Hành nghề Luật sư - Kỳ 1 - Junior

Đây là bài viết mà đội ngũ biên tập chúng tôi muốn dành riêng cho các bạn đang đi học ngành Luật hoặc đang có dự định trở thành một Luật sư tư vấn trong tương lai. Bài viết này sẽ nêu rõ cơ cấu chức danh trong Hãng Luật, nhiệm vụ và quyền hạn cho từng chức danh. Ngoài ra thông qua bài viết chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc những kinh nghiệm nên chuẩn bị khi các bạn sẽ đối mặt với các chức danh mà bạn phải trải qua.

Các chức danh trong bài viết dựa trên cách gọi của các Hãng Luật trên thế giới vẫn luôn áp dụng, nó được sử dụng rất thông dụng và mặc nhiên áp dụng trên toàn thế giới. Các chức danh này được phân biệt dựa trên tiêu chí chủ yếu là: “Năm hành nghề”, do đó ranh giới giữa các chức danh cũng khó có thể phân biệt rõ ràng. Chỉ những Hãng Luật lớn và chuyên nghiệp thì các bạn mới có thể thấy rõ sự khác biệt thông qua việc phân công công việc giữa các chức danh.

 

Có thể bài viết này sẽ cho bạn những kinh nghiệm tốt để vượt qua các thử thách phía trước một cách tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng để trở thành một Luật sư có “tầm” hay để lên một vị trí cao trong Hãng Luật thì không có bất kỳ con đường tắt nào, cách tốt nhất để vượt qua đó chính là nỗ lực hoàn thiện bản thân của mình từng ngày.

Junior

Junior không phải là một chức danh cụ thể, đây là một chức danh chỉ chung cho nhiều chức danh trong một Hãng Luật, trong đó các chức danh có thể kể tới bao gồm:

Paralegal: Là những người chuyên làm các công việc mang tính hành chính như chuẩn bị giấy tờ, đặt lịch hẹn, lịch công tác, quản lý các công việc đó và thường xuyên theo dõi và báo cáo cho các Luật sư cấp cao ở các Hãng Luật, thông thường ở các Hãng Luât lớn mỗi Luật sư cấp cao đều có một Paralegal để sắp xếp các công việc cho họ. Ở Việt Nam chức danh này được hiểu là trợ lý Luật Sư.

Interns (Internship): Đây được hiểu là các thực tập sinh, những người này có thể đang còn đi học hoặc mới ra trường muốn đi làm tại các Hãng Luật. Họ có sự hiểu biết nhất định về pháp luật nhưng chưa có kinh nghiệm hành nghề cũng như chưa có kinh nghiệm trong các công việc hành chính như Paralegal. Họ được tuyển vào nhằm mục đích làm quen với các công việc liên quan đến nghề Luật và từ đó các Hãng Luật sẽ đưa ra sự lựa chọn để phát triển thành đội ngũ Luật sư sau này của tững Hãng đó.

Legal Assistant: Đây là những người được đã được tuyển chính thức vào Hãng Luật, có thể nói họ hơn một cấp so với Interns làm việc toàn thời gian, được trả lương và có nhiều kinh nghiệm hơn Interns, chưa thể phụ trách một vụ việc độc lập mà làm việc dựa theo sự hướng dẫn của các Luật sư cấp cao. (nhiều nơi chức danh này còn sử dụng thuật ngữ là Trainee Lawyer)

Đây là những chức danh cụ thể trong cấp Junior. Tổng quát chung, ở cấp này hầu hết là những người chưa có nhiều kinh nghiệm hành nghề. Công việc chính của họ sẽ theo sự chỉ định, điều phối của các Luật sư cấp cao hơn. Vậy giả sử nếu các bạn đang ở trong chức danh này bạn nên làm gì để vượt qua nó một cách tốt nhất? Thiết nghĩ bạn nên xem xét những thuận lợi và khó khăn trong chức danh này để có cái nhìn đa chiều về công việc mình đang thực hiện. Trong đó:

Thuận lợi:

Sức khỏe, sự nhiệt huyết, tính ham học hỏi: Đây là thứ mà hầu hết ai cũng sẽ có khi đang ở chức danh này, có thể bạn chưa có kinh nghiệm nhưng bạn hãy tự tin rằng bạn có một nguồn năng lượng dồi dào, bạn có thể dậy sớm hơn và ngủ muộn hơn mà vẫn không thấy sự khác biệt. Chính nguồn năng lượng đó sẽ giúp bạn phát triển được bản thân nếu bạn chịu khó học hỏi và phát triển.

 

Thời gian: Phải nói rằng các bạn có rất nhiều thời gian và điều đó đúng cho số đông ở đây. Hầu hết tại thời điểm này các bạn ít phải dành thời gian cho gia đình, các mối quan hệ xã hội. Bạn có thể làm việc một cách hăng say mà không phải lo lắng nhiều đến các vấn đề xung quanh.

Không sợ thất bại và sự thay đổi: Các bạn có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức vì các bạn vẫn còn ở độ tuổi có thể học hỏi tốt nhất. Môi trường làm việc khác xa so với những gì bạn đã học tại trường nhưng những điều đó không làm bạn thấy quá khó khăn và chỉ một thời gian ngắn bạn có thể thích nghi ngay với nó. Sự thất bại sẽ không làm bạn nản chí, thường thường các bạn sẽ chịu áp lực từ các Luật sư cấp cao hơn, tuy nhiên đối với các bạn mọi thứ đang ở con số “0”, dù có thất bại thì các bạn cũng sẽ tự đứng lên dễ dàng.

Khó khăn:

Kiến thức và kỹ năng: Cho dù bạn có tốt nghiệp loại giỏi ở một trường dạy Luật danh giá cũng đừng quá tự cao hay bạn đã tốt nghiệp ở một trường không danh tiếng cũng đừng tự ti. Việc tích lũy kiến thức trong trường chỉ là bước đệm cho quá trình hành nghề của bạn. Những người có bước đệm tốt hơn sẽ có khởi đầu tốt hơn nhưng quá trình mới là thứ quyết định tương lai của bạn.

Mối quan hệ: Chắc chắn lúc mới ra trường bạn sẽ không nhiều mối quan hệ để giúp bạn hoàn thành công việc trong quá trình hành nghề. Ngoài ra, từ các mối quan hệ thì còn có thể tìm kiếm được nguồn khách hàng cho Hãng Luật mà bạn đang làm. Hầu hết các Công việc các bạn phải làm đều là các công việc được giao, rất có thể bạn dễ bị mất thế chủ động khi phải thực hiện các công việc đó.

 

Sự tín nhiệm: nó có thể đến từ đồng nghiệp hoặc khách hàng, nếu bạn là người mới trong các Hãng Luật thường các Luật sư cấp cao sẽ hạn chế sự tín nhiệm đối với bạn bởi họ không hề biết được tiềm năng của bạn. Tuy nhiên, bạn đừng lo ngại điều đó trong khoảng thời gian này bạn phải khẳng định bản thân để nâng cao sự tín nhiệm của mình.

Từ những điều trên mong rằng các bạn có thể biết được thuận lợi và khó khăn mà bạn sẽ phải đối mặt. Các bạn có những điều kiện khá thuận lợi để phát triển bản thân. Do đó, bạn nên cố gắng đặt mục tiêu cho bản thân rằng trong thời gian này việc học hỏi làm quen với nghề và cập nhập kiến thức, kỹ năng để đủ về chất và lượng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phát triển bản thân sau này. Nếu muốn tiến nhanh hơn hãy cố gắng chọn một tập thể tốt để họ có thể giúp bạn đi nhanh hơn, vững hơn trong quá trình hành nghề. Khi vào một tập thể tốt đừng ngại bị nghe những khiển trách, vì đó là bài học tốt nhất để bạn vững bước trong quá trình hành nghề.

Trước nhất, trong thời gian này bạn đừng quá để ý về lương, áp lực hay sự không tín nhiệm, hãy đặt mình vào tâm thế của người đi học việc, bạn muốn phát triển được thì bạn phải có sự đầu tư vào bản thân mình. Hãy nhớ rằng giá trị của bạn nằm ở con người bạn chứ không phải chức danh, tuy nhiên chức danh cũng sẽ phần nào đánh giá được năng lực của bạn khi mà bạn được tập thể công nhận.

Những thuận lợi và khó khăn trên có thể không đúng với tất cả mọi người nhưng đây là tiêu chí mà đội ngũ biên soạn chúng tôi muốn đưa ra nhằm mục đích đưa ra nhưng kinh nghiệm mà chúng tôi đã trãi qua sau nhiều năm hành nghề và đúc kết được. Chúng tôi muốn đưa ra một số lời khuyên giúp các bạn có thể hoàn thành tốt trong thời kỳ này, nhanh chóng vượt qua nó để đến một cấp bậc cao hơn trong nghề.

Còn tiếp……

THEGIOILUAT.VN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC