QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 14/2015/HS-GĐT NGÀY 22/10/2015 VỀ VỤ ÁN "MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY"

Ngày 22-10-2015, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với: 

1. Phàn Văn Phủ, sinh năm 1980; trú tại thôn Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; nghề nghiệp làm ruộng; con ông Phàn Phà Chín và bà Phàn Thị Non; có vợ là Phàn Thị Nhất và 02 con; bị bắt giam từ ngày 16-02-2009.

2. Phàn Seo Ngáo, sinh năm 1989; trú tại thôn Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; nghề nghiệp làm ruộng; con ông Phàn Khái Củi và bà Tẩn Ty Ngắm; có vợ là Phàn Ty Plọng; bị bắt giam từ ngày 16-02-2009.

NHẬN THẤY:

Theo Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 12 giờ ngày 16-02-2009, Tổ công tác phòng chống ma túy thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, phối hợp với Đồn Biên phòng 241 huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai bắt quả tang Phàn Văn Phủ, Phàn Seo Ngáo và 02 đối tượng khác (không xác định được địa chỉ) đang mua bán trái phép 5.998 ống thuốc tiêm (tương đương 11.996 ml) nghi là chất ma túy Diazepam; Phủ, Ngáo bị bắt giữ và bị thu giữ số vật chứng nêu trên.

Quá trình điều tra đã xác định:

Ngày 15-02-2009, Phàn Văn Phủ và Phàn Seo Ngáo đi chợ huyện Mường Khương gặp 02 người đàn ông (trong đó có 01 người tên Tiến) đã đưa cho Phủ và Ngáo 01 ống tiêm loại 2ml hỏi “các anh có mặt hàng này không?” và đề nghị Phủ, Ngáo tìm mặt hàng này để bán cho họ với giá 7.000 đồng/01 ống; Phủ và Ngáo nhất trí.

Khoảng 10 giờ ngày 16-02-2009, Phàn Văn Phủ và Phàn Seo Ngáo mang theo 3.000.000 đồng đến thôn Sản Hồ, xã Mư­ờng Kh­ương, huyện Mường Khương mua 5.998 ống Diazepam của 01 ngư­ời Trung Quốc (không xác định được tên, địa chỉ), rồi vận chuyển đến khu vực nghĩa trang liệt sỹ huyện Mư­ờng Khương bán cho 02 đối tượng trên thì bị bắt quả tang và bị thu giữ số vật chứng nêu trên.

Tại bản Kết luận giám định số 35/GĐMT ngày 18-2-2009, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai kết luận: “Xét nghiệm ngẫu nhiên 30 ống (trong số 5.998 ống bị thu giữ trên) đều là thuốc tiêm Diazepam, loại 10mg, 2ml/ống. Theo thông tin trên vỏ hộp 10 ống thì lô thuốc tiêm này xuất xưởng ngày 27-10-2008, có hạn dùng đến tháng 9 năm 2010, được sản xuất theo Tiêu chuẩn dược quốc gia (Trung Quốc); Diazepam có trong Danh mục các chất ma túy, trên thị trường thường được gọi là Valium, Xeduxen...”.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2009/HSST ngày 10-9-2009, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai áp dụng điểm g khoản 4 Điều 194; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 20 và Điều 53 Bộ luật hình sự, xử phạt Phàn Văn Phủ tử hình, Phàn Seo Ngáo tù chung thân, đều về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”; áp dụng khoản 5 Điều 194 Bộ luật hình sự, phạt Phàn Văn Phủ 20.000.000 đồng, Phàn Seo Ngáo 15.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước. 

Trong thời hạn luật định, Phàn Văn Phủ và Phàn Seo Ngáo đều kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 691/2009/HSPT ngày 24-11-2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 14/2015/HS-TK ngày 15-5-2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 691/2009/HSPT ngày 24-11-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2009/HSST ngày 10-9-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai, để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Ngày 16-02-2009, Phàn Văn Phủ và Phàn Seo Ngáo có hành vi mua bán trái phép chất ma túy thì bị bắt quả tang, tang vật thu giữ là 5.998 ống thuốc tiêm Diazepam (tư­ơng đương 11.996 ml).

Theo quy định tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp (viết tắt là Thông tư liên tịch số 17), thì “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy… đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy...”.

Trong vụ án này, Phàn Văn Phủ và Phàn Seo Ngáo thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy vào ngày 16-02-2009 (sau khi Thông tư liên tịch số 17 nêu trên có hiệu lực pháp luật), nhưng Cơ quan trưng cầu giám định (Đồn Biên phòng 241 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) chỉ yêu cầu giám định “Xác định có chất ma túy hay không”, mà không trưng cầu giám định về hàm lượng, trọng lượng chất ma túy đối với số vật chứng bị thu giữ theo đúng quy định trên. Tại bản Kết luận giám định số 35/GĐMT ngày 18-02-2009, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai chỉ kết luận “Xét nghiệm ngẫu nhiên 30 ống (trong số vật chứng nêu trên) đều là thuốc tiêm Diazepam, loại 10mg, 2ml/ống...”, mà chưa xác định cụ thể về thành phần, hàm lượng chất ma túy Diazepam là bao nhiêu trong mỗi ống thuốc trên. 

Mặt khác, theo quy định tại tiểu mục 3.5 mục 3 phần II Thông tư liên tịch số 17 trên thì “Thuốc gây nghiện,thuốc hướng thần là để chữa bệnh, chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy”. Tại Công văn số 11868/QLD-KD ngày 05-9-2011, Cục quản lý dược - Bộ Y tế cho rằng “Diazepam là chất hướng tâm thần, ở Việt Nam Diazepam có trong danh mục thuốc hướng tâm thần. Về nguyên tắc, để xác định hàm lượng hoạt chất Diazepam trong mỗi ống thuốc, phải căn cứ vào công thức bào chế do nhà sản xuất công bố và kết quả định lượng hàm lượng hoạt chất Diazepam trong mỗi ống thuốc đó, do cơ quan có thẩm quyền tiến hành...”. Ngày 05-3-2015, Cục quản lý dược - Bộ Y tế có Công văn số 4257/QLD-KD gửi Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có nội dung “Nếu trong 01 ống dung dịch chứa Diazepam (loại 10mg, 2ml/ống) đã được xác định hoạt chất và hàm lượng đúng như ghi trên nhãn thì sẽ chứa 10mg Diazepam”. Như vậy, nếu quy đổi theo Công văn số 4257 trên hoặc theo ký hiệu trên vỏ ống thuốc bị thu giữ, thì trong tổng số 5.998 ống thuốc tiêm bị thu giữ chỉ có 59,98 gam (5.998 ống x 10mg = 59.980 mg = 59,98g) chất ma túy Diazepam.

Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Kết luận giám định số 35/GĐMT ngày 18-2-2009 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai để quy kết Phàn Văn Phủ, Phàn Seo Ngáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ 5.998 ống thuốc tiêm Diazepam (tương đương 11.996 ml) là chất ma túy; cũng như việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Đây là ma túy ở thể lỏng nguyên ống, chứ không phải thể lỏng được pha ra, nên không áp dụng Thông tư số 17 nêu trên để xử phạt Phàn Văn Phủ tử hình, Phàn Seo Ngáo tù chung thân là không đúng.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo bị kết án về tội có mức hình phạt cao nhất, nhưng Cơ quan điều tra chưa trưng cầu giám định hàm lượng, trọng lượng chất ma túy trong số vật chứng nói trên là điều tra chưa đầy đủ, nên lẽ ra phải hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại, tiến hành giám định lại đối với số vật chứng nêu trên. Tuy nhiên, theo phản ánh tại Công văn số 391CV/PC47 ngày 26-11-2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai và Công văn số 162/CV ngày 22-9-2014 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai, thì hiện nay toàn bộ số vật chứng của vụ án đã được cơ quan chức năng tiêu hủy; mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, thì chỉ cần hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nói trên để xét xử sơ thẩm lại, căn cứ vào ký hiệu trên vỏ các ống thuốc bị thu giữ, kết hợp với việc xem xét các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và tham khảo Công văn số 4257/QLD-KD ngày 05-3-2015 của Cục quản lý dược - Bộ Y tế, để tính toán cụ thể trọng lượng chất ma túy Diazepam trong tổng số 5.998 ống thuốc tiêm nói trên, từ đó xem xét trách nhiệm hình sự của Phàn Văn Phủ, Phàn Seo Ngáo và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 279; khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH:

Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 691/2009/HSPT ngày 24-11-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2009/HSST ngày 10-9-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục tạm giam Phàn Văn Phủ và Phàn Seo Ngáo cho đến khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án./.

 

NỘI DUNG DỰ KIẾN ĐỀ XUẤT CÔNG NHẬN LÀM ÁN LỆ

Trong Quyết định giám đốc thẩm đã chỉ ra vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử là:

Đối với vụ án liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy thì cần phải xác định cụ thể về thành phần, hàm lượng chất ma túy để từ đó xác định được lượng chất ma túy để xác định mức hình phạt. Trường hợp trong quá trình điều tra, xét xử mà toàn bộ số vật chứng của vụ án đã được cơ quan chức năng tiêu hủy thì căn cứ vào ký hiệu trên vỏ các ống thuốc bị thu giữ, kết hợp với việc xem xét các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và tham khảo Công văn số 4257/QLD-KD ngày 05-3-2015 của Cục quản lý dược - Bộ Y tế, để tính toán cụ thể trọng lượng chất ma túy, từ đó xem xét trách nhiệm hình sự và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định:

“Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Kết luận giám định số 35/GĐMT ngày 18-2-2009 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai để quy kết Phàn Văn Phủ, Phàn Seo Ngáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ 5.998 ống thuốc tiêm Diazepam (tương đương 11.996 ml) là chất ma túy; cũng như việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Đây là ma túy ở thể lỏng nguyên ống, chứ không phải thể lỏng được pha ra, nên không áp dụng Thông tư số 17 nêu trên để xử phạt Phàn Văn Phủ tử hình, Phàn Seo Ngáo tù chung thân là không đúng.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo bị kết án về tội có mức hình phạt cao nhất, nhưng Cơ quan điều tra chưa trưng cầu giám định hàm lượng, trọng lượng chất ma túy trong số vật chứng nói trên là điều tra chưa đầy đủ, nên lẽ ra phải hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại, tiến hành giám định lại đối với số vật chứng nêu trên. Tuy nhiên, theo phản ánh tại Công văn số 391CV/PC47 ngày 26-11-2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai và Công văn số 162/CV ngày 22-9-2014 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai, thì hiện nay toàn bộ số vật chứng của vụ án đã được cơ quan chức năng tiêu hủy; mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, thì chỉ cần hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nói trên để xét xử sơ thẩm lại, căn cứ vào ký hiệu trên vỏ các ống thuốc bị thu giữ, kết hợp với việc xem xét các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và tham khảo Công văn số 4257/QLD-KD ngày 05-3-2015 của Cục quản lý dược - Bộ Y tế, để tính toán cụ thể trọng lượng chất ma túy Diazepam trong tổng số 5.998 ống thuốc tiêm nói trên, từ đó xem xét trách nhiệm hình sự của Phàn Văn Phủ, Phàn Seo Ngáo và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.”

 

Tên bản án

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 14/2015/HS-GĐT NGÀY 22/10/2015 VỀ VỤ ÁN "MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY"

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án