Đánh ghen như thế nào là đúng pháp luật

."Đánh ghen" không phải là khái niệm được pháp luật quy định, chỉ là tên gọi do người dân tự đặt ra để chỉ hành vi bằng lời nói hoặc hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ/chồng của mình... hoặc các đối tượng có liên quan khác. Pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc "đánh ghen", cũng như không quy định thế nào là "đánh ghen" hợp pháp. 

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người thực hiện việc "đánh ghen" có hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự (nếu có). 
Đối chiếu với trường hợp của chị gái bạn, khi đến gặp cô gái ngoại tình với chồng mình thì không được thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: có lời nói xúc phạm, chửi bới, lăng mạ hoặc gây thương tích...

Trong trường hợp này, thay vì "đánh ghen" thì chị bạn có thể chọn cách giải quyết phù hợp hơn là thu thập chứng cứ về việc ngoại tình của anh chồng và cô gái kia. Bạn có thể tự mình thu thập chứng cứ hoặc nhờ đến cơ quan Thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận sự kiện hành vi theo quy định tại Văn bản hợp nhất 7821/VBHN-BTP. Đương nhiên Thừa phát lại không có quyền ập vào phòng khi hai người kia đang “tòm tem” với nhau. Mà họ có quyền ghi nhận trong khoảng thời gian đó, hai người đó đi đến đâu, làm gì, sống chung như thế nào… Vi bằng mà Thừa phát lại lập có giá trị pháp lý khi tranh tụng trước tòa cũng như cũng có giá trị làm bằng chứng khi tiến hành tố cáo.


Sau khi tự mình hoặc nhờ cơ quan thừa phát lại hỗ trợ thu thập chứng cứ, bạn có thể tố cáo đến cơ quan công an hoặc Chủ tịch UBND cấp xã/phường để các cơ quan này xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai người này. Cụ thể như sau: 

- Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013, người nào có hành vi: a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;..." sẽ bị phạt tiền từ một đến 3 triệu đồng. 

- Về xử lý hình sự: Người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng" theo Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội 
THEO VNEXPRESS

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC