Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

GÓP Ý VÀO MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

Nguyễn Hà Thanh

(Ban Nội chính Trung ương)

    (BNCTW) - Hiện nay, Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Dự án Bộ luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

    Theo bản Dự thảo gần đây nhất, Dự thảo giữ nguyên 27 điều của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ 19 điều, bổ sung mới 166 điều và sửa đổi 290 điều nên có nhiều vấn đề mới; một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; căn cứ và thời hạn tạm giam; bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can; việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa; trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa; nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử; giới hạn xét xử; thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; biện pháp điều tra đặc biệt.

    Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này đã bám sát và thể hiện khá đầy đủ tinh thần các nghị quyết của Trung ương về cải cách tư pháp, tinh thần và lời văn của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, nhất là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử; quy định cụ thể hơn nguyên tắc tổ chức, hoạt động, thẩm quyền tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, tạo cơ sở luật định cho việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

    Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không phải đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình: theo BLTTHS hiện hành, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến. Nghĩa là, việc trình bày lời khai, đưa ra ý kiến được quy định là quyền mà không phải là nghĩa vụ, do đó, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này. Để làm rõ hơn về quyền này, chúng tôi cho rằng cần bổ sung quy định “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

    Việc bổ sung trên nhằm thể chế hóa yêu cầu của cải cách tư pháp và đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quyền bào chữa của người bị buộc tội, bị can, bị cáo phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp mới, đáp ứng yêu cầu Công ước Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên (Điều 14, khoản 3, điểm g). Đồng thời, phương án trên cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình để buộc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đưa ra những chứng cứ bất lợi cho họ.

    Về quyền của bị can không có người bào chữa được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, sau khi kết thúc điều tra: để thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, chúng tôi cho rằng nên bổ sung quyền của bị can không có người bào chữa thì phải được quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa, sau khi kết thúc điều tra. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng quyền này của bị can tương ứng với quyền của người bào chữa được ghi nhận tại Điều 116 Dự thảo “Người bào chữa có quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật”.

    Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của quyền này, cần phải xây dựng một thủ tục tố tụng chi tiết, cụ thể để thực hiện quyền này (như số lần bị can, bị cáo được đọc, ghi chép, trong thời gian bao lâu,...). Ngoài ra, để đảm bảo sự an toàn của các hồ sơ vụ án, một số nước thường số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án thành các dữ liệu điện tử, và bị can, bị cáo sẽ được quyền tiếp cận các dữ liệu này. Do vậy, về lâu dài, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam có thể tiến hành thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho các hồ sơ vụ án.

    Về căn cứ và thời hạn tạm giam: Theo Điều 93 Dự thảo, có thể tạm giam cả đối với trường hợp bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù từ 02 năm trở xuống. Như vậy, Điều 93 Dự thảo mở rộng các trường hợp tạm giam hơn Điều 88 BLTTHS hiện hành (chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt đối với tội đó trên 02 năm). Chúng tôi cho rằng nên kế thừa quy định của Điều 88 BLTTHS hiện hành nhằm hạn chế các trường hợp tạm giam không cần thiết.

    Ngoài ra, cần quy định cụ thể hóa những trường hợp được coi là cản trở điều tra, truy tố, xét xử để tránh việc tùy nghi trong việc áp dụng nội dung này trên thực tiễn. Và bổ sung thêm trường hợp có thể tạm giam là việc bị can, bị cáo có thể “Đe dọa, gây áp lực lên người làm chứng hoặc người bị hại cũng như gia đình và người thân của họ”.

    Về thời hạn tạm giam, chúng tôi đồng tình về chủ trương giảm thời hạn tạm giam. Tuy nhiên, cần phải có phương án để đảm bảo sự tương thích giữa thời hạn tạm giam và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Bởi vì, có trường hợp đã hết thời hạn tạm giam nhưng vẫn chưa kết thúc điều tra hoặc đang truy tố, xét xử; trong khi đó, không thể thả bị can, bị cáo trong trường hợp này.

    Về việc cấp giấy chứng nhận (GCN) người bào chữa: nên xem xét bỏ quy định cấp GCN người bào chữa và thay bằng quy định luật sư đăng ký bào chữa khi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ luật định. Việc bỏ quy định cấp GCN nhằm đảm bảo cho người bào chữa có khả năng hỗ trợ kịp thời người bị bắt, người bị tạm giữ thực hiện quyền bào chữa. Bởi vì theo dự thảo BLTTHS thì ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, cơ quan điều tra đã phải lấy lời khai, trong khi việc cấp GCN người bào chữa phải qua các thủ tục đòi hỏi một khoảng thời gian từ 24 giờ đến 3 ngày. Đồng thời, tránh cơ chế xin - cho liên quan đến thủ tục cấp GCN bào chữa trong thực tiễn hiện nay.

    Ngoài ra, thực tiễn tố tụng cho thấy, các hoạt động điều tra sau khi bắt người bị tình nghi thường thực hiện ngay tại trụ sở công an, trong đó chỉ có người bị bắt hoặc người bị tạm giữ và điều tra viên mà không có sự tham gia của người bào chữa và kiểm sát viên. Do vậy, xảy ra tình trạng một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ở giai đoạn này và ở ngay nơi tạm giữ mà không có nhân chứng nào khác ngoài chính cơ quan điều tra.

    Về trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa: việc mở rộng trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tù chung thân thay cho mức cao nhất là tử hình như hiện nay để thể chế hóa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta.

    Còn việc mở rộng trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội có khung hình phạt từ 12 năm tù trở lên là không khả thi với điều kiện Việt Nam hiện nay, bởi đội ngũ luật sư còn tương đối mỏng, với phương án này thì dự kiến số lượng người bào chữa bắt buộc tăng lên 8 lần.

    Quyền yêu cầu giám định của bị can, bị cáo, người bào chữa: Bộ luật TTHS hiện hành mới chỉ quy định quyền của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được thông báo về nội dung kết luận giám định và được trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Quy định như vậy chưa bảo đảm bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, vì nếu cơ quan tiến hành tố tụng không trưng cầu giám định thì bị can, bị cáo và người bào chữa của họ không có được nguồn chứng cứ quan trọng cần có kết luận giám định.

    Do vậy, nên bổ sung quyền của bị can, bị cáo, người bào chữa yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp liên quan trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

    Về giới hạn xét xử: Nên giữ nên quy định hiện hành, nghĩa là, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Việc đặt ra giới hạn xét xử là phù hợp với sự phân định các chức năng của tố tụng hình sự. Đồng thời, quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc việc xét xử khác với nội dung cáo trạng chỉ được phép nếu không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo, thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng và không ảnh hưởng đến quyền bào chữa của họ.

    Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: Không nên bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bởi một số lý do sau đây:

    Hiện nay trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hành chính, có quan điểm đồng tình việc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều lần. Tuy nhiên, trong hình sự tình trạng xét xử quay vòng nhiều lần không “nổi cộm” như trong dân sự, mà chủ yếu liên quan đến hoạt động trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Do vậy, không cần thiết phải bổ sung thẩm quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho Hội đồng giám đốc thẩm.

    Trong tố tụng hình sự cần phải đảm bảo tối đa các quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền tranh tụng tại phiên tòa, bởi các phán quyết của tòa án ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người, của công dân như quyền tự do, quyền sống,...

    Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” (Điều 103). Việc bổ sung thẩm quyền trên có thể dẫn đến tình trạng coi giám đốc thẩm như một cấp xét xử và thực tế hiện nay, đang xảy ra tình trạng này, làm cho các tòa án cấp trên quá tải trong việc giải quyết các đơn yêu cầu giám đốc thẩm.

    Tính chất của giám đốc thẩm chỉ là “xét lại” bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định thì có thể hiểu cấp này có thẩm quyền xét xử, vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền “xét lại” của giám đốc thẩm.

 

GÓP Ý VÀO MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

Tác giả Nguyễn Hà Thanh (Ban Nội chính Trung ương)
Tạp chí Ban nội chính trung ương
Năm xuất bản 2015
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ