QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 24/2003/HĐTP-HS NGÀY 06/11/2003 VỀ VỤ ÁN HOÀNG ANH TUẤN PHẠM TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ'

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Tại phiên toà ngày 06-11-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo:

Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1982; trú tại xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá; văn hoá: lớp 12/12 là thợ học nghề sửa xe máy; con ông Hoàng Thế Lộc và bà Nguyễn Thị Thắm; chưa có tiền án tiền sự; tại ngoại.

Đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Lê Thị Yến (vợ nạn nhân Phạm Văn Danh); trú tại xã Bình Minh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Ông Phạm Văn Tâm; trú tại tiểu khu 3, thị trấn Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

NHẬN THẤY

Khoảng 15 giờ ngày 02-02-2002, sau khi sửa xong xe máy Bestwa biển kiểm soát 36H2-9551 của ông Phạm Văn Tâm, Hoàng Anh Tuấn (là thợ học nghề của ông Tâm) điều khiển xe đi thử từ nhà ông Tâm với tốc độ 25-30km/h trên phần đường dành cho xe cơ giới. Khi đến Km366 quốc lộ 1A thuộc trung tâm thị trấn Tĩnh Gia, Tuấn phát hiện ông Phạm Văn Danh đang điều khiển xe đạp đi ở phía trước bên phải cùng chiều, phần đường dành cho người đi xe đạp. Khi xe máy của Tuấn cách xe đạp của ông Danh khoảng 4-5m thì ông Danh đột ngột rẽ trái không có tín hiệu sang đường. Tuấn dùng phanh tay và phanh chân cho xe máy dừng lại nhưng do khoảng cách quá gần nên xe máy của Tuấn đã đâm vào xe đạp của ông Danh làm ông Danh bị ngã văng ra khỏi xe đạp. Do vết thương quá nặng nên ông Danh đã chết lúc 5 giờ ngày 03-02-2002. Sau khi ông Danh chết, gia đình khai đã chi phí tiền thuốc và mai táng phí hết 7.000.000 đồng, gia đình bị cáo Tuấn đã bồi thường được 2.000.000 đồng. Ngày 05-08-2002, Hoàng Anh Tuấn đã nộp 2.500.000 đồng tại Phòng Thi hành án tỉnh.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 205/HSST ngày 10-08-2002, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; các điểm b, đ, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự, phạt Hoàng Anh Tuấn 30 tháng tù về tội ''Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ'', nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng.

Về dân sự: áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; các Điều 614, 620, 621, 627 Bộ luật Dân sự, buộc Hoàng Anh Tuấn và ông Phạm Văn Tâm phải liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân tiền thuốc cấp cứu và mai táng phí 7.000.000đồng, tiền tổn thất về tinh thần 12.000.000 đồng. Tổng cộng là 19.000.000 đồng, bị cáo Tuấn và ông Tâm mỗi người phải chịu 9.500.000 đồng. Bị cáo Tuấn đã bồi thường được 4.500.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp 5.000.000 đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 20-08-2002 Hoàng Anh Tuấn kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm tiền bồi thường.

Ngày 20-08-2002, bà Lê Thị Yến (đại diện hợp pháp của người bị hại) kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Tuấn và tăng bồi thường.

Ngày 20-08-2002, ông Phạm Văn Tâm kháng cáo đề nghị xem xét lại việc Toà án cấp sơ thẩm xác định ông là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là bị đơn dân sự, buộc ông phải liên đới bồi thường cho gia đình người bị hại.

Tại Bản án Hình sự phúc thẩm số 1501/HSPT ngày 25-10-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt đối với Hoàng Anh Tuấn; buộc bị cáo Tuấn phải bồi thường toàn bộ số tiền 19.000.000 đồng cho gia đình nạn nhân do bà Lê Thị Yến là người đại diện nhận, đã bồi thường được 4.500.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp 14.500.000 đồng.

Tại Quyết định kháng nghị số 27/HS-TK ngày 30-06-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ quyết định về bồi thường thiệt hại tại Bản án hình sự phúc thẩm số 1501/HSPT ngày 25-10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, giữ nguyên quyết định về bồi thường thiệt hại tại Bản án hình sự sơ thẩm số 205/HSST ngày 10-08-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Hoàng Anh Tuấn là thợ học nghề sửa chữa và lắp ráp xe máy tại cửa hàng nhà ông Phạm Văn Tâm. Tuy không có giấy phép lái xe nhưng mỗi lần sửa chữa hoặc lắp ráp xe xong, Tuấn đều đi thử xe và được sự đồng ý của ông Tâm.

Như vậy, mặc dù Hoàng Anh Tuấn không có giấy phép lái xe nhưng ông Tâm vẫn để Tuấn điều khiển xe nên ông Tâm cũng có lỗi trong việc xảy ra vụ án, Toà án cấp sơ thẩm buộc ông Tâm phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cùng Tuấn là đúng và phù hợp với quy định của pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm buộc Hoàng Anh Tuấn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là không đúng vì trong vụ án này ông Phạm Văn Tâm là chủ sở hữu phương tiện cũng có lỗi

Vì các lẽ trên, căn cứ vào các Điều 254, 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

Huỷ quyết định về bồi thường thiệt hại và án phí dân sự phúc thẩm tại Bản án hình sự phúc thẩm số 1501/HSPT ngày 25-10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, giữ nguyên quyết định về bồi thường thiệt hại và quyết định về án phí dân sự tại Bản án hình sự sơ thẩm số 205/HSST ngày 10-08-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá, như sau:

Buộc bị cáo Hoàng Anh Tuấn và Phạm Văn Tâm liên đới bồi thường cho bà Lê Thị Yến (vợ nạn nhân) tiền thuốc cấp cứu và mai táng phí 7.000.000 đồng, tiền tổn thất về tinh thần 12.000.000 đồng. Tổng cộng là 19.000.000 đồng, bị cáo Tuấn và ông Tâm mỗi người phải bồi thường 9.500.000 đồng. Bị cáo Tuấn đã bồi thường được 4.500.000đồng, còn phải bồi thường tiếp 5.000.000đồng.

Về án phí dân sự: bị cáo Tuấn phải nộp 250.000đồng, ông Tâm phải nộp 450.000đồng. 
 

Lý do Bản án phúc thẩm bị huỷ một phần:

Ông Tâm là chủ cửa hàng sửa xe, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ nên phải liên đới bồi thường thiệt hại do người học nghề gây ra khi thực hiện công việc được giao. Bản án phúc thẩm không buộc ông phải liên đới bồi thường thiệt hại là không đúng pháp luật.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 24/2003/HĐTP-HS về vụ án Hoàng Anh Tuấn phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English