QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 15/2014/HS-GĐT NGÀY 02/04/2014 VỀ VỤ ÁN NGUYỄN VĂN TRƯỜNG BỊ KẾT ÁN TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH Ở TỈNH HẬU GIANG

TÒA HÌNH SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Tại phiên tòa ngày 02-4-2014 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với:

Nguyễn Văn Trường (tên gọi khác là Trường Nhóc) sinh ngày 29-8-1997 (khi phạm tội 14 tuổi 07 tháng 04 ngày); trú tại ấp 3, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; trình độ học vấn 6/12; con ông Nguyễn Văn Nhã và bà Đoàn Thị Tố Trinh; bị bắt giam từ ngày 01-9-2012 đến ngày 14-9-2012.

* Người bị hại: cháu Trần Văn Chắt sinh ngày 12-10-1995.

* Người đại diện hợp pháp của người bị hại: anh Trần Văn Dũng sinh năm 1968.

Đều trú tại ấp 6 xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Trong vụ án còn có 04 bị cáo bị xử phạt từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 03 năm 06 tháng tù đều về tội “Cố ý gây thương tích”.

NHẬN THẤY

Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 02-4-2012, Chiêm Hoàng Luân (còn gọi là Bi Nồ) đang uống cà phê tại quán bà Điều gần Trường THPT Long Mỹ thì nhận được điện thoại của Phạm Thị Dung (đang cùng ngồi ăn và hát với nhóm của Trần Văn Chắt) gọi Luân đến quán Karaoke Mỹ Linh rước Dung về. Khi Luân đến quán Karaoke Mỹ Linh thì xảy ra cãi vã với Trần Văn Chắt, được mọi người can ngăn nên Luân đi xe về quán bà Điều và gặp Lâm Chí Thành. Luân kể lại sự việc choThành nghe và rủ Thành lại quán Karaoke Mỹ Linh tìm Chắt để nói chuyện, Thành đồng ý. Khi đến nơi, do không gặp Chắt nên cả hai quay về quán bà Điều và gặp Nguyễn Văn Trường. Luân nói: “Lại Karaoke Mỹ Linh đảnh Chắt”, Trường và Thành đồng ý. Cả ba đến quán Karaoke Mỹ Linh thì thấy nhóm của Chắt đông quá nên nhóm của Luân không dám vào. Lúc đó, Trường nói “về rù thêm Thạch Minh Đức và Lê Hoàng Sang đảnh nhóm của Chắt”. Sau đó, cả ba quay về hướng tiệm lợp yên xe Thành Vương để gặp Đức và Sang. Khi đi đến nhà lồng B thì gặp Đức chở Sang đang chạy ngược chiều. Thành kêu Đức dừng lại rồi kể lại mọi việc cho Đức và Sang nghe. Sau đó, Luân, Thành, Đức, Sang, Trường thống nhất cùng đi đến quán Mỹ Linh đánh Chắt. Khi đi, Đức mang theo 01 lưỡi kéo, Trường lấy 03 ống tuýp sắt đưa cho Thành, Luân mỗi người 01 ống và giữ lại 01 ống. Khi đến nơi, Luân, Thành, Sang, Trường dùng tay, ống tuýp sắt đánh nhiều cái vào người Chắt, riêng Đức dùng lưỡi kéo đâm vào hông phải của Chắt. Thấy Chắt bị thương nên cả nhóm bỏ về. Trần Văn Chắt được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 121 quân khu 9 đến ngày 11-4-2012 thì ra viện. Sau khi gây thương tích cho người bị hại, gia đình Luân, Đức, Thành, Sang, Trường đã bồi thường cho người bị hại và gia đình người bị hại có đơn bãi nại.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 96/TgT ngày 30-7-2012 của Trung tâm pháp y tỉnh Hậu Giang kết luận: vết thương vùng mông thấu bụng (thủng đại tràng), tỷ lệ thương tích tổn hại đến sức khỏe là 46%. Tỷ lệ thương tích trên do một vết thương gây nên.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 08/2012/HSST ngày 21-11-2012, Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53, Điều 69, khoản 2 Điều 74 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Văn Trường 18 (mười tám) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, được khấu trừ thời hạn tạm giam từ 01-9-2012 đến ngày 14-9-2012.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định xử phạt Thạch Minh Đức 03 năm 06 tháng tù, Lê Hoàng Sang 02 năm tù, Chiêm Hoàng Luân và Lâm Chí Thành mỗi bị cáo 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, đều về tội “Cố ý gây thương tích”; quyết định về việc xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 23-11-2012, Nguyễn Văn Trường và Lê Hoàng Sang kháng cáo xin hưởng án treo.

Ngày 26-11-2012 và ngày 01-12-2012, người bị hại Trần Văn Chắt kháng cáo với nội dung xin giảm hình phạt và xin cho hai bị cáo Trường, Sang được hưởng án treo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 52/2013/HSPT ngày 17-4-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và của người bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ 3.000.000 đồng của gia đình Trường cho người bị hại.

Tại Kháng nghị số 06/2014/KN-HS ngày 13-02-2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm số 52/2013/HSPT ngày 17-4-2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang và đề nghị Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn Trường để xét xử phúc thẩm lại theo hướng cho Trường được hưởng án treo.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Do có mâu thuẫn với Trần Văn Chắt nên Chiêm Hoàng Luân đã rủ Lâm Chí Thành, Nguyễn Văn Trường, Lê Hoàng Sang và Thạch Minh Đức đi đánh Chắt; hậu quả đã gây thương tích cho Chắt với tỷ lệ là 46%. Hành vi của các bị cáo Luân, Thành, Trường, Sang, Đức là phạm tội “Cố ý gây thương tích” và thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

Trong vụ án này, Luân là người chủ mưu, rủ rê, lôi kéo các đồng phạm khác, Đức là người trực tiếp gây ra vết thương cho Chắt, còn Trường, Thành, Sang là người giúp sức. Tại thời điểm phạm tội, chỉ có các bị cáo Đức và Sang là đã thành niên, còn các bị cáo Luân, Thành, Trường đều chưa thành niên. Do các bị cáo Luân, Thành, Trường đều có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b “người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại” và p “người phạm tội thành khẩn khai báo ” khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Luân 30 tháng tù, Thành 30 tháng tù, Trường 18 tháng tù (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt) là có căn cứ. Ngoài ra, các bị cáo Luân, Thành, Trường đều phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng (đủ các điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại tiểu mục 6.1 Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02-01-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chỉ cho hai bị cáo Luân và Thành được hưởng án treo, mà không cho bị cáo Trường được hưởng án treo là không đúng; trong khi bị cáo Trường phạm tội khi mới 14 tuổi 07 tháng 04 ngày, vừa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và là người ít tuổi nhất trong số các bị cáo, có vai trò thứ yếu, nhận thức còn hạn chế.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Trường kháng cáo xin hưởng án treo, người bị hại cũng kháng cáo xin giảm hình phạt và xin cho bị cáo Trường được hưởng án treo. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, nên

không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và của người bị hại, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, không cho bị cáo Trường được hưởng án treo là không đúng.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 52/2013/HSPT ngày 17-4-2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang về phần trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn Trường; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 15/2014/HS-GĐT ngày 02/04/2014 về vụ án Nguyễn Văn Trường bị kết tội cố ý gây thương tích ở Hậu Giang

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English