TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN X THÀNH PHỐ HCM

Số: 246/2014/KDTM-ST

Ngày: 29/7/2014

Về vụ án: “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ ”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------

NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN X - THÀNH PHỐ HCM

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM: 

1. Bà Phạm Thị Thu - Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa:    

2. Bà Nguyễn Thị Linh - Hội thẩm nhân dân

3. Ông Trần Quang B - Hội thẩm nhân dân

Bà Bế Thị P – Cán bộ Tòa án nhân dân Quận X, Tp. HCM - Thư ký phiên toà

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Quận X, Tp. HCM tham gia phiên tòa: Ông Huỳnh Thanh T – Kiểm sát viên.

Trong các ngày 23 và 29 tháng 7 năm 2014 tại phòng xử án của án của Tòa Án Nhân Dân Quận X, số 06 Lý Tự Trọng – P.Bến Nghé – Quận X, đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 202/2012/TLST-KDTM ngày 19/10/2012 về tranh chấp “Hợp đồng dịch vụ” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 878/2014/ QĐST-XX ngày 07 tháng 7 năm 2014, giữa các đương sự:

NGUYÊN ĐƠN:

NĐ_Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Diễm Quỳnh

Địa chỉ: 18/3 PVT, phường 2 Quận Z, TP.HCM

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Văn Phương, sinh năm 1981 (có mặt)

Địa chỉ: 100/49 DBT phường 2 quận T

Đại diện theo giấy ủy quyền số 1114/VNYI-UQ ngày 21/7/2014

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn (có mặt khi tuyên án): ông Lê Trọng Đức - đại diện theo pháp luật.

BỊ ĐƠN:

BĐ_Công ty cổ phần Diễm Quỳnh

Địa chỉ: 157 (tầng 3 phía sau) CB, phường CG, Quận X

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Đoàn Thị  Anh sinh năm 1963 - đại diện theo pháp luật (có mặt)

Địa chỉ: 23-23bis-25 CQ, phường NCT, Quận X

NHẬN THẤY:

Theo đại diện nguyên đơn là ông Trần Văn Phương trình bày:

Ngày 01/7/2011 NĐ_Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Diễm Quỳnh (sau đây viết tắt là NĐ_Công ty Diễm Quỳnh) có ký hai hợp đồng cung cấp dịch vụ cho BĐ_Công ty cổ phần Diễm Quỳnh (sau đây viết tắt là BĐ_Công ty Diễm Quỳnh) , gồm:

1. Hợp đồng cung cấp phần cứng số 42/11/PC/HD-VNPI nội dung cung cấp phần cứng máy POS, trị giá hợp đồng là 125.000.000đ, thanh toán trước 60.000.000đ ngay sau khi ký kết hợp đồng, phần còn lại 65.000.000đ thanh toán ngay sau khi nhận được hàng. Nếu quá hạn 7 ngày kể từ ngày giao đủ hàng, nếu thanh toán chậm thì bên mua sẽ phải chịu phạt 1,5 lần theo lãi suất vay kỳ hạn 01 năm cao nhất của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nhân số dư nợ còn lại, nhân số ngày chậm trả. Thời hạn giao hàng là 60 ngày sau khi ký hợp đồng.

Thực hiện hợp đồng, BĐ_Công ty Diễm Quỳnh đã thanh toán đợt 1 là 60.000.000đ vào ngày 01/7/2011, NĐ_Công ty Diễm Quỳnh cũng đã bào giao hàng đầy đủ cho BĐ_Công ty Diễm Quỳnh vào ngày 23/12/2011 nhưng từ đó đến nay NĐ_Công ty Diễm Quỳnh nhiều lần đòi mà BĐ_Công ty Diễm Quỳnh không chịu trả khoản tiền còn lại.

2. Hợp đồng triển khai chương trình quản lý nhà hàng Ezires số 49/11/HD-VNYI, trị giá hợp đồng là 10.000.000đ, NĐ_Công ty Diễm Quỳnh đã triển khai hoàn chỉnh phần mềm theo đúng hợp đồng và yêu cầu BĐ_Công ty Diễm Quỳnh thanh toán tiền nhưng BĐ_Công ty Diễm Quỳnh không thanh toán tiền, không trả lời các văn bản yêu cầu thanh toán, thanh lý hợp đồng của NĐ_Công ty Diễm Quỳnh.

Nay nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán ngay số tiền còn nợ là 65.000.000đ và tiền lãi do chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký; Về phần mềm, nguyên đơn không có yêu cầu giải quyết mà đồng ý thanh lý hợp đồng.

Nguyên đơn không chấp nhận yêu cầu phản tố, đòi lại 60.000.000đ của bị đơn vì việc mua bán là tự nguyện, đã giao nhận hàng đầy đủ, bị đơn đã đưa máy vào sử dụng đến nay quá lâu nay đòi trả lại máy là vô lý.

Theo đại diện bị đơn là bà Đoàn Thị  Anh trình bày:

BĐ_Công ty Diễm Quỳnh xác nhận việc ký kết hợp đồng giữa hai công ty đúng như lời đại diện nguyên đơn trình bày. Về thực hiện hợp đồng, BĐ_Công ty Diễm Quỳnh đã thanh toán đợt 1 là 60.000.000đ và nhận bàn giao máy, phần mềm về sử dụng. Tuy nhiên, sau khi mở 01 bộ máy trong số mấy bộ máy nhận về để sử dụng chạy thử chương trình phần mềm thì thấy bị lỗi ở phần tính tiền, làm khách đến cty phàn nàn, không hài lòng, làm giảm uy tín của cty, máy tính tiền thì không sử dụng được, phần mềm thì không làm báo cáo được. Bà gọi điện cho NĐ_Công ty Diễm Quỳnh đến khắc phục máy bị lỗi, cty này có cho nhân viên đến sửa chữa nhưng đến chậm, dịch vụ chăm sóc khách sau khi mua hàng yếu.

Do máy mua không sử dụng được bà phải cho vào kho cất và mua máy khác về sử dụng đến nay. Nay bị đơn không đồng ý trả tiền theo yêu cầu của nguyên đơn vì mua máy về không sử dụng được, ngược lại, có yêu cầu phản tố đòi nguyên đơn phải trả lại ngay 60.000.000đ đã thanh toán đợt 1, bị đơn sẽ hoàn trả máy cho nguyên đơn cùng lúc với việc trả tiền. Về phần mềm nguyên đơn không yêu cầu giải quyết, không thu tiền phần mềm mà muốn thanh lý hợp đồng thì bà đồng ý và không có ý kiến.

Tại phiên tòa;

-    Phía nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đòi bị đơn phải trả ngay số tiền mua máy còn nợ là 65.000.000đ và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng ngày 01/7/2011; cụ thể lãi suất vay kỳ hạn 01 năm cao nhất hiện nay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (thời điểm ngày 08/7/2014) là 10%/năm ; thời gian chậm trả tính từ ngày giao hàng 23/12/2011 đến ngày 23/7/2014 là 942 ngày, như vậy tiền lãi chậm trả là:

1,5x(10%/365) x 65.000.000đ x 942 ngày = 25.163.014đ. Tổng cộng số tiền yêu cầu trả là: 65.000.000đ + 25.163.014đ = 90.163.014đ; yêu cầu trả ngay khi án có hiệu lực; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc đòi trả lại 60.000.000đ, trả lại máy vì thiết bị bàn giao đã quá lâu, nguyên đơn trước kia đã có công văn ngày 08/5/2012 đề xuất thu hồi máy nhưng bên bị đơn không chịu, nay không đồng ý nhận lại máy. Sau khi nghe Hội đồng xét xử giải thích về thời gian tính lãi chậm trả, phía nguyên đơn yêu cầu tính lãi do chậm trả tính từ ngày 31/12/2011 cho đến nay theo mức lãi suất đã thỏa thuận .

Về tiền phạt 1.000.000đ do bị đơn tự ý hủy hợp đồng cung cấp phần mềm, trong đơn kiện nguyên đơn có đưa ra, nhưng quá trình giải quyết vụ án, hòa giải nguyên đơn đã tự rút lại không có yêu cầu gì nên xin không trình bày.

- Bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố, không chấp nhận yêu cầu đòi trả số tiền trên của nguyên đơn; phía nguyên đơn đúng là có nói sẽ nhận lại máy nhưng đồng thời lại đòi bị đơn phải chịu phạt nhiều tiền quá (khoảng 10% tính trên trị giá hợp đồng), trong lúc bị đơn chỉ chấp nhận chịu phạt 10% trên số tiền đã trả là 6.000.000đ, hai bên không thống nhất được nên BĐ_Công ty Diễm Quỳnh chưa trả máy cho đến nay.

- Các đương sự thống nhất: Việc nguyên đơn giao hàng chậm hơn so với thời hạn trên hợp đồng là do phải chờ BĐ_Công ty Diễm Quỳnh sửa chữa cửa hàng, đến lúc xong mới giao nhận hàng được.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận X phát biểu ý kiến:việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến phiên tòa sơ thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các qui định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004, đã được sửa đổi bổ sung năm 2011 do đó Viện kiểm sát nhân dân Quận X không có kiến nghị gì về tố tụng.

XÉT THẤY:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: đây là tranh chấp hợp đồng dịch vụ về việc cung cấp phần cứng máy POS, bị đơn có trụ sở tại Quận X, căn cứ theo qui định tại điểm b khoản 1 điều 29, điểm b khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự, tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận X.

2. Về yêu cầu của đương sự:

Theo các đương sự trình bày thì ngày 01/7/2011 NĐ_Công ty Diễm Quỳnh có ký hợp đồng cung cấp phần cứng số 42/11/PC/HD-VNPI, (nội dung cung cấp phần cứng máy POS) cho BĐ_Công ty Diễm Quỳnh, trị giá hợp đồng là 125.000.000đ, thanh toán trước 60.000.000đ ngay sau khi ký kết hợp đồng, phần còn lại 65.000.000đ thanh toán ngay sau khi nhận được hàng, thời hạn giao hàng 60 ngày sau khi ký hợp đồng. Nếu quá hạn 7 ngày kể từ ngày giao đủ hàng, nếu thanh toán chậm thì bên yêu cầu cung cấp thiết bị sẽ phải chịu phạt 1,5 lần theo lãi suất vay kỳ hạn 01 năm cao nhất của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nhân số dư nợ còn lại, nhân số ngày chậm trả.

Thực hiện hợp đồng, BĐ_Công ty Diễm Quỳnh đã thanh toán đợt 1 là 60.000.000đ vào ngày 01/7/2011, NĐ_Công ty Diễm Quỳnh cũng đã bào giao hàng đầy đủ cho BĐ_Công ty Diễm Quỳnh vào ngày 23/12/2011 nhưng từ đó đến nay NĐ_Công ty Diễm Quỳnh nhiều lần đòi mà BĐ_Công ty Diễm Quỳnh không chịu trả khoản tiền còn lại. Việc giao hàng chậm hơn so với thời hạn trên hợp đồng là do phải chờ BĐ_Công ty Diễm Quỳnh sửa chữa cửa hàng xong mới giao nhận hàng được.

Ngoài ra hai bên còn ký Hợp đồng triển khai chương trình quản lý nhà hàng Ezires số 49/11/HD-VNYI cho BĐ_Công ty Diễm Quỳnh, trị giá hợp đồng là 10.000.000đ, NĐ_Công ty Diễm Quỳnh đã thực hiện theo hợp đồng nhưng BĐ_Công ty Diễm Quỳnh cho rằng phần mềm bị lỗi nên cũng chưa thanh toán ; Tuy nhiên về phần mềm nguyên đơn không yêu cầu giải quyết, bị đơn cũng chấp nhận việc này nên không xét.

Sau khi bàn giao máy móc thiết bị vào ngày 23/12/2011, bị đơn không thanh toán tiền đợt 2 theo thỏa thuận trong hợp đồng; mà đưa 01 bộ máy vào sử dụng thử thì sau đó phát hiện phần mềm bị lỗi, hai bên cũng đã trao đổi về việc thanh lý hợp đồng, trả lại thiết bị nhưng không thống nhất được nên phát sinh tranh chấp.

Hội đồng xét xử xét thấy:

NĐ_Công ty Diễm Quỳnh và BĐ_Công ty Diễm Quỳnh có ký với nhau hai hợp đồng cùng ngày 01/7/2011, một là hợp đồng cung cấp thiết bị phần cứng số 42/11/PC/HD-VNPI, hai là hợp đồng cung cấp phần mềm quản lý số 49/11/HD-VNYI. Hai bên chỉ tranh chấp hợp đồng cung cấp phần cứng, không yêu cầu giải quyết hợp đồng cung cấp phần mềm. Hai bên trình bày khi ký kết cả hai hợp đồng đều là tự nguyện, ký xong cũng đã thực hiện được một phần hợp đồng, cụ thể là bị đơn trả tiền đợt 1 = 60.000.000đ, nguyên đơn giao và bị đơn nhận hàng đầy đủ vào ngày 23/12/2011; căn cứ Điều 3, mục 3.1 của Hợp đồng cung cấp phần cứng thì “hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký” và “hợp đồng coi như được thanh lý khi và chỉ khi bên A thanh toán cho bên B 100% giá trị hợp đồng”, sau khi ký đến nay không bên nào có ý kiến gì về nội dung của hợp đồng.

Theo đúng hợp đồng (Điều 1 mục II) thì bị đơn nhận hàng xong phải thanh toán ngay số tiền còn lại, việc thỏa thuận thanh toán này là phù hợp qui định tại khoản 2 Điều 85 Luật thương mại 2005, bị đơn nhận hàng ngày 23/12/2011 nhưng thực tế đến nay vẫn chưa trả khoản tiền này là vi phạm nghĩa vụ thanh toán; Bị đơn cho rằng do phần mềm bị lỗi không tính tiền, không làm báo cáo được gây ảnh hưởng uy tín bị đơn nên không đồng ý trả tiền mà ngược lại yêu cầu phản tố đòi trả lại máy, trả lại tiền thanh toán đợt 1 là 60.000.000đ là không có cơ sở; bởi lẽ, đây là hai hợp đồng riêng biệt, khi ký kết là tự nguyện, hợp đồng cung cấp phần mềm hai bên không yêu cầu giải quyết, không có tranh chấp; còn thiết bị phần cứng lại không thấy có gì thể hiện là bị hư hỏng, mà nếu có hư hỏng thì sẽ phát sinh nghĩa vụ bảo hành của nguyên đơn căn cứ thỏa thuận tại Điều 2 của hợp đồng số 42/11/PC/HD-VNPI chứ hai bên không có thỏa thuận nào là phải trả lại máy nên yêu cầu đòi trả lại máy, đòi trả tiền thanh toán đợt 1 của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.

Đồng thời, căn cứ theo thỏa thuận tại Điều 1 mục II của hợp đồng số 42/11/PC/HD-VNPI thì nếu quá hạn 7 ngày kể từ ngày giao đủ hàng, nếu thanh toán chậm thì bên yêu cầu cung cấp thiết bị sẽ phải chịu phạt 1,5 lần theo lãi suất vay kỳ hạn 01 năm cao nhất của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nhân số dư nợ còn lại, nhân số ngày chậm trả.Thỏa thuận này phù hợp qui định tại Điều 306 luật thương mại 2005, do đó yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả số tiền còn nợ và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là có cơ sở, phù hợp qui định pháp luật, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về mức lãi chậm trả nguyên đơn đưa ra là đúng thỏa thuận trong hợp đồng và bị đơn cũng không có ý kiến phản đối nên có cơ sở chấp nhận. Về thời gian chậm trả nguyên đơn đồng ý tính từ ngày 31/12/2011 đến nay; căn cứ qui định tại khoản 2 Điều 150, điểm a, e khoản 1 Điều 151, khoản 2 điều 152, khoản 1 điều 153 Bộ luật dân sự 2005 thì một ngày là 24 giờ, ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày kế tiếp của ngày xảy ra sự kiện đó và thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn; theo cách tính này thì từ 31/12/2011 đến nay là 941 ngày. Cụ thể tiền lãi phải trả do chậm thanh toán là:1,5x(10%/365) x 65.000.000đ x 941 ngày = 25.136.293

3.Về án phí:

Bị đơn phải chịu án phí KDTM sơ thẩm trên số tiền phải trả cho nguyên đơn và chịu án phí KDTM sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận; nguyên đơn không phải chịu án phí, theo qui định pháp luật.

Về quyền kháng cáo: các đương sự được quyền kháng cáo theo qui định pháp luật. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ điểm b khoản 1 điều 29, điểm b khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều 35, điều 131, điều 238, điều 243, khoản 1 điều 245 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 đã được sửa đổi bổ sung năm 2011;

Căn cứ khoản 1 Điều 74, khoản 1 Điều 85 và Điều 306 Luật Thương mại 2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006;

Căn cứ khoản 2 Điều 150, điểm a, e khoản 1 Điều 151, khoản 2 điều 152, khoản 1 điều 153 Bộ luật dân sự 2005.

Căn cứ các điều 2,6,7,9,30 Luật thi hành án dân sự 2008;

Căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án có hiệu lực từ ngày 01/7/2009; Xử:

1.   Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc BĐ_Công ty cổ phần Diễm Quỳnh phải trả cho NĐ_Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Diễm Quỳnh số tiền mua thiết bị còn nợ chưa thanh toán theo Hợp đồng cung cấp phần cứng số 42/11/PC/HD-VNPI ngày 01/7/2011 là 65.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tính từ ngày 31/12/2011 đến nay là 25.136.293đ, tổng cộng 90. 136.293đ , trả một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Thi hành dưới sự giám sát của cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn chưa thi hành như trên, thì hàng tháng bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đòi nguyên đơn phải nhận lại máy móc thiết bị và hoàn trả số tiền đã thanh toán đợt 1 là 60.000.000đ.

3. Về án phí: bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm trên số tiền phải trả cho nguyên đơn là 4.506.815 đ và chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận là 3.000.000đ. Hoàn lại cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã tạm nộp là 1.913.182đ theo biên lai thu tiền số AD/2011/05825 ngày 19/10/2012 của Chi cục thi hành án dân sự Quận X.

4. Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

5.Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Tên bản án

Bản án số 246/2014/KDTM-ST Tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Số hiệu 246/2014/KDTM-ST Ngày xét xử 29/7/2014
Bình luận án

Tiếng Việt

English