BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3340/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT 03 CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM ĐÀO TẠO TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP CÁC NGÀNH DU LỊCH, ĐIỀU DƯỠNG, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Giáo dục, Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020);

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định 03 Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trung cấp chuyên nghiệp các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt 03 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trung cấp chuyên các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin (kèm theo Quyết định này) để thí điểm giảng dạy trong các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

- Đối tượng triển khai thí điểm: Các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin trên toàn quốc.

- Thời gian dạy thí điểm: Từ năm 2013 - 2015.

Sau khi hoàn thành thí điểm đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả thí điểm đào tạo. Căn cứ kết quả đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để có kế hoạch nhân rộng chương trình này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan (ghi tại Điều 1) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- BPTT - ĐANNQG 2020 (để phối hợp);
- Website của Bộ GDĐT (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM

ĐÀO TẠO TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số: 3340/QĐ-BGDĐT Ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

MỤC LỤC

1.

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1.1.

Sự cần thiết xây dựng chương trình

1.2.

Thời lượng

1.3.

Phạm vi sử dụng chương trình

2.

CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

2.1.

Căn cứ pháp lý

2.2.

Căn cứ lý luận 

2.3.

Căn cứ thực tiễn

2.3.1.

Trình độ đầu vào

2.3.2.

Nhu cầu và mục đích học

2.3.3.

Tình hình dạy-học (Phương pháp, thời lượng, kiểm tra đánh giá, tài liệu dạy-học)

3.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1.

Đối tượng tham gia chương trình

3.2.

Mục tiêu chung của chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường TCCN

3.3.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 1 lên Bậc 2

3.3.1.

Mục tiêu tổng quát

3.3.2.

Mục tiêu cụ thể

3.3.3.

Nội dung

3.3.4.

Kiểm tra và đánh giá

3.3.4.1.

Đánh giá quá trình

3.3.4.2.

Đánh giá cuối kỳ

3.4.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 2 lên Bậc 3

3.4.1.

Mục tiêu tổng quát

3.4.2.

Mục tiêu cụ thể

3.4.3.

Nội dung

3.4.4.

Kiểm tra và đánh giá

3.4.4.1.

Đánh giá quá trình

3.4.4.2.

Đánh giá cuối kỳ

3.5.

Hướng dẫn thực hiện chương trình

3.5.1.

Yêu cầu về đối tượng tham gia

3.5.2.

Điều kiện thực hiện chương trình

3.5.3.

Phạm vi thực hiện

3.5.4.

Phương pháp dạy-học

3.5.4.1.

Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2  

3.5.4.2.

Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3

3.5.5.

Tài liệu dạy-học

3.5.6.

Đội ngũ tham gia chương trình

3.5.7.

Cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học

4.

ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

5.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. GIỚI THIỆU

1.1. Sự cần thiết xây dựng chương trình

Trong quá trình toàn cầu hóa, tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ giao tiếp thông dụng nhất đặc biệt hữu ích phục vụ cho việc trao đổi kinh tế, văn hoá… trên toàn thế giới, do đó việc dạy và học tiếng Anh đã và đang được đặc biệt chú trọng ở tất cả các bậc học. Theo thống kê của “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” tỉ lệ học sinh học ngoại ngữ đã tăng đáng kể: từ 76,8% năm 2002 lên 85,4% năm 2003. Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở hầu hết các trường. Riêng các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học sinh tham gia học tiếng Anh chiếm 99,4%. Chương trình ngoại ngữ được xây dựng trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với số tiết quy định từ 60 tiết đến 210 tiết tùy theo hệ tuyển và thời gian đào tạo.

Tuy nhiên, chương trình chỉ đáp ứng được một số mục đích cơ bản như trang bị kiến thức ngữ pháp, đọc tài liệu chuyên môn ở cấp độ đơn giản, đáp ứng yêu cầu thi tuyển công chức. Việc giảng dạy môn tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo phần lớn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng không đồng đều, khả năng giao tiếp của học sinh còn rất nhiều hạn chế. Thực trạng này là khá phổ biến đối với các cơ sở đào tạo TCCN. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh TCCN là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt đối với học sinh ngành Điều dưỡng. Khả năng vận dụng tiếng Anh tốt sẽ giúp học sinh tự tin để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động trong và ngoài nước. Với những lý do nêu trên, điều cần thiết phải làm là biên soạn một chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường cho ngành Điều dưỡng dựa trên cơ sở tiếp nối chương trình tiếng Anh ở trung học cơ sở và tiếng Anh trung học phổ thông.

1.2. Thời lượng

Chương trình gồm 2 phần: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thời lượng cho chương trình Bậc 1 lên Bậc 2 là 180 tiết, trong đó 60 tiết học trực tuyến hoặc phi trực tuyến cho tiếng Anh cơ bản và 30 tiết cho tiếng Anh chuyên ngành học tại lớp với sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học của sinh viên là 90 tiết.

Thời lượng cho chương trình Bậc 2 lên Bậc 3 là 300 tiết, trong đó 90 tiết học trực tuyến hoặc phi trực tuyến cho tiếng Anh cơ bản và 60 tiết cho tiếng Anh chuyên ngành học tại lớp với sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học của sinh viên là 150 tiết.

1.3. Phạm vi sử dụng

Chương trình được dùng cho việc quản lý giảng dạy và học tập tiếng Anh tăng cường ở các cơ sở đào tạo TCCN; biên soạn tài liệu hướng dẫn chương trình; biên soạn, lựa chọn học liệu dạy và học tiếng Anh (giáo trình, sách bài tập, sách hướng dẫn giáo viên, tài liệu tham khảo và tài liệu điện tử...), định hướng phương pháp dạy học tiếng Anh tăng cường ở các cơ sở đào tạo TCCN; đánh giá kết quả học tập của học sinh; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

2. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

2.1. Căn cứ pháp lý

Theo “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" (ĐANNQG 2020), việc dạy-học ngoại ngữ ở các cơ sở đào tạo TCCN được quy định như sau:

“Trình độ ngoại ngữ chung của học sinh sau khi tốt nghiệp cơ sở đào tạo TCCN đạt Bậc 3. Các cơ sở đào tạo cần tiến hành dạy học ngoại ngữ theo nhiều chương trình và thời lượng khác nhau nhằm đáp ứng trình độ đầu vào khác nhau. Các cơ sở đào tạo cần kiểm tra trắc nghiệm về năng lực ngoại ngữ của học sinh nhập học để sắp xếp chương trình theo học các chương trình ngoại ngữ phù hợp. Tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các cơ sở đào tạo TCCN có thể xây dựng và tiến hành chương trình dạy và học ngoại ngữ đối với học sinh nhập học có trình độ đầu vào là Bậc 3 để đạt được bậc cao hơn nữa” (trang 29-30).

ĐANNQG 2020 cũng nêu rõ trong phần mục tiêu cụ thể: “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 10% số lượng học sinh dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp vào năm học 2010 - 2011, 60% vào năm 2015 - 2016 và đạt 100% vào năm học 2019 - 2020”.

Theo “Kế hoạch triển khai dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo năm 2012”, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế được ĐANNQG 2020 giao nhiệm vụ biên soạn chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN cho 3 ngành Điều dưỡng, Công nghệ thông tin và Du lịch.

2.2. Căn cứ lý luận

Chương trình được biên soạn dựa trên các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc lấy việc học làm trung tâm (learning-centred): Theo phương pháp lấy việc học làm trung tâm (learning-centred approach), học tập không còn là một quá trình tiếp thu kiến thức thụ động từ người dạy, mà đó là quá trình tương tác tích cực giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau. Học sinh chủ động khám phá và lĩnh hội kiến thức qua quá trình thực hành (learning by doing). Nguyên tắc này đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung chương trình và nhu cầu của người học, phát huy kỹ năng giải quyết vấn đề, suy nghĩ phản biện của người học.

Nguyên tắc lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành với tiếng Anh cơ bản: Đảm bảo học sinh vừa đạt trình độ chung theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vừa thấy được lợi ích của việc học tiếng Anh qua việc lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành vào chương trình.

Nguyên tắc bảo đảm tính tích cực chủ độngcủa học sinh: Đảm bảo việc phát huy thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh đồng thời cung cấp cho học sinh những trải nghiệm học tập tích cực nhằm mục đích đáp ứng mục tiêu của chương trình.

Nguyên tắc phát triển đồng đều các kỹ năng nhưng có trọng điểm: Đảm bảo phát triển hài hòa bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và trình độ thực của học sinh, có thể chú trọng nhiều hơn đến một hay hai kỹ năng mà học sinh còn yếu hay thiếu nhưng vẫn không bỏ quên các kỹ năng còn lại.

Nguyên tắc chuỗi hệ thống chủ điểm và chủ đề: Đảm bảo chương trình được thực hiện thông qua chuỗi hệ thống chủ điểm và chủ đề có liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa và phù hợp.

Nguyên tắc linh hoạt và mềm dẻo: Đảm bảo tính linh hoạt và mềm dẻo của chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học tiếng Anh khác nhau trong bối cảnh có sự phân hóa trình độ đầu vào của học sinh TCCN. Học sinh có trình độ đầu vào khác nhau có thể chọn lựa chương trình phù hợp với trình độ của mình.

Nguyên tắc bảo đảm kết quả đầu ra: Đảm bảo sau khi học xong chương trình tiếng Anh tăng cường ngành Điều dưỡng, học sinh sẽ đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương với cấp độ B1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu), theo quy định của ĐANNQG 2020.

2.3. Căn cứ thực tiễn

Chương trình được xây dựng dựa vào kết quả khảo sát việc dạy và học tiếng Anh ngành Điều dưỡng ở các cơ sở đào tạo TCCN, đồng thời dựa trên đặc điểm học sinh, năng lực tiếng Anh đầu vào và bản chất việc làm của học sinh tốt nghiệp ngành Điều dưỡng.

2.3.1. Trình độ đầu vào

Qua phần tự đánh giá của học sinh về trình độ tiếng Anh (181 trên 274 học sinh tự đánh giá ở mức trình độ A, 89 học sinh đánh giá trình độ B và chỉ có 4 học sinh ở trình độ C), phần tự đánh giá của giáo viên (50% học sinh chỉ ở mức trình độ A) cho thấy trình độ tiếng Anh của học sinh không chênh lệch nhau lắm và đang ở mức trình độ A. Điều đáng chú ý, kết quả bài kiểm tra trình độ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu cho thấy trình độ học sinh xếp vào Bậc 2 (56,7%) và Bậc 1 (43,3%).

2.3.2. Thực trạng dạy và học tiếng Anh điều dưỡng tại các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp

Ÿ Nhu cầu và mục đích học tiếng Anh

Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng chương trình là nhu cầu của người học. Do nhu cầu thị trường lao động ngày càng có những đòi hỏi cao hơn về khả năng chuyên môn và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài trong công việc, đặc biệt là ngành Điều dưỡng trong việc chăm sóc bệnh nhân nước ngoài tại các bệnh viện trong và ngoài nước, nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao nên học sinh của các cơ sở đào tạo TCCN đã ý thức được sự cần thiết này.Do vậy, động lực học tiếng Anh chuyên ngành của học sinh rất cao.

Từ kết quả khảo sát ngành Điều dưỡng ở các cơ sở đào tạo TCCN và các trường cao đẳng ở khu vực miền Trung và miền Nam cho thấy phần lớn học sinh (39,05%) chọn lý do học tiếng Anh để dễ tìm việc làm khi ra trường hoặc để đọc các tài liệu, sách hướng dẫn bằng tiếng Anh và để giao tiếp (32,48%). Tuy nhiên, cũng có 31,75% học sinh học tiếng Anh chỉ để đối phó với các kỳ thi ở trường. Vì vậy, các hoạt động trong chương trình giảng dạy nên hướng trọng tâm vào việc phát triển kỹ năng đọc (44,16%) và nói (36,56%) nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh sau khi ra trường và cũng là nguyện vọng của học sinh được phản ánh qua kết quả khảo sát (55,84% học sinh cho rằng “cần thiết” phải cân đối lại việc phát triển 4 kỹ năng và 34,67% cho rằng “rất cần thiết”. Bên cạnh đó, qua phỏng vấn trực tiếp, học sinh cũng mong muốn được tăng cường nhiều từ vựng chuyên ngành bằng tiếng Anh để họ có thể đọc được tài liệu dễ dàng hơn thay vì tâp trung nhiều vào các điểm ngữ pháp. Với động cơ đó, học sinh thấy được việc học tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo là thiết thực, từ đó tạo cho họ hứng thú học tập.

Các hoạt động học trong giáo trình nên được thiết kế tập trung nhiều vào hoạt động theo nhóm hoặc theo cặp. Như vậy, học sinh có cơ hội để phát huy tính tích cực của mình và có cơ hội làm quen với cách thức làm việc theo nhóm hoặc cặp, một kỹ năng rất cần thiết cho họ trong công việc tương lai, đó cũng chính là nguyện vọng của học sinh phản ánh qua kết quả khảo sát (48,54% học sinh cảm nhận các “hoạt động theo nhóm” là “rất quan trọng và thích”, 45.26% cảm thấy hứng thú khi thực hành “theo cặp”, 7,66% cho rằng các “hoạt động làm theo lớp” là “rất quan trọng và thích”, 6,57% học sinh thích làm các “bài tập cá nhân”).

Ÿ Giáo trình

Nhân tố giáo trình giảng dạy cũng góp phần rất lớn đến quá trình dạy và học. Theo ý kiến của học sinh (48,71%), giáo trình họ đang học không phù hợp với nhu cầu và đã không gây hứng thú cho họ. Kết quả khảo sát này còn được phản ánh qua ý kiến của giáo viên, 4/6 giáo viên (66,7%) cho rằng giáo trình học đang giảng dạy ít hiệu quả. Thật vậy, để đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cũng như khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp thì với giáo trình English Know how1 của nhà xuất bản Oxford, xuất bản năm 2003 trong thời lượng 60 tiết thì không thể đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, theo học sinh, các nguyên nhân khách quan khác tác động nhiều đến kết quả học tập là phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thật sự hấp dẫn và lôi cuốn đối với học sinh (71,53%) và sĩ số trung bình mỗi lớp quá đông (52,92%), kế đến là do phương tiện học tập chưa đầy đủ (34,31%).

Bàn về thực trạng dạy và học, một yếu tố không thể không đề cập đến đó là thời gian học. Phần lớn giáo viên (5/6) đều cho rằng cần phải tăng thời gian học tiếng Anh lên so với thời gian hiện tại, đó là 60 tiết cho tiếng Anh cơ bản và 30 tiết đối với tiếng Anh chuyên ngành. Đây cũng là ý kiến của phần đông các học sinh phản hồi qua bảng câu hỏi khảo sát.

Ÿ Hình thức kiểm tra và đánh giá

Hình thức kiểm tra cũng đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình học. Điểm số phản ánh kết quả học tập của học sinh và cũng tạo ra một động cơ không nhỏ thúc đẩy việc hoc. Qua kết quả khảo sát, trên 65% học sinh nhận định các bài kiểm tra định kỳ lẫn đánh giá liên tục đều chưa chú trọng nhiều đến các kỹ năng mà còn nặng về phần kiến thức. Vì vậy, các hình thức kiểm tra đánh giá cũng cần đa dạng, phong phú và linh hoạt hơn, và cũng nên chú trọng cả kiến thức lẫn kỹ năng.

Đánh giá chung về thực trạng dạy và học tiếng Anh của học sinh TCCN ngành Điều dưỡng, có 66,7% giáo viên tham gia khảo sát cho rằng thực tế dạy và học tiếng Anh vẫn ít hiệu quả hoặc không hiệu quả. Do vậy, đa số các giáo viên tham gia trả lời bảng câu hỏi cũng như trả lời phỏng vấn đều đề nghị là cần có chương trình bổ trợ tiếng Anh để nâng chuẩn đầu ra môn tiếng Anh của học sinh lên một mức cao hơn.

3. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1. Đối tượng tham gia chương trình

Đối tượng của chương trình là những học sinh đã học xong chương trình tiếng Anh cơ bản theo khung chương trình quy định cho các cơ sở đào tạo TCCN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhưng trình độ ngoại ngữ vẫn chưa đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam theo yêu cầu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

Do có sự phân hóa trình độ cao đối với học sinh TCCN nên những học sinh đã hoàn thành Bậc 1 thì tham gia học chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2. Những học sinh đã đạt cấp độ 2 thì tham gia học chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3.

3.2. Mục tiêu chung của chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN

Theo quy định của ĐANNQG 2020, học sinh TCCN sau khi tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương với cấp độ B1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu). Do đặc thù công việc của ngành Điều dưỡng, học sinh có năng lực sử dụng khoảng 2000 từ vựng ngành Điều dưỡng vào công việc chuyên môn của mình.

3.3. Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 1 lên Bậc 2

3.3.1. Mục tiêu tổng quát

- Học sinh có thể hiểu câu và các cụm từ thông thường trong các chủ đề quen thuộc.

- Học sinh có thể giao tiếp ở cấp độ đơn giản, thực hiện các yêu cầu cơ bản và nắm bắt được thông tin khi giao tiếp trong các bối cảnh quen thuộc.

- Học sinh có thể dùng từ vựng đơn giản để miêu tả lý lịch cá nhân, bối cảnh trực tiếp hay những chủ đề về các nhu cầu cấp bách.

3.3.2. Mục tiêu cụ thể

Kỹ năng nói, học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ: hỏi và đáp về thời gian và nơi tổ chức buổi tiệc, những ai có mặt và chuyện gì đã xảy ra ở đó.

- Mời và chấp nhận hoặc từ chối lời mời một cách lịch sự.

- Xin lỗi và nhận lời xin lỗi.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Nêu lý do và giải thích các ý kiến hoặc kế hoạch cá nhân.

Kỹ năng nghe, học sinh có thể:

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu được các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu được các bản tin ngắn gọn, đơn giản ở sân bay và nhà ga xe lửa.

- Hiểu được các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết.

Kỹ năng đọc, học sinh có thể:

- Hiểu được các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, tờ rơi, trang web, catalogues, thời gian biểu …

- Hiểu được các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản nếu biết đôi chút về chủ đề đó.

- Hiểu được các thông điệp đơn giản từ bạn bè.

Kỹ năng viết, học sinh có thể:

- Viết về những chủ đề đơn giản, quen thuộc.

- Viết các thông điệp đơn giản, ví dụ: viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn.

- Viết thư/lời nhắn/bưu thiếp cho bạn bè để thông báo tin tức cá nhân hoặc hỏi thăm.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.

- Mô tả nền tảng giáo dục cá nhân, công việc trước đây và hiện tại.

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả thành phố quê hương, nơi bản thân đang sinh sống.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

3.3.3. Nội dung

Nội dung được thiết kế để thực hiện việc dạy kết hợp giữa tiếng Anh cơ bản quy định cho Bậc 2 [1] và phần kiến thức chuyên ngành dành cho ngành Điều dưỡng [2] theo hướng thực hành nghề nghiệp.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CƠ BẢN BẬC 1 LÊN BẬC 2

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Home and Family

Reading for general information

Listening and gap filling

Describing things, rooms in a house

Describing family relationship

There is/ are

Have/has got

Simple Present tense

Furniture

Rooms

Family trees

Hobbies and leisure activities

Speaking-Interview

Speaking on the phone

Reading for general information

Describing habits and routines

Describing outdoor and indoor activities

Expressing personal opinions about entertainment

Present Simple

Adverbs of frequency

Prepositional phrases (place, time and movement)

Sports

Films

Books

Shopping

Reading in details (skimming)

Speaking-

Pair work

Conversation

Describing places, things

Request

Suggestion

Articles-with uncountable and countable nouns

Much-many

Any-some

Verb-ING

Food and drink

Things in the town, shops and shopping

People and places

Reading for general information (Scanning)

Guided sentence building

Describing places, people

Describing past experiences

Comparatives and superlatives with adjectives

Using definite articles

Future time (will and going to)

Present continuous for future

Travel and services

Means of transports

Tickets

Hotels

Work and jobs

Listening for general information

Listening and gap-filling

Speaking-interview

Peer presentation

Obligation and necessity

Describing duties

Modal verbs-have to, must, should

Phrasal verbs

Verbs + to infinitive

Adjectives of personality

Work place

Jobs

Qualifications

School life

Listening for specific details

Speaking- Questions and answers

Describing past experiences and events

Expressing feelings

Past simple

Wh-question in past

Modal verbs-can could

School and college’s subjects

Types of examination

Methods of learning

Foods and drinks

Listening for gists

Speaking- Pair work

Describing kinds of food and drink

Ordering and taking orders

Countable and uncoutable nouns

Modal verb: Would like +to-inf

Foods, Drinks

Menu

The world around us

Reading for general information (scanning)

Guided sentence building

Describing surroundings, animal life

Expressing ability

Can and can’t for ability

Question words

Use of articles

Animals and natural features

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH BẬC 1 LÊN BẬC 2

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Daily job of a student nurse

Reading for specific details

Writing with guided information

Talking about duties

Describing job activities

Modal verbs

Simple present tense

Temperature

Medicine

Injections

Sterile Procedures

Speaking- Interview

Peer presentation

Reading for general information

Describing sterile ínstruments

Talking about jobs

Pasive voice in present tense

Prepositions of place

Medical Instruments

Sterile procedures

Body and health

Speaking

Question-answer

Describing parts of the body and their functions

Identifying location

Preposition of place (under, behind, in front of, over, on...

Passive voice

Body parts

Systems of the body

The need for good records

Reading for general information (Scanning)

Guided sentence building

Learning how to write notes and records

Identifying the abbreviations in nurses’memos

Passive voice in present continuous and simple past

Vocabulary in notes and records of nurses

Accidents and Emergencies

Reading for specific information

Speaking-interview

Peer presentation

Describing events

Expressing observation

Verb forms

Revision on tenses

Vehicles

Injury and wounds

Illness and diseases

Reading for general information (scanning)

Reading and identifying structural words

Describing feelings

Identifying diseases concerning with body systems

Relative pronouns

Word transformation

Words ending in suffix – ness

Linking words to express contrast

Feelings

Diseases and sickness

Therapies and treatment

Pain and pain management

Reading notices and reports

Writing short reports

Describing various kinds of pain

Instructions to use drugs

 

Kinds of pain

Patients with diabetes

Listening for gists

Speaking- Pair work

Describing patient’s condition

Asking for feelings

Describing injection steps

Tag questions

Prepositions

Giving instructions

Feelings

Instruments of injection

3.3.4. Kiểm tra và đánh giá

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi về sự tiến bộ và kết quả học tập học sinh đạt được trong quá trình học cũng như thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cần bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của chương trình, dựa trên mục tiêu đã đặt ra cho bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3.3.4.1. Đánh giá quá trình

Mục tiêu của đánh giá quá trình là giúp cho giáo viên cũng như học sinh theo dõi được sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đặt ra. Bài đánh giá quá trình được thiết kế dưới các thể loại bài tập để kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong đó, kỹ năng nói được thể hiện dưới dạng phỏng vấn hoặc đối thoại theo cặp hoặc trình bày nhóm trước lớp. Các nội dung chuyên ngành không đưa vào đánh giá cuối kỳ mà sẽ đưa vào kiểm tra quá trình với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3.3.4.2. Đánh giá cuối kỳ

Việc đánh giá cuối kỳ, thực hiện tại thời điểm cuối học kỳ hoặc cuối năm học sẽ giúp đánh giá mức độ đạt được cuối cùng của các mục tiêu cụ thể của chương trình. Đánh giá cuối kỳ được thực hiện để kiểm tra 4 kỹ năng dựa trên tiêu chí về năng lực đầu ra làm cơ sở cho các quyết định đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Các hình thức kiểm tra căn cứ chủ yếu vào các dạng thức đề thi Bậc 1, Bậc 2 và Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Hoạt động đánh giá cuối kỳ cho chương trình [3] bao gồm:

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động đánh giá

Nói

Học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương, đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Học sinh tham gia phỏng vấn với giáo viên.

- Thảo luận theo cặp.

Nghe

Học sinh có thể:

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu được các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu được các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết …

- Nghe và chọn 1 trong 3 phương án với hình ảnh.

- Nghe đối thoại dài và lựa chọn cho phù hợp với 8 câu gợi ý.

- Nghe đối thoại dài và lựa chọn với 3 phương án.

- Nghe đối thoại dài và điền vào chỗ trống.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu được các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, thời gian biểu, trang web...

- Hiểu được các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản nếu biết đôi chút về chủ đề đó. Ví dụ: tin về các dịch bệnh, các quy tắc giữ gìn vệ sinh...

- Hiểu được các thông điệp đơn giản từ bạn bè qua tin nhắn, thư điện tử, bưu ảnh...

- Đọc và lựa chọn với 8 bảng thông báo.

- Đọc và nhận dạng từ vựng qua 3 phương án.

- Đọc và chọn lựa lời đáp phù hợp cho hội thoại.

- Đọc lấy thông tin chi tiết với 3 lựa chọn.

- Đọc và nhận biết những từ, cụm từ và cấu trúc phù hợp qua 3 phương án.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn ..với những từ gợi ý.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

- Viết từ theo định nghĩa.

- Điền từ để hoàn thành một lá thư mời hoặc thông báo.

- Tìm thông tin từ những thông báo và lá thư để điền vào những ghi chú.

- Viết một lá thư điện tử trả lời đầy đủ những yêu cầu của câu hỏi.

3.4. Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 2 lên Bậc 3

3.4.1. Mục tiêu tổng quát

- Học sinh có thể hiểu những ý chính trong ngôn ngữ thông qua các chủ đề quen thuộc thường gặp trong công việc, ở trường học hay khu vui chơi.

- Học sinh có thể thực hiện được các tình huống giao tiếp cũng như khả năng giải quyết các tình huống nảy sinh trong công việc.

- Học sinh có thể viết về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hoặc các vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân, nghề nghiệp, công việc.

- Học sinh có thể miêu tả các sự kiện, các lễ hội, phong tục tập quán của một số vùng miền trong nước và một số vùng trên thế giới.

3.4.2. Mục tiêu cụ thể

Kỹ năng nói, học sinh có thể:

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Mô tả về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Kỹ năng nghe, học sinh có thể:

- Hiểu những ý chính của ngôn ngữ chuẩn mực về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những ý chính trong các cuộc thảo luận về các đề tài thường gặp.

- Hiểu những thông tin đơn giản về kỹ thuật như cách vận hành, sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình.

Kỹ năng đọc, học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong các bài đọc liên quan đến sở thích cá nhân, các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày.

- Hiểu những thông tin trong các tờ rơi quảng cáo hoặc các bài đọc ngắn liên quan đến công việc.

- Hiểu ý chính của các bài báo trong tạp chí về những vấn đề thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

Kỹ năng viết, học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về các chủ đề quen thuộc.

- Viết những bài viết đơn giản về các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân qua các chuyến đi.

- Viết thư điện tử, tin nhắn ngắn gọn cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

3.4.3. Nội dung

Nội dung được thiết kế để thực hiện việc dạy kết hợp giữa tiếng Anh cơ bản quy định cho Bậc 3 [4] và phần kiến thức chuyên ngành dành cho ngành Điều dưỡng[5] theo hướng thực hành nghề nghiệp.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CƠ BẢN BẬC 2 LÊN BẬC 3

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/

Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Education

Speaking- Pair work

Questions-Answers

Individual presentation

Listening for specific details

Describing subjects

Describing school life, school regulations

Past tense

Past continuous

Modals: mustn’t/can’t

Comparatives and superlatives

Learning facilities

Systems of education

Qualifications

News

Peer interview

Intensive questions-answers

Paragraph writing

Initiating and closing conversation

Describing means of communication

Giving and responding to reports

Intensifiers such as too, enough

Complex tag questions

Passive voices

Phrasal verbs

Types of communication

Newspaper

Magazine

Report

Films

Listening for general information

Speaking/interview

Describing feelings and emotions

Expressing opinions, language of narrative description

Modals

Past perfect

Past simple

Types of films

Characters

Events

Books and literature

Reading for main ideas

Reading and identifying lexical items

Checking understanding

Describing experience and events

Connecting words

Phrasal verbs

Passive voices

Kinds of books, novels

Characters

Time off

Listening for specific details

Speaking in pairs

Expressing intentions and wishes

Making predictions

 Going to, planning to, would like to, would rather

Will and won’t

Holidays

Leisure activities

Ambitions and dreams

Reading for specific information (skimming)

Speaking-interview

Expressing ambitions

And dreams

Present perfect and Past simple with for, and with other time words

Ambitions and dreams, achievements

Take care!

Reading comprehension-Identifying main points

Short paragraph writing

Describing past habits

Asking and giving advice

Used to, Would

Should and shouldn’t

Health and accidents

Lifestyle, current affairs

Reading for specific information

Reading comprehension-Identifying main points

Speaking in pairs

Conversation

Describing feelings and emotions

Describing places

Managing interaction (Interupting, changing topic, resuming or continuing)

Present perfect

Simple and continuous

Future continuous

Conditional 1st and 2nd

Adjectives describing characteristics of things, people

Political events

Cutural events

Economic events

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH BẬC 2 LÊN BẬC 3

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/

Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Hospital and admission

Reading for main message

Writing with given information

Describing places

Describing location

Giving explanation

Relative pronouns with prepositions (in which, on which)

Adverb clauses of place

Places in hospital

Facilities in a patient’s room

Monitoring the patient

Listening for gists

Speaking- interviewing

Describing procedures

Describing vital signs

Passive voice

Linking words to express connecting ideas

Notes, records

Signs and symptoms

Procedures

Symptoms

Writing a short report

Listening for specific information

Speaking- in pairs

Describing symptoms

and signs

Expressing feelings

Question forms

in all tenses

Signs and symptoms

Pain

Reading for specific information (skimming)

Speaking-interview

Describing pain

Learning how to fill in a pain chart

Making comparison –

Comparative and Superlative

Areas of referred pain

Caring for the elderly

Reading comprehension-Identifying main points

Speaking in pairs

Assessing a patient

Describing conditions of old age

Will and Shall

Adverbs of likelihood

( probably…)

Problems and aids

Effect of aging

Medication

Listening for specific details

Speaking – in pairs

Paragraph writing

Giving instructions

Demanding

Be going to

Present continuous for Future

Types and forms of medication

Dosages

Nutrition and obesity

Reading for specific information (skimming)

Speaking-interview

Giving advice

Giving request

Modal verbs: Should/ Shouldn’t

Diabetes

Food

Drinks

Nurses and instruments

 Hygiene

Reading comprehension-Identifying main points

Short paragraph writing

Talking about obligation

Describing notice reports

Modal verb:

Must/ have to

Mustn’t/ don’t have to

Need+ ing

Need to

Nurses’ instruments

Hygiene equipment

3.4.4. Kiểm tra và đánh giá

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi về sự tiến bộ và kết quả học tập học sinh đạt được trong quá trình học cũng như thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cần bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của chương trình, dựa trên mục tiêu đã đặt ra trên bốn kỹ năng, nghe, nói, đọc, viết.

3.4.4.1. Đánh giá quá trình

Mục tiêu của đánh giá quá trình là giúp cho giáo viên cũng như học sinh theo dõi được sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đặt ra. Bài đánh giá quá trình được thiết kế dưới các thể loại bài tập để kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong đó, kỹ năng nói được thể hiện dưới dạng phỏng vấn hoặc đối thoại theo cặp hoặc trình bày nhóm trước lớp. Các nội dung chuyên ngành có thể không đưa vào đánh giá cuối kỳ mà sẽ đưa vào kiểm tra quá trình với các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và từ vựng.

3.4.4.2. Đánh giá cuối kỳ

Việc đánh giá cuối kỳ, thực hiện tại thời điểm cuối học kỳ hoặc cuối năm học sẽ giúp đánh giá mức độ đạt được cuối cùng của các mục tiêu cụ thể của chương trình. Đánh giá cuối kỳ được thực hiện để kiểm tra 4 kỹ năng dựa trên tiêu chí về năng lực đầu ra làm cơ sở cho các quyết định đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Các hình thức kiểm tra, đánh giá cuối kỳ có thể căn cứ vào các dạng thức đề thi theo quy định của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Hoạt động đánh giá cuối kỳ cho chương trình[6] thường bao gồm:

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động đánh giá

Nói

Học sinh có thể:

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Nói về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Người học tham dự cuộc phỏng vấn trực tiếp với giáo viên.

- Trình bày cá nhân về một chủ điểm.

- Thảo luận theo cặp.

- Hỏi và trả lời những câu hỏi chuyên sâu của chủ đề.

Nghe

Học sinh có thể :

- Hiểu những ý chính của ngôn ngữ chuẩn mực về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những ý chính trong các cuộc thảo luận về các đề tài thường gặp.

- Hiểu những thông tin đơn giản về kỹ thuật như cách vận hành, sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình.

- Kiểm tra nghe dưới nhiều dạng bài kiểm tra như: hình thức trắc nghiệm, điền từ, trả lời đúng sai, lựa chọn câu trả lời phù hợp.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong các bài đọc liên quan đến sở thích cá nhân, các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày.

- Hiểu những thông tin trong các tờ rơi quảng cáo hoặc các bài đọc ngắn liên quan đến công việc.

- Hiểu ý chính của bài báo trong tạp chí về những vấn đề thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

- Kiểm tra đọc hiểu dưới nhiều dạng như: bài tập trắc nghiệm với 3 khả năng lựa chọn, bài tập chọn câu trả lời tương thích, trắc nghiệm với 4 lựa chọn trong bài tập điền từ.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về những chủ đề quen thuộc.

- Viết những bài viết đơn giản về các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân qua các chuyến đi.

- Viết các thư điện tử, tin nhắn ngắn gọn cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

- Viết một đoạn văn ngắn.

- Viết thư điện tử.

- Viết một câu chuyện ngắn về các chủ đề quen thuộc.

3.5. Hướng dẫn thực hiện chương trình

3.5.1. Yêu cầu về đối tượng tham gia

Học sinh tham gia chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2 hoặc Bậc 2 lên Bậc 3 phải tham dự một bài kiểm tra đầu vào xếp trình độ (placement test). Học sinh đạt kết quả kiểm tra đầu vào tương đương Bậc 1 sẽ tham gia chương trình thí điểm tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2. Học sinh đạt kết quả kiểm tra đầu vào tương đương Bậc 2 sẽ tham gia chương trình thí diểm tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3.

3.5.2. Điều kiện thực hiện chương trình

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2 có thời lượng đề nghị là 180 tiết, trong đó học sinh học tại lớp là 90 tiết và tự học với sự hướng dẫn của giáo viên là 90 tiết. Chương trình học tại lớp 90 tiết (thời gian mỗi tiết là 45 phút) gồm 2 nội dung được đề nghị như sau: tiếng Anh cơ bản (8 chủ đề) dạy trong 60 tiết và tiếng Anh chuyên ngành (5 chủ đề được lựa chọn trong 8 chủ đề đưa ra) dạy trong 30 tiết.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3 có thời lượng đề nghị là 300 tiết, trong đó học sinh học tại lớp là 150 tiết và tự học với sự hướng dẫn của giáo viên là 150 tiết. Chương trình học tại lớp 150 tiết cũng gồm 2 nội dung như sau: tiếng Anh cơ bản (8 chủ đề) dạy trong 90 tiết và tiếng Anh chuyên ngành (6 chủ đề được lựa chọn trong 8 chủ đề đưa ra) với số tiết dạy là 60.

Hình thức trực tuyến:

Cả 2 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 được thực hiện thông qua các tài khoản trực tuyến được gửi trực tiếp đến cho học sinh. Học sinh phải tự sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các hoạt động của khóa học trực tuyến (online). Giáo viên cần sắp xếp các buổi gặp mặt trực tiếp (offline) để giải đáp các thắc mắc của học sinh và hướng dẫn thêm nếu cần thiết.

3.5.3. Phạm vi thực hiện

Chương trình này được áp dụng cho tất cả các cơ sở đào tạo TCCN trong toàn quốc có đầy đủ điều kiện tổ chức thực hiện, đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý.

3.5.4. Phương pháp dạy-học

Tự học có hướng dẫn (Guided Independent Learning/Study - GIL/GIS):

Để giúp học sinh tự học, giáo viên cần hướng dẫn học sinh:

- Xác định lĩnh vực kiến thức hay kỹ năng trong hoặc ngoài chương trình chính thức mình cần phải nâng cao hay quan tâm học hỏi. Ví dụ: học sinh quan tâm đến chuyên ngành có thể muốn học thêm từ vựng có liên quan về các vấn đề chăm sóc bệnh nhân cao tuổi (Caring for the elderly) hay nâng cao kiến thức về chủ đề này thông qua đọc các bài báo bằng tiếng Anh.

- Xác định mục tiêu mình cần đạt đối với kiến thức và kỹ năng đã được chọn. Ví dụ: học sinh quan tâm mở rộng kiến thức về cách chăm sóc bệnh nhân cao tuổi có thể đặt mục tiêu hiểu chi tiết các bài báo mình đọc (reading for details).

- Lập kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ: với mục đích đọc hiểu chi tiết bài báo về cách chăm sóc bệnh nhân cao tuổi, sau khi đọc học sinh sẽ viết tóm tắt lại những chi tiết mình quan tâm.

- Hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch. Ví dụ: giúp học sinh tìm nguồn tài liệu trên internet hay giải quyết các khó khăn về đọc hiểu mà học sinh gặp phải.

- Hướng dẫn học sinh tự đánh giá mức độ đạt được và tổ chức cho học sinh đánh giá kết quả lẫn nhau. Ví dụ: có thể tổ chức buổi trình bày kết quả tự học, để học sinh có cơ hội đánh giá và học hỏi lẫn nhau về các kỹ năng tự học.

Phương pháp dạy học tích hợp ngôn ngữ và chuyên ngành (Content and Language Integrated Learning - CLIL):

Đối với khối kiến thức chuyên ngành, giáo viên cần khai thác phương pháp tích hợp ngôn ngữ và chuyên ngành thông qua:

- Chọn lựa tài liệu tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với chủ đề của chương trình và biên soạn tài liệu trên cơ sở hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức chuyên ngành.

- Khai thác nội dung ngôn ngữ bằng cách biên soạn bổ sung các hoạt động nâng cao ý thức ngôn ngữ hay thủ đắc ngôn ngữ bên cạnh nội dung chuyên ngành.

- Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN được thiết kế với 2 nội dung: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành, trong đó tiếng Anh cơ bản được đưa vào giai đoạn 1 và tiếng Anh chuyên ngành được đưa vào giai đoạn 2 với phương pháp dạy học tích hợp năng lực ngôn ngữ với chuyên môn nghề nghiệp (CLIL).

Để đạt được các mục tiêu cụ thể, giáo viên tham gia chương trình cần vận dụng linh hoạt các hoạt động dạy-học theo phương pháp giao tiếp kết hợp cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3.5.4.1. Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2.

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động dạy-học

Nói

Học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương, đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Nêu lý do và giải thích các ý kiến hoặc kế hoạch cá nhân.

- Hỏi và trả lời giữa giáo viên và học sinh.

- Hội thoại theo cặp.

- Thảo luận theo nhóm.

- Phỏng vấn.

- Đóng vai theo hội thoại.

Nghe

Học sinh có thể :

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết…

- Nghe hiểu những ý chính của thông tin.

- Nghe những cuộc nói chuyện qua điện thoại.

- Nghe để nắm rõ các chi tiết của thông tin.

 

Đọc hiểu

Học sinh có thể :

- Hiểu các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, thời gian biểu, trang web…

- Hiểu các ý chính trong các bản tin ngắn đơn giản.

- Hiểu các thông điệp đơn giản từ bạn bè qua tin nhắn, thư điện tử, bưu ảnh...

- Đọc lướt để lấy thông tin chính.

- Đọc để lấy các thông tin chi tiết.

- Thảo luận theo cặp để trả lời các câu hỏi về nội dung của thông tin.

-Thảo luận theo nhóm và trình bày trước lớp về nội dung thông tin đọc được.

Viết

Học sinh có thể :

- Viết thư cá nhân mô tả kinh nghiệm, cảm tưởng về một sự việc nào đó.

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

- Viết về các dự định và kế hoạch trong tương lai.

- Viết thư dưới dạng điền thông tin.

- Viết bản tóm tắt một sự kiện đã xảy ra.

- Viết đoạn văn theo từ gợi ý.

3.5.4.2. Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Phương pháp dạy-học

Nói

Học sinh có thể :

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại trực tiếp về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Sử dụng giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Mô tả về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Phỏng vấn: hỏi-đáp giữa giáo viên- học sinh.

- Thảo luận theo nhóm.

- Hội thoại theo cặp

- Đóng vai theo tình huống.

- Trình bày theo nhóm trước lớp.

Nghe

Học sinh có thể :

- Nghe hiểu những điểm chính về các đề tài quen thuộc hằng ngay.

- Hiểu rõ những điểm chính trong một cuộc thảo luận .

- Hiểu những thông tin về kỹ thuật đơn giản như cách vận hành cách làm theo các chỉ dẫn của các vật dụng đơn giản trong gia đình.

- Nghe nội dung chính của thông tin.

- Nghe và điền thông tin.

- Nghe để lấy thông tin chi tiết.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong một bài đọc về những đề tài liên quan đến sở thích cá nhân và có khả năng nhận biết được các ý kiến xoay quanh chủ đề đó.

- Hiểu những thông tin trong một tờ rơi quảng cáo hoặc một bài đọc ngắn liên quan đến sở thích cá nhân.

- Hiểu ý chính trong một bài báo ở tạp chí về những đề tài thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân nói về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

- Đọc hiểu và trả lời câu hỏi về ý chính của chủ đề.

- Đọc lướt để lấy thông tin chính.

- Đọc để lấy thông tin chi tiết.

- Đọc và điền thông tin.

- Đọc và lựa chọn các tiêu đề phù hợp.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về những đề tài quen thuộc.

- Viết bài viết đơn giản về các trải nghiệm cá nhân như về một chuyến đi hoặc mô tả phản ứng cá nhân đối với các trường hợp cụ thể.

- Viết các email, tin nhắn đầy đủ thông tin cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

- Viết từng đoạn văn ngắn.

- Viết văn theo thể loại mô tả.

- Viết e-mail theo các câu hỏi gợi ý

3.5.5. Tài liệu dạy-học

Dựa trên chương trình, giáo viên cần soạn tài liệu bảo đảm chuyển tải được các nội dung của chương trinh. Trong trường hợp giáo viên không thể hoặc không có đủ khả năng biên soạn tài liệu đúng theo nội dung chương trình, giáo viên có thể chọn các giáo trình tương thích với các cấp độ của chương trình. Những giáo trình dưới đây được đề nghị đưa vào sử dụng cho chương trình tiếng Anh thí điểm tăng cường theo từng cập độ tương ứng như Bậc1 lên Bậc 2 là sơ trung cấp (pre-intermediate) và Bậc 2 lên Bậc 3 là trung cấp (intermediate):

Face to Face bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Chris Redston and Gillie Cunningham biên soạn và do NXB Cambridge University Press ấn hành năm 2005, được đề nghị sử dụng vì đây là bộ sách nằm trong danh mục sách dùng để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu với đầy đủ các yếu tố đáp ứng cho từng cấp độ từ Bậc 1 đến Bậc 6.

New Cutting Edge bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Sarah Cunningham, Peter Moore va Jane Comyns Carr biên soạn và do NXB Longman ấn hành năm 2006. Đây cũng là bộ sách nằm trong danh mục sách dùng để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu với đầy đủ các yếu tố đáp ứng cho từng cấp độ từ Bậc 1 đến Bậc 6.

Solutions bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Tim Falla, Paul A Davies và do NXB Oxford University Press ấn hành năm 2007. Bộ sách này được soạn phù hợp với chương trình theo từng cấp độ từ Bậc 1 đến Bậc 6 và đặc biệt là có phần học trực tuyến để phục vụ cho việc tự học của học sinh.

Everyday English for Nursing của tác giả Tony Grice do nhà xuất bản Elsevier ấn hành năm 2004 với 10 đơn vị bài học ngang Bậc 2 của tiếng Anh chuyên ngành điều dưỡng dành cho các điều dưỡng mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất.

English For Nurses của các tác giả David Austin and Tim Crossfield do nhà xuất bản Longman Group Ltd ấn hành năm 1976, với 22 đơn vị bài học Bậc 1 của tiếng Anh chuyên ngành điều dưỡng bao gồm các chủ đề giới thiệu các phần cơ bản trong công việc điều dưỡng cũng như kiến thức phổ thông mà điều dưỡng phải nắm được.

Nursing 1, Sách dành cho người học (Student’s book) của Tony Grice, Oxford English For Careers do Oxford University Press xuất bản năm 2007 gồm các bài phù hợp với Bậc 3 bao gồm cả 4 kỹ năng đi sâu vào các chuyên ngành và công việc của điều dưỡng ở cấp độ phức tạp hơn.

Nursing 2, Sách dành cho người học (Student’s book) của tác giả Tony Grice and James Greenan do nhà xuất bản Oxford University Press 2008 là phần tiếp theo của Nursing 1 với các bài luyện tập cho cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3.5.6. Đội ngũ tham gia chương trình

- Đội ngũ quản lý: Đội ngũ quản lý nhà trường và các chuyên viên phụ trách môn học ở cấp phòng, sở cần tham gia các khóa bồi dưỡng về tổ chức thực hiện chương trình để hổ trợ đội ngũ giáo viên trong quá trình triển khai chương trình.

Đội ngũ giáo viên:

+ Trình độ: giáo viên dạy chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường phải có trình độ đại học chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương cấp độ C1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu) để có thể giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh trên lớp, có kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin và có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

+ Kỹ năng biên soạn tài liệu và giáo trình: Giáo viên tiếng Anh tham gia chương trình cần phải có các kiến thức và kỹ năng cơ bản về biên soạn tài liệu dựa vào chương trình và thay đổi tài liệu cho phù hợp với nhu cầu và trình độ của học sinh.

+ Kỹ năng công nghệ thông tin: Biết kết hợp công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản trong giảng dạy và hướng dẫn học sinh tự học qua chương trình trực tuyến.

+ Bồi dưỡng chuyên môn: Đã qua các lớp bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy dành cho giáo viên tiếng Anh dạy TCCN theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

3.5.7. Cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học

- Số lượng học sinh: Cơ số học sinh tối đa cho một lớp học theo chương trình tiếng Anh tăng cường là 30 học sinh.

- Phòng học được bố trí bàn ghế dễ di chuyển để tạo điều kiện tổ chức các hoạt động theo cặp nhóm thuận lợi. Phòng học phải có các phương tiện kết nối Internet để phục vụ việc dạy-học trực tuyến trong trường hợp sử dụng các giáo trình có phần tài liệu biên soạn trực tuyến.

- Trang thiết bị: Để bảo đảm thực hiện tốt công tác dạy học tiếng Anh theo chương trình thí điểm tăng cường, các cơ sở đào tạo TCCN phải cung cấp đủ những trang thiết bị nghe nói như máy cassette, đĩa, máy tính, màn hình, máy chiếu, và hệ thống âm thanh.

4. ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

Việc đánh giá chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở thu thập minh chứng phục vụ cho đánh giá chương trình đào tạo. Thu thập minh chứng dựa trên nhiều nguồn thông tin và tài liệu khác nhau, ví dụ: xem xét các văn bản, tài liệu liên quan đến chương trình đào tạo (mục tiêu, khung chương trình, đề cương môn học, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và học tập), phỏng vấn cá nhân, phỏng vấn theo nhóm, sử dụng phiếu khảo sát, phiếu góp ý của học sinh cuối khóa học (end-of-course survey), dự giờ (class observation), nhật ký giảng dạy, sử dụng các chuyên gia đánh giá ngoài và theo dõi kết quả học tập của một nhóm học sinh nhất định theo thời gian.

5. TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Tài liệu tiếng Việt

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2012) Kế hoạch triển khai dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo năm 2012 (5169/BGDĐT-KHTC ngày 10 tháng 8 năm 2012).

2. Thủ tướng chính phủ (2008) Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008).

* Tài liệu tiếng Anh

3. Austin, D. and Crossfield, T. (1976) English For Nurses Longman Group Ltd.

4. CEF (2001) Teacher's Guide to the Common European Framework [On-line]. Available: http://www.pearsonlongman.com/ae/cef/cefguide.pdf.

5. Grice, T. (2007) Oxford English For Careers. Nursing 1, Student’s book.Oxford University Press.

6. Grice, T. and Greenan, J. (2008). Oxford English For Careers. Nursing 2, Stude.

7. North, B., Ortega, A. And Sheehan, S. (2010) A Core Inventory for General English. British Council/EAQUALS.

 

CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM

ĐÀO TẠO TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số: 3340/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1.

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1.1.

Sự cần thiết xây dựng chương trình

1.2.

Thời lượng

1.3.

Phạm vi sử dụng chương trình

2.

CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

2.1.

Căn cứ pháp lý

2.2.

Căn cứ lý luận 

2.3.

Căn cứ thực tiễn

2.3.1.

Trình độ đầu vào

2.3.2.

Nhu cầu và mục đích học

2.3.3.

Tình hình dạy-học (Phương pháp, thời lượng, kiểm tra đánh giá, tài liệu dạy-học)

3.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1.

Đối tượng tham gia chương trình

3.2.

Mục tiêu chung của chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường TCCN

3.3.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 1 lên Bậc 2

3.3.1.

Mục tiêu tổng quát

3.3.2.

Mục tiêu cụ thể

3.3.3.

Nội dung

3.3.4.

Kiểm tra và đánh giá

3.3.4.1.

Đánh giá quá trình

3.3.4.2.

Đánh giá cuối kỳ

3.4.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 2 lên Bậc 3

3.4.1.

Mục tiêu tổng quát

3.4.2.

Mục tiêu cụ thể

3.4.3.

Nội dung

3.4.4.

Kiểm tra và đánh giá

3.4.4.1.

Đánh giá quá trình

3.4.4.2.

Đánh giá cuối kỳ

3.5.

Hướng dẫn thực hiện chương trình

3.5.1.

Yêu cầu về đối tượng tham gia

3.5.2.

Điều kiện thực hiện chương trình

3.5.3.

Phạm vi thực hiện

3.5.4.

Phương pháp dạy-học

3.5.4.1.

Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2  

3.5.4.2.

Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3

3.5.5.

Tài liệu dạy-học

3.5.6.

Đội ngũ tham gia chương trình

3.5.7.

Cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học

4.

ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

5.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. GIỚI THIỆUCHƯƠNG TRÌNH

1.1. Sự cần thiết xây dựng chương trình

Trong quá trình toàn cầu hóa, tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ giao tiếp thông dụng nhất đặc biệt hữu ích phục vụ cho việc trao đổi kinh tế, văn hoá… trên toàn thế giới, do đó việc dạy và học tiếng Anh đã và đang được đặc biệt chú trọng ở tất cả các bậc học. Theo thống kê của “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 -2020” tỉ lệ học sinh học ngoại ngữ đã tăng đáng kể từ 76,8% năm 2002 lên 85,4% năm 2003. Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở hầu hết các trường. Riêng tại các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học sinh tham gia học tiếng Anh chiếm 99,4%. Chương trình ngoại ngữ được xây dựng trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với số tiết quy định từ 60 tiết đến 210 tiết tùy theo hệ tuyển và thời gian đào tạo.

Tuy nhiên, chương trình chỉ đáp ứng được một số mục đích cơ bản như trang bị kiến thức ngữ pháp, đọc tài liệu chuyên môn ở cấp độ đơn giản, đáp ứng yêu cầu thi tuyển công chức. Việc giảng dạy môn tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo phần lớn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng không đồng đều, khả năng giao tiếp của học sinh còn rất nhiều hạn chế. Thực trạng này là khá phổ biến đối với các cơ sở đào tạo TCCN. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh TCCN là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Khả năng vận dụng tiếng Anh tốt sẽ giúp học sinh tự tin để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động trong và ngoài nước. Với những lý do nêu trên, điều cần thiết phải làm là biên soạn một chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN cho ngành CNTT dựa trên cơ sở tiếp nối chương trình tiếng Anh ở trung học cơ sở và tiếng Anh trung học phổ thông.

1.2. Thời lượng

Chương trình gồm 2 phần: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thời lượng cho chương trình Bậc 1 lên Bậc 2 là 180 tiết, trong đó 60 tiết học trực tuyến hoặc phi trực tuyến cho tiếng Anh cơ bản và 30 tiết cho tiếng Anh chuyên ngành học tại lớp với sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học của học sinh là 90 tiết.

Thời lượng cho chương trình Bậc 2 lên Bậc là 300 tiết, trong đó 90 tiết học trực tuyến hoặc phi trực tuyến cho tiếng Anh cơ bản và 60 tiết cho tiếng Anh chuyên ngành học tại lớp với sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học của học sinh là 150 tiết.

1.3. Phạm vi sử dụng chương trình

Chương trình được dùng cho việc quản lý giảng dạy và học tập tiếng Anh tăng cường ở các cơ sở đào tạo TCCN; biên soạn tài liệu hướng dẫn chương trình; biên soạn, lựa chọn học liệu dạy và học tiếng Anh (giáo trình, sách bài tập, sách hướng dẫn giáo viên, tài liệu tham khảo và tài liệu điện tử...), định hướng phương pháp dạy học tiếng Anh tăng cường ở các cơ sở đào tạo TCCN; đánh giá kết quả học tập của học sinh; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

2. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

2.1. Căn cứ pháp lý

Theo “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (ĐANNQG 2020), việc dạy-học ngoại ngữ ở các cơ sở đào tạo TCCN được quy định như sau:

“Trình độ ngoại ngữ chung của học sinh sau khi tốt nghiệp cơ sở đào tạo TCCN đạt Bậc 3. Các cơ sở đào tạo cần tiến hành dạy học ngoại ngữ theo nhiều chương trình và thời lượng khác nhau nhằm đáp ứng trình độ đầu vào khác nhau. Các trường cần kiểm tra trắc nghiệm về năng lực ngoại ngữ của học sinh nhập học để sắp xếp chương trình theo học các chương trình ngoại ngữ phù hợp. Tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các cơ sở đào tạo TCCN có thể xây dựng và tiến hành chương trình dạy và học ngoại ngữ đối với học sinh nhập học có trình độ đầu vào là Bậc 3 để đạt được bậc cao hơn nữa” (trang 29-30).

ĐANNQG 2020 cũng nêu rõ trong phần mục tiêu cụ thể: “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 10% số lượng học sinh dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp vào năm học 2010 - 2011, 60% vào năm 2015 - 2016 và đạt 100% vào năm học 2019 - 2020”.

Theo “Kế hoạch triển khai dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo năm 2012”, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế được ĐANNQG 2020 giao nhiệm vụ biên soạn chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN cho 3 ngành Điều dưỡng, Công nghệ thông tin (CNTT) và Du lịch.

2.2. Căn cứ lý luận

Chương trình được biên soạn dựa trên các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc lấy việc học làm trung tâm (learning-centred): Theo phương pháp lấy việc học làm trung tâm (learning-centred approach), học tập không còn là một quá trình tiếp thu kiến thức thụ động từ người dạy, mà đó là quá trình tương tác tích cực giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau. Học sinh chủ động khám phá và lĩnh hội kiến thức qua quá trình thực hành (learning by doing). Nguyên tắc này đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung chương trình và nhu cầu của người học, phát huy kỹ năng giải quyết vấn đề, suy nghĩ phản biện của người học.

Nguyên tắc lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành với tiếng Anh cơ bản: Đảm bảo học sinh vừa đạt trình độ chung theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam vừa thấy được lợi ích của việc học tiếng Anh qua việc lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành vào chương trình.

Nguyên tắc bảo đảm tính tích cực chủ động của học sinh: Đảm bảo việc phát huy thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh đồng thời cung cấp cho học sinh những trải nghiệm học tập tích cực nhằm mục đích đáp ứng mục tiêu của chương trình.

Nguyên tắc phát triển đồng đều các kỹ năng nhưng có trọng điểm: Đảm bảo phát triển hài hòa bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và trình độ thực của học sinh, có thể chú trọng nhiều hơn đến một hay hai kỹ năng mà học sinh còn yếu hay thiếu nhưng vẫn không bỏ quên các kỹ năng còn lại.

Nguyên tắc chuỗi hệ thống chủ điểm và chủ đề: Đảm bảo chương trình được thực hiện thông qua chuỗi hệ thống chủ điểm và chủ đề có liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa và phù hợp.

Nguyên tắc linh hoạt và mềm dẻo: Đảm bảo tính linh hoạt và mềm dẻo của chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học tiếng Anh khác nhau trong bối cảnh có sự phân hóa trình độ đầu vào của học sinh TCCN. Học sinh có trình độ đầu vào khác nhau có thể chọn lựa chương trình phù hợp với trình độ của mình.

Nguyên tắc bảo đảm kết quả đầu ra: Đảm bảo sau khi học xong chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN, học sinh sẽ đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương với cấp độ B1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu), theo quy định của ĐANNQG 2020.

2.3. Căn cứ thực tiễn

Chương trình được xây dựng dựa vào kết quả khảo sát việc dạy và học tiếng Anh ngành CNTT ở các cơ sở đào tạo TCCN, đồng thời dựa trên đặc điểm học sinh TCCN, năng lực tiếng Anh đầu vào và bản chất việc làm của học sinh tốt nghiệp ngành CNTT.

2.3.1. Trình độ đầu vào

Kết quả khảo sát phần tự đánh giá của học sinh về trình độ tiếng Anh, đánh giá của giáo viên về trình độ đầu vào của học sinh, và số liệu thu thập dựa vào bài kiểm tra trình độ học sinh cho thấy: trình độ tiếng Anh của học sinh đang ở Bậc 1 (63,3%) hoặc Bậc 2 (33,3%), chỉ có 13,3% học sinh đạt kết quả trên Bậc 2.

2.3.2. Nhu cầu và mục đích học

Do bản chất việc làm sau khi tốt nghiệp của học sinh TCCN ngành CNTT có liên quan nhiều đến việc sử dụng tiếng Anh để làm việc với các công cụ, phần mềm máy tính; do nhu cầu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở, công ty nước ngoài, tham gia vào thị trường lao động ngành CNTT trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng, nên học sinh ngành này có động cơ cao khi tham gia học môn tiếng Anh.

Kết quả khảo sát của ngành CNTT cho thấy:

- Tiếng Anh có thể khiến học sinh dễ tìm việc hơn khi ra trường (50%).

- Học sinh học tiếng Anh vì nhu cầu giao tiếp (30%).

- Vượt qua kỳ thi là mục tiêu cuối cùng đối với môn tiếng Anh (16,54%).

- Học sinh TCCN ngành CNTT mong muốn được phát triển đồng đều cả 4 kỹ năng ngôn ngữ trong quá trình học tiếng Anh.

2.3.3. Tình hình dạy-học (Phương pháp, thời lượng, kiểm tra đánh giá, tài liệu dạy-học)

Theo kết quả khảo sát, những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng giờ học bao gồm:

- Trình độ của người học thấp và không đồng đều (57,11%).

- Ý thức của người học đối với môn học này vẫn chưa cao (54,89%).

- Sĩ số trung bình mỗi lớp quá đông (33,83%).

- Phương tiện học tập ngoại ngữ chưa đầy đủ (23,31%).

- Phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thật sự hấp dẫn và lôi cuốn đối với học sinh (22,56%).

- Phần đông học sinh tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm và yêu thích đối với các hoạt động mang tính giao tiếp cao (65% thích hoạt động nhóm, 60% thích hoạt động cặp, 50% thích hoạt động trên phạm vi cả lớp, 9% thích các hoạt động cá nhân).

- Hình thức kiểm tra có tác động đến động lực, thái độ và không khí học tập của học sinh trên lớp. Các bài kiểm tra định kỳ lẫn các hình thức đánh giá liên tục đều chưa chú trọng nhiều đến kỹ năng mà còn nặng về phần kiến thức.

- Giáo trình sử dụng: English Know How 1 của Nhà xuất bản Oxford, xuất bản năm 2003. Để đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cũng như khả năng tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp thì với giáo trình English Know How 1 trong thời lượng 60 tiết thì không thể đạt được mục tiêu.

3. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1. Đối tượng tham gia chương trình

Đối tượng của chương trình là những học sinh đã học xong chương trình tiếng Anh cơ bản theo khung chương trình quy định ở bậc TCCN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhưng trình độ ngoại ngữ vẫn chưa đạt Bậc 3 theo yêu cầu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

Do có sự phân hóa trình độ cao đối với học sinh TCCN nên những học sinh đã hoàn thành Bậc 1 thì tham gia học chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2. Những học sinh đã đạt Bậc 2 thì tham gia học chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3.

3.2. Mục tiêu chung của chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường TCCN

Theo quy định của ĐANNQG 2020, học sinh TCCN sau khi tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương với cấp độ B1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu). Học sinh có năng lực sử dụng khoảng 2000 từ vựng chuyên ngành CNTT vào công việc chuyên môn của mình.

3.3. Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 1 lên Bậc 2

3.3.1. Mục tiêu tổng quát

- Học sinh có thể hiểu câu và các cụm từ thông thường trong các chủ đề quen thuộc.

- Học sinh có thể giao tiếp ở cấp độ đơn giản, thực hiện các yêu cầu cơ bản và nắm bắt được thông tin khi giao tiếp trong các bối cảnh quen thuộc.

- Học sinh có thể dùng từ vựng đơn giản để miêu tả lý lịch cá nhân, bối cảnh trực tiếp hay những chủ đề về các nhu cầu cấp bách.

3.3.2. Mục tiêu cụ thể

Kỹ năng nói, học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ: hỏi và đáp về thời gian và nơi tổ chức buổi tiệc, những ai có mặt và chuyện gì đã xảy ra ở đó.

- Mời và chấp nhận hoặc từ chối lời mời một cách lịch sự.

- Xin lỗi và nhận lời xin lỗi.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Nêu lý do và giải thích các ý kiến hoặc kế hoạch cá nhân.

Kỹ năng nghe, học sinh có thể:

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hàng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng, có gợi ý.

- Hiểu được các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu được các bản tin ngắn gọn, đơn giản ở sân bay và nhà ga xe lửa.

- Hiểu được các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết.

Kỹ năng đọc, học sinh có thể:

- Hiểu được các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, tờ rơi, trang web, catalogues, thời gian biểu …

- Hiểu được các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản nếu biết đôi chút về chủ đề đó.

- Hiểu được các thông điệp đơn giản từ bạn bè.

Kỹ năng viết, học sinh có thể:

- Viết về những chủ đề đơn giản, quen thuộc.

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ: viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn.

- Viết thư/lời nhắn/bưu thiếp cho bạn bè để thông báo các tin tức cá nhân hoặc hỏi thăm.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ.

Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả bản thân, gia đình và mọi người chung quanh.

- Mô tả nền tảng giáo dục cá nhân, công việc trước đây và hiện tại.

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả thành phố quê hương, nơi bản thân đang sinh sống.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

3.3.3. Nội dung

Nội dung được thiết kế để thực hiện việc dạy kết hợp giữa tiếng Anh cơ bản quy định cho Bậc 2 [7] và phần kiến thức chuyên ngành dành cho ngành Công nghệ thông tin [8] theo hướng thực hành nghề nghiệp.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CƠ BẢN BẬC 1 LÊN BẬC 2

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Home and Family

Reading for general information

Listening for gist

Desrcibing things, rooms in a house.

Describing family relationship.

There is/are …

…has/have got …

Simple present tense

Furnitures, rooms in a house, family tree

 

Hobbies and leisure activities

Interviewing

Speaking on the phone

Reading for general information

Describing habits and routines

Describing outdoor and indoor activities

Expressing personal opinions about entertainment

Present Simple

Adverbs of frequency

Prepositional phrases (place, time and movement)

Sports

Films

Books

Shopping

Reading for details

Speaking

Describing places, things

Request

Suggestion

Articles-with uncountable and countable nouns

Much-many

Any-some

Verb-ing

Food and drink

Things in the town, shops and shopping

People and places

Reading for general information

Sentence writing

Describing places, people

Describing past experiences

Comparatives and superlatives with adjectives

Using definite articles

Future time (will and going to)

Present continuous for future

Travel and services

Means of transports

Tickets

Hotels

Work and jobs

Listening for general information

Speaking-interviewing

Obligation and necessity

Describing duties

Modal verbs-have to, must, should

Phrasal verbs

Verbs +to infinitive

Adjectives of personality

Work place

Jobs

Qualifications

School life

Listening for details

Speaking

Reading for details

Describing past experience and events.

Expressing feelings

Past simple

Wh-question in past

Modal verbs-can could

School and college’s subjects

Types of examination

Methods of learning

Foods and drinks

Listening for gist.

Speaking

Sentence writing

Describing food and drink.

Ordering and taking orders

Countable and uncountable nouns.

Modal verbs

Would like + to-infinitive

Foods and drinks

Menu

The world around us

Reading for general information

Paragraph writing

Describing surroundings, animal life.

Expressing ability

Can and can’t for ability

Use of articles

Present perfect simple

Time phrases with present perfect and past simple

Animals and natural features.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH BẬC 1 LÊN BẬC 2

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Working in the IT industry

Speaking – Exchanging information.

Listening for specific information.

Writing simple job descriptions

Introducing yourself and others

Describing your job

Describing your daily routine and times

 Present simple of To be

Personal questions

Schedules

Introductions

Jobs

Routines

Times

Acronyms

Computer systems

Reading for specific information

Speaking – Exchanging technical information

Sentence writing

Describing computer hardware/software

Making comparisons

Present simple of to have

Comparatives

Superlatives

Computer hardware

Computer software

Computer Usage

Talking about ability and necessity

Talking about obligations

Writing simple emails

 Describing tasks

Understanding computer usage

Presentcontinuous

Must/mustn’t

Can/can’t

Don’t have to

Computer tasks

Computer usage

Websites

Talking about your favourite websites

Reading for gist

Listening for main ideas

Writing guided sentences

Discussing the purpose of websites

Describing steps of a process

Describing your likes and dislikes

Question words

Time words for sequence (first, next, then, after that ...)

Purpose of websites

Website analytics tools

Functions/Features of a website

Adjectives

Databases

Reading for specific information

Sentence writing

Describing data processing steps

Talking about data storage and devices

Asking for and giving advice

Polite requests (Can/Could/Would you ..., please?)

Quick questions to check understanding (Ok?/Got that?/All right? ...)

Prepositions of time and place/position

Entering a database

Data processing steps

Data storage and back-up solutions

Network systems

Speaking

Reading for general ideas

Listening for gist

Describing networks

Making recommendations and suggestions

Linking words for giving reasons

Past simple

Why don’t you ...?

Types of network system

Network hardware

Problems with hardware

IT support

Talking about results of an action

Writing short service reports

Explaining the use of thing

Describing functions

Dealing with problems

Present perfect

Use/used for + v-ing

Use/used to +verb

Computer hardware

Possible solutions

Careers in computing

Reading for specific details

Writing with guided information

Talking about duties

Describing job activities

Describing job requirements

Modal verbs

Simple present tense

System analyst, technical sale manager, hardware engineer, software designer

3.3.4. Kiểm tra và đánh giá

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi về sự tiến bộ và kết quả học tập học sinh đạt được trong quá trình học cũng như thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cần bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của chương trình, dựa trên mục tiêu đã đặt ra cho bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3.3.4.1. Đánh giá quá trình

Mục tiêu của đánh giá quá trình là giúp cho giáo viên cũng như học sinh theo dõi được sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đặt ra. Bài đánh giá quá trình được thiết kế dưới các thể loại bài tập để kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong đó, kỹ năng nói được thể hiện dưới dạng phỏng vấn hoặc đối thoại theo cặp hoặc trình bày nhóm trước lớp. Các nội dung chuyên ngành không đưa vào đánh giá cuối kỳ mà sẽ đưa vào đánh giá quá trình với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và từ vựng.

3.3.4.2. Đánh giá cuối kỳ

Việc đánh giá cuối kỳ, thực hiện tại thời điểm cuối học kỳ hoặc cuối năm học sẽ giúp đánh giá mức độ đạt được cuối cùng của các mục tiêu cụ thể của chương trình. Đánh giá cuối kỳ được thực hiện để kiểm tra 4 kỹ năng dựa trên tiêu chí về năng lực đầu ra làm cơ sở cho các quyết định đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Các hình thức kiểm tra căn cứ chủ yếu vào các dạng thức đề thi theo quy định của ĐANNQG 2020.

Hoạt động đánh giá cuối kỳ cho chương trình[9] bao gồm:

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động đánh giá

Nói

Học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương, đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Học sinh tham gia phỏng vấn với giáo viên.

- Thảo luận theo cặp.

Nghe

Học sinh có thể:

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu được các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu được các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết …

- Nghe và chọn 1 trong 3 phương án với hình ảnh.

- Nghe đối thoại dài và lựa chọn cho phù hợp với 8 câu gợi ý.

- Nghe đối thoại dài và lựa chọn với 3 phương án.

- Nghe đối thoại dài và điền vào chỗ trống.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu được các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, thời gian biểu, trang web, …

- Hiểu được các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản nếu biết đôi chút về chủ đề đó.

- Hiểu được các thông điệp đơn giản từ bạn bè qua tin nhắn, thư điện tử, bưu ảnh...

- Đọc và lựa chọn với 8 bảng thông báo.

- Đọc và nhận dạng từ vựng qua 3 phương án.

- Đọc và chọn lựa lời đáp phù hợp cho hội thoại.

- Đọc lấy thông tin chi tiết với 3 lựa chọn

- Đọc và nhận biết những từ, cụm từ và cấu trúc phù hợp qua 3 phương án.

3.4. Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 2 lên Bậc 3

3.4.1. Mục tiêu tổng quát

- Học sinh có thể hiểu những ý chính trong ngôn ngữ thông qua các chủ đề quen thuộc.  thường gặp trong công việc, ở trường học hay khu vui chơi.

- Học sinh có thể thực hiện được các tình huống giao tiếp cũng như khả năng giải quyết các tình huống nảy sinh trong công việc.

- Học sinh có thể viết về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hoặc các vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân, nghề nghiệp, công việc.

- Học sinh có thể miêu tả các sự kiện, các lễ hội, phong tục tập quán của một số vùng miền trong nước và một số vùng trên thế giới.

3.4.2. Mục tiêu cụ thể

Kỹ năng nói, học sinh có thể:

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Mô tả về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

Kỹ năng nghe, học sinh có thể:

- Hiểu những ý chính của ngôn ngữ chuẩn mực về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những ý chính trong các cuộc thảo luận về các đề tài thường gặp.

- Hiểu những thông tin đơn giản về kỹ thuật như cách vận hành, sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình.

Kỹ năng đọc, học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong các bài đọc liên quan đến sở thích cá nhân, các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày.

- Hiểu thông tin trong các tờ rơi quảng cáo, các bài đọc ngắn liên quan đến công việc.

- Hiểu ý chính các bài báo trong tạp chí về những vấn đề thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

Kỹ năng viết, học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về các chủ đề quen thuộc.

- Viết những bài viết đơn giản về các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân qua các chuyến đi.

- Viết thư điện tử, tin nhắn ngắn gọn cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

3.4.3. Nội dung

Nội dung được thiết kế để thực hiện việc dạy kết hợp giữa tiếng Anh cơ bản quy định cho Bậc 3 [10] và phần kiến thức chuyên ngành dành cho ngành CNTT [11] theo hướng thực hành nghề nghiệp.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CƠ BẢN BẬC 2 LÊN BẬC 3

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Education

Speaking

Listening for details

Reading for gist

Describing subjects

Describing school life, rules and regulations

Past tense

Past continuous

Modals: mustn’t/ can’t

Comparatives and superlatives

Learning facilities

Systems of education

Qualifications

News

Listening for gist

Reading for specific information

Paragraph writing

Initiating and closing conversation

Describing means of communication

Giving and responding to reports

Intensifiers such as too, enough

Complex tag questions

Passive voices

Phrasal verbs

Types of communication

Newspaper

Magazine

Report

Films

Listening for general information

Speaking

Reading for main ideas

Describing feelings and emotions

Expressing opinions, language of narrative description

Modals

Past perfect

Past simple

Types of films

Characters

Events

Books and literature

Reading and identifying lexical items

Speaking

Checking understanding

Describing experience and events

Connecting words

Phrasal verbs

Passive voices

Kinds of books, novels

Characters

Time off

Listening for specific information

Speaking

Expressing intentions and wishes

Making predictions

Going to, planning to, would like to, would rather.

Will/won’t

Holidays, leisure activities

Ambitions and dreams

Reading for specific information

Speaking - interviewing

Expressing ambitions and dreams

Present perfect and past simple with for and with other time words

Ambitions, achievements, dreams

Take care!

Reading comprehension-Identifying main points

Short paragraph writing

Expressing past habits.

Asking for and Giving advice.

Used to, would.

Should/ shouldn’t

Relative pronouns

Health and accidents

Lifestyle, current affairs

Reading for specific information

Identifying main points

Speaking

Listening for general information

Describing feelings and emotions

Describing places

Managing interaction (Interupting, changing topic, resuming or continuing)

Present perfect

Simple and continuous Future continuous

Conditional 1st and 2nd

Adjectives describing characteristics of things, people

Political events

Cutural events

Economic events

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH BẬC 2 LÊN BẬC 3

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Computer users

Speaking – Exchanging information

Reading for specific information

Writing a brief description

Describing computer usage

Noting specific information

Revision of Past Simple and Present Perfect

Jobs

Computer usage

Types and parts of computer

Comparing and contrasting

Exchanging technical information

Speaking

Describing types and parts of computer and their functions

Identifying parts of computer.

Comparison of adjectives and adverbs.

Present simple

Prepositions of place

(in, on, at, ...)

Types and parts of computer

Computer devices

Reading for general information

Reading and identifying structural words

Describing functions

Giving advice

Asking for more information.

An X is used for

An X is used in

You can use an X to

Using an X, you can

Input devices

Output devices

Storage devices

Operating system

Reading for specific information

Gap filling

Rewriting sentences

Speaking

Giving commands

Giving instructions

Predicting

Do this/don’t do that

-ing form as a noun, after prepositions

Application programs, application software, memory, operating system, command, user interface, CPU

Graphical User Interface

Reading diagrams

Speaking

Listening for main ideas

Providing explanations

Describing functions

Making commands

Verb+obj.+inf.

Verb+obj.+to-inf.

Commands

User Interfaces

Application programs

Exchanging information

Writing simple instructions/recommendations

Note-taking

Making recommendations

Instructions

Imperatives

First...then... next... finally...

Instructions

Program types

browsers

 

Multimedia

Reading for specific information

Speaking-interviewing

Sentence writing

Explaining

Describing a process.

-ing clause: Cause and Effect

Linking word: when, and

Download, MP3 files, browser, track, music library, reduce, rip/ripper

The World Wide Web

Scanning for specific details

Listening for specific information

Explaining

Describing

Comparing

Relative pronouns with prepositions (in which, on which)

Passive voice

Adverb clauses of place

Domain names

Web servers

URL

Email Protocols

3.4.4. Kiểm tra và đánh giá

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi về sự tiến bộ và kết quả học tập học sinh đạt được trong quá trình học cũng như thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cần bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của chương trình, dựa trên mục tiêu đã đặt ra trên bốn kỹ năng ngôn ngữ, nghe, nói, đọc, viết.

3.4.4.1. Đánh giá quá trình

Mục tiêu của đánh giá quá trình là giúp cho giáo viên cũng như học sinh theo dõi được sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đặt ra. Bài đánh giá quá trình được thiết kế dưới các thể loại bài tập để kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong đó, kỹ năng nói được thể hiện dưới dạng phỏng vấn hoặc đối thoại theo cặp hoặc trình bày nhóm trước lớp. Các nội dung chuyên ngành có thể không đưa vào đánh giá cuối kỳ mà sẽ đưa vào đánh giá quá trình với các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và từ vựng.

3.4.4.2. Đánh giá cuối kỳ

Việc đánh giá cuối kỳ, thực hiện tại thời điểm cuối học kỳ hoặc cuối năm học sẽ giúp đánh giá mức độ đạt được cuối cùng của các mục tiêu cụ thể của chương trình. Đánh giá cuối kỳ được thực hiện để kiểm tra 4 kỹ năng dựa trên tiêu chí về năng lực đầu ra làm cơ sở cho các quyết định đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Các hình thức kiểm tra đánh giá cuối kỳ có thể căn cứ vào các dạng thức đề thi theo quy định của ĐANNQG 2020.

Hoạt động đánh giá cuối kỳ cho chương trình [12] thường bao gồm:

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động đánh giá

Nói

Học sinh có thể :

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Nói về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Người học tham dự cuộc phỏng vấn trực tiếp với giáo viên.

- Trình bày cá nhân về một chủ điểm.

- Thảo luận theo cặp.

- Hỏi và trả lời những câu hỏi chuyên sâu của chủ đề.

Nghe

Học sinh có thể :

- Hiểu những ý chính của ngôn ngữ chuẩn mực về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những ý chính trong các cuộc thảo luận về các đề tài thường gặp.

- Hiểu những thông tin đơn giản về kỹ thuật như cách vận hành, sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình.

- Kiểm tra nghe dưới nhiều dạng bài kiểm tra như: hình thức trắc nghiệm, điền từ, trả lời đúng sai, lựa chọn câu trả lời phù hợp.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong các bài đọc liên quan đến sở thích cá nhân, các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày.

- Hiểu những thông tin trong các tờ rơi quảng cáo hoặc các bài đọc ngắn liên quan đến công việc.

- Hiểu ý chính của bài báo trong tạp chí về những vấn đề thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

- Kiểm tra đọc hiểu dưới nhiều dạng như: bài tập trắc nghiệm với 3 khả năng lựa chọn, bài tập chọn câu trả lời tương thích, trả lời đúng sai, trắc nghiệm với 4 lựa chọn trong bài tập điền từ.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về những chủ đề quen thuộc.

- Viết những bài viết đơn giản về các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân qua các chuyến đi.

- Viết các thư điện tử, tin nhắn ngắn gọn cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

- Viết một đoạn văn ngắn.

- Viết thư điện tử.

- Viết câu chuyện ngắn về các chủ đề quen thuộc.

3.5. Hướng dẫn thực hiện chương trình

3.5.1. Yêu cầu về đối tượng tham gia

Học sinh tham gia chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2 hoặc Bậc 2 lên Bậc 3 phải tham dự một bài kiểm tra đầu vào xếp trình độ (placement test). Học sinh đạt kết quả kiểm tra đầu vào tương đương Bậc 1 sẽ tham gia chương trình thí điểm tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2. Học sinh đạt kết quả kiểm tra đầu vào tương đương Bậc 2 sẽ tham gia chương trình thí diểm tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3.

3.5.2. Điều kiện thực hiện chương trình

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 được xây dựng bám sát theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và được thực hiện thông qua 2 hình thức phi trực tuyến và trực tuyến.

Hình thức phi trực tuyến:

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2 có thời lượng đề nghị là 180 tiết, trong đó học sinh học tại lớp là 90 tiết và tự học với sự hướng dẫn của giáo viên là 90 tiết. Chương trình học tại lớp 90 tiết (thời gian mỗi tiết là 45 phút) gồm 2 nội dung được đề nghị như sau: tiếng Anh cơ bản (8 chủ đề) dạy trong 60 tiết và tiếng Anh chuyên ngành (5 chủ đề được lựa chọn trong 8 chủ đề đưa ra) dạy trong 30 tiết.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3 có thời lượng đề nghị là 300 tiết, trong đó học sinh học tại lớp là 150 tiết và tự học với sự hướng dẫn của giáo viên là 150 tiết. Chương trình học tại lớp 150 tiết cũng gồm 2 nội dung như sau: tiếng Anh cơ bản (8 chủ đề) dạy trong 90 tiết và tiếng Anh chuyên ngành (6 chủ đề được lựa chọn trong 8 chủ đề đưa ra) với số tiết dạy là 60.

Hình thức trực tuyến:

Cả 2 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 được thực hiện thông qua các tài khoản trực tuyến được gửi trực tiếp đến cho học sinh. Học sinh phải tự sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các hoạt động của khóa học trực tuyến (online). Giáo viên cần sắp xếp các buổi gặp mặt trực tiếp (off-line) để giải đáp các thắc mắc của học sinh và hướng dẫn thêm nếu cần thiết.

3.5.3. Phạm vi thực hiện

Chương trình này được áp dụng cho tất cả các cơ sở đào tạo TCCN trong toàn quốc có đầy đủ điều kiện tổ chức thực hiện, đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý.

3.5.4. Phương pháp dạy-học

Tự học có hướng dẫn (Guided Independent Learning/Study - GIL/GIS):

Để giúp học sinh tự học, giáo viên cần hướng dẫn học sinh:

- Xác định lĩnh vực kiến thức hay kỹ năng trong hoặc ngoài chương trình chính thức mình cần phải nâng cao hay quan tâm học hỏi. Ví dụ: học sinh quan tâm đến chuyên ngành có thể muốn học thêm từ vựng có liên quan về hệ điều hành (operating systems) hay nâng cao kiến thức về chủ đề này thông qua đọc các bài báo bằng tiếng Anh.

- Xác định mục tiêu mình cần đạt đối với kiến thức và kỹ năng đã được chọn. Ví dụ: học sinh quan tâm mở rộng kiến thức về hệ điều hành có thể đặt mục tiêu hiểu chi tiết các bài báo mình đọc (reading for details).

- Lập kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ: với mục đích đọc hiểu chi tiết bài báo về hệ điều hành, mỗi tuần học sinh tìm một bài báo, đọc và viết tóm tắt lại những chi tiết mình quan tâm.

- Hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch. Ví dụ: giúp học sinh tìm nguồn tài liệu trên internet hay giải quyết các khó khăn về đọc hiểu mà học sinh gặp phải.

- Hướng dẫn học sinh tự đánh giá mức độ đạt được và tổ chức cho học sinh đánh giá kết quả lẫn nhau. Ví dụ: có thể tổ chức buổi trình bày kết quả tự học, để học sinh có cơ hội đánh giá và học hỏi lẫn nhau về các kỹ năng tự học.

Phương pháp dạy học tích hợp ngôn ngữ và chuyên ngành (Content and Language Integrated Learning - CLIL):

Đối với khối kiến thức chuyên ngành, giáo viên cần khai thác phương pháp tích hợp ngôn ngữ và chuyên ngành thông qua:

- Chọn lựa tài liệu tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với chủ đề của chương trình và biên soạn tài liệu trên cơ sở hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức chuyên ngành.

- Khai thác nội dung ngôn ngữ bằng cách biên soạn bổ sung các hoạt động nâng cao ý thức ngôn ngữ hay thủ đắc ngôn ngữ bên cạnh nội dung chuyên ngành.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN được thiết kế với 2 nội dung: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành, trong đó tiếng Anh cơ bản được đưa vào giai đoạn 1 và tiếng Anh chuyên ngành được đưa vào giai đoạn 2 với phương pháp dạy học tích hợp năng lực ngôn ngữ với chuyên môn nghề nghiệp (CLIL).

Để đạt được các mục tiêu cụ thể, giáo viên tham gia chương trình cần vận dụng linh hoạt các hoạt động dạy-học theo phương pháp giao tiếp kết hợp cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3.5.4.1. Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động dạy-học

Nói

Học sinh có thể :

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương, đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão. Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Nêu lý do và giải thích các ý kiến, kế hoạch cá nhân.

- Hỏi và trả lời giữa giáo viên và học sinh.

- Hội thoại theo cặp.

- Thảo luận theo nhóm.

- Phỏng vấn.

- Đóng vai theo hội thoại.

Nghe

Học sinh có thể :

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết …

- Nghe hiểu những ý chính của thông tin.

- Nghe những cuộc nói chuyện qua điện thoại.

- Nghe để nắm rõ các chi tiết của thông tin.

 

Đọc hiểu

Học sinh có thể :

- Hiểu các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, thời gian biểu, trang web.

- Hiểu các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản.

- Hiểu các thông điệp đơn giản từ bạn bè qua tin nhắn, thư điện tử, bưu ảnh...

- Đọc lướt để lấy thông tin chính.

- Đọc để lấy các thông tin chi tiết.

- Thảo luận theo cặp để trả lời các câu hỏi về nội dung của thông tin.

- Thảo luận theo nhóm và trình bày trước lớp về nội dung thông tin đọc được.

Viết

Học sinh có thể :

- Viết thư cá nhân mô tả kinh nghiệm, cảm tưởng về một sự việc nào đó.

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

- Viết về các dự định và kế hoạch trong tương lai.

- Viết thư dưới dạng điền thông tin.

- Viết bản tóm tắt một sự kiện đã xảy ra.

- Viết đoạn văn theo từ gợi ý.

3.5.4.2. Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường hệ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Phương pháp dạy-học

Nói

Học sinh có thể :

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại trực tiếp về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Sử dụng giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Mô tả về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Phỏng vấn: hỏi-đáp giữa giáo viên- học sinh.

- Thảo luận theo nhóm.

- Hội thoại theo cặp

- Đóng vai theo tình huống.

- Trình bày theo nhóm trước lớp.

 

Nghe

Học sinh có thể :

- Nghe hiểu những điểm chính về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những điểm chính trong một cuộc thảo luận.

- Hiểu những thông tin về kỹ thuật đơn giản như cách vận hành cách làm theo các chỉ dẫn của các vật dụng đơn giản trong gia đình.

- Nghe nội dung chính của thông tin.

- Nghe và điền thông tin.

- Nghe để lấy thông tin chi tiết.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong một bài đọc về những đề tài liên quan đến sở thích cá nhân và có khả năng nhận biết được các ý kiến xoay quanh chủ đề đó.

- Hiểu những thông tin trong một tờ rơi quảng cáo hoặc một bài đọc ngắn liên quan đến sở thích cá nhân.

- Hiểu ý chính trong một bài báo ở tạp chí về những đề tài thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân nói về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

- Đọc hiểu và trả lời câu hỏi về ý chính của chủ đề.

- Đọc lướt để lấy thông tin chính.

- Đọc để lấy thông tin chi tiết.

- Đọc và điền thông tin.

- Đọc và lựa chọn các tiêu đề phù hợp.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về các đề tài quen thuộc.

- Viết bài viết đơn giản về các trải nghiệm cá nhân như về một chuyến đi hoặc mô tả phản ứng cá nhân đối với các trường hợp cụ thể.

- Viết các email, tin nhắn đầy đủ thông tin cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

-Viết từng đoạn văn ngắn.

- Viết văn theo thể loại mô tả.

- Viết e-mail theo các câu hỏi gợi ý.

3.5.5. Tài liệu dạy-học

Dựa trên chương trình, giáo viên cần soạn tài liệu bảo đảm chuyển tải được các nội dung của chương trinh. Trong trường hợp giáo viên không thể hoặc không có đủ khả năng biên soạn tài liệu đúng theo nội dung chương trình, giáo viên có thể chọn các giáo trình tương thích với các cấp độ của chương trình. Những giáo trình dưới đây được đề nghị đưa vào sử dụng cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường theo từng cấp độ tương ứng như Bậc 1 lên Bậc 2 là sơ cấp (elementary) và Bậc 2 lên Bậc 3 là sơ trung cấp (pre-intermediate):

Face to Face bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Chris Redston và Gillie Cunningham biên soạn và do NXB Cambridge University Press ấn hành năm 2005, được đề nghị sử dụng vì đây là bộ sách nằm trong danh mục sách dùng để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ với đầy đủ các yếu tố đáp ứng cho từng cấp độ từ Bậc 1 lên Bậc 6.

New Cutting Egde bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Sarah Cunningham, Peter Moor và Jane Comyns Carr biên soạn và do NXB Longman ấn hành năm 2006. Đây là bộ sách nằm trong danh mục sách dùng để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ với đầy đủ các yếu tố đáp ứng cho từng cấp độ từ Bậc 1 lên Bậc 6.

Solutions bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Tim Falla, Paul A Davies và do NXB Oxford University Press ấn hành năm 2007. Bộ sách này được soạn phù hợp với chương trình theo từng cấp độ từ Bậc 1 lên Bậc 6 và đặc biệt là có phần học trực tuyến để phục vụ cho việc tự học của học sinh.

English for Information Technology 1English for Information Technology 2 trong bộ sách Vocational English của tác giả Maja Olejniczak, do nhà xuất bản Peason-Longman ấn hành năm 2011. Đây là bộ sách tiếng Anh chuyên ngành công nghệ thông tin được biên soạn theo chuẩn năng lực ngoại ngữ, từ Bậc 1 lên Bậc 3, phù hợp với trình độ đầu vào của học sinh TCCN.

Basic English for Computing của các tác giả Eric H. Glendinning và John McEvan do nhà xuất bản Oxford University Press tái bản năm 2003 gồm các bài có nội dung chuyên ngành CNTT cơ bản phù hợp với trình độ ngoại ngữ Bậc 2, phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói đọc, viết.

Oxford English for Information Technology của các tác giả Eric H. Glendinning và John McEvan do nhà xuất bản Oxford University Press tái bản năm 2010 gồm các bài có nội dung chuyên ngành CNTT phù hợp với Bậc 3, phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói đọc, viết.

3.5.6. Đội ngũ tham gia chương trình

Đội ngũ quản lý: Đội ngũ quản lý nhà trường và các chuyên viên phụ trách môn học ở cấp phòng, sở cần tham gia các khóa bồi dưỡng về tổ chức thực hiện chương trình để hổ trợ đội ngũ giáo viên trong quá trình triển khai chương trình.

Đội ngũ giáo viên:

+ Trình độ: giáo viên dạy chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường phải có trình độ đại học chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương dương cấp độ C1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu) để có thể giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh trên lớp, có kiến thức chuyên môn về CNTT và có khả năng ứng dụng CNTT trong dạy học.

+ Kỹ năng biên soạn tài liệu và giáo trình: Giáo viên tiếng Anh tham gia chương trình cần phải có các kiến thức và kỹ năng cơ bản về biên soạn tài liệu dựa vào chương trình và thay đổi tài liệu cho phù hợp với nhu cầu và trình độ của học sinh.

+ Kỹ năng CNTT: Biết kết hợp CNTT ở mức độ cơ bản trong giảng dạy và hướng dẫn học sinh tự học qua chương trình trực tuyến.

+ Bồi dưỡng chuyên môn: Đã kinh qua các lớp bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy dành cho giáo viên TCCN theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

3.5.7. Cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học

Đối với hình thức phi trực tuyến:

- Số lượng học sinh: Cơ số học sinh tối đa cho một lớp học theo chương trình tiếng Anh tăng cường là 30 học sinh.

- Phòng học được bố trí bàn ghế dễ di chuyển để tạo điều kiện tổ chức các hoạt động theo cặp nhóm thuận lợi.

- Trang thiết bị: Để bảo đảm thực hiện tốt công tác dạy học tiếng Anh theo chương trình thí điểm tăng cường, các cơ sở đào tạo TCCN phải cung cấp đủ những trang thiết bị nghe nói như máy cassette, đĩa, máy tính, màn hình, máy chiếu, và hệ thống âm thanh.

Đối với hình thức trực tuyến:

- Máy tính cá nhân của học sinh phải được kết nối mạng internet. Trong trường hợp học sinh không có máy tính cá nhân thì có thể sử dụng các máy tính được nối mạng ở phòng LAB hoặc thư viện trường.

- Cần có phòng tư vấn trực tiếp với đầy đủ trang thiết bị nghe nhìn hiện đại được kết nối mạng internet đáp ứng được mọi nhu cầu học ngoại ngữ.

4. ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

Việc đánh giá chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở thu thập minh chứng phục vụ cho đánh giá chương trình đào tạo. Thu thập minh chứng dựa trên nhiều nguồn thông tin và tài liệu khác nhau, ví dụ: xem xét các văn bản, tài liệu liên quan đến chương trình đào tạo (mục tiêu, khung chương trình, đề cương môn học, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và học tập), phỏng vấn cá nhân, phỏng vấn theo nhóm, sử dụng phiếu điều tra, phiếu góp ý của học sinh cuối khóa học (end-of-course survey), dự giờ (class observation), nhật ký giảng dạy, sử dụng các chuyên gia đánh giá ngoài và theo dõi kết quả học tập của một nhóm học sinh nhất định theo thời gian.

5. TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Tài liệu tiếng Việt

1. Thủ tướng chính phủ (2008), Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008).

2. Bộ giáo dục và đào tạo (2012) Kế hoạch triển khai dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo năm 2012 (5169/BGDĐT-KHTC ngày 10 tháng 8 năm 2012).

* Tài liệu tiếng Anh

3. CEF (2001) Teacher's Guide to the Common European Framework [On-line]. Available: http://www.pearsonlongman.com/ae/cef/cefguide.pdf.

4. Glendinning, E. H. & McEvan, J. (2003). Basic English for Computing. Oxford University Press.

5. Glendinning, E. H. & McEvan, J. (2010). Oxford English for Information Technology. Oxford University Press.

6. North, B., Ortega, A. and Sheehan, S. (2010) A Core Inventory for General English. British Council/EAQUALS.

7. Olejniczak, Maja (2011) English for Information Technology 1, Peason, Longman.

8. Olejniczak, Maja (2011) English for Information Technology 2, Peason, Longman.

 

CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM

ĐÀO TẠO TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGÀNH DU LỊCH
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số: 3340/QĐ-BGDĐT Ngày  28  tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng  Bộ Giáo dục và Đào tạo)

MỤC LỤC

1.

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1.1.

Sự cần thiết xây dựng chương trình

1.2.

Thời lượng

1.3.

Phạm vi sử dụng chương trình

2.

CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

2.1.

Căn cứ pháp lý

2.2.

Căn cứ lý luận

2.3.

Căn cứ thực tiễn

2.3.1.

Trình độ đầu vào

2.3.2.

Nhu cầu và mục đích học

2.3.3.

Tình hình dạy-học (Phương pháp, thời lượng, kiểm tra đánh giá, tài liệu dạy-học)

3.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1.

Đối tượng tham gia chương trình

3.2.

Mục tiêu chung của chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường TCCN

3.3.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 1 lên Bậc 2

3.3.1.

Mục tiêu tổng quát

3.3.2.

Mục tiêu cụ thể

3.3.3.

Nội dung

3.3.4.

Kiểm tra và đánh giá

3.3.4.1.

Đánh giá quá trình

3.3.4.2.

Đánh giá cuối kỳ

3.4.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 2 lên Bậc 3

3.4.1.

Mục tiêu tổng quát

3.4.2.

Mục tiêu cụ thể

3.4.3.

Nội dung

3.4.4.

Kiểm tra và đánh giá

3.4.4.1.

Đánh giá quá trình

3.4.4.2.

Đánh giá cuối kỳ

3.5.

Hướng dẫn thực hiện chương trình

3.5.1.

Yêu cầu về đối tượng tham gia

3.5.2.

Điều kiện thực hiện chương trình

3.5.3.

Phạm vi thực hiện

3.5.4.

Phương pháp dạy-học

3.5.4.1.

Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2

3.5.4.2.

Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3

3.5.5.

Tài liệu dạy-học

3.5.6.

Đội ngũ tham gia chương trình

3.5.7.

Cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học

4.

ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

5.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1.1. Sự cần thiết xây dựng chương trình

Trong quá trình toàn cầu hóa, tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ giao tiếp thông dụng nhất đặc biệt hữu ích phục vụ cho việc trao đổi kinh tế, văn hoá… trên toàn thế giới, do đó việc dạy và học tiếng Anh đã và đang được đặc biệt chú trọng ở tất cả các bậc học. Theo thống kê của “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, tỉ lệ học sinh học ngoại ngữ đã tăng đáng kể từ 76,8% năm 2002 lên 85,4% năm 2003. Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở hầu hết các trường. Riêng tại các các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học sinh tham gia học tiếng Anh chiếm 99,4%. Chương trình ngoại ngữ được xây dựng trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với số tiết quy định từ 60 tiết đến 210 tiết tùy theo hệ tuyển và thời gian đào tạo.

Tuy nhiên, chương trình chỉ đáp ứng được một số mục đích cơ bản như trang bị kiến thức ngữ pháp, đọc tài liệu chuyên môn ở cấp độ đơn giản, đáp ứng yêu cầu thi tuyển công chức. Việc giảng dạy môn tiếng Anh ở các các cơ sở đào tạo phần lớn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng không đồng đều, khả năng giao tiếp của học sinh còn rất nhiều hạn chế. Thực trạng này là khá phổ biến đối với các các cơ sở đào tạo TCCN. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh TCCN là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh ngành Du lịch. Khả năng vận dụng tiếng Anh tốt sẽ giúp học sinh tự tin để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động trong và ngoài nước. Với những lý do nêu trên, điều cần thiết phải làm là biên soạn một chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN cho ngành Du lịch dựa trên cơ sở tiếp nối chương trình tiếng Anh ở trung học cơ sở và trung học phổ thông.

1.2. Thời lượng

Chương trình gồm 2 phần: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thời lượng cho chương trình Bậc 1 lên Bậc 2 là 180 tiết, trong đó 60 tiết học trực tuyến hoặc phi trực tuyến cho tiếng Anh cơ bản và 30 tiết cho tiếng Anh chuyên ngành học tại lớp với sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học của học sinh là 90 tiết.

Thời lượng cho chương trình Bậc 2 lên Bậc 3 là 300 tiết, trong đó 90 tiết học trực tuyến hoặc phi trực tuyến cho tiếng Anh cơ bản và 60 tiết cho tiếng Anh chuyên ngành học tại lớp với sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học của học sinh là 150 tiết.

1.3. Phạm vi sử dụng chương trình

Chương trình được dùng cho việc quản lý giảng dạy và học tập tiếng Anh tăng cường ở các các cơ sở đào tạo TCCN; biên soạn tài liệu hướng dẫn chương trình; biên soạn, lựa chọn học liệu dạy và học tiếng Anh (giáo trình, sách bài tập, sách hướng dẫn giáo viên, tài liệu tham khảo và tài liệu điện tử...), định hướng phương pháp dạy học tiếng Anh tăng cường ở các cơ sở đào tạo TCCN; đánh giá kết quả học tập của học sinh; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

2. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

2.1. Căn cứ pháp lý

Theo “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (ĐANNQG 2020), việc dạy-học ngoại ngữ ở bậc học TCCN được quy định như sau:

"Trình độ ngoại ngữ chung của học sinh sau khi tốt nghiệp các cơ sở đào tạo TCCN đạt Bậc 3. Các các cơ sở đào tạo cần tiến hành dạy học ngoại ngữ theo nhiều chương trình và thời lượng khác nhau nhằm đáp ứng trình độ đầu vào khác nhau. Các các cơ sở đào tạo cần kiểm tra trắc nghiệm về năng lực ngoại ngữ của học sinh nhập học để sắp xếp chương trình theo học các chương trình ngoại ngữ phù hợp. Tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các các cơ sở đào tạo TCCN có thể xây dựng và tiến hành chương trình dạy và học ngoại ngữ đối với học sinh nhập học có trình độ đầu vào là Bậc 3 để đạt được bậc cao hơn nữa” (trang 29-30).

ĐANNQG 2020 cũng nêu rõ trong phần mục tiêu cụ thể: “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 10% số lượng học sinh dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp vào năm học 2010 - 2011, 60% vào năm 2015 - 2016 và đạt 100% vào năm học 2019 - 2020”.

Theo “Kế hoạch triển khai dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo năm 2012”, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế được ĐANNQG 2020 - Bộ GDĐT giao nhiệm vụ biên soạn chương trình tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN cho 3 ngành Điều dưỡng, Công nghệ thông tin (CNTT) và Du lịch.

2.2. Căn cứ lý luận

Chương trình được biên soạn dựa trên các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc lấy việc học làm trung tâm (learning - centred): Theo phương pháp lấy việc học làm trung tâm (learning - centred approach), học tập không còn là một quá trình tiếp thu kiến thức thụ động từ người dạy, mà đó là quá trình tương tác tích cực giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau. Học sinh chủ động khám phá và lĩnh hội kiến thức qua quá trình thực hành (learning by doing). Nguyên tắc này đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung chương trình và nhu cầu của người học, phát huy kỹ năng giải quyết vấn đề, suy nghĩ phản biện của người học.

Nguyên tắc lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành với tiếng Anh cơ bản: Đảm bảo học sinh vừa đạt trình độ chung theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vừa thấy được lợi ích của việc học tiếng Anh qua việc lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành vào chương trình.

Nguyên tắc bảo đảm tính tích cực chủ động của học sinh: Đảm bảo việc phát huy thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh đồng thời cung cấp cho học sinh những trải nghiệm học tập tích cực nhằm mục đích đáp ứng mục tiêu của chương trình.

Nguyên tắc phát triển đồng đều các kỹ năng nhưng có trọng điểm: Đảm bảo phát triển hài hòa bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và trình độ thực của học sinh, có thể chú trọng nhiều hơn đến một hay hai kỹ năng mà học sinh còn yếu hay thiếu nhưng vẫn không bỏ quên các kỹ năng còn lại.

Nguyên tắc chuỗi hệ thống chủ điểm và chủ đề: Đảm bảo chương trình được thực hiện thông qua chuỗi hệ thống chủ điểm và chủ đề có liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa và phù hợp.

Nguyên tắc linh hoạt và mềm dẻo: Đảm bảo tính linh hoạt và mềm dẻo của chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học tiếng Anh khác nhau trong bối cảnh có sự phân hóa trình độ đầu vào của học sinh TCCN. Học sinh có trình độ đầu vào khác nhau có thể chọn lựa chương trình phù hợp với trình độ của mình.

Nguyên tắc bảo đảm kết quả đầu ra: Đảm bảo sau khi học xong chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN, học sinh sẽ đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương với cấp độ B1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu), theo quy định của ĐANNQG 2020.

2.3. Căn cứ thực tiễn

Chương trình được xây dựng dựa vào kết quả khảo sát việc dạy và học tiếng Anh ngành Du lịch ở các cơ sở đào tạo TCCN, đồng thời dựa trên đặc điểm học sinh TCCN, năng lực tiếng Anh đầu vào và bản chất việc làm của học sinh tốt nghiệp ngành Du lịch.

2.3.1. Trình độ đầu vào

Kết quả khảo sát phần tự đánh giá của học sinh về trình độ tiếng Anh, đánh giá của giáo viên về trình độ đầu vào của học sinh, và số liệu thu thập dựa vào bài kiểm tra trình độ học sinh cho thấy: trình độ tiếng Anh của học sinh ngành Du lịch được chia thành hai: Bậc 1 (46,7%) và Bậc 2 (53,3%).

2.3.2. Nhu cầu và mục đích học

Do bản chất việc làm sau khi tốt nghiệp của học sinh TCCN ngành Du lịch có liên quan nhiều đến việc sử dụng tiếng Anh để làm việc với các hãng, đại lý, công ty du lịch; do nhu cầu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở, công ty nước ngoài, tham gia vào thị trường lao động ngành Du lịch trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng nên học sinh ngành này có động cơ cao khi tham gia học môn tiếng Anh.

Kết quả khảo sát của ngành Du lịch cho thấy mục đích học tiếng Anh của học sinh chủ yếu là để dễ tìm việc làm sau khi ra trường (31,3%) và để giao tiếp tại nơi làm việc (49,5%). Chỉ có 14,1% học sinh cho rằng học tiếng Anh để đối phó với các kỳ thi ở trường và phục vụ cho mục đích giải trí (5,1%).

2.3.3. Tình hình dạy-học (Phương pháp, thời lượng, kiểm tra đánh giá, tài liệu dạy-học)

Theo kết quả khảo sát, những nhân tố sau đây đã ảnh hưởng đến chất lượng giờ học:

- Dạy học trên lớp còn mang nặng tính lý thuyết và ít chú trọng vào nhu cầu thật của học sinh (58,6%).

- Giáo trình, tài liệu giảng dạy chưa phù hợp và chưa tạo ra hứng thú cho học sinh (64,5%).

- Cơ sở vật chất thiếu thốn chưa đáp ứng được các yêu cầu về dạy và học ngoại ngữ (31,3%).

- Các yếu tố khách quan như phương tiện dạy học hay sĩ số lớp làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ (61,6%).

- Học sinh rất thích thú với các hoạt động phát huy sự tương tác cũng như các hoạt động mang tính sáng tạo và cạnh tranh giữa người học.

- Hình thức kiểm tra cuối kỳ chỉ tập trung vào hai kỹ năng đọc-viết (64,6%).

- Giáo trình sử dụng hiện nay là English Know How 1 và English Know How Opener của Nhà xuất bản Oxford, xuất bản năm 2003. Với giáo trình này, việc đáp ứng nhu cầu giao tiếp cũng như khả năng tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp trong thời lượng 90 tiết thì điều không thể thực hiện được.

3. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1. Đối tượng tham gia chương trình

Đối tượng của chương trình là những học sinh đã học xong chương trình tiếng Anh cơ bản theo khung chương trình quy định ở bậc TCCN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhưng trình độ ngoại ngữ vẫn chưa đạt Bậc 3 theo yêu cầu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

Do có sự phân hóa trình độ cao đối với học sinh TCCN nên những học sinh đã hoàn thành Bậc 1 thì tham gia học chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 1 lên Bậc 2. Những học sinh đã đạt Bậc 2 thì tham gia học chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3.

3.2. Mục tiêu chung của chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường TCCN

Theo quy định của ĐANNQG 2020, học sinh TCCN sau khi tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (tương đương với cấp độ B1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu). Do đặc thù công việc của ngành Du lịch, học sinh có năng lực sử dụng khoảng 2000 từ vựng chuyên ngành Du lịch vào công việc chuyên môn của mình.

3.3. Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 1 lên Bậc 2

3.3.1. Mục tiêu tổng quát

- Học sinh có thể hiểu câu và các cụm từ thông thường trong các chủ đề quen thuộc.

- Học sinh có thể giao tiếp ở cấp độ đơn giản, thực hiện các yêu cầu cơ bản và nắm bắt được thông tin khi giao tiếp trong các bối cảnh quen thuộc.

- Học sinh có thể dùng từ vựng đơn giản để miêu tả lý lịch cá nhân, bối cảnh trực tiếp hay những chủ đề về các nhu cầu cấp bách.

3.3.2. Mục tiêu cụ thể

Kỹ năng nói, học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ: Hỏi và đáp về thời gian và nơi tổ chức buổi tiệc, những ai có mặt và chuyện gì đã xảy ra ở đó.

- Mời và chấp nhận hoặc từ chối lời mời một cách lịch sự.

- Xin lỗi và nhận lời xin lỗi.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Nêu lý do và giải thích các ý kiến hoặc kế hoạch cá nhân.

Kỹ năng nghe, học sinh có thể:

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hàng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng, có gợi ý.

- Hiểu được các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu được các bản tin ngắn gọn, đơn giản ở sân bay và nhà ga xe lửa.

- Hiểu được các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết

Kỹ năng đọc, học sinh có thể:

- Hiểu được các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, tờ rơi, trang web, catalogues, thời gian biểu …

- Hiểu được các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản nếu biết đôi chút về chủ đề đó.

- Hiểu được các thông điệp đơn giản từ bạn bè.

Kỹ năng viết, học sinh có thể:

- Viết về những chủ đề đơn giản, quen thuộc.

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ: viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn.

- Viết thư/lời nhắn/bưu thiếp cho bạn bè để thông báo tin tức cá nhân hoặc hỏi thăm.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả bản thân, gia đình và mọi người chung quanh.

- Mô tả nền tảng giáo dục cá nhân, công việc trước đây và hiện tại.

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả thành phố quê hương, nơi bản thân đang sinh sống.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

3.3.3. Nội dung

Nội dung được thiết kế để thực hiện việc dạy kết hợp giữa tiếng Anh cơ bản quy định cho Bậc 2 [13] và phần kiến thức chuyên ngành dành cho ngành Du lịch[14] theo hướng thực hành nghề nghiệp.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CƠ BẢN BẬC 1 LÊN BẬC 2

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Home and Family

Reading for general information

Listening

for gist

Desrcibing things, rooms in a house.

Describing family relationship.

There is/are …

…has/have got …

Simple present tense

Furnitures, rooms in a house, family tree

 

Hobbies and leisure activities

Speaking-Interviewing

Speaking on the phone

Reading for general information

Describing habits and routines

Describing outdoor and indoor activities

Expressing personal opinions about entertainment

Present Simple

Adverbs of frequency

Prepositional phrases (place, time and movement)

Sports

Films

Books

Shopping

Reading for details

Speaking

Describing places, things

Request

Suggestion

Articles-with uncountable and countable nouns

Much-many

Any-some

Verb-ING

Food and drink

Things in the town, shops and shopping

People and places

Reading for general information

Sentence writing

Describing places, people

Describing past experiences

Comparatives and superlatives with adjectives

Using definite articles

Future time (will and going to)

Present continuous for future

Travel and services

Means of transports

Tickets

Hotels

Work and jobs

Listening for general information

Speaking-interviewing

Obligation and necessity

Describing duties

Modal verbs-have to, must, should

Phrasal verbs

Verbs +to infinitive

Adjectives of personality

Work place

Jobs

Qualifications

School life

Listening for details

Speaking

Reading for details

Describing past experience and events.

Expressing feelings

Past simple

Wh-question in past

Modal verbs-can could

School and college’s subjects

Types of examination

Methods of learning

Foods and drinks

Listening for gist.

Speaking

Sentence writing

Describing food and drink.

Ordering and taking orders

Countable and uncountable nouns.

Modal verbs

Would like + to-infinitive

Foods and drinks

Menu

The world around us

Reading for general information

Paragraph writing

Describing surroundings, animal life.

Expressing ability

Can and can’t for ability

Use of articles

Present Perfect simple

Time phrases with Present Perfect Simple

Animals and natural features.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH BẬC 1 LÊN BẬC 2

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Tourism

Reading for specific information

Listening for specific information

Speaking

Describing job skills

Describing job routines

Simple Present tense and Present continuous

Tourism features Adjectives for job skills

Industry sectors

House keeping

Reading for details

Speaking

Listening for details

Paragraph writing

Describing places, things

Describing service provision

There is/ are

Have / Has got

Types of accommodation

Sevices and facilities

Hotel Management

Listening for gist

Reading for specific information

Speaking- Interviewing

Writing personal profile

Making comparisons

Describing skills and personality

Comparatives and Superlatives

Skills and personality

Hotel security

Reading for general information

Sentence writing

Listening for specific information

Describing rules and regulations

Oligation and Necessity

Modal verbs-have to, must, should

Phrasal verbs

Verbs +to infinitive

Hotel facilities and services

Describing hotel security adjectives and nouns

Food and Berverage

Listening for details

Reading for details

Speaking- Interviewing

Paragraph writing

Describing food and drinks

Making invitations, offers, suggestions –

Past Simple

Modal verbs

Can and could in request

Suggestion structures

Adjectives describing food and drinks

 

Vietnam Cuisine

Reading for general information

Speaking

Sentence writing

Giving instructions

Making reservations

Ordering and taking orders

Countable & Uncountable Polite requests (Prepositions of time and place/position

 

Bakery/ Pastry

Listening for gist

Speaking

Sentence writing

Describing recipe and ingredient

Giving Instructions

Expressions of Quantity

Question words

Imperative case

Recipe and Ingredients and Preparation

Western Food preperation

Reading for specific information

Speaking

Paragraph writing

Describing steps of a process

Asking for and giving advice

Giving Instructions

Question words

Time words for sequence (first, next, then, after that ...)

Quick questions and responses to check understanding

Food: Ingredients and Preperation

3.3.4. Kiểm tra và đánh giá

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi về sự tiến bộ và kết quả học tập học sinh đạt được trong quá trình học cũng như thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cần bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của chương trình, dựa trên mục tiêu đã đặt ra cho bốn kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

3.3.4.1. Đánh giá quá trình

Mục tiêu của đánh giá quá trình là giúp cho giáo viên cũng như học sinh theo dõi được sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đặt ra. Bài đánh giá quá trình được thiết kế dưới các thể loại bài tập để kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong đó, kỹ năng nói được thể hiện dưới dạng phỏng vấn hoặc đối thoại theo cặp hoặc trình bày nhóm trước lớp. Các nội dung chuyên ngành không đưa vào đánh giá cuối kỳ mà sẽ đưa vào đánh giá quá trình với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và từ vựng.

3.3.4.2. Đánh giá cuối kỳ

Việc đánh giá cuối kỳ, thực hiện tại thời điểm cuối học kỳ hoặc cuối năm học sẽ giúp đánh giá mức độ đạt được cuối cùng của các mục tiêu cụ thể của chương trình. Đánh giá cuối kỳ được thực hiện để kiểm tra 4 kỹ năng dựa trên tiêu chí về năng lực đầu ra làm cơ sở cho các quyết định đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Các hình thức kiểm tra căn cứ chủ yếu vào các dạng thức đề thi theo quy định của ĐANNQG 2020.

Hoạt động đánh giá cuối kỳ cho chương trình [15] bao gồm:

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động đánh giá

Nói

Học sinh có thể:

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương, đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Học sinh tham gia phỏng vấn với giáo viên.

- Thảo luận theo cặp.

Nghe

Học sinh có thể:

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu được các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu được các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết …

- Nghe và chọn 1 trong 3 phương án với hình ảnh.

- Nghe đối thoại dài và lựa chọn cho phù hợp với 8 câu gợi ý.

- Nghe đối thoại dài và lựa chọn với 3 phương án.

- Nghe đối thoại dài và điền vào chỗ trống.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu được các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, thời gian biểu, trang web, …

- Hiểu được các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản nếu biết đôi chút về chủ đề đó.

- Hiểu được các thông điệp đơn giản từ bạn bè qua tin nhắn, thư điện tử, bưu ảnh...

- Đọc và lựa chọn với 8 bảng thông báo.

- Đọc và nhận dạng từ vựng qua 3 phương án.

- Đọc và chọn lựa lời đáp phù hợp cho hội thoại.

- Đọc lấy thông tin chi tiết với 3 lựa chọn

- Đọc và nhận biết những từ, cụm từ và cấu trúc phù hợp qua 3 phương án.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn … với những từ gợi ý.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

- Viết từ theo định nghĩa.

- Điền từ để hoàn thành một lá thư mời hoặc thông báo.

- Tìm thông tin từ những thông báo và lá thư để điền vào những ghi chú.

- Viết một lá thư điện tử trả lời đầy đủ những yêu cầu của câu hỏi.

3.4. Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN từ Bậc 2 lên Bậc 3

3.4.1. Mục tiêu tổng quát

- Học sinh có thể hiểu những ý chính trong ngôn ngữ thông qua các chủ đề quen thuộc thường gặp trong công việc, ở trường học hay khu vui chơi.

- Học sinh có thể thực hiện được các tình huống giao tiếp cũng như khả năng giải quyết các tình huống nảy sinh trong công việc.

- Học sinh có thể viết về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hoặc các vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân, nghề nghiệp, công việc.

- Học sinh có thể miêu tả các sự kiện, các lễ hội, phong tục tập quán của một số vùng miền trong nước và một số vùng trên thế giới.

3.4.2. Mục tiêu cụ thể

Kỹ năng nói, học sinh có thể:

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Mô tả về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

Kỹ năng nghe, học sinh có thể:

- Hiểu những ý chính của ngôn ngữ chuẩn mực về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những ý chính trong các cuộc thảo luận về các đề tài thường gặp.

- Hiểu những thông tin đơn giản về kỹ thuật như cách vận hành, sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình.

Kỹ năng đọc, học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong các bài đọc liên quan đến sở thích cá nhân, các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày.

- Hiểu những thông tin trong các tờ rơi quảng cáo hoặc các bài đọc ngắn liên quan đến công việc.

- Hiểu ý chính các bài báo trong tạp chí về những vấn đề thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

Kỹ năng viết, học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về các chủ đề quen thuộc.

- Viết những bài viết đơn giản về các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân qua các chuyến đi.

- Viết thư điện tử, tin nhắn ngắn gọn cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

3.4.3. Nội dung

Nội dung được thiết kế để thực hiện việc dạy kết hợp giữa tiếng Anh cơ bản quy định cho Bậc 3 [16] và phần kiến thức chuyên ngành dành cho ngành Du lịch[17] theo hướng thực hành nghề nghiệp.

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CƠ BẢN BẬC 2 LÊN BẬC 3

Chủ điểm (Topics)

Kỹ năng

(Skills)

Chức năng/ Khái niệm (Functions/notions)

Ngữ pháp (Grammar)

Từ vựng (Vocabulary)

Education

Reading for gist

Speaking

Listening for details

Describing subjects

Describing school life, rules and regulations

Past tense

Past continuous

Modals: mustn’t/ can’t

Comparatives and superlatives

Learning facilities

Systems of education

Qualifications

News

Listening for gist

Reading for specific information

Paragraph writing

Initiating and closing conversation

Describing means of communication

Giving and responding to reports

Intensifiers such as too, enough

Complex tag questions

Passive voices

Phrasal verbs

Types of communication

Newspaper

Magazine

Report

Films

Listening for general information

Speaking

Reading for main ideas

Describing feelings and emotions

Expressing opinions, language of narrative description

Modals

Past perfect

Past simple

Types of films

Characters

Events

Books and literature

Reading and identifying lexical items

Speaking

Checking understanding

Describing experience and events

Connecting words

Phrasal verbs

Passive voices

Kinds of books, novels

Characters

Time off

Listening for specific information

Speaking

Expressing intentions and wishes

Making predictions

Going to, planning to, would like to, would rather.

Will/won’t

Holidays, leisure activities

Ambitions and dreams

Reading for specific information

Speaking -interviewing

Expressing ambitions and dreams

Present perfect and past simple with for and other time words

Ambitions, achievements, dreams

Take care!

Reading comprehension-Identifying main points

Short paragraph writing

Expressing past habits.

Asking for and Giving advice.

Used to, would.

Should/ shouldn’t

Health and accidents

Lifestyle, current affairs

Reading for specific information

Speaking

Listening for general information

Describing feelings and emotions

Describing places

Managing interaction (Interupting, changing topic, resuming or continuing)

Present perfect

Simple and continuous Future continuous

Conditional 1st and 2nd

Adjectives describing characteristics of things, people

Political events

Cutural events

Economic events

NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH BẬC 2 LÊN BẬC 3

Tourism Jobs

Listening for details

Reading for main ideas

Writing a report

Describing job skills

Describing job routines

Modals: mustn’t/ can’t

Need to be / Need to have

Types of jobs

Adjectives for job skills

Skills and qualities

Tour guiding

Speaking

Reading for specific information

Greeting and introducing

Responding to special requests

Identifying and checking special needs

“Open” and “closed” questions

Intensifiers such as too, enough

Suggestions and advice

Passive voive

Technical vocabulary

Words in context

Tour operations

Listening for details

SpeakingWrting formal emails and letters

Degrees of future probability

Negotiating

Describing service provision

Past perfect

Past simple Prepositions of time

Asking questions

Tour operations and Contracts

Formal and Informal language

Travel Operations

Writing a report

Speaking

Producing a questionnaire

Responding politely to questions and requests

Aking question politely

Going to, planning to, would like to, would rather.

Will/won’t

Sales terms

Transport and accommodation

Listening for details

Speaking

Reading for specific information

Describing feelings and emotion

Describing places

Checking schedules

Taking reservations

Present perfect and past simple with for and other time words

Types of transport and accommodation

Adjectives describing transport and accommodation

Services and facilities

Events management

Listeningfor specific information Reading for specific information

Speaking

Explaining and defining

Briefing and clarifying arrangements

Present perfect

Simple and continuous Future continuous

Conditional 1st and 2nd

Technical vocabulary

Words in context

3.4.4. Kiểm tra và đánh giá

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi về sự tiến bộ và kết quả học tập học sinh đạt được trong quá trình học cũng như thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cần bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của chương trình, dựa trên mục tiêu đã đặt ra trên bốn kỹ năng ngôn ngữ, nghe, nói, đọc, viết.

3.4.4.1. Đánh giá quá trình

Mục tiêu của đánh giá quá trình là giúp cho giáo viên cũng như học sinh theo dõi được sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đặt ra. Bài đánh giá quá trình được thiết kế dưới các thể loại bài tập để kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong đó, kỹ năng nói được thể hiện dưới dạng phỏng vấn hoặc đối thoại theo cặp hoặc trình bày nhóm trước lớp. Các nội dung chuyên ngành có thể không đưa vào đánh giá cuối kỳ mà sẽ đưa vào đánh giá quá trình với các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và từ vựng.

3.4.4.2. Đánh giá cuối kỳ

Việc đánh giá cuối kỳ, thực hiện tại thời điểm cuối học kỳ hoặc cuối năm học sẽ giúp đánh giá mức độ đạt được cuối cùng của các mục tiêu cụ thể của chương trình. Đánh giá cuối kỳ được thực hiện để kiểm tra 4 kỹ năng dựa trên tiêu chí về năng lực đầu ra làm cơ sở cho các quyết định đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Các hình thức kiểm tra đánh giá cuối kỳ có thể căn cứ vào các dạng thức đề thi theo quy định của ĐANNQG 2020.

Hoạt động đánh giá cuối kỳ cho chương trình [18] thường bao gồm:

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động đánh giá

Nói

Học sinh có thể:

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Nói về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Người học tham dự cuộc phỏng vấn trực tiếp với giáo viên.

- Trình bày cá nhân về một chủ điểm.

- Thảo luận theo cặp.

- Hỏi và trả lời những câu hỏi chuyên sâu của chủ đề.

Nghe

Học sinh có thể :

- Hiểu những ý chính của ngôn ngữ chuẩn mực về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những ý chính trong các cuộc thảo luận về các đề tài thường gặp.

- Hiểu những thông tin đơn giản về kỹ thuật như cách vận hành, sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình.

- Kiểm tra nghe dưới nhiều dạng bài kiểm tra như: hình thức trắc nghiệm, điền từ, trả lời đúng sai, lựa chọn câu trả lời phù hợp.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong các bài đọc liên quan đến sở thích cá nhân, các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày.

- Hiểu những thông tin trong các tờ rơi quảng cáo hoặc các bài đọc ngắn liên quan đến công việc.

- Hiểu ý chính của bài báo trong tạp chí về những vấn đề thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

- Kiểm tra đọc hiểu dưới nhiều dạng như: bài tập trắc nghiệm với 3 khả năng lựa chọn, bài tập chọn câu trả lời tương thích, trả lời đúng sai, trắc nghiệm với 4 lựa chọn trong bài tập điền từ.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về những chủ đề quen thuộc.

- Viết những bài viết đơn giản về các trải nghiệm và cảm xúc cá nhân qua các chuyến đi.

- Viết các thư điện tử, tin nhắn ngắn gọn cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

-Viết một đoạn văn ngắn.

-Viết thư điện tử.

-Viết câu chuyện ngắn về các chủ đề quen thuộc.

3.5. Hướng dẫn thực hiện chương trình

3.5.1. Yêu cầu về đối tượng tham gia

Học sinh tham gia chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường hệ TCCN Bậc1 lên Bậc 2 hoặc Bậc 2 lên Bậc 3 phải tham dự một bài kiểm tra đầu vào xếp trình độ (placement test). Học sinh đạt kết quả kiểm tra đầu vào tương đương Bậc 1 sẽ tham gia chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc1 lên Bậc 2. Học sinh đạt kết quả kiểm tra đầu vào tương đương Bậc 2 sẽ tham gia chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc 2 lên Bậc 3.

3.5.2. Điều kiện thực hiện chương trình

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường Bậc1 lên Bậc 2 và Bậc 1 lên Bậc 3 được xây dựng bám sát theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bao gồm 2 hình thức phi trực tuyến và trực tuyến cụ thể như sau:

Hình thức phi trực tuyến:

Chương trình Bậc 1 lên Bậc 2 có thời lượng đề nghị là 180 tiết, trong đó học sinh học tại lớp là 90 tiết và tự học với sự hướng dẫn của giáo viên là 90 tiết. Chương trình học tại lớp 90 tiết (thời gian mỗi tiết là 45 phút) gồm 2 nội dung được đề nghị như sau: tiếng Anh cơ bản gồm 8 chủ đề dạy trong 60 tiết và tiếng Anh chuyên ngành gồm 5 chủ đề được lựa chọn trong 8 chủ đề đưa ra với số tiết dạy là 60.

Chương trình Bậc 2 lên Bậc 3 có thời lượng đề nghị là 360 tiết, trong đó học sinh học tại lớp là 180 tiết và tự học với sự hướng dẫn của giáo viên là 180 tiết. Chương trình học tại lớp cũng gồm 2 nội dung như sau: tiếng Anh cơ bản gồm 8 chủ đề dạy trong 60 tiết và tiếng Anh chuyên ngành gồm 5 chủ đề được lựa chọn trong 7 chủ đề đưa ra trong thời lượng 60 tiết.

Hình thức trực tuyến:

Cả 2 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường hệ TCCN Bậc1 lên Bậc2 và Bậc 2 lên Bậc 3 đều được thực hiện thông qua tài khoản trực tuyến được gởi trực tiếp đến cho học sinh. Học sinh phải tự sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các hoạt động của khóa học trực tuyến. Giáo viên cần sắp xếp các buổi gặp mặt trực tiếp (off-line) để giải đáp các thắc mắc của học sinh và hướng dẫn thêm nếu cần thiết.

3.5.3. Phạm vi thực hiện

Chương trình này được áp dụng cho tất cả các cơ sở đào tạo TCCN trong toàn quốc hoặc các trường cao đẳng có hệ TCCN có đầy đủ điều kiện tổ chức thực hiện, đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý.

3.5.4. Phương pháp dạy-học

Tự học có hướng dẫn (Guided Independent Learning/Study - GIL/GIS):

Để giúp học sinh tự học, giáo viên cần hướng dẫn học sinh:

- Xác định lĩnh vực kiến thức hay kỹ năng trong hoặc ngoài chương trình chính thức mình cần phải nâng cao hay quan tâm học hỏi. Ví dụ: học sinh quan tâm đến chuyên ngành có thể muốn học thêm từ vựng có liên quan về việc điều hành tour (tour operation) hay nâng cao kiến thức về chủ đề này thông qua đọc các bài báo bằng tiếng Anh.

- Xác định mục tiêu mình cần đạt đối với kiến thức và kỹ năng đã được chọn. Ví dụ: học sinh quan tâm mở rộng kiến thức về việc điều hành tour du lịch có thể đặt mục tiêu hiểu chi tiết các bài báo mình đọc (reading for details).

- Lập kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ: với mục đích đọc hiểu chi tiết bài báo về việc điều hành tour du lịch, mỗi tuần học sinh tìm một bài báo, đọc và viết tóm tắt lại những chi tiết mình quan tâm.

- Hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch. Ví dụ: giúp học sinh tìm nguồn tài liệu trên internet hay giải quyết các khó khăn về đọc hiểu mà học sinh gặp phải.

- Hướng dẫn học sinh tự đánh giá mức độ đạt được và tổ chức cho học sinh đánh giá kết quả lẫn nhau. Ví dụ: có thể tổ chức buổi trình bày kết quả tự học, để học sinh có cơ hội đánh giá và học hỏi lẫn nhau về các kỹ năng tự học.

Phương pháp dạy học tích hợp ngôn ngữ và chuyên ngành (Content and Language Integrated Learning - CLIL):

Đối với khối kiến thức chuyên ngành, giáo viên cần khai thác phương pháp tích hợp ngôn ngữ và chuyên ngành thông qua:

- Chọn lựa tài liệu tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với chủ đề của chương trình và biên soạn tài liệu trên cơ sở hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức chuyên ngành.

- Khai thác nội dung ngôn ngữ bằng cách biên soạn bổ sung các hoạt động nâng cao ý thức ngôn ngữ hay thủ đắc ngôn ngữ bên cạnh nội dung chuyên ngành.

Chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường hệ TCCN được thiết kế với 2 nội dung: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành, trong đó tiếng Anh cơ bản được đưa vào giai đoạn 1 và tiếng Anh chuyên ngành được đưa vào giai đoạn 2 với phương pháp dạy học tích hợp năng lực ngôn ngữ với chuyên môn nghề nghiệp (CLIL).

Để đạt được mục tiêu cụ thể, giáo viên tham gia chương trình cần vận dụng linh hoạt các hoạt động dạy-học theo phương pháp giao tiếp kết hợp cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết.

3.5.4.1. Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường hệ TCCN Bậc 1 lên Bậc 2

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Hoạt động dạy-học

Nói

Học sinh có thể :

- Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về quê hương, đất nước, công việc, thời gian nhàn rỗi, thích và không thích.

- Hỏi trả lời các câu hỏi đơn giản về các sự kiện trong quá khứ.

- Nói về gia đình, sở thích, công việc, du lịch và các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

- Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão. Nói về các kinh nghiệm cá nhân, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão.

- Nêu lý do và giải thích các ý kiến hoặc kế hoạch cá nhân.

- Hỏi và trả lời giữa giáo viên và học sinh.

- Hội thoại theo cặp.

- Thảo luận theo nhóm.

- Phỏng vấn.

- Đóng vai theo hội thoại.

Nghe

Học sinh có thể :

- Hiểu những thông tin và câu hỏi đơn giản về gia đình, con người, thành phố quê hương, công việc, sở thích …

- Hiểu các tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày nếu được nói chậm, rõ ràng và có gợi ý.

- Hiểu các đàm thoại ngắn về gia đình, sở thích và cuộc sống hằng ngày.

- Hiểu các thông tin chính trong các thông báo, ví dụ: dự báo thời tiết …

- Nghe hiểu những ý chính của thông tin.

- Nghe những cuộc nói chuyện qua điện thoại.

- Nghe để nắm rõ các chi tiết của thông tin.

Đọc hiểu

Học sinh có thể :

- Hiểu các bài khóa ngắn gọn, đơn giản có phần từ vựng quen thuộc.

- Tìm được những thông tin quan trọng nhất trong các quảng cáo, thời gian biểu, trang web, …

- Hiểu các ý chính trong các bản tin ngắn, đơn giản.

- Hiểu các thông điệp đơn giản từ bạn bè qua tin nhắn, thư điện tử, bưu ảnh...

- Đọc lướt để lấy thông tin chính.

- Đọc để lấy các thông tin chi tiết.

- Thảo luận theo cặp để trả lời các câu hỏi về nội dung của thông tin.

- Thảo luận theo nhóm và trình bày trước lớp về nội dung thông tin đọc được.

Viết

Học sinh có thể :

- Viết thư cá nhân mô tả kinh nghiệm, cảm tưởng về một sự việc nào đó.

- Viết những thông điệp đơn giản, ví dụ viết thư mời, hẹn gặp hoặc thay đổi lời mời, lời hẹn.

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để viết về các sự việc và con người mà bản thân biết rõ. Ví dụ: tả một người bạn, kể lại sự việc đã xảy ra ngày hôm qua …

- Mô tả sở thích cá nhân.

- Mô tả ngày nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ vừa qua.

- Viết về các dự định và kế hoạch trong tương lai.

- Viết thư dưới dạng điền thông tin.

- Viết bản tóm tắt một sự kiện đã xảy ra.

- Viết đoạn văn theo từ gợi ý.

3.5.4.2. Các hoạt động dạy-học cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN Bậc 2 lên Bậc 3

Kỹ năng

Mục tiêu cụ thể

Phương pháp dạy-học

Nói

Học sinh có thể:

- Bắt đầu và kết thúc hội thoại trực tiếp về các đề tài quen thuộc hoặc sở thích cá nhân.

- Đưa ra ý kiến cá nhân trong thảo luận với bạn bè, đồng ý hoặc không đồng ý một cách lịch sự.

- Sử dụng giao tiếp qua điện thoại với những người quen biết.

- Mô tả về các chủ đề quen thuộc khác nhau liên quan đến sở thích.

- Nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.

- Trình bày ngắn gọn về các lĩnh vực quen thuộc và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng.

- Phỏng vấn: hỏi-đáp giữa giáo viên- học sinh.

- Thảo luận theo nhóm.

- Hội thoại theo cặp.

- Đóng vai theo tình huống.

- Trình bày theo nhóm trước lớp.

Nghe

Học sinh có thể :

- Nghe hiểu những điểm chính về các đề tài quen thuộc hằng ngày.

- Hiểu rõ những điểm chính trong một cuộc thảo luận.

- Hiểu những thông tin về kỹ thuật đơn giản như cách vận hành cách làm theo các chỉ dẫn của các vật dụng đơn giản trong gia đình.

- Nghe nội dung chính của thông tin.

- Nghe và điền thông tin.

- Nghe để lấy thông tin chi tiết.

Đọc hiểu

Học sinh có thể:

- Hiểu ý chính trong một bài đọc về những đề tài liên quan đến sở thích cá nhân và có khả năng nhận biết được các ý kiến xoay quanh chủ đề đó.

- Hiểu những thông tin trong một tờ rơi quảng cáo hoặc một bài đọc ngắn liên quan đến sở thích cá nhân.

- Hiểu ý chính trong một bài báo ở tạp chí về những đề tài thời sự hoặc đề tài quen thuộc.

- Hiểu được các bức thư cá nhân nói về các sự kiện, cảm xúc hoặc ước muốn và có khả năng phúc đáp.

- Đọc hiểu và trả lời câu hỏi về ý chính của chủ đề.

- Đọc lướt để lấy thông tin chính.

- Đọc để lấy thông tin chi tiết.

- Đọc và điền thông tin.

- Đọc và lựa chọn các tiêu đề phù hợp.

Viết

Học sinh có thể:

- Viết những bài viết ngắn về các đề tài quen thuộc.

- Viết bài viết đơn giản về các trải nghiệm cá nhân như về một chuyến đi hoặc mô tả phản ứng cá nhân đối với các trường hợp cụ thể.

- Viết các email, tin nhắn đầy đủ thông tin cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.

- Viết từng đoạn văn ngắn.

- Viết văn theo thể loại mô tả.

- Viết e-mail theo các câu hỏi gợi ý.

3.5.5. Tài liệu dạy-học

Dựa trên chương trình, giáo viên cần soạn tài liệu bảo đảm chuyển tải được các nội dung của chương trinh. Trong trường hợp giáo viên không thể hoặc không có đủ khả năng biên soạn tài liệu đúng theo nội dung chương trình, giáo viên có thể chọn các giáo trình tương thích với các cấp độ của chương trình. Những giáo trình dưới đây được đề nghị đưa vào sử dụng cho chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường theo từng cấp độ tương ứng như Bậc 1 lên Bậc 2 là sơ cấp (Elementary) và Bậc 2 lên Bậc 3 là sơ trung cấp (Pre-intermediate):

Face to Face bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Chris Redston and Gillie Cunningham biên soạn và do NXB Cambridge University Press ấn hành năm 2005, được đề nghị sử dụng vì đây là bộ sách nằm trong danh mục sách dùng để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ với đầy đủ các yếu tố đáp ứng cho từng bậc từ Bậc 1 lên Bậc 2.

New Cutting Egde bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Sarah Cunningham, Peter Moor và Jane Comyns Carr biên soạn và do NXB Longman ấn hành năm 2006. Đây là bộ sách nằm trong danh mục sách dùng để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ với đầy đủ các yếu tố đáp ứng cho từng bậc từ Bậc 1 lên Bậc 6.

Solutions bao gồm Sách dành cho người học (Students’ Book) và Sách bài tập (Workbook) do các tác giả Tim Falla, Paul A Davies và do NXB Oxford University Press ấn hành năm 2007. Bộ sách này được soạn phù hợp với chương trình theo từng bậc từ Bậc1 lên Bậc 6 và đặc biệt là có phần học trực tuyến để phục vụ cho việc tự học của học sinh.

Tourism 1, Tourism 2, Tourism 3 là 3 cuốn sách nằm trong bộ sách Oxford English For Careers được thiết kế để phục vụ cho nhu cầu tiếng Anh chuyên ngành do các tác giả Robin Walker và Keith Harding và do NXB Oxford University Press ấn hành năm 2011. Bộ sách này tuy không nằm trong danh mục sách để giảng dạy theo Khung năng lực ngoại ngữ nhưng đáp ứng được nhu cầu tiếng Anh chuyên ngành cần thiết cho công việc của học sinh sau khi ra trường.

Tourism 1 do các tác giả Robin Walker và Keith Harding, Oxford English For Careers và do NXB Oxford University Press ấn hành năm 2011 với 12 đơn vị bài học được thiết kế bao gồm bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết tương đương với Bậc 1 của tiếng Anh ngành Du lịch bao gồm các chủ đề giới thiệu các phần cơ bản trong ngành Du lịch cũng như kiến thức phổ thông mà học sinh ngành Du lịch cần được trang bị.

Tourism 2, Student’s book của Robin Walker và Keith Harding, Oxford English For Careers do Oxford University Press xuất bản năm 2011 gồm 12 đơn vị bài học bao gồm cả 4 kỹ năng đi sâu vào các chuyên ngành Du lịch ở cấp độ phức tạp hơn.

Tourism 3, Student’s book của tác giả Robin Walker và Keith Harding, do nhà xuất bản Oxford University Press ấn hành năm 2011 là sự tiếp nối các chủ đề trong Tourism 1 và Tourism 2 nhưng được nâng lên ở mức độ cao hơn và bao gồm nhiều bài luyện tập cho cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Vietnam Tourism Occupational skills standards in Food & Beverage Service và Vietnam Tourism Occupational skills standards in Front Office là 2 trong số 13 cuốn sách được thiết kế dựa theo tiêu chuẩn VTOS hiện hành, Dự án EU phối hợp với Hội đồng VTCB mô tả chi tiết cũng như hướng dẫn kỹ các năng nghề và hướng dẫn kỹ năng đào tạo cho các nghiệp vụ:

3.5.6. Đội ngũ tham gia chương trình

- Đội ngũ quản lý: Đội ngũ quản lý nhà trường và các chuyên viên phụ trách môn học ở cấp phòng, sở cần tham gia các khóa bồi dưỡng về tổ chức thực hiện chương trình để hỗ trợ đội ngũ giáo viên trong quá trình triển khai chương trình.

- Đội ngũ giáo viên:

+ Trình độ: Giáo viên dạy chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường phải có trình độ đại học chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương cấp độ C1 của Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu) để có thể giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh trên lớp, có kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin và có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

+ Kỹ năng biên soạn tài liệu và giáo trình: Giáo viên tiếng Anh tham gia chương trình cần phải có các kiến thức và kỹ năng cơ bản về biên soạn tài liệu dựa vào chương trình và thay đổi tài liệu cho phù hợp với nhu cầu và trình độ của học sinh.

+ Kỹ năng công nghệ thông tin: Biết kết hợp công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản trong giảng dạy và hướng dẫn học sinh tự học qua chương trình trực tuyến.

+ Bồi dưỡng chuyên môn: Đã kinh qua các lớp bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy dành cho giáo viên TCCN theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

3.5.7. Cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học

Đối với hình thức phi trực tuyến:

- Số lượng học sinh: Cơ số học sinh tối đa cho một lớp học theo chương trình tiếng Anh tăng cường là 30 học sinh.

- Phòng học được bố trí bàn ghế dễ di chuyển để tạo điều kiện tổ chức các hoạt động theo cặp nhóm thuận lợi.

- Trang thiết bị: Để bảo đảm thực hiện tốt công tác dạy học tiếng Anh theo chương trình thí điểm tăng cường, các cơ sở đào tạo TCCN phải cung cấp đủ những trang thiết bị nghe, nói như máy cassette, đĩa, máy tính, màn hình, máy chiếu, và hệ thống âm thanh.

Đối với hình thức trực tuyến:

- Máy tính cá nhân của học sinh phải được kết nối mạng Internet. Trong trường hợp học sinh không có máy tính cá nhân thì có thể sử dụng máy tính được nối mạng của trường ở các phòng lab hoặc thư viện trường.

- Cần có phòng tư vấn trực tiếp với đầy đủ trang thiết bị nghe nhìn hiện đại được kết nối mạng Internet đáp ứng được mọi nhu cầu học ngoại ngữ.

4. ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

Việc đánh giá chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở thu thập minh chứng phục vụ cho đánh giá chương trình đào tạo. Thu thập minh chứng dựa trên nhiều nguồn thông tin và tài liệu khác nhau, ví dụ: xem xét các văn bản, tài liệu liên quan đến chương trình đào tạo (mục tiêu, khung chương trình, đề cương môn học, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và học tập), phỏng vấn cá nhân, phỏng vấn theo nhóm, sử dụng phiếu điều tra, phiếu góp ý của học sinh cuối khóa học (end-of-course survey), dự giờ (class observation), nhật ký giảng dạy, sử dụng các chuyên gia đánh giá ngoài và theo dõi kết quả học tập của một nhóm học sinh nhất định theo thời gian.

5. TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Tài liệu tiếng Việt

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2012) Kế hoạch triển khai dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo năm 2012 (5169/BGDĐT-KHTC ngày 10 tháng 8 năm 2012).

2. Thủ tướng chính phủ (2008) Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008).

* Tài liệu tiếng Anh

3. North, B., Ortega, A. and Sheehan, S. (2010) A Core Inventory for General English. British Council/EAQUALS.

4. Walker, R and Harding, K (2011). Oxford English For Careers: Tourism 1 Oxford University Press.

5. Walker, R and Harding, K (2011). Oxford English For Careers: Tourism 2 Oxford University Press.

6. Walker, R and Harding, K (2011). Oxford English For Careers: Tourism 3 Oxford University Press.

 


[1] North, Ortega, Sheehan (2010)

Sarah Cunningham, Peter Moor Jane Comyns Carr (2006)

[2]Austin, D. and Crossfield, T. (1976)

[3] CEF (2001)

[4] North, Ortega, Sheehan (2010)

Sarah Cunningham, Peter Moor Jane Comyns Carr (2006)

[5] Austin, D. and Crossfield, T. (1976)

[6] CEF (2001)

[7] North, Ortega, Sheehan (2010)

Sarah Cunningham, Peter Moor Jane Comyns Carr (2006)

[8]Maja Olejniczak (2011)

[9] CEF (2001)

[10] North, Ortega, Sheehan (2010)

Sarah Cunningham, Peter Moor Jane Comyns Carr (2006)

[11] Eric H. Glendinning, John McEvan (2010)

[12] CEF (2001)

[13] North, Ortega, Sheehan (2010)

Sarah Cunningham, Peter Moor Jane Comyns Carr (2006)

[14]Maja Olejniczak (2011)

[15] CEF (2001)

[16] North, Ortega, Sheehan (2010)

Sarah Cunningham, Peter Moor Jane Comyns Carr (2006)

[17] Eric H. Glendinning, John McEvan (2010)

[18] CEF (2001)

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 28/08/2013

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 3340/QĐ-BGDĐT năm 2013 phê duyệt 03 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trung cấp chuyên các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3340/QĐ-BGDĐT Ngày ban hành 28/08/2013
Ngày có hiệu lực 28/08/2013 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 3340/QĐ-BGDĐT năm 2013 phê duyệt 03 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trung cấp chuyên các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Mục lục

Mục lục

Close