Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí xâm hại tới quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Vi phạm pháp luật có những dấu hiệu cơ bản sau đây:

1. Là hành vi nguy hiểm cho xã hội

Vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi của con người hoặc hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội ... (các chủ thể pháp luật) nguy hiểm hoặc có khả năng nguy hiểm cho xã hội. Khi xác định một vi phạm pháp luật thì hành vi nguy hiểm cho xã hội là không thể thiếu được. Không có hành vi nguy hiểm của con người thì không thể có vi phạm pháp luật. Hành vi đó có thể thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động của các chủ thể pháp luật. Pháp luật không điều chỉnh những suy nghĩ tình cảm hay những đặc tính cá nhân khác của con người cho dù nó có nguy hiểm cho xã hội hay không. 

2. Trái pháp luật xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ 

vi phạm pháp luật không những phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà hành vi đó còn phải trái pháp luật, xâm phạm tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ. Do vậy, những hành vi hợp pháp hay trái với các quy định của các tổ chức xã hội, trái với tập quán, đạo đức và các tín điều tôn giáo nhưng không trái các quy định pháp luật thì không bị xem là vi phạm pháp luật. Tính trái pháp luật cũng là một đặc tính không thể thiếu của hành vi vi phạm pháp luật. 

3. Có lỗi của chủ thể

Dấu hiệu trái pháp luật chỉ là dấu hiệu bên ngoài của hành vi vi phạm pháp luật. Để xác định vi phạm pháp luật cần xem xét cả mặt chủ quan của hành vi mà ở đây mặt chủ quan là yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là yếu tố chủ quan thể hiện thái độ của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật. Nếu một hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện hoàn cảnh khách qua, chủ thể thực hiện không cố ý và cũng không vô ý thực hiện hoặc không nhận thức hành vi của mình thì chủ thể đó không bị xem là có lỗi và hành vi đó không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy có thể kết luận, những hành vi vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật nhưng ngược lại không phải mọi hành vi trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật.

4. Chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý

Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể do nhà nước quy định. Thông thường nhà nước chỉ quy định những người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mới phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
  • Pháp luật chỉ quy định năng lực trách nhiệm pháp lý đối với những người đã đạt được một độ tuổi nhất định, có khả năng lý trí và tự do ý chí. Đối với trẻ em ít tuổi chưa nhận thức và điều chỉnh được hành vi của mình do chưa phát triển đầy đủ về thể lực, trí lực và tâm sinh lý thì nhà nước không bắt chúng phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi chúng gây ra cho xã hội. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm pháp lý được quy định khách nhau trong các lĩnh vực và từng loại quan hệ xã hội khác nhau. 
  • Đối với những người do mất năng lực nhận thức hoặc khả năng lựa chọn, điều khiển hành vi của mình ở thời điểm khi thực hiện hành vi thì họ cũng không có năng lực trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.