[Kỳ 4] Nghề Luật - Học và trở thành một Thẩm Phán

Thẩm Phán - Chức danh cao quý này thuộc về những người "cầm cân nảy mực", nhiệm vụ của họ là bảo vệ công lý và thượng tôn pháp luật ở Việt Nam. Trở thành thẩm phán đồng nghĩa với việc bạn nắm trong tay rất nhiều quyền lực, danh vọng và địa vị, cũng như đi kèm là trách nhiệm lớn lao. Được trở thành Thẩm Phán luôn là ước mơ lớn của các bạn sinh viên ngành Luật. Và để chắp cánh cho ước mơ ấy được bay xa, hãy cùng chúng tôi xem qua hành trình trở thành một Thẩm Phán tại Việt Nam.
Thẩm Phán - Chức danh này có liên quan trực tiếp tới pháp luật và được quy định rất rõ ràng về những tiêu chuẩn chung trong Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014. Chính vì lẽ đó, nếu bạn muốn làm Thẩm Phán thì phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định dưới đây :
  • Có trình độ cử nhân Luật trở lên.
  • Đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử.
  • Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.
  • Điều kiện sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ được giao.
  • Không thuộc trường hợp quy định về "Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng"
  • Chưa bao giờ bị kết án (Kể cả trường hợp đã được xoá án tích)

Tôi đã đáp ứng đủ năm điều kiện, nhưng còn điều kiện "Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật" thì phải làm thế nào ?


Vấn đề này chắc hẳn sẽ làm mọi người thắc mắc, nhất là những bạn sinh viên mới bước chân vào ngành Luật. Ở đây, chúng ta có thể hiểu việc "Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật" chính là thời gian mà bạn làm Thư ký Toà án. Thông thường ở Việt Nam, những Thẩm Phán đều được bổ nhiệm sau khi trở thành Thư ký Toà án được một thời gian nhất định (trừ một số trường hợp đặc biệt). Vì những Thẩm Phán này trước đó đã làm việc tại Toà án và hiểu rõ được quy định cũng như trình tự thủ tục tố tụng, và họ cũng đáp ứng được về thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật. Vậy nên, muốn trở thành một Thẩm Phán thì bạn tốt nhất nên chọn con đường trở thành một Thư ký Toà án, đây luôn được xem là con đường an toàn, và ổn định.

Tôi là sinh viên mới ra trường và chưa có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật, vậy tôi nên bắt đầu từ đâu ?

Với trường hợp này, tốt nhất là các bạn nên bắt đầu từ việc trở thành một Thư ký Toà án. Từ hành trình này, bạn có thể "leo" dần đến những chức vụ cao hơn và tích luỹ cho mình nhiều kinh nghiệm cũng như đáp ứng được yêu cầu về thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật. Chỉ sau khi có đủ kinh nghiệm cũng như thời gian công tác, bạn mới có thể trở thành Thẩm Phán. 

Các bước để trở thành một Thẩm Phán tại Việt Nam 

Bước 1 : Bạn phải đang là Thư ký Toà án

Để trở thành Thư ký Toà Án, bạn phải có bằng cử nhân Luật và thi đậu kỳ thi tuyển công chức vào ngành Toà Án để được bổ nhiệm chức danh Thư ký Toà án. 

Nếu không rõ về chức danh này, bạn có thể tham khảo qua bài viết của chúng tôi dưới đây : 

Xem thêm : [Kỳ 3] Nghề Luật - Học và trở thành một Thư ký Toà án

Sau khi đã trở thành một Thư ký Toà án, bạn phải ra sức phấn đấu để sớm được cử đi học lớp nghiệp vụ xét xử. Đồng thời, bạn cũng phải là đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Khi đã đáp ứng được hai yêu cầu đó rồi thì thời gian bạn được lên làm Thẩm phán sẽ chỉ còn tuỳ thuộc vào khả năng của bạn và nhu cầu của Toà án nơi bạn công tác .

Ảnh : Các ngạch của Thẩm phán ở Việt Nam
Bước 2 : Bạn phải hoàn thành khoá học đào tạo nghiệp vụ xét xử

Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải có chứng chỉ về đào tạo nghiệp vụ xét xử do cơ sở trong nước có chức năng đào tạo về nghiệp vụ xét xử cấp theo quy định của pháp luật. Đối với một số trường hợp có chứng chỉ được cấp bởi các nước bên ngoài lãnh thổ Việt Nam thì chứng chỉ đó bắt buộc phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Nếu trong thời gian làm Thư ký Toà án bạn ra sức phấn đấu, học tập và công tác tốt thì sẽ được cử đi học khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử này (Thời gian đào tạo : 01 năm). Đây được xem là một điều kiện cần để bạn trở thành một Thẩm Phán trong tương lai.

Bước 3 : Bạn được bổ nhiệm trở thành Thẩm Phán

Theo quy định hiện tại là chỉ khi có quyết định bổ nhiệm Thẩm Phán của Chánh án toà án nhân dân tối cao thì lúc đó bạn mới chính thức trở thành Thẩm Phán. Và lúc đó bạn sẽ trở thành Thẩm Phán sơ cấp, cũng là ngạch thấp nhất trong bốn ngạch Thẩm Phán hiện có. Và mỗi ngạch lại đi kèm với một thời gian công tác khác nhau. 
  • Thẩm Phán sơ cấp 
- Đối với chức danh này, thời gian trung bình của bạn sẽ là 10 năm kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó bao gồm thời gian học Đại Học (4 năm), thời gian công tác pháp luật (5 năm) và tham gia khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử (1 năm)
  • Thẩm Phán trung cấp
- Đối với chức danh này, thời gian trung bình của bạn sẽ là 15 năm kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó bạn sẽ phải trở thành một Thẩm Phán sơ cấp (10 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán sơ cấp (5 năm)
  • Thẩm Phán cao cấp
- Đối với chức danh này, thời gian trung bình của bạn sẽ là 20 năm kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó bạn sẽ phải trở thành một Thẩm Phán trung cấp (15 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán cao cấp (5 năm)
  • Thẩm Phán Toà Án Nhân Dân Tối Cao
- Đối với chức danh này, bạn sẽ không có thời gian trung bình cụ thể. Vì ứng cử viên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ được phép tuyển chọn thông qua Hội đồng tuyển chọn thẩm phán TANDTC. Hội đồng này bao gồm Chủ tịch là Chánh án TANDTC, các thành viên là đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam. Danh sách thành viên Hội đồng do Chánh án TANDTC đề xuất và phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. 

Ảnh : Thẩm Phán Toà Án Nhân Dân Tối Cao - Quyền lực lớn luôn đi kèm trách nhiệm rất cao.
Nguồn ảnh : VTV1

 
Với mức thời gian cho mỗi ngạch như vậy, bạn sẽ thấy được rằng trở thành Thẩm Phán ở Việt Nam sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Đồng thời bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề rắc rối khi đã trở thành Thẩm Phán, vì bạn chính là người "cầm cân nảy mực" và duy trì cán cân công lý không bị chênh lệch về bất cứ bên nào. Nhưng càng khó khăn thì "quả ngọt" lại càng lớn, vì Thẩm Phán luôn là chức danh được xem trọng bậc nhất, và nó cũng có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.
Thegioiluat.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC