QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 18/2007/HS-GĐT NGÀY 09/07/2007 VỀ VỤ ÁN NGUYỄN MẠNH HỢP PHẠM TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

……..

Ngày 09 tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

Nguyễn Mạnh Hợp sinh năm 1949; trú tại: thôn Nguyễn, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; khi phạm tội là Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Á; bị tạm giữ từ ngày 31-01-2005 đến ngày 07-02-2005.

Nguyên đơn dân sự: Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á do ông Phạm Khánh Sơn-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á thành phố Hà Nội có trụ sở tại 192b, Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội làm đại diện theo sự ủy quyền của Tổng Giám đốc (giấy ủy quyền ngày 11-01-2006).

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm:

1. Anh Nguyễn Thành Nam, trú tại số 3 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

2. Anh Phan Quốc Trung trú tại số 38/20 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

3. Anh Nguyễn Bình Đông, trú tại 12A Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

4. Công ty dịch vụ sản xuất-xuất nhập khẩu Châu Á có trụ sở tại số 6, ngõ 217, La Thành, phường La Thành, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; do anh Nguyễn Quyết Tiến (Giám đốc Công ty) làm đại diện.

NHẬN THẤY

Nguyễn Mạnh Hợp là Phó Giám đốc Công ty TNHH Châu Á (Viết tắt là Công ty Châu Á) biết Liên hiệp khoa học sản xuất tin học Viễn Thám, thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Liên hiệp Viễn Thám) đang bán lô hàng 11 máy biến áp trị giá 128.500 USD nên nhờ anh Nguyễn Bình Đông (là người quen của Hợp) đặt vấn đề với Liên Hiệp Viễn Thám mua lô hàng trên với mục đích bán lại cho một đơn vị khác kiếm lời.

Do Nguyễn Mạnh Hợp không có tiền trả ngay nên Hợp lại nhờ anh Đông yêu cầu Liên hiệp Viễn Thám ký sẵn một bộ hợp đồng mua bán và đưa cho Hợp cùng với giấy tờ hải quan của lô hàng. Liên hiệp Viễn Thám đã đồng ý và cung cấp cho Hợp một bộ hồ sơ bao gồm :

- Hợp đồng mua bán (ghi ngày 01-11-1994);

- Hóa đơn kiêm phiếu xuất kho (ghi ngày 08-11-1994);

- Bản thanh lý hợp đồng (ghi ngày 10-12-1994).

-Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu của 11 máy biến áp nói trên.

Theo hợp đồng mua bán và bản thanh lý hợp đồng thì Liên hiệp Viễn Thám bán lô hàng 11 máy biến áp cho Công ty Châu Á và Công ty Châu Á đã thanh toán tiền hàng cho Liên hiệp Viễn Thám với số tiền là 128.500USD. Trên thực tế Liên hiệp Viễn Thám chưa giao hàng và Công ty Châu Á chưa trả tiền cho Liên hiệp Viễn Thám. Lô hàng 11 máy biến áp trên vẫn để tại hai kho hàng tại Hải Phòng và Hà Nội do Liên hiệp Viễn Thám thuê và vẫn thuộc quyền sở hữu của Liên hiệp Viễn Thám, nhưng giữa bên mua và bên bán đã có bản thanh lý hợp đồng.

Do có bộ hồ sơ mà Liên hiệp Viễn Thám cung cấp, ngày 16-12-1994, Nguyễn Mạnh Hợp đã thế chấp lô hàng trên cho Ngân hàng Đông Á để vay 900.000.000 đồng với thời hạn vay là 03 tháng. Khi vay được tiền Ngân hàng, Hợp không nhập quỹ Công ty Châu Á, cũng không trả tiền hàng cho Liên hiệp Viễn Thám mà cho anh Nguyễn Bình Đông vay 400.000.000 đồng, sau đó anh Đông đã trả lại cho Hợp đủ 400.000.000 đồng tiền gốc và lãi. Số tiền 500.000.000 đồng còn lại, Hợp khai là đã đầu tư kinh doanh vào một số mặt hàng bị thua lỗ nhưng không chứng minh được là đã dùng vào việc gì.

Do không thấy Hợp trả tiền nên Liên hiệp Viễn Thám đã có Công văn số 103 ngày 15-02-1995 yêu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán và yêu cầu Công ty Châu Á phải trả lại bộ hồ sơ mà Liên hiệp Viễn Thám đã cung cấp cho Hợp, nhưng Hợp và Công ty Châu Á không trả.

Ngày 09-5-1995, Hợp trả cho Ngân hàng Đông Á được 200.000.000 đồng tiền gốc và 17.325.000 đồng tiền lãi. Cùng ngày 09-5-1995, Ngân hàng làm thủ tục đảo nợ và làm hợp đồng cho Hợp vay 700.000.000 đồng, với thời hạn là 20 ngày, tài sản thế chấp vẫn là lô hàng 11 máy biến áp. Hợp ký vay tiền với tư cách là đại diện Công ty Châu Á theo giấy ủy quyền ngày 02-5-1995.

Đến ngày 10-6-1995, Hợp trả được cho Ngân hàng Đông Á 200.000.000 đồng và 16.415.000 đồng tiền lãi. Còn lại 500.000.000 đồng, hết hạn Hợp không trả cho Ngân hàng mà bỏ đi khỏi địa phương. Trước khi đi, Hợp có giấy uỷ quyền cho ông Nguyễn Quyết Tiến, lúc đó là Phó Giám đốc Công ty Châu Á bán lô hàng 11 máy biến áp trên để trả nợ cho Ngân hàng. Do đến hạn không thấy Hợp trả tiền nên Liên hiệp Viễn Thám đã bán 1 phần lô hàng trên và giữ số hàng còn lại.

Sau nhiều lần yêu cầu Công ty Châu Á và Nguyễn Mạnh Hợp thanh toán nợ cho Ngân hàng nhưng Công ty Châu Á và Hợp không thanh toán. Ngày 26-4-1996, Ngân hàng Đông Á có công văn số 26 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hà Nội đề nghị thu hồi số tiền 500.000.000 đồng mà Nguyễn Mạnh Hợp-là đại diện Công ty Châu Á ký vay Ngân hàng.

Ngày 21-12-1996, Công an thành phố Hà Nội đã có lệnh truy nã đối với  Nguyễn Mạnh Hợp. Sau hơn 9 năm bỏ trốn, ngày 31-01-2005 Hợp đã bị bắt theo lệnh truy nã. Sau khi bị bắt, gia đình Nguyễn Mạnh Hợp nộp cho Cơ quan điều tra số tiền 100.000.000 đồng để trả cho Ngân hàng Đông Á. Tính đến ngày xét xử phúc thẩm, Hợp còn nợ Ngân hàng Đông Á là 400.000.000 đồng tiền nợ gốc.

Cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Mạnh Hợp và Phan Quốc Trung, Nguyễn Thành Nam (là các cán bộ Liên hiệp Viễn Thám) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, ngày 18-9-1997 và ngày 24-6-2005, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Phan Quốc Trung và Nguyễn Thành Nam với lý do: hành vi của các bị can chưa cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Tại Cáo trạng số 191/CT/VKS-P1 ngày 29-6-2005, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố Nguyễn Mạnh Hợp về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 158 Bộ luật hình sự 1985.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 304/HSST ngày 18-8-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 158, điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, Điều 609, Điều 612 Bộ luật dân sự; xử phạt Nguyễn Mạnh Hợp 10 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; buộc Nguyễn Mạnh Hợp phải trả số tiền 400.000.000 đồng cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á chi nhánh Hà Nội; tách việc giải quyết lãi suất của khoản nợ 400.000.000 đồng giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á với Nguyễn Mạnh Hợp để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 26-8-2005, Nguyễn Mạnh Hợp kháng cáo kêu oan với lý do là đã trả đủ tiền mua lô hàng 11 máy biến áp cho Liên hiệp Viễn Thám, nên lô hàng trên thuộc quyền sở hữu của Hợp.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 09/2006/HSPT ngày 11-01-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 140, điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999, nhưng giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt và phần bồi thường dân sự đối với Nguyễn Mạnh Hợp.

Tại Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTC-V3 ngày 23-01-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 09/2006/HSPT ngày 11-01-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 304/HSST ngày 18-8-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung với các lý do chính (được tóm tắt) sau đây:

1) Về việc vay tiền và trách nhiệm trả nợ: Tòa án các cấp kết án Hợp phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Ngân hàng Đông Á là chưa có cơ sở vững chắc vì Hợp đồng vay tiền mà Hợp ký là nhân danh Công ty Châu Á, nhưng trong hồ sơ vụ án chưa làm rõ việc Công ty Châu Á ủy quyền cho Hợp vay tiền của Ngân hàng Đông Á là nhằm vay tiền cho Công ty hay việc ủy quyền cho Hợp chỉ là tạo điều kiện để Hợp vay tiền cho cá nhân Hợp. Vì nếu Hợp vay tiền cho Công ty Châu Á  thì Công ty Châu Á mới là đơn vị phải có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng và có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý Hợp về hành vi chiếm đoạt của Công ty 500 triệu đồng vay này, chứ Ngân hàng Đông Á không thể yêu cầu xử lý Hợp được.

2) Về lô hàng 11 máy biến áp dùng làm tài sản thế chấp: Căn cứ vào các giấy tờ của bộ Hợp đồng mua bán 11 máy biến áp giữa Công ty Châu Á và Liên hiệp Viễn Thám; căn cứ vào việc Liên hiệp Viễn Thám thừa nhận chính Liên hiệp Viễn Thám cung cấp cho Công ty Châu Á bộ giấy tờ Hợp đồng mua bán trên để Công ty Châu Á thế chấp vay tiền Ngân hàng; nên việc Công ty Châu Á đưa thế chấp Ngân hàng Đông Á 11 chiếc máy biến áp để bảo đảm khoản nợ vay là hợp pháp.

Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa làm rõ việc mua bán 11 máy biến áp và việc thanh toán tiền giữa Công ty Châu Á với Liên hiệp Viễn Thám, nên chưa xác định được 11 máy biến áp dùng làm tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của ai.

3) Về trách nhiệm của cán bộ Liên hiệp Viễn Thám và Ngân hàng Đông Á: Việc Liên hiệp Viễn Thám có Công văn số 103 ngày 15-02-1995 đơn phương chấm dứt hợp đồng và bán 11 máy biến áp mà Liên hiệp Viễn Thám biết trước đó đã được Công ty Châu Á thế chấp Ngân hàng vay tiền là vi phạm hợp đồng và vi phạm pháp luật dân sự về thế chấp tài sản. Nhưng quá trình điều tra chưa làm rõ trách nhiệm của những cán bộ Liên hiệp Viễn Thám trong việc sai phạm này và chưa làm rõ việc thiếu trách nhiệm của cán bộ Ngân hàng Đông Á trong việc cho vay tiền, đảo nợ và quản lý tài sản thế chấp.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Nguyễn Mạnh Hợp có phạm tội, nhưng không phải là phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với khoản tiền vay của Ngân hàng Đông Á như Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 304/HSST ngày 18-8-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung.

XÉT THẤY

1. Tuy trong hợp đồng số H0033/1 ngày 16-12-1994 về việc vay 900.000.000 đồng của Ngân hàng Đông Á được Nguyễn Mạnh Hợp ký kết nhân danh Công ty Châu Á, nhưng thực chất Hợp chỉ mượn danh nghĩa Công ty để ký hợp đồng vay tiền cho cá nhân Hợp. Khi được Ngân hàng đồng ý cho vay 900.000.000 đồng theo hợp đồng số H0033/1 thì Hợp nhận tiền trực tiếp tại Ngân hàng, không nhập quỹ Công ty và tự sử dụng số tiền trên. Đến hạn thanh toán nợ của hợp đồng số H0033/1, Công ty Châu Á không thanh toán nợ cho Ngân hàng mà do Hợp dùng tiền cá nhân để trả nợ cho Ngân hàng được 200.000.000 đồng tiền gốc và 17.325.000 đồng tiền lãi. Mặc dù khi vay được 900.000.000 đồng Hợp không nhập quỹ Công ty và tự sử dụng cá nhân, nhưng Công ty Châu Á không ý kiến gì và đến ngày 02-5-1995 Giám đốc Công ty Châu Á lại có giấy uỷ quyền cho Hợp tiếp tục làm đơn xin vay tiếp 700.000.000 đồng tiền nợ gốc và ngày 09-5-1995 Hợp được Ngân hàng làm thủ tục đảo nợ cho vay 700.000.000 đồng trên bằng hợp đồng vay tiền số H0051/1. Với các chứng cứ này chứng minh Công ty Châu Á không quan tâm đến số tiền 900.000.000 đồng vay Ngân hàng vì việc ủy quyền chỉ là tạo điều kiện cho Hợp vay tiền sử dụng cá nhân. Tại hai giấy ủy quyền ngày 01-12-1994 và giấy ủy quyền ngày 02-5-1995, Công ty Châu Á ủy quyền một cách chung chung là Hợp được ký kết các hợp đồng kinh tế và vay vốn Ngân hàng, chứ không ủy quyền cụ thể cho Hợp vay tiền của Ngân hàng Đông Á. Trong giấy ủy quyền cũng xác định Hợp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản và hợp đồng mà Hợp ký kết. Đến hạn thanh toán nợ của hợp đồng vay 700.000.000 đồng thì Hợp vẫn dùng tiền cá nhân rồi lấy danh nghĩa Công ty Châu Á trả nợ cho Ngân hàng 200.000.000 đồng nợ gốc và 16.415.000 đồng nợ lãi. Công ty Châu Á không có phiếu chi nào là khỏan chi trả nợ cho Ngân hàng Đông Á. Chính ông Lê Kỳ Thanh - Giám đốc Công ty Châu Á đã xác nhận Hợp là người chịu trách nhiệm về việc sử dụng số tiền trên và Công ty có nghĩa vụ đôn đốc Hợp thanh toán nợ cho Ngân hàng đúng hạn. Như vậy, có đủ cơ sở xác định việc Giám đốc Công ty Châu Á ký giấy ủy quyền cho Hợp vay tiền Ngân hàng là có thật, nhưng việc ký giấy ủy quyền chỉ là nhằm tạo điều kiện cho Hợp có vốn kinh doanh; thực chất việc vay tiền là vay cho cá nhân Hợp, nên không thể coi đây là hợp đồng vay tiền mà Hợp ký kết là hợp đồng kinh tế giữa hai pháp nhân là Công ty Châu Á và Ngân hàng Đông Á như kháng nghị nêu. Trong việc Hợp vay được tiền Ngân hàng có trách nhiệm của Giám đốc Công ty Châu Á đã để Hợp lợi dụng danh nghĩa Công ty để vay tiền sử dụng cá nhân, nhưng sai phạm của Giám đốc Công ty Châu Á cũng không làm thay đổi trách nhiệm của Hợp đối với khoản tiền vay của Ngân hàng Đông Á.

2. Khi vay tiền Ngân hàng Đông Á, Nguyễn Mạnh Hợp có thế chấp cho Ngân hàng Đông Á lô hàng 11 máy biến áp. Quá trình điều tra đã xác minh lô hàng 11 máy biến áp này là tài sản thuộc quyền sở hữu của Liên hiệp Viễn Thám. Mặc dù Liên hiệp Viễn Thám và Công ty Châu Á (do Nguyễn Mạnh Hợp làm đại diện theo ủy quyền) có ký kết hợp đồng mua bán lô hàng này, có ký bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn kiêm phiếu xuất kho về lô hàng với nội dung: Liên hiệp Viễn Thám bán cho Công ty Châu Á lô hàng 11 máy biến áp với giá 128.500USD và Công ty Châu Á đã trả tiền cho Liên hiệp Viễn Thám. Nhưng căn cứ vào lời khai của các anh Nguyễn Thành Nam, anh Phan Quốc Trung (là các cán bộ của Liên hiệp Viễn Thám) và anh Nguyễn Bình Đông (là người môi giới) thì do Hợp muốn mua lô hàng 11 máy biến áp của Liên hiệp Viễn Thám, nhưng chưa có tiền trả ngay nên có nhờ anh Đông đề nghị Liên hiệp Viễn Thám lập bộ hồ sơ (bao gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn kiêm phiếu xuất kho, bản thanh lý hợp đồng) nhằm tạo điều kiện cho Hợp vay được tiền của Ngân hàng để thanh toán tiền hàng cho Liên hiệp Viễn Thám và sau đó sẽ bán hàng trả tiền cho Ngân hàng. Thực chất Hợp lấy danh nghĩa Công ty Châu Á ký hợp đồng và chưa trả tiền hàng cho Liên hiệp Viễn Thám, Liên hiệp Viễn Thám cũng chưa giao hàng cho Hợp. Khi được anh Đông cho biết về yêu cầu của Hợp thì anh Nguyễn Thành Nam đã báo cáo với anh Phan Quốc Trung (lúc đó là Giám đốc kinh doanh của Liên hiệp Viễn Thám), anh Trung đồng ý cho anh Nam sử dụng các giấy tờ khống mà anh Trung đã ký sẵn để lập bộ hợp đồng mua bán; bộ Hợp đồng mua bán và giấy tờ hải quan của lô hàng là do anh Đông nhận của Liên hiệp Viễn Thám rồi đưa cho Hợp. Theo lời khai của anh Đông thì hóa đơn kiêm phiếu xuất kho mà anh Nam đưa cho anh Đông để giao cho Hợp không có dấu “đã thu tiền”, sau này Hợp tự đóng vào. Nguyễn Mạnh Hợp chưa bao giờ gặp anh Nam và anh Trung; anh Nam chưa bao giờ nhận 128.500 USD của Hợp. Anh Đông không thấy Hợp trả tiền cho Liên hiệp Viễn Thám và cũng không nhận tiền của Hợp để trả cho Liên hiệp Viễn Thám. Tháng 02-1995 vẫn không thấy Hợp trả tiền hàng, nên anh Trung đã ký Công văn số 103/IRS ngày 15-02-1995 gửi Hợp và Công ty Châu Á về việc chấm dứt hợp đồng mua bán lô hàng trên. Anh Đông là người đã cầm Công văn 103/IRS đưa cho Công ty Châu Á. Lời khai của anh Nguyễn Thành Nam, anh Phan Quốc Trung và anh Nguyễn Bình Đông là thống nhất và phù hợp với nhau và phù hợp với các chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án như các sổ thu chi của Liên hiệp Viễn Thám, bản lưu hóa đơn kiêm phiếu xuất kho tại Liên hiệp Viễn Thám không có dấu “đã thu tiền”.

3. Lô hàng 11 máy biến áp vẫn để tại hai kho hàng là kho của Công ty TNHH Ngọc Linh (tại Hà Nội) và kho của Công ty thiết bị phụ tùng Hải Phòng (tại Hải Phòng) do Liên hiệp Viễn Thám thuê và trả tiền thuê kho. Các kho ký hợp đồng gửi giữ lô hàng trên với Liên hiệp Viễn Thám chứ không phải với Hợp hay Công ty Châu Á. Cán bộ làm việc tại hai kho để hàng tại Hải Phòng và Hà Nội luôn xác định đó là hàng thuộc quyền sở hữu của Liên hiệp Viễn Thám và xác nhận khi hàng được gửi tại kho thì chỉ có Liên hiệp Viễn Thám đến kiểm tra hàng định kỳ còn Hợp và Công ty Châu Á không bao giờ xuống kho để kiểm tra hàng. Điều này thể hiện Hợp và Công ty Châu Á chưa bao giờ coi đó là hàng của mình nên không có trách nhiệm và ý thức quan tâm xem lô hàng đó như thế nào. Mặt khác, theo lời khai của các cán bộ kho hàng tại Hải Phòng thì việc kho hàng Hải Phòng ký vào cam kết ba bên giữa Ngân hàng, kho và ông Hợp nào đó là ký vậy thôi chứ cán bộ kho đã được anh Nam báo cho biết ông Hợp chưa trả tiền hàng cho Liên hiệp Viễn Thám nên hàng vẫn là của Liên hiệp Viễn Thám. Ông Nguyễn Quyết Tiến lúc đó là Phó Giám đốc Công ty Châu Á cũng xác nhận khi được Hợp uỷ quyền bán lô hàng trả nợ cho Ngân hàng, ông Tiến không lấy được hàng bán vì cán bộ kho hàng nói đó là hàng của Liên hiệp Viễn Thám.

4. Về phía Công ty Châu Á: Theo lời khai của ông Nguyễn Quyết Tiến tại cơ quan điều tra thì việc ông Hợp ký hợp đồng mua bán 11 máy biến áp với Liên hiệp Viễn Thám, ông Tiến chỉ nghe ông Hợp có nói qua với ông Tiến và mọi người trong Công ty là: có loại hàng máy biến áp thì ông Tiến có nói là nếu có thì ông Tiến có thể giải quyết được (vì ông Tiến là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh loại hàng thiết bị điện). Khi đó, ông Tiến không biết Hợp đã mua hàng của Liên hiệp Viễn Thám hay chưa? Ông Tiến chưa từng được xem hàng. Tới tháng 02-1996 ông Tiến được ông Hợp uỷ quyền bán lô hàng để trả nợ Ngân hàng. Chỉ có những tình tiết như đã nêu, mà sau này và trong đơn khiếu nại hiện nay ông Tiến (với tư cách đại diện cho Công ty Châu Á) khẳng định ông Hợp đã trả tiền hàng và lô hàng đó thuộc quyền sở hữu của Hợp và Công ty Châu Á là không có cơ sở.

5. Đối với Nguyễn Mạnh Hợp đến nay vẫn cho rằng Hợp và Công ty Châu Á đã mua và trả tiền mua lô hàng cho Liên hiệp Viễn Thám, vì vậy, lô hàng này thuộc quyền sở hữu của Công ty Châu Á và Hợp, nên Hợp không phạm tội vì Hợp vay tiền là có tài sản thế chấp hợp pháp. Tuy nhiên, lời khai của Hợp có nhiều mâu thuẫn, ban đầu Hợp khai đưa 128.500USD cho anh Nguyễn Bình Đông để trả cho Liên hiệp Viễn Thám, sau này Hợp lại khai đưa tiền cho anh Nguyễn Thành Nam mặc dù trước đó Hợp đã khai rằng không biết anh Nam, chưa gặp anh Nam bao giờ. Việc ký kết hợp đồng mua bán lô hàng trên đều thông qua anh Đông là người trung gian. Nguyễn Mạnh Hợp không xuất trình được chứng từ chuyển tiền và biên bản giao nhận hàng đối với lô hàng nói trên và tại hồ sơ vụ án cũng không có bất cứ một giấy biên nhận hay chứng từ chuyển tiền nào. Trong khi đó, Hợp giao cho anh Đông có 400.000.000 đồng cũng buộc Công ty Châu Á xuất hóa đơn, chứng từ nghiêm chỉnh. Sau này, Hợp lại khai rằng Hợp làm mất hóa đơn chứng từ là không có cơ sở chấp nhận. Mặt khác, nếu Hợp đã trả tiền hàng và lô hàng thuộc quyền sở hữu của Hợp thì không có lý do gì mà Hợp phải bỏ trốn khỏi địa phương khi không trả được 500.000.000 đồng tiền nợ Ngân hàng vì lô hàng có trị giá trên 1 tỷ đồng (128.500 USD) và Hợp cũng không bỏ mặc lô hàng giá trị lớn cho ông Tiến bán trả nợ mà không quan tâm đến lô hàng như Hợp đã làm.

Tổng hợp các chứng cứ nêu trên đủ cơ sở xác định việc mua bán lô hàng giữa Liên hiệp Viễn Thám và Công ty Châu Á chỉ là hình thức giấy tờ, không có thật. Việc anh Phan Quốc Trung-Giám đốc kinh doanh của Liên hiệp Viễn Thám ký bản hợp đồng mua bán, hóa đơn kiêm phiếu xuất kho, bản thanh lý hợp đồng về lô hàng 11 máy biến áp và giao cho Hợp cùng với giấy tờ hải quan của lô hàng chỉ nhằm tạo điều kiện cho Hợp có thể vay tiền Ngân hàng để mua lô hàng trên. Thực chất lô hàng trên vẫn thuộc quyền sở hữu của Liên hiệp Viễn Thám. Do vậy, việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị yêu cầu điều tra lại để làm rõ việc Nguyễn Mạnh Hợp ký hợp đồng vay tiền cho ai, và lô hàng dùng làm tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của ai là không cần thiết.

6. Xét quá trình vay tiền Ngân hàng Đông Á của Nguyễn Mạnh Hợp cho thấy: Việc mua bán lô hàng 11 máy biến áp giữa Nguyễn Mạnh Hợp và Liên hiệp Viễn Thám chưa hoàn thành vì Liên hiệp Viễn Thám chưa giao hàng và Hợp chưa trả tiền, nhưng Hợp đã yêu cầu Liên hiệp Viễn Thám ký sẵn bản hợp đồng mua bán, hóa đơn kiêm phiếu xuất kho, bản thanh lý hợp đồng giao cho Hợp cùng các giấy tờ hải quan về lô hàng rồi Hợp dùng bộ hồ sơ này thế chấp lô hàng cho Ngân hàng Đông Á vay 900.000.000 đồng là hành vi gian dối. Do vậy, hợp đồng vay 900.000.000 đồng phải bị coi là hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối theo Điều 142 Bộ luật dân sự năm 1995.  Tuy nhiên, đối với hợp đồng vay 900.000.000 đồng thì Hợp cũng đã trả được cho Ngân hàng Đông Á 200.000.000 đồng tiền gốc và 17.325.000 đồng tiền lãi, còn nợ 700.000.000đồng. Ngày 08-5-1995, Ngân hàng đã chấp nhận cho Hợp đảo nợ để vay lại 700.000.000đồng tiền nợ gốc trên bằng hợp đồng vay tiền số H0051/1, nên chỉ xét đến trách nhiệm của Hợp đối với việc thực hiện hợp đồng vay 700.000.000đồng.

Trước khi có hợp đồng đảo nợ vay 700.000.000 đồng thì từ ngày 15-02-1995, Liên hiệp Viễn Thám thấy Hợp và Công ty Châu Á không trả tiền hàng, không thực hiện hợp đồng như đã thỏa thuận cho nên Liên hiệp Viễn Thám đã có Công văn số 103/IRS yêu cầu chấm dứt hợp đồng và Hợp cùng Công ty Châu Á không có ý kiến gì. Kể từ thời điểm đó, việc mua bán giữa Hợp và Liên hiệp Viễn Thám về việc mua bán lô hàng 11 máy biến áp đã chấm dứt, nhưng khi làm thủ tục đảo nợ vay lại 700.000.000 đồng tiền nợ gốc của hợp đồng vay 900.000.000 đồng Nguyễn Mạnh Hợp vẫn dùng chính bộ hợp đồng mua bán lô hàng trên thế chấp cho Ngân hàng Đông Á. Khi đảo nợ, Ngân hàng không giải chấp tài sản thế chấp của hợp đồng vay 900.000.000 đồng (hợp đồng số H0033/1), không kiểm tra tài sản thế chấp của hợp đồng vay 700.000.000 đồng là không đúng với quy định về cho vay tín dụng và đây là lỗi của Ngân hàng nên có thể coi hợp đồng vay tiền số H0051/1 mà Ngân hàng ký cho Hợp vay 700.000.000đồng là hợp đồng hợp pháp. Đến hạn thanh toán nợ của hợp đồng vay tiền 700.000.000 đồng Hợp chỉ trả cho Ngân hàng Đông Á được 200.000.000 đồng nợ gốc và 16.415.000 đồng tiền lãi rồi bỏ trốn. Mặt khác, khi thấy không có khả năng thanh toán nợ thì Nguyễn Mạnh Hợp lại ủy quyền cho ông Nguyễn Quyết Tiến bán lô hàng 11 máy biến áp để trả nợ thay cho Hợp là hành vi gian dối, mang tính thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Cơ quan công an phải ra lệnh truy nã và đến gần 10 năm sau mới bắt được Hợp. Do vậy, Hợp có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với số tiền 500.000.000 đồng tiền nợ gốc mà Hợp không trả cho Ngân hàng theo hợp đồng vay tiền 700.000.000đồng nêu trên.

Vụ án xảy ra đã lâu, những sai phạm của một số cán bộ tại Ngân hàng Đông Á, Liên hiệp Viễn Thám và Công ty Châu Á đã tạo điều kiện để Nguyễn Mạnh Hợp vay và chiếm đoạt số tiền của Ngân hàng Đông Á nếu có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ thì cũng không làm thay đổi tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do Nguyễn Mạnh Hợp thực hiện. Những vấn đề mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu trong bản kháng nghị cần phải điều tra lại là không cần thiết.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279, khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Không chấp nhận kháng nghị số 03/QĐ-VKSTC-V3 ngày 23-01-2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 09/2006/HSPT ngày 11-01-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với Nguyễn Mạnh Hợp.

Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

Những vấn đề mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu trong bản kháng nghị cần phải điều tra lại là không cần thiết, vì nếu có truy cứu trách nhiệm hình sự thêm đối với một số người khác thì cũng không làm thay đổi tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo (trong khi vụ án xảy ra đã lâu).

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 18/2007/HS-GĐT về vụ án Nguyễn Mạnh Hợp phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English