QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 36/2014/HS-GĐT NGÀY 19/08/2014 VỀ VỤ ÁN ĐỖ THỊ HẰNG BỊ KẾT ÁN TỘI MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

TÒA HÌNH SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 19/8/2014, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

Đỗ Thị Hằng sinh năm 1953; trú tại số 21, tổ 12, phường Mỹ Độ, thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; con ông Đỗ Đình Bảo và bà Ngô Thị Quý (đã chết); có chồng là Ngô Văn Mỹ (đã chết) và 05 người con; không có tiền án, tiền sự; bị bắt giam ngày 16/10/1997 đến ngày 16/4/2002 được thả do đã chấp hành xong hình phạt tù.

Người bị hại:

- Anh Nguyễn Văn Tuấn (chồng chị Dương Thị Liễu - người bị bán sang Trung Quốc), sinh năm 1964; trú tại thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

- Chị Dương Thị Liễu, sinh năm 1964; trú tại: xóm Tân Hương, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

-  Chị Khổng Thị Mỹ, sinh năm 1953; trú tại: số nhà 30, xóm Cầu Tre, phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

-  Anh Phan Văn Phương; trú tại tổ 17, phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Trong vụ án này còn có Phạm Văn Ngọ và Hoàng Thị Hồng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án về tội “Mua bán phụ nữ” tại Bản án hình sự sơ thẩm số 92/HSST ngày 29/6/1995. Hiện nay Phạm Văn Ngọ đã chết.

NHẬN THẤY

Theo nội dung bản án hình sự sơ thẩm: Chị Dương Thị Liễu ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang kết hôn cùng anh Nguyễn Văn Tuấn từ năm 1983 và đã có hai con. Do cuộc sống vợ chồng thường phát sinh mâu thuẫn nên ngày 13/9/1994 sau khi vợ chồng cãi nhau, chị Liễu bỏ nhà đi đến khu vực kè Gia Tư thì gặp chị Hoàng Thị Hồng ở thôn Bảo An, xã Hoàng An, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Chị Liễu làm quen và có ý nhờ Hồng giúp đỡ tìm việc làm, Hồng bảo Liễu để Hồng hỏi xem đã và mời Liễu về nhà. Do Hồng quen Phạm Văn Ngọ từ trước và có lần Ngọ bảo Hồng tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán. Ngày 14/9/1994 Hồng lên nhà Ngọ báo cho Ngọ biết để đưa chị Liễu đi Trung Quốc. Ngọ đồng ý và bảo Hồng đưa chị Liễu đến nhà Ngọ. Sau khi Hồng về, Ngọ đi sang nhà Đỗ Thị Hằng ở phường Mỹ Độ, Bắc Giang và nói với Hằng “trên Hiệp Hòa có một cô gái muốn đi Trung Quốc lấy chồng, cô xem có giải quyết được không”. Hằng bảo được và hẹn Ngọ hôm nào có hàng thì bảo Hằng.

Tối ngày 14/9/1994, Hồng thuê xe ôm của anh Nguyễn Văn Tấn chở chị Liễu và Hồng xuống nhà Ngọ, khi đi có anh Thân Ngọc Đương, bạn anh Tấn đi cùng. Khi đến nhà Ngọ, Ngọ bảo Hồng cứ để chị Liễu ở lại, hôm nào bán được sẽ đưa tiền và Ngọ đưa cho Hồng 30.000 đồng trả tiền xe ôm cho anh Tấn. Sau khi Hồng về, Ngọ sang nhà Hằng bảo sáng mai đi sớm. Hằng nhất trí hẹn Ngọ 5 giờ sáng hôm sau đợi ở bách hóa tổng hợp thị xã Bắc Giang. Đúng hẹn, Ngọ đưa chị Liễu ra gặp Hằng, Hằng đưa chị Liễu và Ngọ lên Lạng Sơn rồi qua cửa khẩu Tân Thanh, đi sâu vào Trung Quốc khoảng 100 km vào nhà một người phụ nữ người Việt Nam cũng tên là Hằng lấy chồng Trung Quốc để tìm cách bán chị Liễu. Khoảng 8 ngày sau thì chị Hằng ở Trung Quốc đã giúp Ngọ và Hằng bán chị Liễu cho một người đàn ông Trung Quốc được 1000 đồng tiền Trung Quốc. Sau khi bán chị Liễu xong, Đỗ Thị Hằng và Ngọ về cửa khẩu Tân Thanh đổi được 1.200.000 đồng tiền Việt Nam, Hằng đưa cho Ngọ 800.000 đồng, còn 400.000 đồng Hằng giữ lại chi tiêu hết. về Bắc Giang, Ngọ chia cho Hồng 300.000 đồng. Khi vụ án bị phát hiện, Đỗ Thị Hằng bỏ trốn và đến ngày 16/10/1997 bị bắt theo lệnh truy nã, còn Ngọ và Hồng đã bị đưa ra xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm số 92/HSST ngày 29/6/1995 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc.

Tại Cơ quan điều tra, Đỗ Thị Hằng còn khai nhận: vào tháng 3 năm 1994, gia đình anh Phan Văn Phương ở cạnh nhà Hằng có con gái là Phan Thị Bắc bỏ nhà đi, lợi dụng hoàn cảnh này Hằng nói với anh Phương đưa cho Hằng 20kg gạo và 400.000 đồng Hằng sẽ tìm được cháu Bắc. Lúc đầu anh Phương không tin, nhưng thấy Hằng nói nhiều lần nên anh Phương đã đưa cho Hằng 400.000 đồng và 20kg gạo. Sau khi nhận tiền và gạo, Hằng không đi tìm con cho anh Phương như đã hứa mà dùng chi tiêu hết.

Khoảng tháng 6 năm 1994, lợi dụng mối quan hệ là bạn bè cũ với chị Khổng Thị Mỹ, ở xóm Tre, Mỹ Độ, Bắc Giang, Hằng đến nhà chị Mỹ hỏi vay 400.000 đồng và hứa 2, 3 ngày sau sẽ trả nên chị Mỹ cho Hằng vay. Khi vay được tiền, Hằng chi tiêu hết rồi lẩn tránh không trả chị Mỹ.

Ngày 16/10/1997, Đỗ Thị Hằng bị bắt theo lệnh truy nã.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 115; khoản 1 Điều 157; Điều 25; Điều 33; điểm h Điều 38; Điều 41 BLHS năm 1985, xử phạt Đỗ Thị Hằng 05 năm tù về tội “Mua bán phụ nữ” và 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”; tổng hợp hình phạt buộc Hằng phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 05 năm 06 tháng tù, thu hồi của Đỗ Thị Hằng 400.000 đồng để sung công.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Đỗ Thị Hằng không kháng cáo.

Ngày 16/4/2002, Đỗ Thị Hằng đã chấp hành xong hình phạt tù; ngày 02/3/2012 được Trại giam Phú Sơn 4 - Tổng cục VIII Bộ công an cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù số 02/PS4.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 05/QĐ-VKS-V3 ngày 19/3/2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị đối với bản án hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang; đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

1. Đối với tội “Mua bán phụ nữ”: Tại Cơ quan điều tra Đỗ Thị Hằng có tất cả 6 lời khai, Phạm Văn Ngọ có 2 lời khai vào năm 1995 (do Điều tra viên Nguyễn Huệ lấy lời khai) và 2 lời khai sau khi ra tù năm 1997 (do Điều tra viên Nguyễn Cảnh lấy lời khai). Trong số 6 lời khai của Hằng thì có 1 lời khai ngày 11/12/1997 (BL72-75) được Điều tra viên Nguyễn Cảnh hỏi rõ về nội dung việcbán chị Dương Thị Liễu sang Trung Quốc cùng với Ngọ. Lời khai này của Hằng phù hợp với các lời khai của Ngọ về việc: Ngọ sang hỏi Hằng có 1 người muốn đi Trung Quốc có làm được không và Hằng đồng ý, Hằng hẹn Ngọ sáng hôm sau đợi ở trước Bách hóa tổng hợp, rồi cùng lên xe ô tô Hà Nội - Lạng Sơn đi lên cửa khẩu Tân Thanh và sang Bằng Tường Trung Quốc, ở nhà chị Hằng người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc 8 ngày mới bán được chị Liễu, bán được 1000 đồng tiền Trung Quốc, sau khi đổi được 1.200.000 đồng tiền Việt Nam, Hằng đưa cho Ngọ 800.000 đồng, còn lại Hằng cầm. Những lời khai khác của Hằng ở Cơ quan điều tra đều do Điều tra viên Nguyễn Cảnh lấy lời khai, tuy không hỏi cụ thể về nội dung vụ việc nhưng Hằng đều thừa nhận có quen Ngọ và việc cùng Ngọ bán chị Liễu sang Trung Quốc là sai. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Hằng dựa trên lời khai của Ngọ và lời khai của Hằng ở Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm Hằng kêu oan cho rằng chưa bao giờ đi Trung Quốc cùng Ngọ và không quen ai tên là Hằng (người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc). Hằng có ký vào các bản cung nhưng không được cơ quan điều tra cho đọc nội dung, Hằng không khai như vậy. Thời gian xảy ra vụ việc Hằng đang đi chữa bệnh thần kinh ở bệnh viện cây số 4 Bắc Giang. Đồng thời, chị Dương Thị Liễu là người bị bán sang Trung Quốc hiện nay đã trở về Việt Nam, có đơn xác nhận đề ngày 15/02/2012 khẳng định chị chưa gặp Đỗ Thị Hằng bao giờ, Hằng không phải là người đưa chị Liễu sang Trung Quốc. Chị Liễu khai khi Ngọ đưa chị đi sang Trung Quốc thì đi bằng tàu hỏa từ Bắc Giang lên Lạng Sơn, sau đó đi xem ôm vào Bằng Tường, Trung Quốc; chị Nguyễn Thị Hằng người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc bằng tuổi chị, trẻ và xinh đẹp hơn Đỗ Thị Hằng. Trong khi đó lời khai của Đỗ Thị Hằng và Phạm Văn Ngọ có trong hồ sơ thì khai Hằng và Ngọ đưa chị Liễu đi Trung Quốc bằng ô tô từ Bắc Giang lên Lạng Sơn, đến cửa khẩu Tân Thanh lại bắt ô tô đi sang Bằng Tường, Trung Quốc; chị Hằng bên Trung Quốc già và lớn tuổi hơn Hằng... Những vấn đề Hằng nại ra và những mâu thuẫn có trong hồ sơ cần được điều tra, xác minh, làm rõ. Do đó, cần phải hủy bản án hình sự sơ thẩm về tội “Mua bán phụ nữ” đối với Đỗ Thị Hằng để điều tra lại làm rõ những vấn đề sau:

-  Lấy lời khai của Điều tra viên Nguyễn Cảnh xem có đúng là Hằng chỉ ký vào các bản cung mà không được Điều tra viên đọc lại nội dung cho nghe không? Cho đối chất giữa Hằng và Điều tra viên Nguyễn Cảnh để làm rõ vấn đề này.

-  Xác minh việc Hằng có đi chữa bệnh thần kinh tại Bệnh viện cây số 4 Bắc Giang không, vào thời gian nào?

-  Xác minh có chị Hằng là người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc như Hằng và Ngọ đã khai không? (nếu có thể); vì tại Cơ quan điều tra Hằng và Ngọ có khai là đưa chị Liễu sang Trung Quốc, ở nhà chị Hằng này 8 ngày mới bán được chị Liễu, nhưng khi ra tòa Hằng khai không biết chị Hằng này là ai, chưa gặp bao giờ. Nay chị Liễu khai chỉ có mình Ngọ đưa chị đi Trung Quốc và đưa đến ở nhà chị Hằng này rồi Ngọ đi đâu không thấy quay lại.

-  Lấy lời khai của Điều tra viên Nguyễn Huệ để xác định xem lời khai của Phạm Văn Ngọ có chính xác không?

-  Tại Biên bản lấy lời khai ngày 25/02/2014, do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành lấy lời khai của ông Dương Quốc Phòng (bố chị Liễu), ông Phòng có khai về việc năm 2011 Hằng đã đến nhà ông xin được gặp chị Liễu nhờ chị Liễu xác nhận Hằng không phải là người bán chị Liễu sang Trung Quốc, cần làm rõ việc ông Phòng, chị Liễu có bị Hằng tác động không? Lời khai của chị Liễu có khách quan, trung thực không? chị Liễu về Việt Nam ngày, tháng, năm nào? đến ngày, tháng, năm nào thì gặp Hằng và có đơn xác nhận cho Hằng, đơn do ai viết? tại sao chị Liễu biết Ngọ đưa chị đi bằng tàu hỏa?

2. Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”: trên cơ sở đơn đề nghị cơ quan pháp luật không ghi ngày tháng năm của chị Ngô Thị Mỹ và anh Phan Văn Phương, Cơ quan cảnh sát điều tra đã lấy lời khai của chị Mỹ và anh Phương, phù họp với lời khai của Đỗ Thị Hằng về việc Hằng có vay của chị Mỹ 400.000 đồng, hẹn vài ngày sau sẽ trả nhưng sau đó lẩn tránh không trả. Hằng nói với anh Phương đưa gạo và tiền để Hằng đi tìm con cho anh Phương, nhưng khi anh Phương đưa 20kg gạo và 400.000 đồng cho Hằng thì Hằng không đi tìm mà tiêu xài hết. Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” là đúng người, đúng tội. Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng chị Mỹ cho Hằng vay tiền là trên cơ sở tình cảm chị em bạn hàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn; việc anh Phương đưa gạo và tiền cho Hằng là để Hằng đi tìm con cho anh Phương, Hằng có đi tìm nhưng không thấy nên đã tiêu hết số gạo và tiền trên. Việc vay mượn chỉ bằng miệng chứ không có biên nhận. Trước khi xét xử sơ thẩm con gái của Hằng đã trả hết tiền cho mọi người. Đồng thời, trong đơn khiếu nại Hằng đề nghị xem lại việc trước đây chị Mỹ không có đơn tố cáo Hằng, chị Mỹ cũng có đơn xác nhận ghi ngày 20/02/2012 gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đề nghị xem lại việc chị không làm đơn tố cáo Hằng và cũng chưa bao giờ được Cơ quan điều tra gọi lên làm việc lấy lời khai. Để làm rõ nội dung này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký của chị Khổng Thị Mỹ. Tại kết luận giám định số 855/KL-PC54 ngày 19/10/2012, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã kết luận: chữ ký, chữ viết đứng tên Khổng Thị Mỹ trên “Đơn đề nghị” gửi cơ quan pháp luật không đề ngày, tháng, năm và chữ ký trên “Biên bản ghi lời khai” đề ngày 8/12/1997 với chữ ký, chữ viết đứng tên Khổng Thị Mỹ trên “Bản trình bày” đề ngày 11/10/2012 và “Biên bản làm việc” đề ngày 02/10/2012 tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang là do cùng một người ký, viết ra. Do đó, có căn cứ kết luận Đỗ Thị Hằng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 1985 xử phạt Hằng 06 tháng tù là đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” đối với Đỗ Thị Hằng.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 279, khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang để điều tra lại tội “Mua bán phụ nữ” đối với Đỗ Thị Hằng.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thủ tục chung.

3. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 36/2014/HS-GĐT về vụ án Đỗ Thị Hằng bị kết tội mua bán phụ nữ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án