Sai lầm về pháp luật và sai lầm sự việc trong Luật Hình sự

Sai lầm về pháp luật là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất pháp lý và hậu quả pháp lý của hành vi của mình. Sai lầm về sự việc là sự hiểu lầm của chủ thể về những tình tiết thực tế của hành vi của mình.

Sai lầm pháp luật là gì?

Sai lầm về pháp luật là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất pháp lý và hậu quả pháp lý của hành vi của mình. - Xuất phát từ nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc “có luật, có tội; không có luật, không có tội”, Điều 2 BLHS 2015 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự trong từng dạng sai lầm về pháp luật như sau:

 - Trường hợp thứ nhất, chủ thể hiểu lầm rằng hành vi của mình là phạm tội nhưng trên thực tế BLHS không quy định hành vi đó là tội phạm, nên họ không phạm tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

-  Trường hợp thứ hai, chủ thể hiểu lầm rằng hành vi của mình không vi phạm pháp luật hình sự, nhưng trên thực tế BLHS quy định hành vi đó là tội phạm. Trong trường hợp này, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng họ vẫn thực hiện thì họ vẫn có lỗi, do đó, họ vẫn bị coi là phạm tội "phải chịu trách nhiệm hình sự”. Công dân có nghĩa vụ phải tìm hiểu và tuân theo những quy định của pháp luật. Việc họ không biết luật là do lỗi của họ. Chính vì vậy, họ không thể viện lý do không biết luật để chối tội. Tuy nhiên, đây có thể là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội do lạc hậu”.

Sai lầm về sự việc là gì?

Sai lầm về sự việc là sự hiểu lầm của chủ thể về những tình tiết thực tế của hành vi của mình. Sai lầm về sự việc có các dạng: sai lầm khách thể, sai lầm đối tượng tác động, sai lầm về quan eh65 nhân quả và sai lầm về công cụ, phương tiện phạm tội.

Sai lầm về khách thể

Sai lầm về khách thể là sai lầm của chủ thể về tính chất của quan hệ xã hội là đối tượng của hành vi của mình. Sai lầm về khách thể có các dạng sau:

- Chủ thể có hành vi nhằm xâm hại một khách thể nhất định được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã không xâm hại được do đã tác động nhầm vào đối tượng tác động thuộc khách thể khác. Ví dụ: Một người đi săn động vật hoang dã quý hiếm (tê giác, sao la, hổ Đông Dương, Voi,... là đối tượng tác động của Điều 244 BLHS) đã bắn nhầm vào một người đi săn khác do tưởng đó là động vật.

- Chủ thể có hành vi nhằm xâm hại khách thể nhất định đến Luật Hình sự bảo vệ nhưng đã không xâm hại được vì đã tác động nhầm vào đối tượng tác động không phải là khách thể được Luật Hình sự bảo vệ. Ví dụ: Định bắn một người đang trùm mền nằm ngủ nhưng thực tế đã bắn vào một con thú nhồi bông.

- Chủ thể không định xâm hại khách thể được Luật Hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã xâm hại vì đã tác động nhầm vào đối tượng thuộc khách thể được Luật Hình sự bảo vệ. Ví dụ: Trong khi đi săn bắn một con gà rừng (không phải là động vật nguy cấp, quý hiếm không thuộc đối tượng tác động của Điều 244 BLHS) nhưng nhầm vào người đi săn khác.

Trong ba trường hợp sai lầm về khách thể trên, trường hợp thứ nhất và thứ hai, người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm với lỗi cố ý, ở trường hợp thứ ba, người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã gây ra trên thực tế với lỗi vô ý nếu họ có lỗi vô ý.


 

Sai lầm về đối tượng tác động

Sai lầm về đối tượng tác động là sai lầm của chủ thể về đối tượng tác động khi thực hiện hành vi phạm tội.

Ví dụ: Định giết A nhưng đã giết nhầm sang B. Trong trường hợp này chỉ có sự nhầm lẫn về đối tượng tác động (A nhầm sang B) còn khách thể bị xâm hại vẫn là quyền được sống của con người. Sai lầm về đối tượng tác động không ảnh hưởng đến lỗi và trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Sai lầm về quan hệ nhân quả

Sai lầm về nhân quả là sai lầm của chủ thể trong việc định giá sự phát triển của hành vi đã thực hiện của mình. Ví dụ: A phi lao vào người B nhằm gây thương tích cho B, nhưng mũi dao đi chệch hướng nên đã găm vào người C và gây thương tích cho C. Trong trường hợp này, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý mà họ định thực hiện và về tội vô ý mà họ gây ra.

Sai lầm về công cụ, phương tiện phạm tội

Đây là sai lầm của chủ thể về tính chất của công cụ, phương tiện sử dụng khi thực hiện hành vi. Có hai dạng của sai lầm về công cụ, phương tiện:

- Chủ thể sử dụng công cụ phương tiện tưởng có tính năng gây thiệt hại, nhưng thực tế nó không thể gây ra thiệt hại. Ví dụ: A giết B bằng cách cho B uống thuốc độc, nhưng thực tế đó không phải là thuốc độc nên B không chết. Trong trường hợp này, A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

- Chủ thể thực hiện công cụ, phương tiện tưởng không có tính năng gây thiệt hại nhưng thực tế đã gây ra thiệt hại cho xã hội. Ví dụ: Tưởng súng không có đạn nên đã nhắm vào đầu bạn mình, bóp cò để đùa giỡn. Nhưng thực tế súng có đạn làm cho bạn bị chết. Trong trường hợp này chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm với lỗi vô ý (nếu có lỗi vô ý).

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC