Văn bản "Quyết định 874/QĐ-BTC năm 2012 thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính và Tổng cục" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 01/10.2014

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 874/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ BAN QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CỦA CÁC TỔNG CỤC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 568/QĐ-BTC ngày 23/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Kế hoạch - Tài chính; Quyết định số 873 QĐ/BTC ngày 6/4/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 568/QĐ-BTC ngày 23/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-BTC ngày 17/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phê duyệt Đề án mô hình quản lý đầu tư xây dựng trong nội bộ ngành Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính và của các Tổng cục trực thuộc Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

1. Tại Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ Tài chính: Thành lập Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính để thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính.

2. Tại Vụ Tài vụ - Quản trị của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Thành lập Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Tổng cục để thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định của các Tổng cục.

Điều 2. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Tổng cục có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy đinh của pháp luật.

Điều 3. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng có Trưởng ban và một số Phó Trưởng ban.

Trưởng ban được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ tương đương với Phó Vụ trưởng của Bộ (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ) và Phó Vụ trưởng của Tổng cục (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Tổng cục); Phó Trưởng ban được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ tương đương Trưởng phòng của Bộ (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ) và Trưởng phòng của Tổng cục (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Tổng cục).

Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng được bố trí các bộ phận công tác gồm: (1) Bộ phận Kế toán - Hành chính; (2) Bộ phận Quản lý dự án; (3) Bộ phận Kỹ thuật. Nhiệm vụ cụ thể của các bộ phận do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ), Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Tổng cục) phân công.

Biên chế của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng nằm trong tổng biên chế do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho các đơn vị.

Điều 4. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính và của các Tổng cục hoạt động theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bô, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Lãnh đạo Bộ;
- Lưu VT, Vụ TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Vương Đình Huệ

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTC ngày 06/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Điều 1. Tổ chức quản lý hoạt động đầu tư xây dựng

1. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của các Tổng cục (gọi chung là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng) thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án theo quy định phân cấp về quản lý đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Khi triển khai từng dự án đầu tư xây dựng cụ thể, được thành lập các Ban Quản lý dự án riêng theo quy định của pháp luật. Thành phần Ban Quản lý các dự án cụ thể bao gồm: 01 Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng làm Trưởng ban; 01 Lãnh đạo đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm Phó Trưởng ban; các thành viên khác là cán bộ của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng và của đơn vị quản lý, sử dụng công trình.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng

Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng, cụ thể:

1. Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các công việc về chuẩn bị thực hiện dự án bao gồm:

a) Đăng ký kế hoạch đầu tư xây dựng cho dự án;

b) Thủ tục về giao, nhận đất xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng;

c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ quy hoạch, thỏa thuận phòng cháy chữa cháy, cấp nước, thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng,...

2. Lập, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư.

3. Lập, trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, khảo sát thiết kế địa hình, địa chất công trình và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

4. Lập, trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt dự án dầu tư xây dựng công trình.

5. Quyết định thành lập Ban Quản lý đối với từng dự án đầu tư xây dựng cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 3 Quy chế này.

6. Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán; quyết định phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán theo quy định của pháp luật.

7. Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

8. Quản lý và sử dụng chi phí quản lý dự án theo đúng chế độ quy định của nhà nước về quản lý tài chính, tài sản. Lập, phê duyệt dự toán chi Ban Quản lý dự án cụ thể theo chế độ quy định.

9. Ký kết các hợp đồng kinh tế của dự án; phê duyệt hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo khối lượng công việc hoàn thành; ký nghiệm thu thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật.

10. Thực hiện báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo niên độ ngân sách hàng năm, tổng hợp các báo cáo quản lý đầu tư xây dựng theo chế độ quy định.

11. Ký nghiệm thu công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành để bàn giao, đưa vào sử dụng.

12. Thẩm tra, trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

13. Lập, trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao tài sản cho đơn vị sử dụng công trình.

14. Lập các báo cáo theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng; Cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành theo yêu cầu của cơ quan thẩm tra (kiểm toán).

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp quyết định đầu tư giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý dự án từng dự án cụ thể

Ban Quản lý dự án từng dự án cụ thể chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về quá trình tổ chức quản lý thi công xây dựng các hạng mục công trình theo quy định của pháp luật. Ban Quản lý từng dự án cụ thể có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát triển khai các công việc:

a) Kiểm tra các điều kiện về khởi công công trình; năng lực của nhà thầu; nhân lực, thiết bị thi công; hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu;

b) Kiểm tra, giám sát chất lượng, chủng loại vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp; kiểm tra biện pháp thi công của nhà thầu.

Trường hợp phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế công trình phải yêu cầu nhà thầu thiết kế xử lý trước khi trình chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình.

3. Tập hợp, kiểm tra, chịu trách nhiệm về số liệu, kết quả công việc nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận công trình, giai đoạn thi công xây dựng, nghiệm thu thiết bị, nghiệm thu hoàn thành từng hạng mục công trình xây dựng và hoàn thành công trình xây dựng.

4. Xác nhận bản vẽ hoàn công.

5. Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định của pháp luật bao gồm: Nghiệm thu từng công việc xây dựng, bộ phận công trình xây dựng, từng giai đoạn trong quá trình thi công xây dựng; nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, báo cáo Chủ đầu tư nghiệm thu công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.

6. Kiểm tra chất lượng công trình theo quy định; trường hợp cần thiết, trình chủ đầu tư duyệt và tổ chức kiểm định lại chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình và công trình xây dựng.

7. Quản lý khối lượng và tiến độ thi công; theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình theo tiến độ thi công được chủ đầu tư phê duyệt. Trường hợp, xét thấy tổng tiến độ bị kéo dài thì phải báo cáo chủ đầu tư để xử lý theo quy định.

8. Giám sát, xác nhận khối lượng thi công xây dựng với nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo tiến độ, giai đoạn thi công; đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng. Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì phải báo cáo chủ đầu tư xem xét để xem xét, quyết định.

9. Tổ chức nghiệm thu cấu kiện, hạng mục công trình báo cáo chủ đầu tư theo quy định;

10. Thực hiện các công việc của dự án theo đúng trình tự, chế độ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; các vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền phải báo cáo chủ đầu tư quyết định trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

11. Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, lập hồ sơ và trình chủ đầu tư nghiệm thu công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.

12. Tập hợp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án hàng năm theo quy định của pháp luật; báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu quản lý của cấp có thẩm quyền.

13. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chủ đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ đầu tư giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý và đơn vị sử dụng công trình

1. Đối với đơn vị trực tiếp nhận quản lý, sử dụng công trình:

a) Phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng để hoàn thành các thủ tục về giao đất cho dự án, chứng chỉ quy hoạch, thỏa thuận phòng cháy chữa cháy, cấp nước, môi trường, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng tại các cơ quan địa phương;

b) Đề xuất nhu cầu xây dựng (mục tiêu xây dựng), kiến trúc tổng thể (quy mô đầu tư, diện tích xây dựng, chiều cao tầng), công năng của từng hạng mục (số lượng phòng ban, dây chuyền sử dụng, các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ) với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (chủ đầu tư);

c) Cử công chức tham gia Ban Quản lý dự án cụ thể theo quy định. Tổ chức triển khai nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án cụ thể theo đúng nhiệm vụ được giao;

d) Chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng và hạch toán, theo dõi tài sản nhà nước giao theo đúng quy định của pháp luật và của Bộ Tài chính.

2. Đối với cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị trực tiếp tiếp nhận quản lý, sử dụng công trình:

a) Có ý kiến cụ thể về quy mô xây dựng, kiến trúc tổng thể, công năng của từng hạng mục, tổng mức đầu tư và nguồn vốn với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (chủ đầu tư);

b) Giám sát quá trình tổ chức triển khai dự án, kịp thời có ý kiến với Ban Quản lý dự án cụ thể và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án;

c) Phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (chủ đầu tư) đề xuất và cân đối, bố trí, bổ sung các nguồn vốn cho dự án.

Điều 5. Chế độ làm việc của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (chủ đầu tư)

1. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tổ chức họp giao ban hàng tuần với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các đơn vị khác có liên quan; quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng với Vụ Kế hoạch - Tài chính (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dụng của Bộ), Vụ Tài vụ - Quản trị (đối với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Tổng cục); tổ chức họp giao ban định kỳ với Ban Quản lý dự án cụ thể để triển khai các công việc liên quan, kịp thời tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tiến độ của dự án.

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 01/10/2014

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 874/QĐ-BTC năm 2012 thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính và Tổng cục

Số hiệu 874/QĐ-BTC Ngày ban hành 06/04/2012
Ngày có hiệu lực 06/04/2012 Ngày hết hiệu lực 01/10/2014
Nơi ban hành Bộ Tài chính Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 874/QĐ-BTC năm 2012 thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính và Tổng cục
Mục lục

Mục lục

Close