QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 09/2008/KTDM-GĐ NGÀY 31/07/2008 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 31 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Khải Thành ( sau đây gọi tắt là Công ty Khải Thành); có trụ sở tại Lô C2/1 đường E2, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh,thành phố Hồ Chí Minh;có ông Trịnh Minh Phúc làm đại diện ( theo Giấy ủy quyền ngày 30-7-2006 của Giám đốc Công ty Khải Thành).

Bị đơn: Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI) ; có trụ sở  (mới) tại tầng 8, tòa nhà 4A, Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; có ông Hoàng Minh Đức làm đại diện (theo Giấy ủy quyền số 611/2006/GUQ-PTI ngày 06-10-2006 của Tổng Giám đốc PTI).

NHẬN THẤY

Theo đơn khởi kiện ngày 05-1-2006 của nguyên đơn, lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và các tài liệu do các đương sự xuất trình thấy:

Trên cơ sở Giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 22-7-2003 của Công ty Khải Thành, ngày 22-7-2003 PTI – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số HĐ/0004/02/DA/6.01.2003 (BL. 151.Theo Giấy chứng nhận: thời hạn bảo hiểm được tính từ ngày 24-10-2003 đến ngày 23-10-2004; mức phí bảo hiểm (bao gồm cả VAT) là 27.000.000 đ; tổng số tiền bảo hiểm là 15 tỷ đồng cho các hạng mục: nhà xưởng (trị giá 5 tỷ đồng), máy móc và thiết bị (trị giá 6 tỷ đồng), hang hóa trong kho (trị giá 4 tỷ đồng); rủi ro được bảo hiểm gồm: hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt  (thiệt hại vật chất) của PTI. Cùng ngỳ 22-07-2003,PTI – Chi nháng thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo thu phí số 030027 gửi Công ty Khải Thành, nhưng Công ty Khải Thành không nộp phí bảo hiểm (BL. 133).

Khoảng 5 giờ sáng ngày 16-01-2004 xảy ra vụ cháy tại Công ty Khải Thành.

Sáng ngày 16-01-2004 (sau khi vụ cháy xảy ra ) đại diện Công ty Khải Thành mới đên trụ sở PTI – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh xin nộp tiền bảo hiểm theo hợp đồng đã ký nêu trên, nhưng lại đề nghị nhân viện thu phí PTI ghi ngày thu tiền trên Hóa đơn dịch vụ bảo hiểm (GTGT) là ngày 14-01-2004 (BL.131).

Tại Bản kết luận giám định số 924/C21 (CIII) ngày 29-01-2004, Phân viện khoa học hình sự Tổng cục cảnh sát Bộ công an kêt luận nguyên nhân vụ cháy là do chạm chập điện (BL.130).

Ngày 04-02-2004, Công ty Khải Thành có văn bản yêu cầu PTI bồi thường tổn thất về tài sản đã được bảo hiểm do vụ cháy gây ra (BL. 122).

Ngày 05-3-2004, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 047-01/QĐ do không có dấu hiệu của tội phạm hình sự (BL. 128,129).

Ngày 26-3-2004, PTI có Công văn số 118/2004/CV-CNHCM gửi Công ty Khải Thành từ chối bồi thường tổn thất do vụ cháy gây ra cho Công ty Khải Thành, với lý do chính(tóm tắt) như sau:

- Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, Hợp đồng bảo hiểm không còn hiệu lực do Công ty Khải Thành đã vi phạm điều khoản về Cam kết đóng phí bảo hiểm;

- Ngày 16-01-2004 (sau khi xảy ra vụ cháy) đại diện Công ty Khải Thành- bà Viễn Chinh (là vợ ông Thòng Trăn Sáng – Giám đốc Công ty Khải Thành) mới đến trụ sở PTI –Chi nhánh  thành phố Hồ Chí Minh xin nộp học phí bảo hiểm theo hợp đồng đã ký và còn đề nghị nhân viên thu phí của PTI ghi ngày thu tiền trên Hóa đơn dịch vụ bảo hiểm (GTGT) là ngày 14-01-2004.

Sau nhiều lần trao đổi, thương lượng không thành, ngày 05-01-2006 Công ty Khải Thành khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu buộc PTI bồi thường 7.530.039.241 đồng.

Tai Quyết định kháng nghị số 09/2007/KN-KT ngày 14-12-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 230/2006/KDTM-PT ngày 13-14-11-2006 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 47/2006/KDTM-ST ngày 19-6-2006 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Kết luận số 11/KL-VKSTC-V12 ngày 08-5-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại phiên giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với bản án phúc thẩm số 230/2006/KDTM-Pt ngày 13,14- 11-2006 của  Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội là không cần thiết và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng giữ nguyên bản án phúc thẩm nêu trên.

XÉT THẤY

Công ty Khải Thành ký hợp đồng mua bảo hiểm với PTI là hoàn toàn tự nguyện, đúng quy định của pháp luật và được PTI cấp Đơn tiêu chuẩn về bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt , Giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 22-07-2003; Công ty Khải Thành được nghiên cứu và đem những tài liệu này về Công ty, sau này chính Công ty Khải Thành đã cung cấp những tài liệu này cho Tòa án.

Theo hợp đồng hai bên đều thống nhất thời hạn bảo hiểm là một năm tính từ ngày 24-10-2003 đến ngày 23-10-2004. Thực hiện hợp đồng bảo hiểm, PTI đã phát hành Thông báo thu phí đề ngày 22-7-2003 đến Công ty Khải Thành nhưng Công ty Khải Thành không nộp phí bảo hiểm theo thông báo của PTI, không thực hiện đúng cam kết đóng phí bảo hiểm. Tại Đơn tiêu chuẩn về bảo hiểm hỏa  hoạn và các rủi ro đặc biệt đã ghi rõ là “…Cả hai bên đồng ý và cam kết rằng điều kiện tiên quyết  đối với  trách nhiệm theo đơn bảo hiểm này…hay Giấy chứng nhận bảo hiểm là bất kỳ khoản phí nào đến hạn đều phải được thanh toán… Đơn bảo hiểm này đã được ký kết khi… đã nhận được đầy đủ khoản phí bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ :

(i) Ngày chấp nhận bảo hiểm theo đơn bảo hiểm, ….hay Giấy chứng nhận bảo hiểm, hoặc:

(ii)             Ngày có hiệu lực bảo hiểm…

2…Giấy chứng nhận bảo hiểm sẽ được coi như là chấm dứt kể từ khi kết thúc thời hạn cam kết đóng phí bảo hiểm…”

Như vậy vụ cháy xảy ra, tài sản bảo hiểm không còn nữa, Công ty Khải Thành đương nhiên được chấm dứt kể từ ngày 10-11-2003 do Công ty Khải Thành không thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm.

Sau khi vụ cháy sảy ra, tài sản bảo hiểm không còn nữ, Công ty Khải Thành không thông báo đầy đủ, trung thực về hỏa hoạn mà còn có hành vi gian dối, xin nộp phí bảo hiểm nhưng đề nghị  ghi lùi 2 ngày; vi phạm khoản 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm; vi phạm thỏa thuận tại Đơn bảo hiểm là “…phải khai báo đầy đủ… trung thực …Đơn bảo hiểm  này sẽ mất hiệu lực trong trường hợp người được bảo hiểm khai báo sai lệch, cung cấp những thông tin không đúng …Người được bảo hiểm sẽ mất quyền được bồi thường theo đơn bảo hiểm này… nếu người được đưa bảo hiểm hay đại diện của họ sử dụng các thủ đoạn và các biện pháp man trá nhằm trục lợi qua đơn bảo hiểm này…”(BL.143, 144). Chính Giám đốc Công ty Khải Thành đã thừa nhận: “Trong quá trình mua bảo hiểm của Quý Công ty, tôi luôn nhắc nhở bộ phận kế toán của Công ty chúng tôi phải thanh toán phí bảo hiểm  cho đơn bảo hiểm đã mua của quý Công ty. Khi xảy ra vụ cháy, cán bộ kế toán sợ tôi kỷ luật nên đã nhờ vợ tôi là Lý Viễn Chinh đi nộp phí bảo hiểm sau khi vụ cháy đã xảy ra (sau 4 tiếng đồng hồ). Khi nộp tiền có đề nghị người nhận tiền ghi ngày nộp tiền trước ngày xảy ra vụ hỏa hoạn… Đối với việc nộp phí bảo hiểm thì đây là do lỗi của nhân viên Công ty chúng tôi đã sơ suất không đi đóng phí bảo hiểm theo thông báo thu phí ngày 22-7-2003…” (BL. 113); Luật sư của Công ty Khải Thành cũng thừa nhận “….Đây thật sự là lỗi của nhân viên kế toán Công ty Khải Thành…vì Giám đốc đã nhắc  đi nộp sớm … Công ty Khải Thành… đã có sơ sót là không kịp thời theo dõi kiểm tra việc làm của nhân viên nên đã để xảy ra sự chậm trễ trong  việc nộp phí bảo hiểm…” (BL.94). Mặt khác, đây không phải là lần đầu tiên Công ty Khải Thành tham gia mua bảo hiểm (vào thời điểm này Công ty Khải Thành đang sử dụng dịch vụ bảo hiểm của Bảo Minh).

Công ty Khải Thành đã có các vi phạm như đã phân tích trên nên việc PTI từ chối bồi thường là có căn cứ; cần phải bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Khải Thành.

Tòa án cấp sơ thẩm buộc PTI bồi thường tiền bảo  hiểm cho Công ty Khải Thành là không đúng pháp luật.

Sau  khi xét xử sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm để khắc phục là sai lầm nghiêm trọng.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH

1.Huỷ bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 230/2006/KDTM-PT ngày 13-14-11-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội;

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa  phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật.

Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

Hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn đã đương nhiên được chấm dứt, do đó, Tòa án buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn là không đúng.

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 09/2008/KTDM-GĐ về vụ án tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English