BỘ GIÁO DỤC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 37/TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1980

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA CÁN BỘ GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VÀ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM.

Trên cơ sở quyết định số 1712/QÐ ngày 18/12/1978 của Bộ Ðại học và Trung học chuyện nghiệp về chế độ làm việc của cán bộ giảng dạy đại học. Bộ Giáo dục quy định chế độ làm việc để cán bộ giảng dạy ở các trường Ðại học sư phạm và Cao đẳng sư phạm thực hiện thống nhất như sau:

I. MỤC ÐÍCH Ý NGHĨA

Quy định chế độ làm việc theo chức vụ khoa học nhằm sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ giảng dạy, khuyến khích cán bộ phấn đấu vươn lên cống hiến ngày càng nhiều cho chủ nghĩa xã hội.

Quy định chế độ làm việc giúp cho hiệu trưởng tổ chức, quản lý tốt các mặt công tác của đội ngũ cán bộ giảng dạy theo hệ thống chức vụ khoa học và trên cơ sở đó có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, ổn định biên chế và tính toán nhu cầu cán bộ trong từng giai đoạn phát triển của trường.

Quy định chế độ làm việc giúp cho cán bộ giảng dạy xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể để có phương hướng và mục tiên phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt, trên cơ sở đó phát huy được tài năng, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ GIẢNG DẠY

1. Giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong, nghiệp vụ sư phạm, giáo dục lòng yêu nghề cho học sinh nhằm đào tạo họ trở thành người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, sống có lý tưởng, có giác ngộ chính trị trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, có kiến thức về khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết để thực hiện được nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy ở trường phổ thông, trung học.

2. Giảng dạy cho học sinh đại học, cao đẳng (hệ tập trung và các hệ không tập trung): Bồi dưỡng và hướng dẫn cán bộ giảng dạy về chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và hướng dẫn sau đại học; hướng dẫn nghiên cứu sinh là nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ giảng dạy được thực hiện trong cả năm học, bao gồm các việc sau đây: Soạn bài, giảng bài, hướng dẫn tự học, hướng dẫn thí nghiệm, hướng dẫn thực tập sư phạm, hướng dẫn khoa luận tốt nghiệp đại học, tiểu luận sau đại học, luận án phó tiến sĩ khoa học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, nghiên cứu của học sinh, kết quả nghiên cứu của cán bộ; chấm thi tuyển sinh; thực hiện các sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ của tổ, khoa, trường v.v.

3. Học tập chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học.

Cán bộ giảng dạy tuỳ theo chức vụ khoa học, đảm nhận trách nhiệm chủ trì hay cộng tác viên trong công tác nghiên cứu khoa học các đề tài do tổ, khoa, trường, Bộ hay Nhà nước quản lý.

Công tác bồi dưỡng cần tập trung vào mục tiêu nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm thiết thực giúp cho công tác giáo dục, giảng dạy đạt chất lượng cao hơn.

Công tác nghiên cứu khoa học cần hướng vào các loại đề tài sau đây:

Về khoa học giáo dục: đào tạo con người mới, người giáo viên mới phục vụ cải cách giáo dục, cải cách sư phạm. Nghiên cứu các vấn đề về công tác quản lý giáo dục, kinh tế giáo dục nhằm nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả đào tạo của trường sư phạm, chất lượng quản lý và giáo dục ở trường phổ thông.

Về khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật: phục vụ yêu cầu sản xuất, chiến đấu và nhu cầu cuộc sống xã hội, xây dựng nền khoa học xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo đường lối của Ðảng và với cặp mắt "giáo dục", triệt để khai thác từ các đề tài đó những vấn đề phục vụ cho giáo dục trực tiếp hoặc gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài.

4. Thực hiện nghĩa vụ lao động, quân sự theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tham gia công tác xã hội tuỳ theo khả năng và điều kiện của mỗi cán bộ.

5. Tham gia các công tác quản lý tổ bộ môn, khoa, trường; làm tốt công tác kiêm nhiệm trong chuyên môn, chính quyền, Ðảng, đoàn thể nếu được lãnh đạo hoặc tập thể giao phó.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ GIẢNG DẠY THEO CHỨC VỤ KHOA HỌC.

1. Các chức vụ khoa học:

Theo quyết định số 162 - CP ngày 11-9-1976 của Hội đồng Chính phủ, hệ thống, chức vụ khoa học trong lĩnh vực giáo dục đại học gồm có: giáo sư, phó giáo sư, giảng viên; trợ lý giảng dạy.

2. Phân phối thời gian làm việc theo chức vụ khoa học:

Một năm có 52 tuần lễ, trừ 6 tuần nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ. còn 46 tuần, tính thành giờ làm việc là:

46 tuần lễ x 48 giờ = 2.208 giờ phân phối như sau:

(xem bảng trang sau)

Những cán bộ không thuộc diện nghĩa vụ quân sự, lao động thì trong thời gian các cán bộ khác làm nghĩa vụ, hiệu trưởng bố trí một số công việc khác thích hợp để số cán bộ không thuộc diện nghĩa vụ làm thêm.

3. Giờ tiêu chuẩn giảng dạy quy định cho từng chức vụ khoa học:

- Giáo sư giảng dạy từ 290 đến 310 giờ tiêu chuẩn 1 năm.

- Phó giáo sư giảng dạy từ 270 đến 290 giờ tiêu chuẩn 1 năm

- Giảng viên giảng dạy từ 260 đến 280 giờ tiêu chuẩn 1 năm

- Trợ lý giảng dạy từ 200 đến 220 giờ tiêu chuẩn 1 năm

Chức vụ

 

Nhiệm vụ

Giáo sư (giờ)

Phó Giáo sư (giờ)

Giảng viên (giờ)

Trợ lý giảngdạy (giờ)

Tập sự (giờ)

Ghi chú

- Giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy.

1.200

1.200

1.200

1.200

700

 

- Tự bồi dưỡng.

200

250

350

700

1100

 

- Nghiên cứu khoa học

500

450

350

200

122

 

- Sinh hoạt chuyên môn và hội nghị khoa học

122

122

122

122

122

 

- Lao động nghĩa vụ

96

96

96

96

96

 

- Luyện tập quân sự cho nghĩa vụ

90

90

90

90

90

 

Cộng

2.208

2.208

2.208

2.208

2.208

 

Tập sự giảng dạy đại học sư phạm cao đẳng sư phạm giảng dạy từ 90 - 110 giờ tiêu chuẩn 1 năm.

- Ðịnh mức cao áp dụng cho cán bộ giảng dạy các bộ môn Toán - Lý - Hóa - Sinh - Kỹ thuật - Ngoại ngữ ở trường không chuyên ngữ.

- Ðịnh mức thấp áp dụng cho cán bộ giảng dạy các bộ môn Văn - Sử - Ðịa - Chính trị - Tâm lý - Giáo dục

- Phương pháp giảng dạy bộ môn - Ngoại ngữ ở trường chuyên ngữ.

- Giáo viên dạy các bộ môn Thể dục, Quân sự (ở những trường không chuyên) mỗi năm lên lớp giảng dạy 400 giờ. Giáo viên dạy nữ công, họa, nhạc (ở những trường không chuyên mỗi năm lên lớp 420 giờ)

4. Nhiệm vụ cụ thể trong công tác chuyên môn của từng chức vụ khoa học.

a) Giáo sư:

- Thực hiện đủ số giờ quy định giành cho công tác nghiên cứu khoa học.

- Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp Nhà nước quản lý.

- Hướng dẫn nghiên cứu sinh, hướng dẫn sau đại học, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy học. Mỗi giáo viên hướng dẫn nhiều nhất là 1 nghiên cứu sinh.

- Biên soạn và chủ trì biên soạn giáo trình - sách giáo khoa, tài liệu tham khảo.

- Giảng dạy lý thuyết cho đại học và sau đại học ít nhất là 90 giờ tiêu chuẩn trong năm.

b) Phó giáo sư:

- Thực hiện đủ số giờ dành cho công tác nghiên cứu khoa học

- Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Bộ hoặc Nhà nước quản lý.

- Hướng dẫn nghiên cứu sinh, hướng dẫn sau đại học, bối dưỡng cán bộ giảng dạy đại học. Mỗi giáo sư hướng dẫn nhiều nhất là hai nghiên cứu sinh.

- Biên soạn hoặc chủ trì biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo.

- Giảng dạy lý thuyết cho đại học và sau đại học ít nhất là 130 giờ tiêu chuẩn 1 năm.

c) Giảng viên:

- Giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, hướng dẫn thực tập sư phạm, hướng dẫn thí nghiệm, hướng dẫn khóa luận v.v. Giảng dạy và làm công tác phục vụ giảng dạy, đào tạo ít nhất là 50% số giờ tiêu chuẩn: trong đó giảng dạy lý thuyết một, hai giáo trình cơ sở có từ 60 đến 80 giờ trở lên.

- Giảng viên lâu năm, có trình độ, có năng lực được hướng dẫn từ 1 đến 3 tiểu luận sau đại học, nếu được Bộ xét duyệt thì được hướng dẫn nghiên cứu sinh.

- Biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo.

- Trong trường hợp đủ biên chế cán bộ giảng dạy, giảng viên được sử dụng đủ số giờ giành cho công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nghiệp vụ để từng bước hoàn thành luận án phó tiến sĩ, (đối với những cán bộ chưa có bằng phó tiến sĩ) và tiến sĩ khoa học.

- Học tập ngoại ngữ thứ hai để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

d) Trợ lý giảng dạy:

- Giảng dạy, hướng dẫn thực tập sư phạm, hướng dẫn thí nghiệm, chữa bài tập, phụ đạo v.v. trong đó số giờ giảng dạy trên lớp chiếm từ 30 đến 50% số giờ tiêu chuẩn, giảng dạy lý thuyết ít nhất từ 30 đến 50 giờ.

- Trợ lý từ năm thứ 4 trở đi nếu có năng lực, hiệu trưởng xét và giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh làm bài tập nghiên cứu, hoặc khoa luận tốt nghiệp (nếu có đề tài).

- Thực hiện đủ số giờ bồi dưỡng (không thấp hơn định mức nhằm bồi dưỡng đạt yêu cầu thi tối thiểu của nghiên cứu sinh, hoặc đạt yêu cầu tốt nghiệp sau đại học.

- Trong trường hợp có đủ cán bộ giảng dạy, trợ lý được thực hiện đủ số giờ giành cho công tác nghiên cứu khoa học. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư, phó gíao sư, đề tài nghiên cứu của trợ lý giảng dạy phải từng bước chuẩn bị cho luận án phó tiến sĩ khoa học.

- Học tập ngoại ngữ ở mức độ biết sử dụng ngoại ngữ để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Thời gian làm trợ lý từ 4 đến 6 năm (sau khi hết tập sự), tùy theo kết quả học tập, nghiên cứu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ trợ lý và khả năng hoàn thành các khâu công tác quy định về nhiệm vụ giáo viên, hiệu trưởng triệu tập hội đồng khoa học xét, báo cáo kết quả về Bộ để giao nhiệm vụ theo chế độ giảng viên. Nếu hết thời hạn mà chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của trợ lý, khả năng vươn lên giảng viên có khó khăn thì kiên quyết chuyển đi dạy ở phổ thông hoặc bố trí công tác khác thích hợp, giúp cho cán bộ phát hiện được khả năng của mình trong lĩnh vực công tác mới lâu dài.

e) Tập sự nghề nghiệp giảng dạy đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm.

- Chữa bài tập, phụ đạo, tham gia hướng dẫn thí nghiệm, tham gia đưa học sinh đi thực tế ở trường phổ thông đi thực tập sư phạm v.v . đủ số giờ tiêu chuẩn đã quy định.

- Bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, tìm hiểu, học tập kiến thức cơ bản về tâm lý học, giáo dục học có quan hệ đến quá trình giảng dạy đại học và cao đẳng.

- Củng cố, hoàn chỉnh các kiến thức cơ bản có quan hệ đến bộ môn chuẩn bị giảng dạy, tìm hiểu lý luận dạy học đại cương và phương pháp giảng dạy bộ môn, học tập để tiến tới vận dụng triết học duy vật biện chứng vào bộ môn.

- Ði dự giờ giảng dạy của cán bộ có kinh nghiệm về bộ môn chuẩn bị giảng dạy (dự liên tục, cả giáo trình).

- Ðọc giáo trình, đọc tài liệu tham khảo, soạn bài chuẩn bị dạy lý thuyết 30 tiết đối với khoa học xã hội và 50 tiết đối với khoa học tự nhiên.

- Trên cơ sở đã làm tốt nhiệm vụ quy định, có triển vọng vươn lên trong công tác giảng dạy, từ năm thứ hai trở đi hiệu trưởng giao thêm một số việc của trợ lý giảng dạy.

Thời gian tập sự nghề nghiệp là hai năm kể từ ngày bắt đầu nhận công tác, khi hết thời gian tâp sự, hiệu trưởng tổ chức xét duyệt, đồng thời thực hiện việc tuyển chọn như sau: Nếu có năng lực và triển vọng giảng dạy đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thì công nhận hết tập sự và giao nhiệm vụ như trợ lý giảng dạy; nếu xét thấy năng lực yếu, và triển vọng vươn lên để làm cán bộ giảng dạy đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, lâu dài có khó khăn thì xem xét công nhận hết tập sự và nhất thiết phải chuyển công tác khác ngay.

5. Phân công công tác cho những cán bộ chưa có chức vụ khoa học.

Ðể sử dụng đúng khả năng của từng cán bộ trong lúc chưa phong chức vụ khoa học, hiệu tưởng đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, căn cứ vào những điều kiện sau đây để giao nhiệm vụ:

a) Giao nhiệm vụ như trợ lý giảng dạy cho:

- Cán bộ giảng dạy có trình độ đại học (kể cả những người đã qua bồi dưỡng sau đại học, cao học, cấp 1) đang làm công tác giảng dạy từ 1 đến 4 năm )tính từ khi hết tập sự)

- Các phó tiến sĩ khoa học đang ở thời kỳ tập sự.

b) Giao nhiệm vụ như giảng viên cho:

- Những cán bộ giảng dạy có trình độ đại học, đã giảng dạy ở đại học sư phạm từ năm thứ 5 trở đi (sau khi hết tập sự) nếu xét thấy có khả năng hoàn thành được nhiệm vụ của giảng viên.

- Những cán bộ giảng dạy đã tốt nghiệp phó tiến sĩ khoa học hoặc có bằng cấp tương đương.

- Tiến sĩ khoa học đang ở thời kỳ tập sự.

c) Giao nhiệm vụ như phó giáo sư cho những cán bộ giảng dạy đã tốt nghiệp tiến sĩ khoa học.

d) Cán bộ giảng dạy đã tốt nghiệp phó tiến sĩ khoa học, đã có quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở trường đại học sư phạm từ 10 năm trở lên được giao nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu sinh.

e) Cán bộ giảng dạy có trình độ đại học đã giảng dạy ở trường đại học sư phạm từ 15 năm trở lên, nếu xét thấy có khả năng, hiệu trưởng giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng sau đại học, chủ trì biên soạn giáo trình và sách giáo khoa.

6. Ðiều chỉnh thời gian và khối lượng quy định cho các mặt công tác của cán bộ giảng dạy.

Hiệu trưởng trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm có trách nhiệm bố trí, sử dụng đúng thời gian quy định cho các mặt công tác (giảng dạy, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nghĩa vụ luyện tập quân sự), kiểm tra chất lượng và khối lượng từng công việc. Hiệu trưởng trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm được quyền điều chỉnh lại khối lượng định mức trong những trường hợp sau đây:

a) Ở những trường, khoa chưa có điều kiện triển khai công tác nghiên cứu khoa học, hgoặc bản thân cán bộ không thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học của trường, của khoa, của tổ, hoặc do yêu cầu về khối lượng giảng dạy quá lớn, hiệu trưởng có thể tạm thời quyết định trong 1 năm, 2 năm giảm bớt thời gian nghiên cứu khoa học hoặc chuyển toàn bộ thời gian đó vào khối lượng công tác giảng dạy.

b) Khi có yêu cầu bứv thiết của Bộ, của Nhà nước về công tác nghiên cứu khoa học, hiệu trưởng quyết định giảm bớt định mức thời gian giảng dạy, để tăng thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học, hoặc có thể bố trí một số cán bộ tạm thời ngừng công tác giảng dạy để làm công tác nghiên cứu khoa học.

c) Nếu trong năm học nhà trường không tổ chức được lao động nghĩa vụ và luyện tập quân sự hoặc cán bộ không thực hiện các nghĩa vụ trên, thì toàn bộ thời gian quy định của công tác ấy được chuyển vào khối lượng giảng dạy.

d) Trong trường hợp nói ở điều Cán bộ, tỷ lệ quy đổi thời gian của khối lượng công việc thực tế thành giờ tiêu chuẩn như sau:

- Giáo sư: cứ 4 giờ thực tế bằng 1 giờ tiêu chuẩn giảng dạy.

- Phó gián sư: cứ 4,2 giờ thực tế bằng 1 giờ tiêu chuẩn giảng dạy.

- Giảng viên: cứ 4,4 giờ thực tế bằng 1 giờ tiêu chuẩn giảng dạy.

- Trợ lý: cứ 5 giờ thực tế bằng 1 giờ tiêu chuẩn giảng dạy

- Tập sự nghề nghiệp: cứ 7 giờ thực tế bằng 1 giờ tiêu chuẩn giảng dạy.

IV. GIẢM ÐỊNH MỨC GIẢNG DẠY CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC KIÊM NHIỆM.

1. Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm khoa:

- Ở những khoa có từ 40 cán bộ giảng dạy trở lên hoặc ó từ 250 hoạc sinh trở lên, chủ nhiệm giảm 30% định mức giảng dạy; phó chủ nhiệm giảm 25% định mức giảng dạy.

- Ở những khoa có dưới 40 cán bộ giảng dạy hoặc dưới 250 học sinh: chủ nhiệm khoa giảm 30% định mức; phó chủ nhiệm khoa giảm 20% định mức giảng dạy

2. Tổ trưởng và phó tổ trưởng chuyên môn:

Ở những tổ có từ 10 cán bộ Giảng dạy trở lên: tổ trưởng giảm 20% định mức; phó tổ trưởng giảm 15% định mức giảng dạy.

Ở những tổ có dưới 10 cán bộ Giảng dạy: tổ trưởng giảm 15% định mức; phó tổ trưởng giảm 10% định mức giảng dạy.

Tổ trưởng, phó tổ trưởng các tổ chuyên môn trực thuộc ban giám hiệu; ở những tổ trên 40 cán bộ giảng dạy tổ trưởng giảm 25% định mức; phó tổ trưởng giảm 20% định mức giảng dạy; ở những tổ có dưới 40 cán bộ giảng dạy,tổ trưởng giảm 20% định mức; phó tổ trưởng giảm 15% định mức.

3. Giáo viên chủ nhiệm lớp giảm 15% định mức.

4. Phụ trách phòng thí nghiệm giảm 15% định mức; nếu không có nhân viên thí nghiệm thì được giảm 30% định mức giảng dạy.

5. Các trợ lý công tác ở khoa:

Căn cứ vào nhiệm vụ của khoa, căn cứ vào số lượng học sinh, ở khoa được bố trí một số trợ lý giúp chủ nhiệm khoa về một số mặt công tác sau đây:

- Trợ lý giáo vụ (gồm giảng dạy và học tập).

- Trợ lý công tác hàm thụ, tại chức, vừa học vừa làm.

- Trợ lý công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng sau và trên đại học.

- Trợ lý công tác giáo dục chính trị, đạo đức tác phong và nếp sống văn minh

- Trợ lý công táclao động sản xuất.

- Trợ lý công tácgiáo dục văn nghệ, thể thao.

Trợ lý công tác ở khoa được giảm 20% định mức. Nếu trợ lý giảng dạy và học tập chỉ bố trí 1 người thì được giảm 30% định mức giảng dạy.

Tuỳ theo nhiệm vụ của khoa, hiệu trưởng quyết định số lượng trợ lý ở từng khoa, nhưng nhiều nhất không quá 6 trợ lý công tác ở mỗi khoa.

6. Giảm định mức công tác cho cán bộ giảng dạy làm công tác Ðảng, đoàn thể.

a) Công tác Ðảng cấp trường: Bí thư giảm 30% định mức; nếu không có cán bộ chuyên trách thì giảm 50% định mức. Phó bí thư, ủy viên thường vụ giảm 20% định mức.

b) Công tác Ðảng cấp khoa: Bí thư giảm 20% định mức; phó bí thư giảm 15% định mức. Bí thư chi bộ cán bộ giảng dạy giảm 15% định mức. Nếu là phó bí thư hoặc Thường vụ Ðảng ủy cấp khoa kiêm chức thì không giảm định mức nữa.

c) Công tác Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp trường: Bí thư giảm 30% định mức; nếu không có cán bộ chuyên trách thì được giảm 50% định mức giảng dạy, phó bí thư, Thường vụ giảm 20% định mức giảng dạy.

d) Công tác Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp khoa: Bí thư giảm 20% định mức giảng dạy; Phó bí thư, Thường vụ giảm 15% định mức; Bí thư chi đoàn cán bộ giảng dạy giảm 15% định mức, nếu là phó bí thư, ủy viên thường vụ Ðoàn cấp khoa kiêm chức thì không giảm định mức nữa.

e) Công tác công đoàn cấp trường: Thư ký giảm 30% định mức; nếu không có cán bộ chuyên trách thì giảm 50% định mức; phó thư ký, ủy viên thường vụ giảm 20% định mức giảng dạy.

f) Công tác công đoàn cấp khoa: Thư ký giảm 20% định mức giảng dạy; phó thư ký giảm 15% định mức giảng dạy.

7. Giảm 10% định mức công tác cho nữ giáo viên có con nhỏ dưới 30 tháng để chăm sóc con.

Ðể bảo đảm chất lượng giảng dạy, công tác và sức khỏe của cán bộ, hiệu trưởng trường Ðại học sư phạm, Cao đẳng sư phạm không bố trí một cán bộ giảng dạy làm quá hai công tác kiêm nhiệm và giảm định mức giảng dạy tối đa không quá 50% số giờ tiêu chuẩn.

V. CÁCH TÍNH GIỜ TIÊU CHUẨN

1. Giảng một tiết lý thuyết cho những lớp có dưới 80 học sinh được tính bằng một giờ tiêu chuẩn và bằng 1, 2 giờ tiêu chuẩn cho những lớp có từ 80 học sinh trở lên.

2. Chữa bài tập, hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra trên lớp, hướng dẫn thảo luận tập thể, phụ đạo học sinh làm bài kiểm tra trên lớp, hướng dẫn thảo luận tập thể, phụ đạo học sinh v.v.. một tiết được tính bằng 0,5 giờ tiêu chuẩn..

3. Hướng dẫn học sinh đi thực tập sư phạm, đi thực địa, đi lao động sản xuất, cứ 1 ngày làm việc thực tế được tính bằng 2 giờ tiêu chuẩn. Hướng dẫn học sinh đi kiến tập ở trường phổ thông, đi tham quan cứ 1 ngày làm việc được tính bằng 1,5 giờ tiêu chuẩn.

4. Giảng bài cho học sinh về một môn học có nhiều lớp, cùng trình độ, từ lớp thứ ba trở đi 1 tiết giảng lý thuyết tính bằng 0,75 giờ tiêu chuẩn.

5. Giảng lý thuyết, hướng dẫn ôn tập cho học sinh đại học vừa học vừa làm, cho các lớp hàm thụ, tại chức một tiết lên lớp lý thuyết được tính bằng 1,3 giờ tiêu chuẩn; hướng dẫn bài tập, phụ đạo, hướng dẫn thí nghiệm 1 tiết được tính bằng 1 giờ tiêu chuẩn.

6. Hướng dẫn học sinh đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm làm bài tập nghiên cứu, mỗi đề tài được tính bằng 4 giờ tiêu chuẩn; từ học sinh thứ 5 trở đi cứ thêm 1 học sinh được tính thêm 2 giờ tiêu chuẩn. Trợ lý giảng dạy, được hướng dẫn nhiều nhất là 4 đề tài: giảng viên hướng dẫn nhiều nhất là 8 đề tài.

7. Hướng dẫn học sinh đại học làm khóa luận tốt nghiệp được tính bằng 16 giờ tiêu chuẩn cho 1 đề tài. Từ học sinh thứ 5 trở đi cứ thêm 1 học sinh được tính thêm 2 giờ tiêu chuẩn. Ðọc và đ1nh giá một khóa luận đựơc tính 1 giờ tiêu chuẩn. Mỗi khóa luận có hai người đọc và đánh giá, Trợ lý giảng dạy được hướng dẫn nhiều nhất là 2 đề tài. Giảng viên được hướng dẫn nhiều nhất là 5 đề tài.

8. Giảng lý thuyết cho lớp bồi dưỡng sau đại học 1 tiết được tính bằng 1,2 giờ tiêu chuẩn; chữa bài tập, hướng dẫn thực hành 1 tiết được tính bằng 1 giờ tiêu chuẩn.

9. Hướng dẫn tiểu luận sau đại học cho hệ tập trung (nghỉ công tác để đi học) và hệ tại chức (vừa công tác vừa học), mỗi tiểu luận được tính bằng 32 giờ tiêu chuẩn. Ðọc và viết nhận xét một tiểu luận được tính bằng 5 giờ tiêu chuẩn. Mỗi tiểu luận có hai người đọc và viết nhận xét đánh giá. Một giảng viên được hướng dẫn nhiều nhất là 3 tiểu lụân.

10. Hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án phó tiến sĩ khoa học (kể cả tập trung và tại chức) được tính bằng 50 giờ tiêu chuẩn trong 1 năm đối với 1 người hướng dẫn; 70 giờ tiêu chuẩn trong 1 năm cho tập thể hai người hướng dẫn; 90 giờ tiêu chuẩn trong 1 năm cho tập thể 3 người hướng dẫn.

- Một phản biện đọc và viết nhận xét luận án phó tiến sĩ khoa học được tính 15 giờ tiêu chuẩn.

- Một ủy viên hội đồng chấm thi bảo vệ luận án phó tiến sĩ được phân công đọc và viết nhận xét bản tóm tắt luận án được tính bằng 5 giờ tiêu chuẩn.

- Một ủy viên hội đồng chấm thi bảo vệ 1 luận án phó tiến sĩ khoa học đuợc tính 2 giờ tiêu chuẩn.

11. Viết giáo trình và sách giáo khoa.

Giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo được nhà trường duỵệt và cho xuất bản dùng trong trường được tính như sau:

- Một trang tác giả tính bằng 1 giờ tiêu chuẩn đối với các loại biên soạn mới.

- Một trang tác giả tính bằng 0,5 giờ tiêu chuẩn đối với cá loại biên soạn lại và sưu tầm, giới thiệu và biên dịch.

12. Chấm thi và kiểm tra viết cuối học kỳ, chấm thi tốt nghiệp. Chấm thi bài kiểm tra viết cuối học kỳ, chấm thi viết và vấn đáp cuối học kỳ, chấm thi tốt nghiệp được tính 1 ngày làm việc thực tế bằng hai giờ tiêu chuẩn. Ðể thực hiện thống nhất trong các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm, Bộ quy định số lượng bài chấm tối thiểu phải hoàn thành trong 1 ngày như sau:

Loại bài thi

 

Bộ môn

Thi chuyên đề sau đại học

Thi tốt nghiệp đại học

Thi cuối học kỳ

Kiểm tra cuối học kỳ

Toán-Lý-Hóa-Sinh vật-kỹ thuật-Ngoại ngữ

10 bài

Từ 14 đến 20 bài

Từ 18 đến 24 bài

Từ 22 đến 30 bài

Văn-Sử-Ðịa-Chính trị-Tâm lý gáo dục-Phương pháp giảng dạy

8 bài

Từ 10 Ðến 15 bài

Từ 14 đến 20 bài

Từ 18 đến 24 bài

Tuỳ theo thời gian làm bài 3 giờ hay 2 giờ mà áp dụng số lượng bài chấm phải hoàn thành trong 1 ngày theo mức thấp hoặc mức cao. Chấm bài bằng thư cho học sinh hàm thụ cứ 5 bài được tính bằng 1 giờ tiêu chuẩn.

13. Ðối với giáo viên dạy thể dục, thể thao, quân sự.

Giảng lý thuyết ở trên lớp, phụ đạo, giảng kỹ thuật ở ngoài sân bãi (cho 1 lớp học sinh dưới 40 người).phụ đạo học sinh yếu và nghỉ học, bồi dưỡng cán sự thể dục thể thao (cho 1 nhóm từ 15 người trở xuống), huấn luyện đội đại biểu của trường cứ 1 tiết học (45-50 phút) tính bằng 1 giờ tiêu chuẩn; giảng kỹ thuật cho 1 lớp học có từ 41 học sinh trở lên, bồi dưỡng một nhóm cán sự thể dục, thể thao từ 16 người trở lên, cứ một tiết học tính bằng 1,2 giờ tiêu chuẩn.

Hướng dẫn hoạt động ngoại khóa, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, tổ chức thi đấu trong trường, hoặc dẫn đội đi tham gia thi đấu ở ngoài trường. cứ 1 ngày làm việc (6 - 8 giờ) tính bằng 2,5 giờ tiêu chuẩn.

Trong tài chính: 1 trận bóng đá được tính bằng 3 giờ tiêu chuẩn.

1 trận bóng rổ, bóng chuyền tính bằng 1,2 giờ tiêu chuẩn.

1 Trận bóng bàn được tính 1 giờ tiêu chuẩn.

Trọng tài phụ và thư ký.

1 trận bóng đá được tính bằng 1,5 giờ tiêu chuẩn.

1 trận bóng rổ, bóng chuyền được tính 1 giờ tiêu chuẩn.

1 trận bóng bàn được tính 0,5 giờ tiêu chuẩn

Trọng tài các môn điền kinh, thể thao dụng cụ, bơi lội, bắn súng - cứ 1 giờ tính bằng 0,5 giờ tiêu chuẩn.

Ngoài việc tính giờ trên đây, cán bộ giảng dạy còn được hưởng chế độ bồi dưỡng trọng tài theo quy định chung của Tổng cục Thể dục thể thao.

VI. CHẾ ÐỘ BỒI DƯỠNG LÀM VIỆC QUÁ ÐỊNH MỨC

Trong năm học, cán bộ giảng dạy phải làm việc thêm ngoài định mức thì họ được hưởng phụ cấp bồi dưỡng về số giờ vượt định mức với điều kiện sau đây:

1. Cán bộ đã hoàn thành đầy đủ công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ luyện tập quân sự, nếu có một mặt công tác chưa hoàn thành thì số giờ vượt định mức được điều chỉnh lại bù cho phần việc chưa hoàn thành (theo cách quy đổi ghi ở điểm 6 phần III).

2. Khối lượng thời gian làm việc được tính theo đơn vị nhóm bộ môn (ví dụ nhóm Văn học châu Á - trong tổ Văn học nước ngoài), nghĩa là căn cứ vào tổng số giờ định mức của tất cả cán bộ thuộc biên chế giảng dạy của nhóm bộ môn trong năm học mà tính số giờ vượt định mức được trả phụ cấp: nếu có một số cán bộ trong nhóm bộ môn chưa hoàn thành được các nhiệm vụ công tác thì khối lượng giờ vượt định mức của những cán bộ khác phải điều chỉnh bớt để bù cho số giờ còn thiếu tính theo định mức của nhóm bộ môn. Trường hợp có lý do chính đáng về việc một số cán bộ không làm hết định mức, thì hiệu trưởng xem xét và quyết định về mức độ điều chỉnh khối lượng nói trên.

Trường hợp không có lý do chính đáng, cán bộ giảng dạy chưa thực hiện đủ định mức, hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa, tổ trưởng bộ môn giao thêm công tác khác nhưng cán bộ giảng dạy không đảm nhiệm, hiệu trưởng có quyền không điều chỉnh định mức công tác cho cán bộ đó và ghi nhận khong hoàn thành kế hoạch công tác của năm học.

3. Số giờ được tính phụ cấp vượt định mức cho một cán bộ không quá 100% khối lượng định mức công tác hàng năm.

VII. ÐIỀUKHOẢN THI HÀNH

Thông tư này được thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho thông tư số 01/TTGD ngày 7-5-1975, thông tư số 05 ngày 14-2-1978.

Thông tư này được phổ biến đến cán bộ giảng dạy.

 

 

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Cảnh Toàn

 

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 14/11/1980

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Thông tư 37/TT năm 1980 quy định chế độ làm việc của cán bộ giảng dạy Đại học và Cao đẳng sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 37/TT Ngày ban hành 14/11/1980
Ngày có hiệu lực 14/11/1980 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Thông tư 37/TT năm 1980 quy định chế độ làm việc của cán bộ giảng dạy Đại học và Cao đẳng sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành
Mục lục

Mục lục

Close