Thế nào là phòng vệ chính đáng

Quyền con người là một quyền tối thượng cần được mọi xã hội xác lập và bảo vệ. Một trong các quyền con người đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Pháp luật Việt Nam luôn coi trọng và bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người.

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 2, BLHS 1999). Như  vậy, chỉ có những hành vi phạm tội được quy định trong BLHS mới được coi là hành vi của tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có một số hành vi phạm tội được quy định trong BLHS nhưng lại chứa đựng các tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên người thực biện hành vi đó không bị coi là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Một trong những trường hợp đó là phòng vệ chính đáng, thế nhưng việc xác định như thế nào là phòng vệ chính đáng còn gặp nhiều khó khăn, chưa có một quy chuẩn nào rõ ràng, cụ thể để đánh giá đó là hành vi phòng vệ chính đáng. Do đó, dẫn đến tình trạng xác định không đúng trách nhiệm hình sự, xâm phạm đến quyền con người của công dân.

Ảnh minh họa: Internet

Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả  rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm         hình sự.”

Khi xem xét một hành vi có phải là hành vi phòng vệ chính đáng hay không, chúng ta cần xem xét các khía cạnh sau:

-         Về phía nạn nhân: là người đang xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của người phòng vệ và người khác (hành vi xâm phạm này là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể);

-         Người phòng vệ: là người thực hiện hành vi phòng vệ nhưng hành vi đó chỉ được gây ra thiệt hại về  tính mạng hoặc sức khỏe cho người có hành vi xâm phạm;

-         Tính cần thiết của hành vi chống trả: đó là sự cần thiết cần phải chống trả, không thể không chống trả trước hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, của cá nhân người phòng vệ và người khác.

Trên thực tế, việc đánh giá tính cần thiết của hành vi chống trả của người phòng vệ có chính đáng hay không là hết sức phức tạp, đòi hỏi phải đặt sự việc trong hoàn cảnh cụ thể, phải so sánh tương quan lực lượng, xem xét tính chất quan hệ xã hội mà kẻ tấn công đang xâm phạm, phương pháp, phương tiện, công cụ mà kẻ tấn công sử dụng cũng như điều kiện, khả năng phòng vệ của người phòng vệ… Vì vậy quy định về phòng vệ chính đáng chỉ mang tính định tính chứ không mang tính định lượng.

Trước những bất cập như  vậy, Pháp luật Việt Nam cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn để xác định như thế nào là hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi phòng vệ đó đến mức độ nào thì được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, từ đó có cơ sở đến xác định tội phạm, tránh hàm oan người vô tội, đảm bảo việc xác lập và bảo vệ quyền con người của công dân.

HOÀI PHƯƠNG

Thegioiluat.vn 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC