QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 09/2008/KDTM-GĐT NGÀY 24/11/2008 VỀ VIỆC TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA 

TÒA KINH TẾ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

Ngày 24 tháng 11 năm 2008, tại trụ sở Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa:

Nguyên đơn: Công ty liên doanh trồng và chế biến cây nguyên liệu giấy xuất khẩu Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Công ty nguyên liệu giấy); địa chỉ: Lô B9 Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, do ông Trần Văn Hiếu là đại diện, theo văn bản ủy quyền ngày 17/9/2007 của Giám đốc Công ty.

Bị đơn: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tú Sơn 1 (sau đây gọi tắt là Hợp tác xã Tú Sơn 1) địa chỉ: Thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; do ông Nguyễn Út – Chủ nhiệm Hợp tác xã làm đại diện.

NHẬN THẤY

Theo đơn khởi kiện đề ngày 25/9/2006 (được sửa đổi, bổ sung ngày 25/12/2006), tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của nguyên đơn, thấy:

Ngày 18/8/2006, Hợp tác xã Tú Sơn 1 tổ chức đấu thầu rừng bạch đàn tái sinh, diện tích trên bản đồ là 44 ha và Công ty nguyên liệu giấy đã trúng thầu với giá 681.500.000 đồng.

Ngày 21/8/2006 trên cơ sở kết quả đấu thầu, Công ty nguyên liệu giấy và Hợp tác xã Tú Sơn 1 đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 06/HĐKT về việc mua bán gỗ bạch dàn, theo đó Hợp tác xã Tú Sơn 1 “giao toàn bộ hai khu rừng tái sinh ở phía Tây và phía Đông hồ chứa nước Ông Tới, Tú Sơn 1 cho bên B (bên mua – Công ty nguyên liệu giấy ) diện tích trên bản đồ là 44ha; tổng giá trị hợp đồng mua bán là 681.500.000 đồng…”.

Ngày 23/8/2006, đại diện Hợp tác xã Tú Sơn 1 và Công ty nguyên liệu giấy tiến hành bàn giao rừng trên thực địa.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty nguyên liệu giấy khai thác được khoảng 25 đến 28 ha thì hết diện tích rừng và số lượng gỗ khai thác chỉ được 1.233,83 tấn, còn thiếu so với số lượng ước tính khi bán đấu giá là 366,17 tấn, quy thành tiền là 155.965.534đ. Sau nhiều lần thương lượng không thành, Công ty nguyên liệu giấy khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Hợp tác xã Tú Sơn 1 phải trả lại 155.965.534 đ và tiền lãi kể từ ngày Hợp tác xã nhận tiền đến thời điểm xét xử và yêu cầu phong tỏa tài sản của Hợp tác xã Tú Sơn 1 tại Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo quyền lợi cho Công ty nguyên liệu giấy.

Bị đơn trình bày: giữa Hợp tác xã Tú Sơn 1 và Công ty nguyên liệu giấy đã ký hợp đồng mua bán rừng bạch đàn tái sinh theo kết quả đấu thầu ngày 18/8/206 công khai tại trụ sở Hợp tác xã Tú Sơn 1; tổng giá trị hợp đồng là 681.500.000đ; sau khi ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng phía Công ty nguyên liệu giấy đã chuyển trả cho Hợp tác xã Tú Sơn 1 : 676.500.000đ, còn thiếu 5.000.000đ. Nay Hợp tác xã Tú Sơn 1 yêu cầu Tòa buộc Công ty nguyên liệu giấy phải trả 5.000.000 đ còn thiếu.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 26/6/2007, Tòa án nhân dân huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

- Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty nguyên liệu giấy về việc yêu cầu Hợp tác xã Tú Sơn 1 trả số tiền 155.965.534đ và lãi suất trên số tiền 155.965.534đ kể từ ngày Hợp tác xã Tú Sơn 1 nhận tiền đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

- Buộc Công ty nguyên liệu giấy trả cho Hợp tác xã Tú Sơn 1 số tiền 5.000.000 đồng.

Ngày 29/6/2007, ngày 11/7/2007 và ngày 4/8/2007 Công ty nguyên liệu giấy kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2007/KDTM-PT ngày 18/9/2007, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định: “Buộc Hợp tác xã Tú Sơn 1 phải trả cho bên nguyên đơn 150.965.535 đ; không bên nào phải bồi thường thiệt hại cho bên nào; bên nguyên đơn không còn nợ bên bị đơn 5 triệu đồng…”.

Ngày 8/10/2007, Hợp tác xã Tú Sơn 1 có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị số 09/2008/KN-KDTM ngày 16/9/2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2007/KDTM-PT ngày 18/9/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để xét xử phúc thẩm lại theo đún quy định của pháp luật, với lý do: “về diện tích trong quy chế và hợp đồng ghi diện tích trên bản đồ là 44ha để có cơ sở xem xét khiếu nại về diện tích này thì chỉ có thể yêu cầu các cơ quan địa chính, lâm nghiệp…xác định kết luận trên bản đồ, từ đó mới xác định được hai khu rừng mà Hợp tác xã Tú Sơn 1 đưa ra đấu thầu có diện tích là bao nhiêu, chưa có kết quả thông báo này của cơ quan chức năng nhưng Tòa án các cấp đã kết luận là chưa có căn cứ”.

Tại kết luận số 19/KL-VKSTC-V12 ngày 4/11/2008,Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định: “ Công ty nguyên liệu giấy đơn phương thuê Trung tâm tư vấn nông nghiệp phát triển nông thông tỉnh Quảng Ngãi đo đạc diện tích mà Công ty đã khai thác 30,9ha do Công ty nguyên liệu giấy chỉ dẫn, quá trình đo đạc Hợp tác xã Tú Sơn 1 không tham gia. Trong hợp đồng kinh tế ghi rõ diện tích 44 ha trên bản đồ, chứ không phải ghi diện tích khai thác. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi căn cứ vào Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 14/6/2007 của Trung tâm tư vấn nông nghiệp phát triển nông thông tỉnh Quảng Ngãi (BL 119-125) để cho rằng Hợp tác xã Tú Sơn 1 giao thiếu diện tích là không đúng thực tế như Hợp đồng hai bên ký kết.

Như vậy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 26/6/2007 của Tòa án nhân dân huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã phán quyết là có căn cứ và đúng pháp luật”.

Từ những phân tích nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (phần hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2007/KDTM-PT ngày 18/9/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi) nhưng đề nghị Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2007/KDTM-PT ngày 18/9/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 26/6/2007 của Tòa án nhân dân huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi”.

XÉT THẤY

Trước khi đấu thầu và ký hợp đồng, Hợp tác xã Tú Sơn 1 đã công khai Quy chế đấu thầu cho cá bên tham gia đấu thầu, trong đó có Công ty nguyên liệu giấy. Theo Quy chế này, thì Hợp tác xã Tú Sơn 1 đã nêu rõ diện tích 44 ha trên bản đồ và sản lượng ước tính 1600 tấn; tại Quy chế, Hợp tác xã Tú Sơn 1 yêu cầu “Để tránh sự sai lệch về sản lượng gỗ, vì vậy ban quản trị Hợp tác xã yêu cầu các đơn vị, cá nhân đến đăng ký phải kiểm tra tính toán rừng cụ thể trước khi đấu giá. Mọi khiếu nại sau này của đơn vị cá nhân trúng thầu ban quản trị Hợp tác xã không giải quyết.

Như vậy, theo quy chế nêu trên thì việc kiểm tra về diện tích rừng, về sản lượng gỗ, Công ty nguyên liệu giấy phải thực hiện trước khi tham gia dấu thầu.

Sau khi trúng thầu, Công ty nguyên liệu giấy đã ký hợp đồng số 06/HĐKT ngày 21/8/2006 với Hợp tác xã Tú Sơn 1. Tại Điều 1 của hợp đồng ghi: “diện tích trên bản đồ là 44 ha” chứ không có thỏa thuận diện tích đo đạc trên thực địa. Trong hợp đồng cũng không nêu sản lượng gỗ là bao nhiêu.

Ngày 23/8/2006, Công ty nguyên liệu giấy đã nhận bàn giao rừng cả về hiện trạng cũng như mốc giới rừng, nhưng không có ý kiến khiếu nại gì. Công ty nguyên liệu giấy đã tiến hành khai thác và đã thanh toán cho Hợp tác xã Tú Sơn 1 dược 676.500.000 đ.

Chỉ sau khi Công ty nguyên liệu giấy khai thác xong mới khởi kiện yêu cầu Hợp tác xã Tú Sơn 1 trả lại cho Công ty 155.965.534 đ và lãi suất kể từ ngày Hợp tác xã Tú Sơn 1 “đưa thông tin và giao không đúng sản lượng gỗ và diện tích rừng như đã ký kết”.

Xét thấy, trong hợp đồng không nêu sản lượng gỗ là bao nhiêu, chỉ trong Quy chế đấu thầu mới ghi sản lượng ước tính 1600 tấn, Hợp tác xã Tú Sơn 1 đã yêu cầu những người tham gia đấu thầu phải kiểm tra, tính toán trước, mọi khiếu nại sau này Hợp tác xã Tú Sơn 1 không giải quyết. Trước khi tham gia đấu thầu và ký hợp đồng, Công ty nguyên liệu giấy đã kiểm tra. Trước khi khai thác, Công ty nguyên liệu giấy đã nhận bàn giao mà không thắc mắc, khiếu nại gì. Do vậy, không có căn cứ để xem xét khiếu nại của Công ty nguyên liệu giấy về sản lượng gỗ.

Về diện tích, trong Quy chế và hợp đồng đều ghi diện tích trên bản đồ là 44 ha. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào “Bản đồ thiết kế khai thác rừng bạch đàn tái sinh Hợp tác xã Tú Sơn 1 xã Đức Lân”, là chưa có cơ sở vững chắc, vì Bản đồ này được lập từ năm 1995, chưa xác minh Bản đồ này được trích lục từ đâu? có phải do cơ quan chức năng, có thẩm quyền xác lập hay không. Tòa án cấp phúc thẩm đã sai sót như nhận định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Kết luận nêu trên.

Để có cơ sở xem xét khiếu nại về diện tích này thì chỉ có thể yêu cầu các cơ quan địa chính, lâm nghiệp xác định, kết luận trên bản đồ, từ đó mới xác định được hai khu rừng mà Hợp tác xã Tú Sơn 1 đưa ra đấu thầu có diện tích là bao nhiêu, chưa có kết quả thông báo này của cơ quan chức năng nhưng Tòa án các cấp đã kết luận là chưa có căn cứ.

Bởi lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận Kháng nghị số 09/2008/KN-KDTM ngày 16/9/2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2007/KDTM-PT ngày 18/9/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 09/2008/KDTM-GĐT về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English