Xóa án tích là gì? Những trường hợp nào được xóa án tích

Xóa án tích là việc công nhận một người là chưa bị kết án sau khi họ đã chấp hành xong bản án, đã trải qua một thời gian nhất định và hội đủ các điều kiện luật định.

Định nghĩa Án tích

Án tích là hậu quả pháp lý của việc phạm tội và là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự. Án tích tồn tại trong suốt quá trình người phạm tội bị kết án về một tội phạm cho đến khi được xóa án. Sau khi chấp hành xong bản án, trải qua một thời hạn nhất định chứng tỏ người phạm tội đã phục thiện, Nhà nước sẽ xoá án tích cho người bị kết án.

Người được xóa án tích được coi là người chưa bị kết án hay nói cách khác là người “trong sạch” về lý lịch tư pháp". Quy định về xóa án tích trong luật hình sự xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước thể hiện thông qua thái độ không định kiến với người phạm tội, tạo điều kiện cho họ tháo bỏ những mặc cảm về những lỗi lầm trong quá khứ, quyết tâm phục thiện với một lý lịch tư pháp trong sạch.

BLHS 2015 phân biệt các trường hợp sau:

-          Trường hợp không bị coi là có án tích; -

-          Đương nhiên xóa án tích;

-          Xóa án tích theo quyết định của Tòa án:

-          Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt,

-          Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (sẽ trình bày ở chương XV);

-          Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội (sẽ trình bày ở chương XVI)

Theo quy định của BLHS, việc xóa án tích chỉ được đặt ra khi người bị kết án đã hội đủ các điều kiện luật định. Các điều kiện đó là điều kiện về thời hạn, điều kiện không phạm tội mới trong thời hạn luật định. Riêng đối với xóa án tích theo quyết định của Tòa án, BLHS quy định thêm điều kiện về tính chất của tội phạm được thực hiện, thái độ, nhân thân của người bị kết án.

Được coi là chấp hành xong bản án khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của Tòa án (như biện pháp tư pháp, án treo, án phí vv..). Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại mới chỉ được coi như đã chấp hành xong hình phạt. Do vậy, những người này vẫn phải tiếp tục thực hiện các quyết định khác của Tòa án mới được coi là chấp hành xong bản án.

Các trường hợp xóa án tích

Trường hợp không bị coi là có án tích

Khoản 2 Điều 69 BLHS quy định: Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích

Như vậy, BLHS 2015 coi các trường hợp sau đây là trường hợp đã bị kết án nhưng không bị coi là có án tích:

-          Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng,

-          Người được miễn hình phạt. .

Xét về lý thuyết, người đã bị kết án thì phải mang án tích. Do vậy, việc đã bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc được miễn hình phạt đều gây án tích cho người bị kết án. Tuy nhiên, theo Điều 69 BLHS, họ được xóa án tích ngay nên không bị coi là có án tích. Có thể gọi trường hợp này là được xóa án tích ngay sau khi tuyên án kết tội.

Đương nhiên được xóa án tích

Đương nhiên được xóa án tích là trường hợp một người được công nhận là chưa bị kết án mà không cần có sự xem xét và quyết định của Tòa án.

Khi hội đủ các điều kiện luật định, người được đương nhiên xóa án được coi là người chưa bị kết án. Tòa án cấp Giấy chứng nhận xóa án tích cho họ.

Phạm vi đương nhiên được xóa án

Điều 70 BLHS quy định: Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS

Các điều kiện đương nhiên được xóa án

Theo Điều 70 BLHS, điều kiện đương nhiên được xóa án là điều kiện về thời hạn được xóa án do luật định và không phạm tội mới.

Điều kiện về thời hạn đương nhiên được xóa án

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án đã qua các thời hạn sau đây:

-          01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

-          02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm:

-          03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm.

-          05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Thời điểm bắt đầu của các thời hạn nói trên là từ khi người bị kết án đã chấp hành xong bản án - chấp hành các hình phạt chính, hình phạt bổ sung, hết thời gian thử thách của án treo, các quyết định khác của Tòa án như chấp hành các biện pháp tư pháp, đóng án phí.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hạn thời hạn quy định tại các Điểm a, b và Khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thì điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.


 

Phạm vi xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Khoản 1 Điều 71 BLHS quy định: Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội Quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS

Điều kiện để được xét xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Người lần đầu được xét xóa án tích theo quyết định của Tòa án khi hội đủ các điều kiện về tính chất của tội phạm đã thực hiện và nhân thân người bị kết án; thời hạn được xét xóa án tích; không phạm tội mới trong thời hạn luật định

Điều kiện về tính chất của tội phạm đã thực hiện và nhân thân của người bị kết án

Khoản 1 Điều 71 BLHS quy định khi xét xóa án tích cho người bị kết án, Tòa án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

Điều kiện về thời hạn

Khoản 2 Điều 71 BLHS quy định: Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong bản án đã qua thời hạn sau:

-          01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo,

-          03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

-          05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

-          07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân | hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Lưu ý:

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hạn thời hạn quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nêu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.

Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Điều 72 BLHS quy định: Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cứ trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 70 và Khoản 2 Điều 71 của BLHS.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC