"QUYỀN IM LẶNG" - CÓ PHẢI KHI NÀO CŨNG ĐƯỢC SỬ DỤNG?

Những ngày gần đây, vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trị giá 16,5 tỷ đồng liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) là một chủ đề nóng trên mặt báo. Tại tòa Nga khẳng định mình không hề khai nhận bất kỳ điều gì với cơ quan điều tra và sử dụng “Quyền im lặng” của mình. Việc hoa hậu sử dụng quyền này được những người am hiểu pháp luật đánh giá cao. Nhưng khi nào thì được sử dụng Quyền Im lặng?

Quyền con người là quyền tự nhiên vốn có, khách quan của mỗi người, được ghi nhận trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Quyền im lặng là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cho đến nay quyền im lặng mặc dù chưa được ghi nhận chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đã được gián tiếp nhắc đến không những trong đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất mà còn trong một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Quy định gián tiếp mới nhất hiện nay về quyền im lặng là quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có hiệu lực từ tháng 01/2018. Trước đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã quy định về vấn đề này. Theo đó, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo, cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Đây được coi là một nội dung của "quyền im lặng" nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật. Đồng thời, họ cũng không buộc phải dùng lời nói để chứng minh mình vô tội – một việc sẽ được thực hiện bởi cơ quan điều tra.

Quyền im lặng có thể sử dụng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bất kỳ lúc nào áp dụng quyền im lặng cũng là giải pháp tốt. Trong một số trường hợp cần thiết mà có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hay trật tự xã hội thì nó có thể sẽ bị hạn chế trong những chừng mực nhất định, để đảm bảo cho những lợi ích cao hơn. Vấn đề này khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 đã quy định cụ thể: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”

Có nhiều quan điểm cho rằng quyền im lặng là không thành khẩn khai báo, là ngoan cố, gây cản trở cho cơ quan tố tụng, do đó không được hưởng tình tiết giảm nhẹ hoặc bị áp dụng mức hình phạt nặng hơn (so với việc có khai báo) khi tòa tuyên án. Quan điểm này vô hình chung đã tước bỏ quyền con người của mỗi chúng ta.

Nhiều quan điểm cũng cho rằng khi thực hiện quyền im lặng thì bị can, bị cáo mất quyền “tự bào chữa, nhờ người bào chữa”. Tuy nhiên các quan điểm này điều không chính xác. Bởi quyền con người của bị can, bị cáo luôn luôn được tôn trọng, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Bên cạnh đó, bị can, bị cáo có các quyền khác độc lập với nhau, việc thực hiện, không thực hiện một hay một số quyền không làm ảnh hưởng tới các quyền khác.

Những ngày gần đây, vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trị giá 16,5 tỷ đồng liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) là một chủ đề nóng trên mặt báo. Tại tòa Nga khẳng định mình không hề khai nhận bất kỳ điều gì với cơ quan điều tra và sử dụng “Quyền im lặng” của mình. Việc hoa hậu sử dụng quyền này được những người am hiểu pháp luật đánh giá cao. 

Như vậy, quyền im lặng là sự thể hiện quyền được tự bảo vệ mình của người bị bắt, bị can, bị cáo. Góp phần tránh được những sai sót, oan sai trong quá trình điều tra xét xử.

HOÀI PHƯƠNG

Bài viết độc quyền của Thegioiluat.vn

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC