Khái niệm nhà nước trong khoa học pháp lý

Khái niệm nhà nước trong khoa học pháp lý

Nhà nước là một hiện tượng phức tạp nên có nhiều quan niệm khác nhau về nhà nước, và do vậy, cũng có nhiều cách xã định nhà nước từ những phương diện khác nhau. Tồn tại một số quan niệm cơ bản sau về nhà nước như: nhà nước là Chúa trời; Vua chính là nhà nước (nhà nước là Trẫm); Nhà nước là tòa tháp (trên đỉnh tháp là Vua, tiếp đến là các quan đại thần … dưới chân là tháp dân); Nhà nước là gia đình mở rộng (cả xã hội là một gia đình và Vua là “Cha” của cả xã hội); Nhà nước là trọng tài công minh đứng trên xã hội để bảo vệ lợi ích của tất cả mọi người trong xã hội; Nhà nước là một thể nhân, một cơ thể nhân tạo; Nhà nước là đội quân vũ trang được tách ra khỏi xã hội để làm nghề cai trị (quản lý); Nhà nước là bộ máy cưỡng chế của giai cấp này đối với giai cấp khác; Nhà nước là tổ chức (bộ máy) có trách nhiệm duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác; Nhà nước là cơ quan quyền lực chính trị; Nhà nước là sản phẩm của sự phát triển xã hội, “là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được”;….

Các quan điểm hiện đại đều cho rằng, nhà nước là một hình thức tổ chức của con người khi xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định. Khi xã hội chưa phát triển, nó được tổ chức dưới những hình thức như thị tộc, bộ lạc … Khi xã hội đã phát triển cao, đặc biệt là khi trong xã hội có sự phân hóa thành các giai cấp có lợi ích đối lập nhau, nó buộc phải được tổ chức thành nhà nước để có được sự ổn định và phát triển, đồng thời cũng “làm dịu đi cuộc xung đột giai cấp” giữ cho xã hội “trong vòng trật tự”.

Như vậy, nhà nước là một tổ chức của xã hội, để quản lý xã hội, duy trì trật tự xã hội, đòi hỏi nhà nước phải thiết lập quyền lực công cộng đặc biệt. Quyền lực công cộng ấy đã tách khỏi dân cư và do một bộ máy chuyên môn nắm giữ và thực hiện.

Nhà nước một mặt là tổ chức quyền lực công đặc biệt của toàn xã hội (quốc gia), thay mặt cho xã hội quản lý các mặt khác nhau của cuộc sống, bảo đảm sự ổn định, trật tự xã hội, quyền lợi của cả cộng đồng xã hội, nhưng mặt khác, nó còn là tổ chức quyền lực của giai cấp thống trị, ở một mức độ nhất định, nó bảo vệ lợi ích và thực hiện mục đích của giai cấp cầm quyền.

Từ những phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa nhà nước như sau: Nhà nước là tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt, có đủ bộ máy chuyên để cưỡng chế và thực hiện các chức năng quản lý xã hội, phục vụ lợi ích và thực hiện mục đích của giai cấp thống trị vừa của cả xã hội.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC