BỘ GIÁO DỤC
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 243-QĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC KIỂM TRA VÀ THI Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ Nghị định số 198-CP ngày 07-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục,
Căn cứ Quyết định số 285-QĐ ngày 12-06-1961 của Bộ Giáo dục ban hành thể lệ tạm thời về tổ chức thi tốt nghiệp ở các trường Đại học;
Xét nhu cầu quy định chế độ kiểm tra và thi ở các trường Đại học sư phạm;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên;

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. – Ban hành quy chế tạm thời về tổ chức kiểm tra và thi ở các trường Đại học sư phạm đính theo quyết định này.

Điều 2. – Các ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng các Vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Đại học và trung cấp chuyên nghiệp, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Vinh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC KIỂM TRA VÀ THI Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

Chương 1:

MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Điều 1. – Việc kiểm tra và thi nhằm:

- Củng cố, hệ thống, phát huy năng lực độc lập vận dụng trí thức đã học đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ học tập cho sinh viên;

- Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xét định chính xác việc lên lớp, tốt nghiệp của sinh viên;

-  Trên cơ sở đánh giá kết quả học tập của sinh viên rút kinh nghiệm cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, nâng cao không ngừng chất lượng đào tạo sau mỗi học kỳ, mỗi năm, mỗi khóa học.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 2. – Các loại kiểm tra, thi quy định như sau:

- Kiểm tra: có hai loại kiểm tra: kiểm tra thường xuyên sau một vài bài, một vài chưong mục và kiểm tra cuối học kỳ.

- Thi: có hai loại thi: thi cuối năm học và thi tốt nghiệp.

Điều 3. – Tất cả các môn học đều có kiểm tra thường xuyên. Những môn học trọng điểm có kiểm tra cuối học kỳ. Những môn quan trọng nhất có thi cuối năm học. Đối với những môn thi cuối năm học có kiểm tra cuối học kỳ 1, nhưng không phải kiểm tra cuối học kỳ 2. Những môn thuộc diện thi cuối năm học nếu kết thúc cuối học kỳ 1 thì tổ chức thi ngay cuối học kỳ đó.

Năm cuối khóa có thi tốt nghiệp thì không thi cuối năm học và những môn thi tốt nghiệp không kiểm tra cuối học kỳ 2 năm cuối khóa.

- Cần điều hòa bố trí đúng mức việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra cuối học kỳ, thi cuối năm học, tránh dồn dập quá nhiều. Nói chung số môn thi cuối năm học không nên quá 5 và về mỗi học kỳ tổng số môn thi và kiểm tra cuối học kỳ không quá 7.

Điều 4. – Kiểm tra thường xuyên và cuối học kỳ, nói chung không bố trí cho sinh viên nghỉ để ôn tập. Thi cuối năm học, thi tốt nghiệp, bố trí cho sinh viên nghỉ một thời gian thích hợp theo quy định của kế hoạch giảng dạy để sinh viên ôn tập.

Điều 5. – Hình thức kiểm tra, thi về mỗi môn là hỏi miệng, làm bài viết hoặc thực hành, tùy tính chất từng môn và khả năng thực hiện của trường mà định cho thích hợp.

Điều 6. –  Điểm kiểm tra, thi cho theo điểm 5 bậc (5: giỏi, 4: khá, 3: trung bình, 2: kém, 1: rất kém).

Điểm kiểm tra, thi cuối năm học công bố cho sinh viên biết và ghi vào sổ điểm của giáo vụ để theo dõi.

Điều 7. – Chế độ kiểm tra, thi là chế độ bắt buộc không sinh viên nào được miễn.

Điều 8. – Mỗi năm học tổ chức thi cuối năm hai lần: lần thứ nhất vào cuối năm học trước khi nghỉ hè cho những sinh viên đã hoàn thành chương trình năm học (không nghỉ quá 1/3 số giờ dạy); lần thứ hai vào cuối hè trước ngày khai giảng năm học sau cho những sinh viên chưa được dự thi vì chưa hoàn thành chương trình, vắng mặt có lý do chính đáng hoặc thi chưa đạt yêu cầu trong kỳ thứ nhất (sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng hoặc thi chưa đạt yêu cầu trong kỳ thứ nhất về môn nào đến kỳ thứ hai chỉ phải thi về môn ấy).

- Mỗi năm tổ chức thi tốt nghiệp một lần vào cuối năm học trước khi nghỉ hè.

Được dự thi tốt nghiệp:

- sinh viên năm cuối khóa đã hoàn thành chương trình học, không bị thi hành kỷ luật nặng như đuổi ra khỏi trường hay mất quyền công dân;

- sinh viên thi hỏng các kỳ thi tốt nghiệp trước thuộc diện được thi lại, nộp đủ giấy tờ nói trong điều 22 ở dưới.

Đối với những sinh viên năm cuối khóa vì lý do chính đáng như ốm đau, được điều động đi công tác một thời gian trong năm học, nữ sinh viên nghỉ đẻ v.v… chưa hoàn thành đầy đủ chương trình học năm cuối khóa, Hiệu trưởng xét từng sinh viên cụ thể nếu sinh viên đó có khả năng thi có thể chiếu cố cho dự thi.

Điều 9. – Tiêu chuẩn xét công nhận lên lớp, tốt nghiệp là tiêu chuẩn toàn diện về cả ba mặt học tập, đạo đức tư cách, sức khỏe.

- Được công nhận lên lớp sinh viên đạt điểm trung bình trở lên về các bài thi cuối năm (điểm bài nọ không bù điểm bài kia), có đạo đức tư cách tốt (không bị xếp loại kém hoặc quá kém), có đủ sức khỏe để tiếp tục học lên lớp trên.

Có thể được xét vớt lên lớp sau kỳ thi lần thứ hai, sinh viên có một bài thi bị điểm 2, thuộc một trong những diện sau đây: - đạt kết quả tốt hoặc khá trong các bài kiểm tra thường xuyên, cuối học kỳ; - có nhiều thành tích công tác; - có đạo đức tư cách rất tốt.

Sinh viên đủ điểm về các bài thi, có đủ sức khỏe để tiếp tục học nhưng không được xếp trung bình về đạo đức tư cách, chỉ có thể được xét vớt lên lớp nếu đạo đức tư cách không quá kém, đã kiểm điểm sâu sắc trước Ban Giám hiệu và có triển vọng tiến bộ.

Sinh viên không được lên lớp sẽ phải lưu ban hoặc loại ra khỏi trường (sinh viên chỉ được lưu ban một năm trong toàn khóa học).

- Được công nhận tốt nghiệp sinh viên đạt điểm trung bình trở lên về các bài thi tốt nghiệp (điểm bài nọ không bù điểm bài kia), có đạo đức tư cách tốt (không bị xếp loại kém hoặc quá kém) có đủ sức khỏe để phục vụ.

Có thể được xét vớt tốt nghiệp sinh viên có một bài thi bị điểm 2, bài bị điểm 2 không phải là bài khoa luận hay thực tập tập trung và các bài khác có bài được điểm 4 hoặc điểm 5 thuộc một trong những diện sau đây: - đạt kết quả tốt hoặc khá trong quá trình khóa học; - có nhiều thành tích công tác; - có đạo đức tư cách rất tốt.

Sinh viên về thi lại một số môn, nếu có một bài bị điểm 2 nhưng đạo đức tư cách, khả năng chuyên môn có nhiều tiến bộ hoặc có thành tích công tác tốt thì cũng có thể được xét vớt. (Nếu thi lại một môn hay bài bị điểm 2 là bài khoa luận hoặc thực tập tập trung thì không xét vớt).

Sinh viên thi hỏng nếu sau đó không thuộc diện bị cấm thi đến kỳ thi các năm sau được xin thi lại những môn đã hỏng.

Chương I3:

TỔ CHỨC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA

Điều 10. – Kiểm tra thường xuyên do cán bộ giảng dạy thực hiện theo kế hoạch giảng dạy của nhà trường.

Điều 11. – Kiểm tra cuối học kỳ do Chủ nhiệm khoa chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng tổ chức tiến hành.

Chương trình kiểm tra cuối học kỳ môn nào là toàn bộ chương trình học kỳ về môn ấy.

Lịch, hình thức, chương trình kiểm tra cuối học kỳ về từng môn được báo cho sinh viên biết trước nửa tháng.

Chương 4:

TỔ CHỨC TIẾN HÀNH THI CUỐI NĂM HỌC

Điều 12. – Các môn thi cuối năm học gồm một trong những môn cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê, một trong những môn nghiệp vụ (tâm lý, giáo dục học, giáo dục pháp) và khoảng ba môn chuyên môn chủ yếu.

Chương trình thi về mỗi môn là chương trình toàn năm học về môn đó. Nếu là thi khi môn học kết thúc, chương trình thi có thể bao gồm thêm một số chương, bài trọng tâm của các học kỳ trước.

Điều 13. – Môn thi, hình thức thi về mỗi môn, lịch thi do Chủ nhiệm khoa đề nghị, Hiệu trưởng thông qua và được công bố cho sinh viên biết một tháng trước khi thi.

Đề thi do cán bộ giảng dạy đề nghị, Hiệu trưởng hoặc Chủ nhiệm khoa được Hiệu trưởng ủy nhiệm duyệt và phải giữ mật trước khi thi.

Điều 14. – Sinh viên đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi được trường khen.

Sinh viên phạm nội quy kỷ luật thi sẽ tùy lỗi nặng nhẹ bị cảnh cáo, đuổi ra khỏi phòng thi, lưu ban hoặc loại ra khỏi trường.

Điều 15. – Hiệu trưởng có thể ủy nhiệm cho Khoa tổ chức thi, xếp loại sinh viên về đạo đức tư cách, thu thập nhận xét của Y xá về sức khỏe của sinh viên, xét kết quả thi, lập danh sách sinh viên lên lớp, được thi lại lần hai (nếu là thực hiện lần thứ nhất), phải lưu ban, loại ra khỏi trường, đề nghị trường khen sinh viên đạt kết quả xuất sắc và thi hành kỷ luật sinh viên phạm kỷ luật thi, lập biên bản, rút kinh nghiệm tiến hành kỳ thi v.v…

Điều 16. – Hiệu trưởng duyệt và kịp thời công bố kết quả kỳ thi. Riêng về danh sách sinh viên bị loại ra khỏi trường, Hiệu trưởng trình Bộ duyệt rồi mới công bố thi hành.

Sau khi tiến hành thi xong Hiệu trưởng làm báo cáo trình Bộ về tổ chức, kết quả kỳ thi, con số sinh viên được lên lớp, phải lưu ban, rút kinh nghiệm tiến hành kỳ thi.

Chương 5:

TỔ CHỨC TIẾN HÀNH THI TỐT NGHIỆP

Điều 17. – Nội dung thi tốt nghiệp gồm một trong những môn cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê, một trong những môn nghiệp vụ, từ hai đến bốn môn chuyên môn chủ yếu, một bài khoa luận (đối với khối học từ ba năm trở lên).

Chương trình thi về mỗi môn là chương trình toàn khóa học về môn đó. Chương trình môn nào nhiều có thể hạn chế vào những chương trọng tâm.

Điều 18. – Hình thức thi về mỗi môn nói trên là làm bài viết hoặc hỏi miệng. Bài viết làm khoảng từ 1 đến 4 giờ trên giấy có phách theo mẫu thống nhất cho toàn thể sinh viên dự thi, dọc phách trước khi chấm. Nếu thi bằng hỏi miệng sinh viên được bốc thăm phiếu hỏi, chuẩn bị từ 20 đến 45 phút, trình bày và trả lời những câu hỏi thêm khoảng 20 phút.

Điều 19. – Đề thi bài làm viết ra hai đề chọn một. Đề thi về bài hỏi miệng gồm nhiều đề khác nhau, mỗi đề viết vào một phiếu. Số đề, số phiếu không được quá ít để tránh tình trạng sinh viên hỏi về sau, có thể biết được cụ thể những câu hỏi trong số phiếu mình sẽ bốc.

Điều 20. – Thực tập sư phạm trong đợt thực tập tập trung cũng là một bài thi. Đối với sinh viên không đạt điểm trung bình trong đợt thực tập tập trung thì tùy điều kiện từng trường, có thể cho thực tập lại trước khi thi tốt nghiệp hoặc sẽ xét sau khi ra phục vụ. Thực tập chưa đạt điểm trung bình vẫn cho tiếp tục dự thi các bài khác.

Điều 21. – Các môn thi, chương trình thi, hình thức thi về từng môn, lịch thi do Hiệu trưởng quyết định, công bố cho sinh viên, cán bộ giảng dạy biết và báo cáo về Bộ hai tháng trước ngày thi.

Đề thi do Khoa đề nghị, Hiệu trưởng duyệt,

Đề thi ngay từ khi cán bộ giảng dạy dự soạn phải tuyệt đối giữ mật.

Điều 22. – Sinh viên chưa được công nhận tốt nghiệp hoặc hỏng thi các kỳ tốt nghiệp trước muốn được xét đề nghị công nhận tốt nghiệp hay dự thi lại phải gửi về trường hai tháng trước ngày thi năm sau, hồ sơ gồm:

- Đơn xin thi lại hay đề nghị công nhận tốt nghiệp (ghi rõ khóa học, kỳ thi cũ và lý do chưa được công nhận tốt nghiệp hay không thi).

- Bản nhận xét về quá trình công tác, sự tiến bộ của bản thân từ khi ra trường do cơ quan chuyên môn quản lý từ cấp tỉnh trở lên cấp (nếu đã ra công tác), bản nhận xét về đạo đức tư cách, sự tiến bộ do cơ quan chính quyền địa phương từ cấp huyện, thị xã hay khu phố trở lên cấp (nếu chưa ra công tác).

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế Nhà nước có y, bác sĩ phụ trách cấp (nếu là trường hợp chưa được công nhận tốt nghiệp vì thiếu sức khỏe).

- Bản nhận xét về khả năng thực hành giảng dạy do Ty, Sở giáo dục hay Hiệu trưởng trường trực thuộc Bộ cấp (nếu là trường họp chưa được công nhận tốt nghiệp vì kém về thực tập).

Sinh viên chua được công nhận tốt nghiệp vì kém về thực tập nếu sau đó chưa ra làm công tác giảng dạy phải xin dự lại thực tập tập trung để được xét công nhận tốt nghiệp.

Điều 23. – Hiệu trưởng duyệt, công bố danh sách sinh viên được dự thi chậm nhất là một tháng trước ngày thi.

Khi duyệt danh sách sinh viên đủ điều kiện dự thi, nếu có trường hợp khiếu nại. Trường đã giải thích cho đương sự mà đương sự vẫn không thông, thì trường cần báo cáo kịp thời lên Bộ xét.

Điều 24. – Sinh viên đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi được Hội đồng thi đề nghị trường khen thưởng.

Sinh viên phạm nội quy, kỷ luật thi, tùy lỗi nặng nhẹ, có thể bị cảnh cáo, đuổi ra khỏi phòng thi hoặc có thể bị cấm thi từ một đến hai năm.

Trường hợp gian lậu, Hội đồng giám khảo không bắt được quả tang, sau mới phát hiện, sinh viên phạm lỗi có thể bị hủy bỏ kết quả trúng tuyển, thu hồi giấy chứng nhận hay văn bằng tốt nghiệp.

Việc đuổi ra phòng thi do Chủ tịch Hội đồng giám khảo quyết định và ghi vào biên bản kỳ thi.

Việc cấm thi và hủy bỏ kết quả trúng tuyển của sinh viên gian lậu do Bộ quyết định theo đề nghị của Hiệu trưởng.

Điều 25. – Ở mỗi trường thành lập một Hội đồng giám khảo do Hiệu trưởng đề nghị Bộ quyết định, thành phần gồm:

- Chủ tịch (Hiệu trưởng)

- Phó Chủ tịch (Hiệu phó)

- Một số ủy viên (chọn trong các Chủ nhiệm khoa, Tổ trưởng tổ trực thuộc, Trưởng phòng giáo vụ, Tổ chức).

- Để giúp việc Hội đồng giám khảo, Hiệu trưởng có thể ra quyết định thành lập một tiểu ban kiểm tra xếp loại đạo đức tư cách, một tiểu ban kiểm tra sức khỏe cho sinh viên dự thi và ở mỗi khoa một tiểu ban coi thi, chấm thi.

Hội đồng giám khảo có nhiệm vụ:

- lãnh đạo kỳ thi về mọi mặt;

- tổ chức coi thi, chấm thi, thu thập kết quả xếp loại đạo đức tư cách, kiểm tra sức khỏe sinh viên;

- xét kết quả kỳ thi, lập biên bản kỳ thi, danh sách sinh viên trúng tuyển (ghi rõ trường hợp xét vớt), danh sách sinh viên hỏng thi (ghi rõ lý do hỏng, dự kiến cách xử lý đối với từng sinh viên hỏng thi: cho lưu ban, cho ra công tác, loại về địa phương, cho thi lại năm sau v.v…) đề nghị khen thưởng sinh viên đạt kết quả xuất săc, thi hành kỷ luật sinh viên phạm kỷ luật thi, rút kinh nghiệm tiến hành kỳ thi…

Điều 26. – Muộn nhất là một tháng sau khi sinh viên thi xong, Hiệu trưởng trình Bộ biên bản tổ chức tiến hành kỳ thi, nói rõ tổng số sinh viên các lớp cuối khóa, số người dự thi, số trúng tuyển, tỷ lệ trúng tuyển, danh sách sinh viên trúng tuyển (ghi rõ trường hợp xét vớt), danh sách sinh viên hỏng thi (ghi rõ cách xử lý đối với từng người) kèm theo số điểm bài thi, số ghi kết quả xếp loại đạo đức tư cách, kết quả kiểm tra sức khỏe về từng sinh viên để Bộ duyệt và dự thảo quyết định của Bộ duyệt kết quả kỳ thi.

- Sau khi Bộ xét duyệt nhà trường sẽ công bố danh sách sinh viên trúng tuyển.

- Hồ sơ, bài thi của sinh viên, Hiệu trưởng niêm phong lưu tại trường ít nhất là ba năm sau kỳ thi.

Điều 27. – Những sinh viên được công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp.

Những sinh viên không được công nhận tốt nghiệp được nhà trường cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình khóa học.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. – Quy chế này áp dụng cho sinh viên các lớp chính quy thuộc các khối 2 năm và 3 năm trở lên của các trường Đại học sư phạm. Riêng sinh viên khối 2 năm không phải thi tốt nghiệp về bài khoa luận.

Đối với sinh viên các lớp hàm thụ sẽ có quy định riêng.

 

THEGIOILUAT.VN
Không còn phù hợp

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 243-QĐ năm 1963 về quy chế tạm thời về tổ chức kiểm tra và thi ở các trường Đại học sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 243-QĐ Ngày ban hành 18/05/1963
Ngày có hiệu lực 02/06/1963 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo Tình trạng Không còn phù hợp

Tóm tắt nội dung

Quyết định 243-QĐ năm 1963 về quy chế tạm thời về tổ chức kiểm tra và thi ở các trường Đại học sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành
Mục lục

Mục lục

Close