NHỮNG AI ĐƯỢC HƯỞNG LỢI TỪ NGHỊ ĐỊNH 116/2017/NĐ-CP?

Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô vừa được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2017 với hy vọng giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam không bị lép vế trong cơn sóng ô tô nhập khẩu.

Các quy định này áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Vì kinh doanh ôtô (lắp ráp, sản xuất, hay nhập khẩu) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên những quy định tại Nghị định này được đưa ra khá ngặt nghèo.

Tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ô tô nội địa

Nghị định có những quy định rất chặt chẽ đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô: phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc ký hợp đồng thuê, hoặc là đại lý uỷ quyền của nhà sản xuất chính hãng ở nước ngoài; phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực do các cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp, bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng; bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cơ quan, tổ chức thẩm quyền nước ngoài cấp,…

Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Mọi chi phí liên quan đến việc triệu hồi ô tô do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chi trả. Nếu không thực hiện đầy đủ nhựng quy định  trên doanh nghiệp sẽ bị tước giấy phép còn trường hợp nhà sản xuất ôtô tại nước ngoài không đồng ý cam kết triệu hồi sản phẩm, thì ngay cả những doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng, cũng sẽ không thể nhập khẩu được..


Nguồn: Ảnh Internet

Những quy định này thực sự là những rào cản kỹ thuật không dễ vượt qua cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vì không phài quốc gia nào cũng có giấy đăng kiểm cho xe xuất khẩu mà doanh nghiệp phải tự công bố và chịu trách nhiệm. Các quốc gia thường chỉ cấp chứng nhận đăng kiểm cho xe lưu hành trong nước.

Đối với quy định các đơn vị nhập khẩu phải chứng minh được nhà sản xuất ủy quyền việc triệu hồi xe là một vấn đề khó giải quyết của các showroom. Vì trên thực tế chỉ những nhà nhập khẩu chính hãng mới làm được còn cá showroom, doanh nghiệp nhỏ chỉ được xem là một kênh phân phối của thương hiệu đó tại Việt Nam chứ không thể coi như được ủy quyền như nghị định yêu cầu.

Chưa hết, để kinh doanh cơ sở bảo hành, bảo dưỡng cho ô tô nhập khẩu, doanh nghiệp phải có giấy cam kết của hãng xe nước ngoài về việc hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh, phụ kiện cho showroom này.

Năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam xuống 0% nhưng những quy định trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP sẽ là hàng rào  phi thuế quan lớn để ngăn chặn làn sóng ô tô nước ngoài vào nước ta. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đặc biệt là Vinfast (tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%) phát triển và có thể cạnh tranh với các hãng sản xuất ô tô nước ngoài khác vể giá bởi vì các doanh nghiệp “vượt rào” thành công cũng phải tốn thêm một chi phí lớn để đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định


Nguồn: Ảnh Internet

Quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ:

Việc quy định chặt chẽ các điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô tại Nghị định 116 không chỉ tạo điều kiện phát triển ngành ô tô của Việt mà còn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong việc sử dụng một sản phẩm liên quan đến an toàn, tính mạng của nhiều người như ô tô.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia thị trường kinh doanh ô tô có thể giảm nhiều so với hiện nay, nhưng điều này lại làm bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, vì những doanh nghiệp có tiềm lực yếu, có ít kinh nghiệm nhập khẩu hoặc có thể chưa bao giờ tham gia thị trường kinh doanh ô tô bị loại bỏ. Đồng thời những điều kiện khắt khe về độ an toàn, chất lượng và bảo hành trên khiến những doanh nghiệp có kinh nghiệm cũng như tiềm lực mạnh tìm kiếm các nhà sản xuất uy tín ở nước ngoài để làm đối tác.

Như vậy, Nghị định này ngăn chặn việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam để bán tràn lan một cách vô tội vạ và rồi người tiêu dùng gánh chịu những hậu quả nặng nề do ô tô kém chất lượng, mà phải có sự chọn lọc đầu vào kỹ càng, và chịu trách nhiệm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm nên chỉ có doanh nghiệp mạnh, làm ăn uy tín mới đủ điều kiện nhập khẩu ô tô.
Xem toàn văn Nghị định 116/2017/NĐ-CP  

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC