TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

TÒA KINH TẾ

------------------

Quyết định giám đốc thẩm

Số: 02/2007/KDTM-GĐT

Ngày 30 tháng 7 năm 2007

V/v: tranh chấp hợp đồng

        mua bán hàng hóa.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------------------

 

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA KINH TẾ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

          Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Duy Tiến;

          Các Thẩm phán: Ồng Đỗ Cao Thắng;       

                                        Ông Nguyễn Ngọc Vân.

Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Quang, Thẩm tra viên Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Bà Vũ Thị Thanh Nga-Kiểm sát viên.

Họp phiên tòa ngày 30 tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty cố phần Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng

Trụ sở tại: Số 53 Trần Phú, thành phồ Đà Nẵng;

Bị đơn: Công ty TNHH Trường Sơn

Trụ sở tại: phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Việt Hưng

Có trụ sở tại: Phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Do có Quyết định kháng nghị số 02/2007/KT-TK ngày 29/01/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN THẤY

Ngày 21/3/2005, Công ty Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng (viết tắt là Công ty TBPTĐN) do ông Giám đốc Nguyễn Thành Nam đại diện ký đơn khởi kiện đối với bị đơn là Công ty TNHH Trường Sơn (viết tắt là Công ty Trường Sơn) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Việt Hưng (viết tắt là Công ty Việt Hưng) đến Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng số 366/HĐKT ngày 30/7/2002 – mua bán 20 chiếc xe ô tô Kamaz 55111.

Ngày 28/9/2005, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 50/QĐ – TA chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ giải quyết theo thẩm quyền.

1. Theo trình bày của Nguyên đơn:

Ngày 30/7/2002, Công ty TBPTĐN (chi nhánh tại Hà Nội) có ký hợp đồng số 366/HĐKT, bán cho Công ty Trường Sơn 20 chiếc ô tô Kamaz 55111 mới 100% do Liên bang Nga sản xuất năm 2002 với giá 337.500.000 đồng/xe. Trị giá hợp đồng là 6.750.000.000 đồng. Thanh toán làm hai đợt: Đợt 1 thanh toán 50%  giá trị của hợp đồng khi giao xe và giấy tờ kèm theo; đợt 2 thanh toán nốt 50% còn lại trong vòng 60 ngày sau khi nhận hàng. Nếu thanh toán chậm phải chịu phạt 0,1%/ngày/số tiền chậm thanh toán, nhưng không được trả chậm quá 30 ngày, kể từ ngày đến hạn thanh toán đợt 2.

Ngày 29/8/2002, Công ty Việt Hưng do ông Giám đốc Nguyễn Minh Sơn đại diện đã làm giấy bảo lãnh số 213/HV gửi Công ty TBPTĐN, cam kết bảo lãnh cho Công ty Trường Sơn thanh toán đợt 2 trị giá 3.375.000.000 đồng trong vòng 60 ngày sau khi nhận hàng.

Thực hiện hợp đồng: Ngay sau khi nhận được thanh toán đợt 1 với số tiền là 3.375.000.000 đồng, Công ty TBPTĐN đã giao đủ 20 chiếc xe Kamaz 55111 cùng với giấy tờ xe cho Công ty Trường Sơn ngay từ cuối tháng 8/2002. Công ty Trường Sơn đã bán hết ngay số xe này. Với tư cách là người bảo lãnh cho Công ty Trường Sơn thanh toán 3.375.000.000 đồng đợt 2, Công ty Việt Hưng mới thanh toán được cho Công ty TBPTĐN như sau:

Ngày 17/7/2004, thanh toán thêm được 400.000.000 đồng;

Ngày 17/11/2004, thanh toán thêm được 150.000.000 đồng;

Ngày 20/7/2004, thanh toán thêm được 5.000.000 đồng;

Ngày 24/12/2004, thanh toán thêm được 50.000.000 đồng.

Tính đền ngày 27/02/2006, Công ty Trường Sơn và người bảo lãnh là Công ty Việt Hưng mới thanh toán được cho Công ty TBPTĐN 5.175.000.000 đồng. Yêu cầu Tòa án buộc Công ty Việt Hưng phải thanh toán cho Công ty TBPTĐN số tiền hàng còn nợ là 1.575.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tình từ ngày 01/10/2002 đến ngày 27/02/2006 là 1.058.596.000 đồng.

Thực hiện Quyết định số 1725/2004/QD-BTM ngày 25/11/2004 và Quyết dịnh số 2621/QĐ-BTM ngày 28/10/2005 của Bộ Thương mại, Công ty TBPTĐN với người đại diện theo pháp luật là ông Giám đốc Nguyễn Thành Nam đã làm thủ tục cần thiết để chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng (Viết tắt là Công ty CP.TBPTĐN). Ngày 28/12/2005, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và ngày 01/01/2006, Công ty CP.TBPTĐN với người đại diện theo pháp luật là ông Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Phúc đã chính thức đi vào hoạt động. Vì vậy, Công ty CP.TBPTĐN là người kế thừa mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của Công ty TBPTĐN, trong đó có vụ kiện này.

2. Theo trình bày của Bị đơn:

Công ty Trường Sơn xác nhận việc ký kết, thực hiện hợp đồng và việc còn nợ tiền hàng đúng như Công ty CP.TBPTĐN trình bày ở trên. Tuy nhiên, theo thỏa thuận trong hợp đồng và nội dung của giấy bảo lãnh thanh toán của Công ty Việt Hưng số 213/HV ngày 29/8/2002 đều không quy định nghĩa vụ phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán. Vì vậy, Công ty Việt Hưng (người bảo lãnh cho Công ty Trường Sơn ) chỉ phải trả khoản tiền hàng còn nợ chứ không phải chịu thêm số tiền lãi như yêu cầu của Công ty CP.TBPTĐN.

3. Trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Việt Hưng xác nhận có việc ký giáy bảo lãnh số 213/HV ngày 29/8/2002 và đồng ý thanh toán thay cho Công ty Trường Sơn số tiền hàng còn thiếu như trình bày của Công ty CP.TBPTĐN. Tuy nhiên, do hợp đồng và giấy bảo lãnh đều không có quy định về việc tính lãi nếu chậm thanh toán, nên Công ty Việt Hưng không chấp nhận yêu cầu phải thanh toán tiền lãi cho chậm thanh toán.

4. Bản án sơ thẩm:

Tai Bản án kinh tế sơ thẩm số 01/2006/KDTM-ST ngày 27/02/2006, Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì đã chấp nhận lý do của Công ty Trường Sơn và Công ty Việt Hưng , xử:

“1. Buộc Công ty TNHH Việt Hưng do ông Nguyễn Minh Sơn làm giám đốc có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền hàng còn thiếu cho Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng là 1.570.100.000 đồng; khoản tiền phạt theo hợp đồng là 101.250.000 đồng, tổng cộng là 1.671.350.000 đồng.

Trong trường hợp Công ty TNHH Việt Hưng chậm trả khoản tiền trên thì phải trả lãi suất theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả, tại thời điểm thanh toán, kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn có đơn đề nghị thi hành án.

2. Về án phí:

- Miễn án phí cho Công ty TNHH Việt Hưng …”

5. Bản án phúc thẩm:

Sau khi có bản án sơ thẩm, nguyên đơn (Công ty CP.TBPTĐN) có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005,Điều 363 Bộ luật Dân sự năm 2005, buộc Công ty Việt Hưng phải trả thêm khoản tiền lãi phát sinh trên số tiền chậm thanh toán.

Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 01/2006/KDTM-PT ngày 16/5/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã bác yêu cầu kháng cáo của Công ty CP.TBPTĐN, xử giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2006/KDTM-ST ngày 27/02/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì.

6. Khiếu nại giám đốc thẩm:

Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty CP.TBPTĐN có đơn khiếu nại giám đốc thẩm, đề nghị xét xử lại vụ án, buộc Công ty Việt Hưng phải trả thêm tiền lãi theo lãi suất quá hạn của ngân hàng tính từ ngày quá hạn thanh toán cho đến ngày thực thanh toán đối với số tiền chậm trả.

7. Kháng nghị giám đốc thẩm:

Ngày 29/01/2007, bằng Quyết định số 02/2007/KT-TK, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 01/2006/KDTM-PT ngày 16/5/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, yêu cầu Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại bản Kết luận số 05/KL-KDTM ngày 17/4/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại năm 1997 và Điều 306 Luật Thương mại 2005, bên bị vi phạm đương nhiên có quyền yêu cầu được trả thêm tiền lãi khi bị chậm thanh toán mà không phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận về quyền này hay không. Ngược lại, cũng theo những quy định trên của Luật Thương mại, bên bị vi phạm chỉ có thể bị mất quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả khi có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định như vậy. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của Công ty CP.TBPTĐN về việc được trả thêm tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán với lý do không có thỏa thuận về việc tính lãi là hiểu ngược lại với các quy định trên của Luật Thương mại, làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của Công ty CP.TBPTĐN.

Theo quy định tại Điều 368 Bộ luật tố tụng dân sự năm 1995 hoặc ĐIều 363 Bộ luật dân sự năm 2005, “Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Công ty CP.TBPTĐN yêu cầu người bảo lãnh là Công ty Việt Hưng phải trả số tiền hàng còn thiếu cả gốc và lãi là đúng với các quy định trên của Bộ luật dân sự.

Từ những nhận định trên,

Căn cứ vào khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

 

HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận yêu cầu kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,

Hủy Bản án kinh doanh thương, mại phúc tẩm số 01/2006/KDTM-PT ngày 16/5/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

CÁC THẨM PHÁN

Đỗ Cao Thắng          Nguyễn Ngọc Vân

(Đã ký)                      (Đã ký)

THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

Bùi Huy Tiến                          

 (Đã ký)

 

 

 

 

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm số: 02/2007/KDTM-GĐT ngày 30 tháng 7 năm 2007 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu 02/2007/KDTM-GĐT Ngày xét xử 30/07/2007
Bình luận án