Đại học Ngoại ngữ và Tin học Tp. HCM tổ chức thành công hội thảo về xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 28/3/2019, Bộ Môn Luật – Trường đại học Ngoại ngữ và Tin học Tp.HCM HUFLIT) đã thực hiện tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tại buổi khai mạc hội thảo, TS Trần Thanh Nhàn – đại diện trường đại học HUFLIT phát biểu chào đón các quý đại biểu cùng các bạn sinh viên đã dành thời gian đến tham gia. Theo cô, đây là một sự kiện quan trọng của nhà trường cho thấy nỗ lực trong việc gắn kết chặt chẽ giữa việc giảng dạy lý thuyết và sự phát triển của xã hội trong trường Đại học Huflit  cũng như đóng góp vào  việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.


 

Trình bày mở màn cho buổi hội thảo, tiến sĩ Bùi Kim Hiếu – Trưởng Bộ Môn Luật trường Đại Học Ngoại Ngữ và Tin Học Tp.HCM bắt đầu với chủ đề “đào tạo cử nhân luật kinh tế tại trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học Tp.HCM trước cách mạng công nghiệp 4.0”. Thầy đã phục dựng thành công một xã hội hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều mặt của những thành tựu khoa học kỹ thuật trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. Theo TS. Bùi Kim Hiếu, cần tạo cơ chế mở hơn để cho phép những người có nhiều kinh nghiệm trong hành nghề luật hay các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan có thể tham gia vào công tác giảng dạy cử nhân luật. Từ đó các bạn sinh viên có thể học hỏi và có những cách nhìn toàn diện hơn và thực tế hơn về công việc tương lai của mình.

Từ góc độ pháp luật so sánh, TS. Đặng Tất Dũng – Giảng viên Đại Học Luật Tp.HCM – một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hành chính nhà nước với nhiều năm nghiên cứu tại nước ngoài đã trình bày quan điểm trên cơ sở so sánh sự tương tác giữa các chủ thể thực hiện chức năng lập pháp và người dân trong việc xây dựng các quy định pháp luật giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh.  Theo Tiến Sĩ Đặng Tất Dũng, hiện Việt Nam cũng đã có nhiều cơ chế trực tuyến để người dân thể hiện quan điểm của mình trong xây dựng pháp luật.  Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta gặp phải là người dân đang thiếu sự tin tưởng vào những hệ thống trực tuyến đó. Các cơ quan nhà nước có lẽ cần cụ thể hơn,  xây dựng một cơ chế toàn diện và thân thiện với người dùng hơn mới có thể khắc phục, cải thiện được vấn đề trên.


 

Tiếp nối buổi hội thảo, Tiến Sĩ - Luật sư Lưu Tiến Dũng – thành viên Công ty luật YKVN chia sẻ về vụ tranh chấp lịch sử giữa VINASUN và GRAB từ vị thế là một người trực tiếp tham gia vụ việc. Theo Tiến sĩ, hệ thống pháp luật Việt Nam có lẽ chưa có được một sự chuẩn bị để đối mặt và xử lý những vấn đề đặt ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước một vụ việc cụ thể, nhiều vấn đề mang tính chất truyền thống như mối quan hệ giữa các hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp hay vấn đề mới như bản chất của GRAB là một loại hình kinh doanh vận tải hay một loại hình kinh doanh mới đang gây ra những tranh cãi giữa các hệ thống hay thậm chí các cơ quan, cá nhân trong cùng một hệ thống.

Buổi hội thảo còn nhận được sự tham gia trình bày của nhiều đại biểu cùng những ý kiến đóng góp và trao đổi của những người tham gia bao gồm cả các bạn sinh viên đang theo học ngành luật của tại Trường.

Hội thảo kết thúc lúc 11 giờ 45 phút cùng ngày trong không khí vui vẻ và ấm áp. Sẽ còn nhiều câu chuyện để chia sẻ, sẽ còn nhiều vấn đề cần tranh luận, cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề của nó không thể chỉ gói gọn trong phạm vi một buổi hội thảo. Tuy nhiên buổi gặp gỡ đã tạo ra một diễn đàn vô cùng ý nghĩa để các học giả chia sẻ những quan điểm, cách nhìn của riêng mình về những vấn đề nổi bật ở thời điểm hiện tại. Đó còn là cơ hội cho các bạn sinh viên chuyên ngành luật của Đại học HUFLIT được tiếp xúc và học hỏi cách thức tư duy, khả năng phân tích của những chuyên gia, luật sư hàng đầu trong nghề luật. Buổi hội thảo một lần nữa khẳng định về triết lý giáo dục học đi đôi với hành và nỗ lực gắn việc giảng dạy lý thuyết với sự vận động và phát triển của đời sống xã hội của Đại học HUFLIT nói chung và Bộ Môn Luật của nhà trường nói riêng.

THEGIOILUAT

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC