Bắt Chó Thả Rông. Quy định mới nhưng không mới!

Hiện nay dư luận đang rất xôn xao về việc bắt giữ chó của Đội bắt chó đi rông thuộc Chi cục thú y thành phố Hồ Chí Minh. Có rất nhiều quan điểm về việc làm trên, nhiều người đồng ý với việc làm trên vì nó sẽ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông hay các tai nạn khác do chó thả rông gây ra, một số khác lại phản đối kịch liệt việc làm này.



 

Quy định mới nhưng không mới!

Theo Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật do chính phủ ban hành ngày 09/01/2017 đã quy định về việc bắt chó thả rông đồng thời đưa ra mức phạt với chủ sở hữu:

Điều 6. Nuôi chó

Chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.

2. Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

3. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Điều 7. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại

1. Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y.

2. Vắc xin tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo phải có trong Danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và phải được bảo quản, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc của cơ quan thú y.

3. Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ vật nuôi có chó, mèo đã được tiêm phòng theo quy định. Chủ vật nuôi phải thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng theo quy định của pháp luật về thú y.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình do Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c. Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Trên thực tế, việc làm này của Đội bắt chó đi rông đã được thực hiện nhiều năm nay, trụ sở hiện tại của Đội là tại số 252 Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3, TP.HCM. Việc làm này sẽ được Đội triển khai vào 2 tiếng buổi sáng, buổi chiều sẽ là thời gian để thực hiện các công tác tiêm phòng và chăm sóc chó. Sau 72 tiếng nếu không có chủ tới nhận, chó sẽ được đem đi xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời theo Chỉ thị số 31/CT-TTg năm 2017 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại được thủ tướng chính phủ ban hành  09/07/2017. Chi cục thú y sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp cần thiết để việc phòng chống bệnh dại được diễn ra hiệu quả hơn.

Mức phạt có thể lên đến 800.000 đồng!

Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y do chính phủ ban hành ngày 31/07/2017 sẽ có hiệu lực vào ngày 15/09 tới đây quy định về mức phạt như sau:

Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”. Như vậy, từ ngày 15-9, chó dù có người dắt mà không được đeo rọ mõm thì chủ nuôi sẽ bị phạt tiền.

Trước đây mức phạt mà Chi cục thú ý áp dụng là mức 100.000 đồng đến 300.000 đồng tuy nhiên sắp tới đây mức phạt sẽ được nâng lên đồng thời việc xử lý và kiểm tra cũng sẽ gắt gao hơn. Do đó, các gia đình nuôi chó, mèo nên thực hiện theo quy định nhằm tránh vi phạm các quy định hay gây thiệt hại do chó, mèo của mình gây ra.

Đây là quy định gặp rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận nhiều ngày qua, tuy nhiên nhìn chung đây là một quy định có rất nhiều mặt tích cực như nhằm hạn chế tại nạn giao thông, bệnh dại, làm cho đường phố sạch sẽ hơn vì hạn chế các chất thải do chó, mèo thả rông gây ra. Bên cạnh đó, các cá nhân, gia đình nếu có chó, mèo chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo quy định pháp luật sẽ không phải lo ngại về các vấn đề trên, đó vừa là cách bạn quan tâm đến chó, mèo vừa không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Lê Huy

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC