việc xúc phạm danh nhân, thì hoàn toàn vô căn cứ. Suy cho cùng, thì việc lấy tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp không hề nhằm tôn vinh hay xúc phạm ai. Pháp luật chỉ cần can thiệp theo hướng, cấm xúc phạm danh nhân và cấm tôn vinh phản động. Ví dụ, dù anh có tên khai sinh là Lê Thánh Tông, thì cũng nên cấm việc đặt tên là Công ty kinh doanh trâu bò Lê Thánh Tông. Và ngược lại, dù tên cúng cơm của anh là Lê Chiêu Thống, thì cũng không bao giờ được phép đặt tên là Công ty Tôn vinh Lê Chiêu Thống.

Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL

“Điều 2. Đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc

Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc:

1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong Giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;

b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.

3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật

Điều 3. Đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc

Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc:

1. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội;

2. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác;

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới;

4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quy định của pháp luật.”

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN ĐĂNG NGÀY 30/10/2014

 

 

NHẦM LẪN VỀ CẤM ĐẶT TÊN

Tác giả LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC
Tạp chí THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Năm xuất bản 2014
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.