Văn bản "Thông tư 78/1998/TT-BTC về hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành" đã HẾT HIỆU LỰC từ ngày 16/08.2001 và được thay thế bởi Thông tư 71/2001/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ 16/08/2001

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 78/1998/TT-BTC NGÀY 9 THÁNG 6 NĂM 1998 QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TÁI BẢO HIỂM

Thi hành Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm; Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, tăng mức giữ lại tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Bộ Tài chính quy định hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Thông tư này áp dụng đối với Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, nhằm điều chỉnh các hoạt động tái bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng nhận tái bảo hiểm và hợp đồng nhượng tái bảo hiểm.

2. Trong Thông tư này, các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm: Là doanh nghiệp được phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm theo quy định cụ thể tại Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp.

- Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm bao gồm: Nhận tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm.

- Nhận tái bảo hiểm: Là việc doanh nghiệp bảo hiểm, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam nhận bảo hiểm một phần hay toàn bộ rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm khác hay của tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài.

- Nhượng tái bảo hiểm: Là việc doanh nghiệp bảo hiểm, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam chuyển một phần hay toàn bộ rủi ro đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác hay tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài.

- Tái bảo hiểm theo chỉ định: Là hoạt động tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm theo sự chỉ định của khách hàng hay người đem lại dịch vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm đó.

3. Nguyên tắc hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm:

- Doanh nghiệp bảo hiểm là tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm đối với khách hàng tham gia bảo hiểm kể cả trường hợp đã nhượng tái bảo hiểm những rủi to đã nhận bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam phải ưu tiên thu xếp tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam trước khi nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Quy định về tái bảo hiểm bắt buộc:

a. Trong trường hợp tái bảo hiểm cho các tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm theo hợp đồng hoặc đơn bảo hiểm gốc cho Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

b. Việc thực hiện tái bảo hiểm bắt buộc cụ thể như sau:

Tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc, tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc và danh mục nghiệp vụ tái bảo hiểm bắt buộc thực hiện theo bản phụ lục đính kèm Thông tư này.

Trường hợp hợp đồng bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc được tính trên giá trị bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng hoặc đơn bảo hiểm gốc.

c. Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam có trách nhiệm nhận tái bảo hiểm bắt buộc từ doanh nghiệp bảo hiểm với mức tối thiểu theo quy định.

Trong trường hợp chứng minh được rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm nhận bảo hiểm không phù hợp với tập quán của thị trường bảo hiểm quốc tế về điều khoản, biểu phí... thì Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam có thể từ chối nhận tái bảo hiểm một phần hoặc toàn bộ rủi ro bảo hiểm đó.

d. Trước khi nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài phần trách nhiệm nhận tái bảo hiểm bắt buộc, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam phải ưu tiên nhượng tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam tới mức tối đa có thể nhận được và thu xếp nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài theo phương thức hiệu quả nhất. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam chứng minh việc thực hiện nhượng tái bảo hiểm phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm bắt buộc này.

đ. Quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam đối với mỗi rủi ro liên quan tới hợp đồng nhận tái bảo hiểm bắt buộc sẽ bắt đầu và kết thúc cùng với hợp đồng hoặc đơn bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm.

e. Việc thanh toán phí tái bảo hiểm, hoa hồng tái bảo hiểm và bồi thường tái bảo hiểm liên quan đến phần trách nhiệm tái bảo hiểm bắt buộc giữa doanh nghiệp bảo hiểm và Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam được tiến hành hàng quý trên cơ sở bảng thống kê của doanh nghiệp bảo hiểm gốc theo quy định trong hợp đồng tái bảo hiểm.

g. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm hay Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam không thanh toán theo đúng thời hạn nói trên sẽ phải chịu khoản tiền phạt cho thời gian chậm trả như quy định về việc này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

h. Doanh nghiệp bảo hiểm và Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam có thể thoả thuận các quy định khác trong hợp đồng tái bảo hiểm bắt buộc nhưng không được trái với quy định tại Thông tư này.

2. Quy định về tái bảo hiểm ngoài phần bắt buộc:

a. Sau khi thực hiện tái bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp bảo hiểm phải ưu tiên tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam một phần của hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở khả năng tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm đó và lợi ích của hai bên trước khi tái bảo hiểm ra nước ngoài.

b. Trừ khi có sự chấp thuận khác của Bộ Tài chính, trường hợp tái bảo hiểm theo chỉ định, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định sau:

- Tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa cho các tổ chức bảo hiểm nước ngoài: 50% giá trị hợp đồng hoặc đơn bảo hiểm (trừ trường hợp Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam từ chối nhận tái bảo hiểm theo quy định tại khoản c mục 1 Chương này).

- Tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa cho một tổ chức bảo hiểm nước ngoài: 40% giá trị hợp đồng hoặc đơn bảo hiểm gốc.

c. Doanh nghiệp bảo hiểm không được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ (100%) trách nhiệm đã nhận bảo hiểm trong một dịch vụ bảo hiểm cho một doanh nghiệp bảo hiểm khác hay cho tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài (kể cả sau khi đã thực hiện tái bảo hiểm bắt buộc cho Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam) để hưởng hoa hồng tái bảo hiểm.

3. Quy định về nhận tái bảo hiểm:

Bộ Tài chính khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nhận tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm khác hay từ các tổ chức bảo hiểm nước ngoài. Khi nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải đánh giá kỹ lưỡng từng rủi ro nhận tái bảo hiểm, khả năng tài chính của mình đối với các rủi ro đó và phải tính đến hiệu quả kinh doanh của hoạt động nhận tái bảo hiểm.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/1998. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam vi phạm các quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 10, Điều 1, Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi bổ sung.

 

Trần Văn Tá

(Đã Ký)

 

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH TỶ LỆ TÁI BẢO HIỂM BẮT BUỘC, TỶ LỆ HOA HỒNG TÁI BẢO HIỂM BẮT BUỘC VÀ DANH MỤC NGHIỆP VỤ TÁI BẢO HIỂM BẮT BUỘC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 78/1998/TT-BTC ngày 9/6/1998 của Bộ Tài chính)

1. Tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc:

Tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc được quy định bằng 20% giá trị hợp đồng hoặc đơn bảo hiểm gốc.

2. Danh mục nghiệp vụ tái bảo hiểm bắt buộc và tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc:

a. Đối với hợp đồng tái bảo hiểm cố định:

Nghiệp vụ bảo hiểm áp dụng tái bảo hiểm bắt buộc

Tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc (%)

- Bảo hiểm vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không.

22

- Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu

22

- Bảo hiểm cháy

25

- Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại:

 

+ Bảo hiểm kỹ thuật (xây dựng, lắp đặt...)

26

+ Bảo hiểm dầu khí

15

+ Các loại bảo hiểm khác phục vụ công trình có vốn đầu tư nước ngoài

24

- Bảo hiểm hàng không

85% tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm của cùng loại dịch vụ trên thị trường quốc tế.

b. Đối với hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời: Tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc bằng 85% tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm của cùng loại dịch vụ trên thị trường quốc tế.

 

THEGIOILUAT.VN
Hết hiệu lực
Hết HL: 16/08/2001

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 78/1998/TT-BTC về hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 78/1998/TT-BTC Ngày ban hành 09/06/1998
Ngày có hiệu lực 01/07/1998 Ngày hết hiệu lực 16/08/2001
Nơi ban hành Bộ Tài chính Tình trạng Hết hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư 78/1998/TT-BTC về hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành
Mục lục

Mục lục

Close