4 LƯU Ý VỀ PHÁP LÝ CÁC START-UP LUÔN PHẢI NHỚ

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự thành công của nhiều start-up thuần Việt như Foody, Tiki, The Coffee House, Grab nhưng cũng không thiếu sự thất bại, điển hình là The Kafe và Sai Gon Café. Vì thế, một câu hỏi đang được đặt ra cho các bạn trẻ khởi nghiệp: “Đâu là yếu tố quyết định sự thành bại của các start-up?” Trong các yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của start-up thì pháp lý đóng vai trò là một công cụ giúp các doanh nghiệp loại bỏ rủi ro và nắm bắt cơ hội làm giàu. Sau đây, chúng tôi giới thiệu đến các bạn 4 rủi ro cơ bản về pháp lý mà các start-up phải tránh.

1.      Quyền sở hữu trí tuệ

Với đặc thù là sự sáng tạo, mới mẻ trong sản phẩm và hoạt động kinh doanh, sản xuất nên quyền sở hữu trí tuệ như vấn đề sống còn của các start-up. Để tránh bị ăn cắp hay tranh chấp bản quyền trong tương lai, với các sản phẩm sáng tạo (logo, nhãn hiệu, ý tưởng kinh doanh), bạn phải đăng ký các thủ tục như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tham khảo quy trình và lấy biểu mẫu tại đây
Ngoài ra, nếu các sản phẩm được tạo ra bởi bên thứ ba (công ty thiết kế, nhân viên công ty,…), bạn phải làm ra một thỏa thuận về quyển sở hữu trí tuệ sản phẩm đó: ai là người sử dụng, ai là người có quyền sở hữu và mua lại sản phẩm, đặc biệt là các start-up về công nghệ, vì những sản phẩm trí tuệ này là nền tảng cho hoạt động của công ty, nếu như có xảy ra tranh chấp, mọi hoạt động đều sẽ ngừng trệ.

2.      Điều khoản sử dụng trang web.

Hầu hết các start-up đều có những trang web và fanpage để thực hiện công việc kinh  doanh của mình.  Vì thế, bạn cần phải lập ra những điều khoản sử dụng cho website bao gồm các điều khoản chính về trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng nhằm loại bỏ những rủi ro pháp lý có thể phát sinh.  Đặc biệt, những trang web có chức năng cho phép người dùng đăng tải thông tin hoặc lời nhận xét  công khai, bạn cần có thêm nội quy liên quan đến những nội dung mà người dùng được đăng tải và trách nhiệm pháp lý của họ để tránh website vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của doanh nghiệp. 


 

3.      Điều khoản bảo mật.

Mỗi  doanh nghiệp đều có những bí mật kinh doanh, thông tin tuyệt mật, nhất là những công ty start-up về công nghệ.  Vì vậy, để đảm bảo các thông tin mật không bị tiết lộ ra ngoài, bạn  phải lập thoản thuận bảo mật với những nhân viên, đối tác của công ty. Các điều khoản trong thỏa thuận này quy định những thông tin mật mà hai bên không được phép tiết lộ cho bên thứ ba nào, kể cả khi không làm việc, hợp tác với công ty đó nữa, trong trường hợp có bên vi phạm thỏa thuận sẽ phải bồi thường thiệt hại và có thể bị khởi kiện ra tòa.

4.      Các thủ tục hành chính liên quan.

Tùy vào loại hình kinh doanh, đặc thù của doanh nghiệp mà bạn phải chuẩn bị những thủ tục hành chính, giấy phép đặc thù cho ngành kinh doanh của mình.

Chẳng hạn như bán hàng trực tuyến qua website phải có giấy phép sàn thương mại điện tử; kinh doanh thực phẩm, nhà hàng phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc những thủ tục hành chính hỗ trợ cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp: đăng ký mã vạch, đăng ký trang web với Bộ Công thương.

Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, nếu các start-up có thể loại bỏ những rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động thì đây chính là bước đệm lớn để đưa doanh nghiệp tiến xa hơn.

Nguyễn Trần Minh Tiến - bài iết độc quyền của Thế giới luật

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC