QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 07/2006/KDTM-GĐT
NGÀY 06-7-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG 
MUA BÁN HÀNG HOÁ”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 06 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hoá (thiết bị đông lạnh) giữa:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH Điện lạnh Sài Gòn;

Có trụ sở tại: 144 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Do ông: Phan Huy Khoát đại diện, theo uỷ quyền của giám đốc Công ty.

2. Bị đơn: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm thương mại Ngọc Hà;

Có trụ sở tại: số 5/159 Trường sơn, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Do ông Lê Minh Quang đại diện, theo uỷ quyền của giám đốc Công ty.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Thiết bị đông lạnh Quận 4 thành phố Hồ Chí Minh.

Có trụ sở tại: 228 đường Bến Vân Đồn, phường 5, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

Ngày 26-7-2004, Công ty TNHH Điện lạnh Sài Gòn (viết tắt là Công ty Điện lạnh) có đơn khởi kiện đối với Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Ngọc Hà (viết tắt là Công ty Ngọc Hà) ra Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đòi tiền bán thiết bị lạnh còn thiếu.

Theo trình bày của nguyên đơn trong quá trình tố tụng thì:

Ngày 27-7-2001, Công ty Ngọc Hà và Công ty Điện lạnh ký kết hợp đồng và phụ lục hợp đồng kinh tế số 37/HĐTB/2001. Theo hợp đồng này, Công ty Ngọc Hà đồng ý để Công ty Điện lạnh cung cấp, vận chuyển và lắp đặt một hệ thống thiết bị lạnh băng chuyền IQF 500kg/giờ tại Thủ Đức với các thoả thuận cụ thể như sau:

- Công suất 500kg/giờ ± 5%, tôm từ 16-20 con/pound

- Tôm tươi lột vỏ nạp liệu bằng cách sắp tay

- Tôm tươi có vỏ, tôm luộc nạp liệu tự động

- Nhiệt độ đầu ra trung tâm sản phẩm - 180

- Tổng giá trị của hợp đồng bao gồm cả cung cấp, vận chuyển, lắp đặt và thuế GTGT (5%) là: 137.550 USD

- Thanh toán bằng tiền VND theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng ngoại thương tại thời điểm chi trả, chia thành từng lần như sau:

+ Lần 1: Sau khi ký hợp đồng, Công ty Ngọc Hà tạm ứng cho Công ty Điện lạnh 60.000 USD

+ Lần 2: Sau khi đưa máy vào hoạt động, Công ty Ngọc Hà tạm ứng cho Công ty Điện lạnh 35.550 USD.

+ Lần 3: Số tiền còn lại 42.000 USD, Công ty Ngọc Hà trả cho Công ty Điện lạnh trong vòng 6 tháng, kể từ ngày đưa máy vào hoạt động, mỗi tháng 7.000 USD.

- Thời gian bảo hành: 12 tháng, kể từ ngày nghiệm thu bàn giao.

Việc thực hiện hợp đồng thì:

- Ngày 02-7-2002, Công ty Ngọc Hà đã tạm ứng cho Công ty Điện lạnh 917.880.000 VND tương đương với 60.000 USD.

- Từ tháng 7 đến tháng 9-2002, Công ty Điện lạnh hoàn thành việc lắp đặt cho Công ty Ngọc Hà băng chuyền IQF 500kg/giờ.

- Việc nghiệm thu chưa thực hiện được vì Công ty Ngọc Hà không cung cấp tôm tươi đúng như điều kiện kỹ thuật của hợp đồng.

- Trong khi chưa nghiệm thu, Công ty Ngọc Hà đã sử dụng băng chuyền đông lạnh này vào sản xuất mặt hàng nghêu với công suất 600kg/giờ.

- Ngày 22-7-2003 và ngày 30-8-2003, Công ty Ngọc Hà yêu cầu phải thay máy nén hiệu Mitsubishi thành máy hiệu Mycom; thay dàn lạnh cho đúng của Đức như thoả thuận trong hợp đồng. Tất cả các yêu cầu này của Công ty Ngọc Hà đều đã được Công ty Điện lạnh đáp ứng đúng vào ngày 30-12-2003, Công ty Ngọc Hà đã xác nhận tại công văn số 30/12/ĐLSG-NH ngày 30-12-2003 (BL.68).

- Ngày 09-9-2004, mặc dù cán bộ kỹ thuật của Công ty Điện lạnh có mặt thường xuyên tại địa điểm đặt máy, nhưng Công ty Ngọc Hà lại đi thuê Công ty Thiết bị đông lạnh quận 4 đến sửa máy. Đến nay cũng đã hết thời hạn 12 tháng bảo hành. Vì vậy, Công ty Điện lạnh không chịu trách nhiệm đối với kết quả giám định thiết bị không đạt được công suất theo hợp đồng.

- Sau hơn 1 năm, kể từ ngày đưa máy vào hoạt động, Công ty Ngọc Hà vẫn không chịu nghiệm thu và thanh toán nốt 77.550 USD, mặc dù Công ty Điện lạnh liên tục yêu cầu.

Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn yêu cầu:

- Buộc Công ty Ngọc Hà phải trả Công ty Điện lạnh số tiền Việt Nam tương đương với 77.550 USD.

- Buộc Công ty Ngọc Hà trả cho Công ty Điện lạnh chi phí công nhận vận hành, gaz, nhớt, bảo trì sửa chữa trong 18 tháng là 360.000.000 đồng. Tại phiên toà sơ thẩm, Công ty Điện lạnh không đề cập đến yêu cầu bồi thường khoản này nữa (BL.215).

- Buộc Công ty Ngọc Hà phải trả tiền lãi do chậm thanh toán. Cụ thể:

+ 35.550 USD được tính lãi từ ngày đưa máy vào sử dụng 01-10-2002 đến ngày 01-5-2005;

+ 42.000 USD được tính lãi từ ngày 01-5-2003 (6 tháng sau ngày đưa máy vào hoạt động), đến ngày 01-5-2005 (BL.215).

Đều theo lãi suất tiền VND là 0,625%/tháng (BL.138).

Theo trình bày của bị đơn trong quá trình tố tụng thì:

Bị đơn xác nhận có việc ký kết và nội dung của hợp đồng số 37/HĐTB/2001 và phụ lục ngày 27-7-2001 như nguyên đơn trình bày. Từ ngày 01-10-2002 đến nay, chúng tôi đang sử dụng hệ thống máy móc này để chế biến nghêu và các loại sản phẩm khác (BL.140), theo yêu cầu của Công ty Điện lạnh (chạy máy để hiệu chỉnh - BL.213, 212, 209-208) và đến nay chúng tôi vẫn chưa nghiệm thu và chưa thanh toán tiền, ngoài số tiền phải giao lần đầu là 60.000 USD.

Về lý do chưa nghiệm thu và thanh toán tiền, bị đơn trình bày như sau:

- Lúc đầu lắp nhầm máy Mitsubishi và dàn lạnh không phải của Đức, sau khi chúng tôi khiếu nại thì mới đổi lại là máy hiệu Mycom và dàn lạnh của Đức như thoả thuận trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng.

- Sau khi đã thay mới và sửa chữa một số hạng mục nêu trên, hệ thống thiết bị lạnh băng chuyền IQF 500kg/giờ này vẫn không đạt đúng công suất đã thoả thuận.

- Công ty Ngọc Hà đã nhiều lần yêu cầu Công ty Điện lạnh phải hiệu chỉnh lại hệ thống theo đúng chất lượng đã ký kết. Lúc đầu chỉ trao đổi trên điện thoại chứ không dùng văn bản, từ ngày 22-7-2003 đến ngày 07-6-2004 liên tục có các văn bản yêu cầu: Ngày 22-7-2003 (BL.79); 30-8-2003 (BL.78); 31-8-2003 (BL.76); 08-9-2003 (BL.80); 01-10-2003 (BL.74); 03-10-2003 (BL.73); 06-10-2003 (BL.72); 19-11-2003 (BL.70); 27-11-2003 (BL.69); 30-12-2003 (BL.68, 81); 
14-4-2004 (BL.67); 15-4-2004 (BL.66); 06-5-2004 (BL.65); 20-5-2004 (BL.64); 25-5-2004 (BL.63); 07-6-2004 (BL.61), nhưng đến nay hệ thống thiết bị lạnh này vẫn chưa đạt yêu cầu kỹ thuật nên chưa nghiệm thu được.

- Ngày 21-02-2003, hai bên đã tiến hành nghiệm thu nhưng không đạt (178,2kg/giờ - BL.210) và Công ty Điện lạnh không đồng ý ký biên bản cho chúng tôi (BL.87). Ngày 29-5-2004 lại tổ chức nghiệm thu theo yêu cầu của Công ty Điện lạnh, Công ty Ngọc Hà đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu tôm sú 16-20con/pound, nhưng do không thống nhất được với nhau cách chạy máy nghiệm thu nên nhân viên của Công ty Điện lạnh tự ý bỏ về, không tiến hành nghiệm thu nữa (BL.90). Ngày 22-7-2004, hai bên vẫn còn bàn bạc cách thức nghiệm thu máy (BL.58).

Về một số vấn đề khác, bị đơn trình bày như sau:

- Do phải trả lại mặt bằng cho UBND thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thông báo nhiều lần vào các ngày 16-7-2004, 22-7-2004 và 12-8-2004 với nội dung: Nếu Công ty Điện lạnh không khắc phục được chất lượng của hệ thống thì Công ty Ngọc Hà xin huỷ hợp đồng.

- Công ty Điện lạnh có công văn yêu cầu chúng tôi không tự động vận hành máy và phải chạy đúng yêu cầu kỹ thuật của họ. Đến nay, các bên vẫn chưa thoả thuận được phương thức vận hành máy do trong hợp đồng và phụ lục không quy định (BL.140).

- Công ty Điện lạnh cho rằng ngày 09-9-2004 Công ty Ngọc Hà tự ý thuê Công ty thiết bị đông lạnh quận 4 sửa máy là không đúng, chúng tôi chỉ thuê để sửa cầu dao điện, không liên quan đến máy (BL.194).

Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện của bị đơn - Công ty Ngọc Hà xác nhận có thuê Công ty Thiết bị đông lạnh quận 4 sửa chữa pitstong, bạc và dàn máy nén trong 4 ngày (BL.211, 100).

- Từ cuối tháng 12-2004, Công ty Ngọc Hà đã di chuyển trụ sở, máy móc thiết bị về xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và máy ngừng hoạt động từ thời điểm đó (BL.194, 212).

Từ những nội dung trình bày trên, bị đơn có một số yêu cầu như sau:

- Công ty Điện lạnh phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thiết bị lạnh này như đã cam kết trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng ngày 27-7-2001.

- Sau khi Công ty Điện lạnh đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật thì Công ty Ngọc Hà sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại là 77.550 USD.

Thực tế, máy đã sử dụng một thời gian, nếu công suất không đạt được mức 500kg/giờ thì cũng phải đạt ở mức có thể chấp nhận được (theo kết quả giám định do Toà án trưng cầu - BL.178, thì công suất chỉ đạt 114,75kg/giờ) (BL.194).

- Công ty Ngọc Hà không chấp nhận việc trả tiền lãi vì Công ty Điện lạnh mới là người vi phạm hợp đồng.

- Do các bên tranh chấp về chất lượng của hệ thống, nên chúng tôi đề nghị giám định theo tiêu chuẩn kỹ thuật cam kết trong hợp đồng (BL.186).

- Trong phần tranh luận tại phiên toà sơ thẩm (BL.208), đại diện Công ty Ngọc Hà yêu cầu Hội đồng xét xử huỷ bỏ hợp đồng mua bán giữa hai bên.

Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 94/KTST ngày 10-5-2005, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn:

- Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm thương mại Ngọc Hà phải thanh toán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lạnh Sài Gòn số tiền là 1.443.440.500 đồng, gồm:

Tiền mua máy còn thiếu: 1.226.065.500 đồng

Tiền lãi do chậm thanh toán: 217.375.000 đồng

- Bác yêu cầu đòi huỷ hợp đồng số 37/HĐTB/2001 và phụ lục 
ngày 27-7-2001 của Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm thương mại Ngọc Hà.

- Giữ nguyên biện pháp phong toả tài khoản trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 108QĐ-ADBPKCTT ngày 16-3-2005, cụ thể:

Tài khoản số 100014851018515 (USD) số tiền 2.181,83 USD.

Tài khoản số 100014851043113 (VND) số tiền 1.156.480 đồng của Công ty Ngọc Hà tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam để đảm bảo việc thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự,...

Ngày 18-5-2005, Công ty Ngọc Hà có đơn kháng cáo (BL.229), yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xử lại toàn bộ vụ án, chấp nhận yêu cầu xin huỷ hợp đồng kinh tế số 37 đã ký giữa hai Công ty.

Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14-11-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Không chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty Ngọc Hà, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 15-12-2005, Công ty Ngọc Hà có đơn khiếu nại giám đốc thẩm cho rằng:

- Tại phiên toà phúc thẩm, Công ty Ngọc Hà đã chứng minh được việc khiếu nại về chất lượng máy trong thời hạn luật định (văn bản khiếu nại 
ngày 13-11-2002 và ngày 25-02-2003), nhưng Toà phúc thẩm vẫn không xem xét.

- Cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều đưa ra phán quyết trái với các tình tiết khách quan của vụ kiện, làm thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Công ty Ngọc Hà.

Tại Quyết định kháng nghị số 04/QĐ/KN-GĐT-V12 ngày 11-5-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định:

1. Về thời hạn khiếu nại đối với chất lượng máy:

- Máy đưa vào hoạt động từ tháng 10-2002, ngày 25-02-2003 Công ty Ngọc Hà đã có văn bản khiếu nại về chất lượng máy - không đáp ứng được công suất 500kg/giờ (BL.83). Như vậy, khiếu nại của Công ty Ngọc Hà về chất lượng máy vẫn nằm trong thời hạn 6 tháng luật định.

- Do máy chưa được nghiệm thu, bàn giao nên chưa phát sinh thời gian bảo hành 12 tháng.

Việc khiếu nại về chất lượng máy của Công ty Ngọc Hà là còn trong thời hạn luật định. Toà án có trách nhiệm xem xét, giải quyết yêu cầu về chất lượng máy của Công ty Ngọc Hà.

2. Về nội dung tranh chấp:

- Từ khi đưa vào hoạt động (10-2002), hệ thống máy này chưa bao giờ đạt được công suất 500kg/giờ. Công ty Điện lạnh đã sửa chữa, thay thế nhiều lần theo yêu cầu của Công ty Ngọc Hà nhưng máy cũng vẫn không đạt được công suất như thoả thuận trong hợp đồng. Kết quả giám định do Toà trưng cầu cũng chỉ đạt 114,75kg/giờ (BL.184-168). Vì vậy, Toà án sơ thẩm và phúc thẩm chưa khách quan khi không thừa nhận kết quả giám định với lý do máy đã hoạt động hơn 2 năm mới tiến hành giám định.

- Công ty Điện lạnh không thực hiện đúng hợp đồng nên Công ty Ngọc Hà không nghiệm thu và thanh toán là có cơ sở. Toà án sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ được bên nào vi phạm hợp đồng mà lại xác định Công ty Ngọc Hà vi phạm nghĩa vụ thanh toán là không đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Từ những nhận định trên, Viện trưởng VKSNDTC đã quyết định: Kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14-11-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đưa vụ án ra 
xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số 94/KTST 
ngày 10-5-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14-11-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Toà án địa phương xét xử sơ thẩm lại từ đầu theo hướng:

- Công nhận hợp đồng ký kết giữa hai bên;

- Xác định giá trị của hệ thống máy băng chuyền theo kết luận giám định của cơ quan giám định kỹ thuật để Công ty Ngọc Hà chỉ phải trả đúng giá trị của máy đã lắp đặt.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong bản kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

1. Về thời hạn khiếu nại đối với chất lượng máy:

- Thực chất việc chạy máy từ tháng 9, 10-2002 đã được Công ty Ngọc Hà giải thích: Đó là cho chạy máy để cán bộ kỹ thuật của Công ty Điện lạnh hiệu chỉnh máy (BL.213, 212, 209). Giải thích này của Công ty Ngọc Hà hoàn toàn phù hợp với chính xác nhận của nguyên đơn - Công ty Điện lạnh: Cán bộ kỹ thuật của Công ty Điện lạnh vẫn phải thường xuyên có mặt tại địa điểm đặt máy (BL.213) và Công ty Điện lạnh vẫn đang phải trả chi phí bảo quản và vận hành dây chuyền này trong suốt thời gian qua (18 tháng), mỗi tháng chi phí này hết khoảng 20 triệu đồng bao gồm: Tiền công nhân vận hành, gaz, nhớt bảo trì, sửa chữa (BL.138). Rõ ràng, cho đến khi khởi kiện ra toà, bên bán - Công ty Điện lạnh vẫn đang trong quá trình chạy thử máy để hiệu chỉnh máy theo yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng giữa hai bên. Trong suốt quá trình hiệu chỉnh máy này, Công ty Điện lạnh chưa lần nào lập được biên bản xác nhận máy chạy đạt được công suất như thoả thuận trong hợp đồng, mà ngược lại Công ty Ngọc Hà có nhiều văn bản khiếu nại về công suất của máy không đạt yêu cầu và đòi huỷ hợp đồng, trả lại máy. Hai bên cũng đã nhiều lần tổ chức nghiệm thu máy, nhưng không thành. Ngày 22-7-2004, hai bên vẫn còn bàn bạc với nhau cách thức nghiệm thu máy (BL.58). Vì vậy, Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng chưa có nghiệm thu bàn giao nên chưa phát sinh thời gian bảo hành theo thoả thuận trong hợp đồng, Công ty Ngọc Hà khiếu nại về chất lượng của máy là còn trong thời hạn luật định (3 tháng kể từ ngày hết thời hạn bảo hành - điểm b khoản 2 Điều 241 Luật Thương mại 1997) là có căn cứ.

- Mặt khác, nếu cứ tính thời hạn bảo hành 12 tháng từ ngày 01-10-2002 (ngày bắt đầu cho máy chạy và ra sản phẩm) như Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định, thì thì thời hạn khiếu nại về chất lượng máy của Công ty Ngọc Hà theo điểm b khoản 2 Điều 241 Luật Thương mại 1997 cũng vẫn còn đến hết ngày 01-01-2004 (ba tháng kể từ ngày hết thời hạn bảo hành).

Ngày 22-7-2003, Công ty Ngọc Hà có công văn gửi Công ty Điện lạnh (BL.79), ngoài nội dung yêu cầu đổi máy nén từ hiệu Mitsubishi sang loại máy nén hiệu Mycom theo đúng quy định trong hợp đồng, Công ty Ngọc Hà cũng đã khiếu nại về công suất của máy không đạt: “trong suốt quá trình chạy, máy đã cho ra sản phẩm không đúng như trong hợp đồng mà hai bên đã ký. Cụ thể: Tôm đông từ 16-20con/pound, mực đông từ 16-20con/pound với công suất là 500kg/giờ, nhưng thực tế cho chạy mực thì chỉ đạt công suất 180-250kg/giờ và chạy nghêu 800 - 2000 con thì công suất chỉ đạt 320-350kg/giờ”.

Ngày 30-12-2003, sau khi đã được thay máy nén hiệu Mycom và dàn lạnh của Đức như thoả thuận trong hợp đồng, Công ty Ngọc Hà có gửi cho Công ty Điện lạnh văn bản số 30/12/ĐLSG-NH/2003 (BL.68), trong đó còn có 2 nội dung khiếu nại về chất lượng máy là: Năng suất của máy và thời gian đạt độ lạnh tiêu chuẩn. Đoạn cuối của văn bản Công ty Ngọc Hà còn yêu cầu Công ty Điện lạnh “nhanh chóng khắc phục những nhược điểm trên. Nếu không kịp thời khắc phục thì chúng tôi buộc phải huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu Quý Công ty đền bù hợp đồng cho chúng tôi”.

Như vậy, dù xác định theo mốc thời gian nào thì Công ty Ngọc Hà cũng đã khiếu nại về chất lượng máy trong thời hạn luật định và có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp về chất lượng máy. Toà án cấp sơ thẩm (BL.226) và cấp phúc thẩm (BL.269-268) xác định khiếu nại về chất lượng máy của Công ty Ngọc Hà đã quá hạn luật định, nên đã không xem xét, giải quyết tranh chấp về chất lượng máy theo yêu cầu của Công ty Ngọc Hà là không đúng quy định của pháp luật, tước của Công ty Ngọc Hà quyền được yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình - đây là quyền cơ bản được quy định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Về nội dung tranh chấp

Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ xem xét yêu cầu về thanh toán của nguyên đơn - Công ty Điện lạnh mà không xem xét yêu cầu về chất lượng máy giao không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của bị đơn - Công ty Ngọc Hà (phản bác lại yêu cầu của nguyên đơn) là không phù hợp với quy định tại Điều 72 Luật Thương mại 1997, không xác định chính xác người vi phạm hợp đồng và dẫn đến việc kết luận trách nhiệm của các bên không đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Trong suốt quá trình tố tụng trước phiên toà sơ thẩm, Công ty Ngọc Hà không có yêu cầu huỷ hợp đồng và trả lại máy (Công ty Ngọc Hà xác định tại phiên toà sơ thẩm là không có yêu cầu phản tố - BL.214), chỉ đến phần tranh luận tại phiên toà sơ thẩm (BL.208), đại diện của Công ty Ngọc Hà mới có yêu cầu huỷ hợp đồng, trả lại máy và nhận lại tiền. Theo quy định tại khoản 1 
Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự, việc thay đổi yêu cầu tại phiên toà này của bị đơn - Công ty Ngọc Hà là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu, đồng thời Công ty Ngọc Hà cũng đã đưa máy vào sử dụng sản xuất, cho ra sản phẩm trong thời gian dài. Do đó, yêu cầu trả lại máy cho nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, với các tài liệu đang có trong hồ sơ thì cần xác định giá trị thực tế của hệ thống thiết bị lạnh băng chuyền đang có tranh chấp tại thời điểm lắp đặt (tháng 9-2002), để buộc Công ty Ngọc Hà phải trả cho nguyên đơn. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường (tiền lãi, các thiệt hại,...) nếu có đương sự yêu cầu, thì xem xét giải quyết trên cơ sở xác định lỗi vi phạm hợp đồng của các bên theo đúng quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; 
khoản 2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số 94/KTST ngày 10-5-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh tế phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14-11-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố 
Hồ Chí Minh.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

1. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định khiếu nại về chất lượng máy của bị đơn đã quá hạn luật định và không xem xét giải quyết yêu cầu này là không đúng, vi phạm quy định tại Điều 4 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 72 của Luật Thương mại năm 1997;

2. Cần xác định giá trị của băng chuyền tại thời điểm lắp đặt để quyết định về trách nhiệm thanh toán của bị đơn.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

Thiếu sót trong việc thu thập, xem xét và đánh giá chứng cứ.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hoá (thiết bị đông lạnh)

Số hiệu 07/2006/KDTM-GĐT Ngày xét xử 06/07/2006
Bình luận án