Gánh nặng của người dân ngày càng nâng cao khi hàng loạt loại thuế sắp được "ra mắt"

Từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ Tài chính liên tục đưa ra các đề xuất liên quan tới thuế. Điển hình như đề xuất tăng thuế nội địa như thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mới đây nhất là tăng thuế tài sản đánh vào nhà, đất. Các loại thuế, phí gia tăng ngày càng làm tăng thêm gánh nặng cho người dân khi họ là người chịu tác động trực tiếp của các loại thuế này.

Thuế VAT được điều chỉnh tăng lên 11 - 12%

Vào cuối tháng 8/2017, trong dự thảo đề cương xây dựng luật sửa đổi các luật về thuế, Bộ Tài chính đã gây sốc khi đề xuất nâng thuế VAT từ 10% lên 12% áp dụng từ 1/1/2019
 

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu như thuế VAT,..

Cụ thể, để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt). Số lượng quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014 và 166 nước năm 2016.

Tăng thuế VAT được Bộ Tài Chính lý giải là không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo (Ảnh minh họa).

Bộ Tài chính cũng lý giải, cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế giá trị gia tăng để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng diễn ra phổ biến. Theo thống kê, từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông như: Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước thuộc chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế Giá trị gia tăng từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế Giá trị gia tăng, như Philipine, Ấn Độ, Nhật Bản.

Khi ấy, nhiều chuyên gia, hiệp hội, DN đã lên tiếng bày tỏ nhiều quan ngại. Bản thân nhiều bộ ngành khi góp ý với Bộ Tài chính cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ nội dung này.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm tăng thuế VAT là cần thiết. Bộ cũng đồng thời khẳng định thuế giá trị gia tăng thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo. Và rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ tác động rất nhỏ đến chi tiêu của nhóm người có thu nhập thấp - đối tượng chủ yếu tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ như mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục.

Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Đây là đề xuất của Bộ Tài Chính và được lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Nhưng việc tăng thuế lần này được nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng "lãnh đủ". Nhất là khi xăng, dầu đang là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người dân và các doanh nghiệp khi nó gắn liền với hoạt động hàng ngày của họ và Bộ Tài Chính thì đang đề xuất tăng "kịch khung" đối với mặt hàng này.

Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất được chấp thuận, ngân sách sẽ tăng thu hơn 15.500 tỉ đồng/năm. Nhưng giá xăng dầu hiện nay lại được đánh giá là "cõng" quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 9%. Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng. 

Trong khi đó, xăng dầu lại là yếu tố "sống còn" của nền kinh tế. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp. Các doanh nghiệp vận tải hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do những chi phí khác "đè" như phí bảo trì đường bộ, phí BOT. việc tăng phí môi trường là một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi nó làm tăng giá cước vận tải. 

Tăng thuế xăng dầu, người dân và doanh nghiệp "lãnh đủ" là điều chắc chắn (Ảnh minh họa).

Đề xuất tăng thuế lên tới...mười ba lần đối với nhà cửa, đất đai

Gần đây nhất, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế Tài Sản. Theo đó, Bộ dự kiến sẽ đánh thuế đối với các hạng mục như tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với nhà ở và đất đai, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế 0,4% với nhà, đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Cùng với việc đánh thuế nhà, đất dự thảo Luật Thuế tài sản đề xuất tiếp tục đánh thuế tài sản với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với mức cao hơn nhiều lần so với hiện hành. Nếu tính theo mức thuế 0,03% đang được áp dụng thì việc đánh thuế này đã tăng lên tới...mười ba lần so với trước. Chính vì thế, nó gây ra một làn sóng tranh cãi lớn trong cộng đồng. Hầu hết đều phản ảnh rằng mức tăng thuế này là quá cao và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đối với người dân.

"Dính" đề xuất tăng thuế nhà, đất, thị trường Bất Động Sản giờ đây cũng bị ảnh hưởng theo (Ảnh minh họa).

Thuế đất này sẽ thay thế cho thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Như vậy, hai luật này dự kiến sẽ hết hiệu lực sau khi Luật Thuế tài sản được thông qua (theo kế hoạch dự kiến của Bộ Tài chính là đến năm 2020). Bộ Tài chính cũng cho biết thêm rằng việc đánh thuế đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là để kế thừa quy định của chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Giá tính thuế đối với đất sẽ được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1m2 đất tính thuế.

Dự kiến ngân sách có thể thu được 31 nghìn tỷ đồng nếu đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính được thông qua.

Thegioiluat
 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC