Yếu tố mục đích phạm tội trong Luật Hình sự là gì

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.

Khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thường nhắm tới những mục đích nhất định. Mục đích phạm tội quyết định ý chí của người phạm tội, hướng ý chí đó đến việc thực hiện tội phạm. Chỉ đối với những tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội mới có mục đích phạm tội. Bởi vì, trong trường hợp này họ mới có sự mong muốn gây ra tội phạm để đạt được mục đích đó. Ở những tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý, người phạm tội không mong muốn thực hiện tội phạm nên không có mục đích phạm tội (có thể có mục đích của hành vi). Trong thực tế, có một số mục đích phạm tội thường gặp: mục đích chống chính quyền nhân dân, nhằm chiếm đoạt tài sản, nhám trốn tránh nghĩa vụ quân sự,...

Dấu hiệu mục đích của tội phạm có ý nghĩa trong việc định tội danh, định khung hình phạt và quyết định hình phạt.

- Đối với những trường hợp mục đích phạm tội được phản ánh, trong cấu thành tội phạm thì dấu hiệu mục đích có ý nghĩa bắt buộc trong việc định tội danh. | - Một số tội phạm trong BLHS quy định mục đích phạm tội là dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Khoản 1 Điều 123 BLHS quy định: Giết người “để thực hiện hoặc che giấu một tội phạm khác” tại điểm g là dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Trong những trường hợp nhà làm luật không quy định mục đích là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì nó có ý nghĩa trong việc xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức độ lỗi... nên có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.


 

Phân biệt mục đích phạm tội với hậu quả của tội phạm:

- Mục đích của tội phạm là kết quả mà người phạm tội đặt ra trong ý thức chủ quan của mình và mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích được đặt ra trước và trong khi người phạm tội thực hiện tội phạm.

- Hậu quả của tội phạm là thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra trên thực tế. Hậu quả chỉ có thể xảy ra sau khi người phạm tội đã thực hiện tội phạm.

Mục đích phạm tội là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm, còn hậu quả của tội phạm là dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm. Đây là hai khái niệm khác nhau, nhưng có quan hệ với nhau. Trên cơ sở mục đích đặt ra, người phạm tội sẽ gây ra những hậu quả nhất định để đạt được mục đích đó. Hậu quả xảy ra trên thực tế có thể thể hiện đầy đủ mục đích của người phạm tội, nhưng cũng có thể chỉ thể hiện một phần mục đích của người phạm tội.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC