QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 13/2014/HS-GĐT NGÀY 02/04/2014 VỀ VỤ ÁN NGUYỄN QUỐC ANH CÙNG ĐỒNG PHẠM BỊ KẾT ÁN TỘI CƯỚP TÀI SẢN 

TÒA HÌNH SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Tại phiên tòa ngày 02-4-2014, xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với:

1. Nguyễn Quốc Anh, sinh ngày 25-8-1992; trú tại tổ 8, thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; khi phạm tội là Sinh viên; con ông Nguyễn Văn Phúc và bà Triệu Thị Thể.

2. Trần Ngọc Duy, sinh ngày 01-01-1993 (khi phạm tội đủ 17 tuổi 10 tháng 10 ngày); trú tại tổ 4, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: không; con ông Trần Ngọc Phương và bà Trần Thị Thu Thảo;

Nhân thân: ngày 07-9-2012 bị Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình xử phạt 01 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

3.  Trần Hữu Điềm, sinh ngày 08-3-1993 (khi phạm tội đủ 17 tuổi 07 tháng 02 ngày); trú tại tổ 1, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: không; con ông Trần Ngọc Khai và bà Mai Thị Hoa.

Người bị hại: anh Võ Văn Khỏe, sinh năm 1990; trú tại tổ 20, thôn 4, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

NHẬN THẤY

Theo bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 23h ngày 10-10-2010, Trần Hữu Điềm, Trần Ngọc Duy, Nguyễn Quốc Anh và anh Mai Văn Tỉnh đi qua khu vực cầu Mới thì gặp các anh Đoàn Văn Diệu, Võ Văn Khỏe và Nguyễn Hữu Việt đang ngồi chơi, Nguyễn Quốc Anh hỏi “tụi bây làm gì đây?”, anh Diệu trả lời “ngồi chơi” thì Anh nói “tụi bâyngồi chơi lo về chứ Công an xã đi tuần đó”. Sau đó, trên đường về thì anh Tỉnh đi về nhà, còn lại Điềm, Duy, Anh bàn nhau quay lại đánh các anh Diệu, Khỏe và Việt. Để thực hiện ý định này, cả bọn về nhà Anh, Anh lấy 02 con dao đưa cho Duy và Điềm mỗi người 01 con dao, còn Anh cầm theo 01 đoạn cây dương liễu, rồi quay lại khu vực cầu Mới. Sau khi biết các anh trên ở xã Bình Giang, cả bọn xông vào đánh; trong đó, Duy dùng dao chém 02 nhát vào người anh Diệu làm anh Diệu điều khiển xe bỏ chạy, sau đó Duy chém 01 nhát vào người anh Việt; Điềm chém 01 nhát vào người anh Khỏe; Anh cầm đoạn cây dương liễu đánh vào lưng và đầu anh Khỏe, làm anh Khỏe bỏ chạy để lại xe mô tô biển kiểm soát 92N8-3613 (trên xe còn cắm chìa khóa điện). Thấy vậy, Anh lấy xe mô tô này chở Duy, Điềm về nhà bà Trần Thị Liêm (bà ngoại của Điềm). Tại đây, Anh dùng kiếm tháo gỡ phần nhựa của xe và cùng Duy, Điềm đập vỡ rồi đem vứt bỏ tại ngã tư đường Bình Giang; sau đó, Anh điều khiển chiếc xe mô tô trên đến khu vực cống phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vứt bỏ. Công an phường An Hải Bắc đã phát hiện, thu giữ chiếc xe mô tô trên.

Sau khi sự việc xảy ra, Trần Ngọc Duy và Trần Hữu Điềm bỏ trốn và bị truy nã, sau đó ra đầu thú; còn các anh Đoàn Văn Diệu, Võ Văn Khỏe, Nguyễn Hữu Việt đều từ chối giám định thương tích. Gia đình các bị cáo Điềm, Duy và Anh đã thỏa thuận bổi thường xong tiền chữa trị thương tích, sửa chữa xe mô tô nói trên cho các anh Diệu, Khỏe, Việt với tổng số tiền là 9.985.000 đồng và các bên không yêu cầu giải quyết về bồi thường.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản thì chiếc xe mô tô 92N8-3613 có giá trị là 3.000.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 42/2012/HSST ngày 07-9-2012, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự và áp dụng thêm Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự đối với Trần Hữu Điềm, Trần Ngọc Duy, xử phạt Nguyễn Quốc Anh 36 tháng tù, Trần Hữu Điềm 30 tháng tù và Trần Ngọc Duy 30 tháng tù, đều về tội “Cướp tài sản”, nhưng cho tất cả các bị cáo trên được hưởng án treo.

Ngày 17-9-2012, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình kháng nghị bản án sơ thẩm trên về phần hình phạt đối với Trần Ngọc Duy và Trần Hữu Điềm, theo hướng không cho các bị cáo này được hưởng án treo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 230/2012/HSPT ngày 14-11-2012, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 22/QĐ-VKSTC-V3 ngày 08-10-2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm số 230/2012/HSPT ngày 14-11-2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam; đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 42/2012/HSST ngày 07-9-2012 của Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình, để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Nguyễn Quốc Anh, Trần Hữu Điềm và Trần Ngọc Duy có hành vi dùng vũ lực đối với các anh Võ Văn Khỏe, Đoàn Văn Diệu và Nguyễn Hữu Việt nhằm chiếm đoạt tài sản và thực tế các bị cáo đã chiếm đoạt chiếc xe mô tô biển kiểm soát 92N8-3613 của anh Khỏe (trị giá 3.000.000 đổng). Vì thế, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Nguyễn Quốc Anh, Trần Hữu Điềm và Trần Ngọc Duy về tội “Cướp tài sản” là có căn cứ.

Trong vụ án này, Nguyễn Quốc Anh là người khởi xướng, cung cấp phương tiện phạm tội cho các bị cáo khác, trực tiếp dùng gậy đánh vào người anh Võ Văn Khỏe và là người trực tiếp chiếm đoạt chiếc xe mô tô trên, rồi cùng đổng bọn đập phá và đem xe đi vứt để che giấu hành vi phạm tội; khi thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Quốc Anh là người đã thành niên, người chủ mưu, cầm đầu và rủ rê, lôi kéo các bị cáo Trần Hữu Điềm và Trần Ngọc Duy (là những người chưa thành niên) thực hiện hành vi phạm tội, nên Anh phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Nguyễn Quốc Anh là người khởi xướng việc thực hiện tội phạm, nhưng lại không áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự xúi giục người chưa thành niên phạm tội) đối với Anh, là thiếu sót. Từ đó, dãn đến việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự đối với Anh là không đúng quy định của Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại mục 10 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (vì Anh có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, nhưng lại có 01 tình tiết tăng nặng nói trên). Do đó, việc quyết định hình phạt đối vói Nguyễn Quốc Anh là không đúng pháp luật.

Đối với Trần Ngọc Duy và Trần Hữu Điềm khi phạm tội là người chưa thành niên, nhưng các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội rất quyết liệt, trực tiếp dùng dao chém các anh Đoàn Văn Diệu, Nguyễn Hữu Việt và Võ Văn Khỏe; cùng Nguyễn Quốc Anh đập phá phần nhựa của xe sau đó đem đi vứt; Điềm còn là người khởi xướng đem xe về nhà bà ngoại mình đập phá, che giấu, nên Duy và Điềm là đồng phạm tích cực trong vụ án. Riêng đối với Duy, ngoài hành vi cướp tài sản nêu trên bị Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình xét xử sơ thẩm vào chiều ngày 07-9-2012, thì sáng ngày 07-9-2012 còn bị Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình xét xử sơ thẩm, kết án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác định vấn đề này trong phần lý lịch của Duy, là không phản ánh đầy đủ về nhân thân của bị cáo.

Xem xét về tính chất, mức độ phạm tội, vai trò và nhân thân của các bị cáo thì việc Tòa án cấp sơ thẩm cho Nguyễn Quốc Anh, Trần Hữu Điềm và Trần Ngọc Duy được hưởng án treo là áp dụng không đúng quy định của Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại điểm d tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về chế định án treo (nay là điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn trừ thời gian tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với các bị cáo là không đúng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Nguyễn Quốc Anh không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đối với Anh có hiệu lực pháp luật, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xem xét về phần hình phạt của bị cáo Anh và hủy bản án sơ thẩm cả về phần quyết định đối với Nguyễn Quốc Anh để điều tra lại, theo hướng không cho Anh được hưởng án treo (gây bất lợi cho bị cáo), là trái với quy định tại các Điều 230, 241 Bộ luật tố tụng hình sự và là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Nguyễn Quốc Anh. Tòa án cấp phúc thẩm còn hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với Trần Ngọc Duy, với lý do “điều tra chưa đầy đủ về tiền án, tiền sự và nhân thân của bị cáo” là không cần thiết, vì thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xác định nhân thân của bị cáo Duy (như đã phân tích trên) thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể khắc phục được trong quá trình chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 279; khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 230/2012/HSPT ngày 14-11-2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam và bản án hình sự sơ thẩm số 42/2012/HSST ngày 07-9-2012 của Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật./.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 13/2014/HS-GĐT ngày 02/04/2014 về vụ án Nguyễn Quốc Anh cùng đồng phạm bị kết tội cướp tài sản

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English