Ban hành quyết định số 64/QĐ-CT - Bộ Công Thương chính thức điều tra vụ Grab thâu tóm Uber

Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT về việc điều tra chính thức vụ thâu tóm Uber của Grab.

Theo như thông tin từ Chính Phủ - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức được cơ quan điều tra ấn định là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày. 

Sau khi quá trình điều tra chính thức kết thúc thì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định. 

Trước đó, ngày 16/5/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam. 

Cụ thể, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định đã thông báo cụ thể tới Grab các thông tin này để Grab cân nhắc.

Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.

Grab ra thông báo sát nhập Uber (Ảnh minh họa)


Vụ việc này được coi là sẽ có tác động không nhỏ đến Grab cũng như quá trình kinh doanh của Grab ở thị trường Việt Nam. Đây được coi là vụ "thâu tóm" khá tai tiếng trên thị trường thời gian vừa qua khi Grab đã mua lại Uber Đông Nam Á. Theo kết quả điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thì việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Nhưng theo đại diện của Grab thì cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30% nên họ không cần phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam. 

Trước đó, hôm 26/3, Grab đã công bố thông tin về việc hãng mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab. Trước thông tin này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có công văn yêu cầu GrabTaxi cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại trên.

Việc mua lại này được đánh giá là sẽ triệu tiêu cạnh tranh tại nhiều thị trường (Ảnh minh họa)

Không chỉ cơ quan quản lý Việt Nam, liên tiếp ba nước khác tại Đông Nam Á (Philippines, Singapore và Malaysia) cũng đã tiến hành điều tra thương vụ sáp nhập Uber vào gã khổng lồ Grab vì lo nguy cơ độc quyền. Đáng chú ý, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) đã tuyên bố có đủ căn cứ hợp lý để nghi ngờ thỏa thuận Grab-Uber có thể triệt tiêu cạnh tranh tại thị trường Singapore.

Thegioiluat.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC