Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

 

Các trường phái án lệ trên thế giới - Mô hình nào cho Việt Nam?: Kỳ I - Án lệ mang tính ràng buộc áp dụng

 

(LSVN) - Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chương trình cải cách hiện nay. Việc quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật chỉ là một yếu tố cần nhưng chưa đủ của một nhà nước pháp quyền. Trong một nhà nước pháp quyền, ngoài các tiêu chí khác, thì cần đòi hỏi phải áp dụng pháp luật một cách thống nhất. Việc áp dụng thống nhất pháp luật của tòa án thể hiện ở chỗ những vụ án giống nhau thì phải được xử một cách giống nhau.

 

Có thể nói, trong chừng mực nào đó, pháp luật Việt Nam mang truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa, hay còn gọi là hệ thống dân luật (Civil Law).  Điều này có nghĩa là án lệ (precedent) không phải là nguồn luật được áp dụng ở Việt Nam và do đó, nó không mang tính ràng buộc đối với tòa án.[1]  Mặc dù vậy, khi nói đến sự thống nhất trong công tác xét xử là nói đến việc thống nhất trong giải quyết các vụ án có tình tiết tương tự nhau, hay nói cách khác là việc xét xử “bây giờ” phải giống với việc xét xử “trước đây”.
Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp là “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ...”.
Như vậy, việc nghiên cứu, trao đổi về việc phát triển án lệ ở nước ta là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tạp chí Luật sư Việt Nam xin giới thiệu nghiên cứu của TS.LS Lưu Tiến Dũng. Trong bài viết này, trước hết, tác giả sẽ giới thiệu những nét cơ bản của các trường phái án lệ tiêu biểu trên thế giới, bao gồm: (i) Án lệ mang tính chất bắt buộc áp dụng đang được thực hiện ở các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, hay còn gọi là Common Law (“Hệ thống thông luật”); và (ii) Án lệ mang tính chất tham khảo đang được áp dụng ở các nước theo hệ thống Civil Law (“Hệ thống dân luật”) nhưng ngày càng có xu hướng mang tính chất ràng buộc rõ ràng hơn. Cuối cùng, tác giả sẽ trình bày quan điểm về định hướng xây dựng và phát triển án lệ ở Việt Nam.
1. Hệ thống thông luật và án lệ
Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, hay còn gọi là Hệ thống thông luật (Common Law) là hệ thống pháp luật ra đời ở Anh, sau này phát triển ở Mỹ và những nước là thuộc địa của Anh, Mỹ trước đây.  Đây là hệ thống pháp luật phát triển từ những tập quán (customs), còn được gọi là hệ thống pháp luật tập quán, hay hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ (precedents/ judge made law).[2]
Thuật ngữ “Common Law” ngoài mang ý nghĩa là một hệ thống pháp luật lớn trên thế giới dựa trên truyền thống hệ thống pháp luật của Anh, ngày nay thuật ngữ này thường được hiểu với khái niệm nói đến các bản án, quyết định của tòa án trong hệ thống mà các bản án, quyết định đó có giá trị như là án lệ[3] và mang tính áp dụng bắt buộc song song với các đạo luật thành văn (statutes).  Thuật ngữ Thông luật (Common Law) xuất phát từ quan điểm cho rằng các tòa án do nhà vua lập ra, áp dụng các tập quán chung (Common Custom) của vương quốc, trái ngược với những tập tục luật pháp địa phương áp dụng ở các miền hay ở các tòa án của điền trang, thái ấp phong kiến.[4]
Cụ thể, năm 1154, Vua Henry II đã tạo ra một hệ thống luật chung và sáng tạo ra một hệ thống tòa án thống nhất đầy quyền năng, ông đưa các thẩm phán từ Tòa án Hoàng gia đi khắp nơi trong nước để sưu tầm và chọn lọc cách thức giải quyết các tranh chấp. Những thẩm phán sau đó trở về thành Luân Đôn và thảo luận về các vụ tranh chấp này với các thẩm phán khác. Những phán quyết sẽ được ghi lại và dần trở thành án lệ (precedent). Thuật ngữ “Common Law” chính thức xuất hiện.[5] Theo đó, khi xét xử thẩm phán sẽ chịu sự ràng buộc bởi những phán quyết đã có từ trước đó, nguyên tắc này được gọi là stare decisis.[6] Nguyên tắc stare decisis yêu cầu thẩm phán phải dựa theo các phán quyết trước đây khi xét xử các vụ án có những nét tương đồng. Mặt khác, nguyên tắc này cũng giúp các thẩm phán đưa ra những phán quyết đối với các vụ án phức tạp khi không có cơ sở pháp lý rõ ràng, dựa vào đó để ra phán quyết. Trong những trường hợp này, thẩm phán thường trích dẫn những phán quyết trước đây đối với các vụ án tương tự.[7]
Thế nhưng, vào thế kỷ thứ 17, khi trào lưu luật La Mã xâm nhập Châu Âu thì Hệ thống thông luật lần đầu tiên đã gặp khó khăn để chứng tỏ sự tồn tại của mình. Nhà Vua muốn áp dụng pháp luật thành văn mà nguồn gốc là luật La Mã để dễ kiểm soát công tác xét xử của thẩm phán hơn, nhưng Nghị viện lại mong muốn duy trì Hệ thống thông luật vì như vậy thì các thẩm phán sẽ có vị trí vững chắc và khó bị Nhà vua kiểm soát.[8] Kết quả là: Nghị viện đã thắng trong cuộc đấu tranh với Nhà vua để duy trì Hệ thống thông luật.
Lần thứ hai mà Hệ thống thông luật gặp khó khăn để duy trì sự tồn tại của mình là sau cuộc Cách mạng Pháp. Cuộc Cách mạng Pháp đã xác lập vị thế tối cao của luật thành văn và hạn chế tối đa quyền hạn của thẩm phán trong việc lập pháp và chỉ cho phép thẩm phán áp dụng pháp luật mà cơ quan lập pháp đã ban hành.[9] Tư tưởng này đã nhân rộng ở các nước Châu Âu như là hệ quả của cuộc Cách mạng Pháp.[10] Bên cạnh đó, Hệ thống thông luật không những tồn tại ở Anh mà còn phát triển ở các nước khác, ví dụ như Australia, Canada, New Zealand, Hoa Kỳ, v.v...
2. Bản chất của án lệ trong Hệ thống thông luật
Một trong những điểm cơ bản của các nước theo Hệ thống thông luật là án lệ được coi là một trong những nguồn luật áp dụng bắt buộc, ít nhất là tại tòa án. Các nước theo hệ thống pháp luật này đều có những nguyên tắc áp dụng án lệ cơ bản sau đây.
2.1. Tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của tòa án cấp trên
Để đảm bảo sự thống nhất trong việc xét xử, đảm bảo tính đúng đắn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như thể hiện sự tôn trọng phán quyết của tòa cấp trên, tòa cấp dưới có nghĩa vụ áp dụng những bản án đã được tuyên của Tòa án cấp trên, căn cứ vào đó để đưa ra quyết định cho vụ án cụ thể của mình.
Tại Hoa Kỳ, các tòa án cấp dưới của liên bang và các tòa án của bang có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định trước đây của tòa án tối cao liên bang.  Các phán quyết của tòa án phúc thẩm khu vực của liên bang mang tính bắt buộc phải tuân theo đối với các tòa án cấp dưới nằm trong lãnh thổ khu vực đó chứ không ràng buộc các tòa án khu vực khác. Tương tự, các phán quyết của tòa án cấp trên chỉ có giá trị ràng buộc đối với các tòa án cấp dưới trong cùng một bang.[11]
Tại Australia, khái niệm án lệ chính thức được thẩm phán Parke J đưa ra vào đầu thế kỷ 19 trong vụ án MIREHOUSE kiện RENNEL năm 1833 trong phán quyết đối với vụ án đó.[12] Cũng như ở Anh, tại Australia, tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo các phán quyết trước đây của tòa án cấp trên, cụ thể là tòa án tối cao của bang phải tuân theo phán quyết của tòa toàn phần hoặc tòa phúc thẩm hoặc tòa phúc thẩm hình sự; và các tòa này phải tuân theo các phán quyết của Tòa án tối cao Liên bang (High Court).  Tuy nhiên, tại Anh không phải toàn bộ các phán quyết của Thượng nghị viện, tòa phúc thẩm và tòa án cấp cao đều có giá trị ràng buộc mà chỉ những bản án được xuất bản mới trở thành án lệ và có giá trị ràng buộc.
2.2. Tòa án cùng cấp không có nghĩa vụ phải tuân thủ án lệ của nhau
Các tòa án cùng cấp không bị ràng buộc bởi các án lệ của nhau. Ví dụ như tại Australia, tòa án tối cao của bang này không bị ràng buộc bởi án lệ của tòa án tối cao bang khác. Nhưng trên thực tế các tòa án tối cao các bang của Australia rất chú ý tham khảo án lệ của nhau.[13] Tại Hoa Kỳ, các phán quyết của tòa án cấp dưới của liên bang về những vấn đề mang tính liên bang không có tính ràng buộc đối với các bang nhưng được xem xét và cân nhắc rất cẩn thận. Tuy nhiên, tại Ireland, các tòa án cùng cấp phải tuân thủ án lệ của nhau.
2.3. Tòa án không bị ràng buộc bởi án lệ của chính mình
Tòa án tối cao thường không có nghĩa vụ phải tuân thủ cứng nhắc các phán quyết trước đây của mình. Bởi lẽ, tòa án tối cao có trách nhiệm với chính sách pháp lý tổng thể của đất nước nên tòa án tối cao cần phải linh động, ví dụ như các tòa án tối cao liên bang của Hoa Kỳ, tòa án tối cao Ireland, Thượng nghị viện Anh (cơ quan xét xử cao nhất ở Anh), tòa án tối cao của các bang tại Australia. Song, trên thực tế, các tòa án tối cao (nhất là Tòa án tối cao Anh và tòa án tối cao của các bang tại Australia) thường tôn trọng án lệ của mình nhằm đảm bảo tính thống nhất của việc xét xử.[14]
Ngoài ra, Tòa án tối cao Liên bang Australia (High Court) cũng có quyền không tuân theo các án lệ của mình nếu như xét thấy án lệ đó rõ ràng là sai (plainly wrong).  Mặc dù vậy, ngay cả trong trường hợp thấy án lệ là sai rõ ràng thì Tòa án tối cao còn phải cân nhắc các khía cạnh khác, cụ thể:
(i) Phán quyết sai đó có còn chấp nhận được trên thực tế hay không;
(ii) Nếu cơ quan lập pháp chấp nhận cách giải thích luật pháp của phán quyết sai đó thì tòa án tối cao phải tuân thủ phán quyết này;
(iii) Dư luận xã hội về vai trò lập pháp của cơ quan lập pháp và Tòa án tối cao.[15]
Tuy nhiên, một thời gian dài trong quá khứ, Thượng nghị viện - Tòa án cao nhất ở Anh đã tự cho rằng mình phải tuyệt đối tuân thủ các phán quyết trong quá khứ của chính mình. Mức độ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc stare decisis của các tòa án Anh không chỉ thể hiện ở việc không muốn phủ nhận những phán quyết trong quá khứ của chính mình mà còn thể hiện ở sự miễn cưỡng trong việc phân biệt tình tiết của vụ việc hiện tại với những tình tiết của vụ việc trong quá khứ.
2.4. Giá trị pháp lý của án lệ so với luật thành văn và sự ảnh hưởng của án lệ đối với bên ngoài ngành tòa án
          Thứ nhất, khi có đạo luật thành văn thì đạo luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ; tuy nhiên trong trường hợp luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích đạo luật thành văn không rõ ràng đó.
          Thứ hai, mặc dù không quy định về sự ảnh hưởng bắt buộc của án lệ đối với các cơ quan, tổ chức ngoài tòa án nhưng trên thực tế án lệ được các cơ quan, tổ chức và công dân rất tôn trọng và nhiều khi nó được coi có giá trị như đạo luật thành văn, đặc biệt là đối với những vụ án liên quan đến giải thích hiến pháp.[16]
2.5. Tòa án chỉ không áp dụng án lệ trong trường hợp chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa vụ án có án lệ và vụ án đang xét xử
Án lệ là một nguồn luật nên có giá trị pháp lý bắt buộc đối với cơ quan xét xử. Do vậy, pháp luật trong Hệ thống thông luật quy định trong trường hợp vụ án có án lệ và vụ án đang xét xử giống nhau cơ bản thì phải áp dụng án lệ. Ngược lại, nếu chúng có sự khác biệt cơ bản thì không phải áp dụng nhưng phải chỉ ra được sự khác biệt cơ bản đó. Quy định này một lần nữa thể hiện giá trị pháp lý của án lệ tại các nước thuộc Hệ thống thông luật.
Quy định trên cũng được cụ thể hóa trong pháp luật Ireland như sau: “Nếu thẩm phán không muốn áp dụng án lệ thì phải đưa ra lập luận về việc vụ án đang được xét xử là không giống như vụ án được coi là án lệ”.[17]
2.6. Án lệ có thể bị phủ quyết
          Khi xã hội phát triển và có sự thay đổi, sẽ có những án lệ không còn phù hợp với thực tế nữa, nếu vẫn áp dụng thì sẽ bất hợp lý và bất công. Điều này đòi hỏi án lệ cũ phải được điều chỉnh, bổ sung hoặc được thay thế bằng một án lệ mới. Do đó, tại các nước theo Hệ thống thông luật, khi cơ quan lập pháp không “hài lòng” với án lệ thì cơ quan lập pháp có thể thông qua đạo luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội được giải quyết bởi án lệ. Điều đó có nghĩa án lệ có thể bị “phủ quyết” (overruled) bởi cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, ở những nước tòa án có chức năng xem xét tính hợp hiến của luật pháp thì tòa án có thể ra phán quyết về việc đạo luật đó không phù hợp với hiến pháp.
          Ngoài ra thẩm phán cũng có quyền điều chỉnh, bổ sung, nghĩa là xử khác đi một phần. Thậm chí các thẩm phán còn có quyền thay thế án lệ cũ và đặt ra một án lệ mới, nghĩa là ban hành một bản án trái với án lệ cũ. Những bản án như vậy được gọi là “bản án cột mốc” (landmark case). Tất nhiên, việc làm này không xảy ra thường xuyên và khi làm như vậy, các thẩm phán phải đưa ra những lý lẽ có sức thuyết phục cao và tranh luận rất nhiều trước khi biểu quyết, chưa kể bản án mới có thể bị tòa án cấp phúc thẩm hay tòa án tối cao bác bỏ.
          Liên quan đến điều này, pháp luật Ireland cũng có quy định tất cả các án lệ trước năm 1992 được coi là nguồn luật nếu chúng không bị phủ nhận bởi luật thành văn sau đó.
Tại Anh, Tòa án phúc thẩm hình sự sẵn sàng không chấp nhận những phán quyết trước đây nếu thấy rằng những phán quyết đó đã giải thích sai hoặc áp dụng không đúng pháp luật. 
Tại Hoa Kỳ, theo Harrold J. Spaeth và Jeffrey A. Segal thì các thẩm phán tối cao liên bang không để ý đến án lệ một cách nghiêm túc, trừ trường hợp họ nhất trí với những phán quyết đó. Theo một kết quả nghiên cứu 2.425 ý kiến khi nghị án của 77 thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ từ năm 1793 đến năm 1990 cho thấy các thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ sẵn sàng biểu quyết theo hướng không theo án lệ nếu án lệ không trùng với quan điểm của họ.[18]
2.7. Xu hướng các cơ quan lập pháp ở nhiều nước theo Hệ thống thông luật ngày càng ban hành nhiều đạo luật thành văn để hạn chế bớt sự “tùy tiện” của các thẩm phán
Trong xu hướng hội nhập, Hệ thống thông luật ngày càng coi trọng và sử dụng nhiều luật thành văn, văn bản luật, có thể dưới hình thức các bộ pháp điển và pháp luật thành văn.
          Án lệ được áp dụng khi vụ án đang xét xử và vụ án có án lệ có sự giống nhau cơ bản. Tuy nhiên, không có khái niệm cụ thể quy định như thế nào là giống nhau cơ bản. Do đó, rất khó để xác định trường hợp nào được áp dụng án lệ, trường hợp nào thì không. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự áp dụng tùy tiện của tòa án trong quá trình xét xử. Vì vậy, hiện nay cơ quan lập pháp có xu hướng ban hành nhiều đạo luật thành văn để hạn chế bớt sự tùy tiện của quan tòa.
          Ví dụ ở Anh, từ thế kỷ XX, luật thành văn đã có xu hướng phát triển.  Luật được soạn thảo theo một tư tưởng rất mới, khác nhiều so với nguyên tắc truyền thống của Hệ thống thông luật. Khi gia nhập cộng đồng chung Châu Âu EEC, nay là EU và cũng là thành viên của Liên hiệp quốc, Nghị viện Anh đã tiếp nhận các điều ước quốc tế và các quy định pháp luật của Liên minh Châu Âu (ví dụ: Luật năm 1972, Công ước về nhân quyền) theo truyền thống luật La Mã vào trong hệ thống pháp luật Anh, bằng hình thức áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hóa.
          Tuy nhiên, tại các quốc gia theo Hệ thống thông luật, án lệ ra đời dựa trên các điều kiện sau đây:
* Thứ nhất: Khi chưa có luật, nhưng tòa vẫn phải xử để bảo đảm công lý, và bản án đó trở thành án lệ, nghĩa là trở thành luật cho những vụ việc tương tự;
* Thứ hai: Khi luật không rõ ràng, thẩm phán phải tự mình nhận thức và giải thích luật và thể hiện nhận thức đó trong bản án và bản án đó trở thành luật cho những tình huống tương tự;
* Thứ ba: Đã có luật, nhưng phát sinh tình huống mới mà luật chưa dự liệu được, nên thẩm phán phải vận dụng luật hiện hành cho tình huống mới đó.
Do vậy, mặc dù các quốc gia có xu hướng ban hành luật thành văn thì án lệ cũng không bao giờ mất đi giá trị của nó.
2.8. Án lệ là nguồn tham khảo giữa các quốc gia
          Tòa án của các nước cũng có sự tham khảo án lệ lẫn nhau. Tòa án Australia rất tôn trọng các phán quyết của tòa án của các nước Khối Liên hiệp Anh (Commonwealth) và của cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về những vấn đề pháp luật chung đối với các nước đó.[19] Tại Ireland, các án lệ của tòa án nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khối Liên hiệp Anh, cũng được tham khảo.
3. Mặt tích cực và mặt hạn chế của nguyên tắc stare decisis
Theo Giáo sư Luật học William Geldart thì việc áp dụng nguyên tắc xét xử theo án lệ (stare decisis) có những ưu điểm sau đây:
* Việc xét xử mang tính rõ ràng (certanity);
* Pháp luật được phát triển một cách chi tiết thông qua thực tiễn xét xử;
* Luật pháp được cụ thể hóa qua thực tiễn.
Tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc stare decisis cũng có những hạn chế sau:
* Sự nghiêm ngặt: án lệ bắt buộc áp dụng đã trở thành lực cản đối với sự sáng tạo của các thẩm phán khi xét xử bởi họ phải tuân thủ án lệ một cách nghiêm ngặt;
* Nguy cơ của việc so sánh không logic, tùy tiện giữa vụ án đang xét xử với án lệ để tránh việc áp dụng án lệ cho vụ án đang xét xử;
* Áp dụng phức tạp: khối lượng lớn án lệ và sự phức tạp trong việc truy cứu án lệ là vấn đề khó khăn đối với thẩm phán và luật sư.[20]

TS. LS Lưu Tiến Dũng


 Kỳ II -  Án lệ mang tính tham khả

 


[1]               “Precedent” là vụ án đã được xét xử hoặc quyết định trước đây của tòa án mà vụ án đang xét xử có những tình tiết tương tự về nội dung hoặc về những nguyên tắc pháp lý áp dụng như vụ án đã xét xử trước đó. Xem Black Law Dictionary West Group 6 Edition; tr. 814.
 

[2]               http://tuanhsl.blogspot.com/2009/02/common-law-va-civil-law.html

[3]               Xem William Burnham, Introduction to the Law and Legal System of the United States, West Publishing, St. Paul, Minn. 1995, tr. 39.

[4]               Xem Burnham, sách đã dẫn, tr. 41.

[5]               http://tuanhsl.blogspot.com/2009/02/common-law-va-civil-law.html

[6]               “Stare decisis” tiếng latin có nghĩa là “tuân thủ những vụ án đã được giải quyết” (“to abide by, to adhere to, decided cases” – xem Black Law Dictionary West Group 6 Edition; tr. 978;) hoặc là “phải dựa trên những việc đã quyết” (“to stand by decided matters-xem Online Dictionary of the Social Sciences trên trang http://datadump.icaap.org/cgi-bin/glossary/socialDict/SocialDiction?term=stare%20decisis)

[7]               Năm 1170 Richard Fitz-Nigel viết rằng: “Có những vụ án mà do tính chất của nó mơ hồ hoặc cơ sở để đưa ra phán quyết không rõ ràng thì chỉ cần trích dẫn những phán quyết trước đây là đủ” - xem Richard Firz-Nigel, Dialogus de Scaccario, do Henry J. Abraham trích dẫn trong cuốn “The Judicial Process”, 6 Ed. 9 (Oxford U. Press 1993).

[8]               Xem John P. Dawson, The Oracles of the Law, U. of Michigan Law School 1968, tr. 368-371.

[9]               Xem các phần sau nói về ảnh hưởng của tư tưởng tam quyền phân lập của cuộc Cách mạng Pháp đối với sự hình thành và phát triển của truyền thống dân luật, tại phần III của bài viết này.

[10]             Xem John H. Merryman, The Civil Law Tradition, 2d Ed. tr. 15-16 (Standford U. 1985).

[11]             Xem The American Courts trên trang http://www.gleim.com/buslaw/LCE-CH02.html.

[12]             Xem Bài giảng của Giáo sư David Barker được đăng tải trên trang web http://www.law.uts.edu.au/~davidb/bl7.html

[13]             Xem vụ McCOLL kiện BRIGHT năm 1939.

[14]             Xem trang http://www.law.uts.edu.au/~davidb/bl7.html.

[15]             Nhiều quan điểm cho rằng Tòa án tối cao giải thích hiến pháp nghĩa là thực hiện chức năng lập pháp.

[16]             Ví dụ như ở Hoa Kỳ không có văn bản pháp luật thành văn nào quy định quyền phá thai của phụ nữ nhưng án lệ của Tòa án tối cao khẳng định rằng việc cấm phá thai là vi phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp quy định, từ đó tất cả mọi người đều thừa nhận việc phá thai là hợp pháp.

[17]             Xem trang web http://www.cs.tcd.ie/Proinnsias.OCillin/lawcourse/sources.htm

[18]             Xem Roy B. Flemming nhận xét về cuốn sách: “Harold J. Spaeth and Jeffrey, Majority Rule or Minority Will: Adherence to the Precedence on the U.S. Supreme Court” tại trang web http://www.wlu.ca/~wwwpress/jrls/cjps/issues/33.2/fleming.html.
 

[19]             Ví dụ như vụ kiện của Waghorn năm 1942.

[20]             Xem trang Web http://www.law.uts.edu.au/~davidb/bl7.html (ví dụ ở Anh có khoảng hơn 1000 tập báo cáo bao gồm hơn 400.000 vụ án).
 

 

 

Các trường phái án lệ trên thế giới - Mô hình nào cho Việt Nam?: Kỳ I - Án lệ mang tính ràng buộc áp dụng

Tác giả TS. LS Lưu Tiến Dũng Kỳ II - Án lệ mang tính tham khả
Tạp chí Tạp chí Luật Sư Việt Nam
Năm xuất bản 2014
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ