ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 310/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 13 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CÁC CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Hội Người cao tuổi tỉnh tại Tờ trình số 101/TTr-NCT ngày 19/12/2016, Văn bản số101/LĐTBXH-BTXH ngày 19/01/2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, gồm các nội dung sau:

A. CĂN CỨ THÀNH LẬP

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật người cao tuổi Việt Nam;

- Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;

- Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020;

- Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 25/01/2014 về thực hiện chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

2. CĂN CỨ THỰC TIỄN

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) là một tổ chức dựa vào cộng đồng, có mục tiêu liên kết các thành viên, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, nhằm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng khu dân cư. Trong cả nước đã có hơn 1.000 Câu lạc bộ đã và đang hoạt động rất hiệu quả trợ giúp trực tiếp cho hơn 50.000 người cao tuổi trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Cụ thể Hội người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng đề án Xây dựng 200 câu lạc bộ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt vào năm 2013, tỉnh Hà Giang đã thành lập được 30 câu lạc bộ.

Tỉnh Ninh Bình có 118.290 người cao tuổi, trong đó số người từ 60 tuổi đến 79 tuổi là 82.359 người, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên là 35.931 người. Toàn tỉnh có 112.265 hội viên người cao tuổi sinh hoạt ở 1.438 chi hội thuộc 145 hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn. Đa số người cao tuổi sống ở vùng nông thôn có trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần khó khăn, trên 80% người cao tuổi phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng của con, cháu.

Năm 2016, Ninh Bình đã thành lập được 03 Câu lạc bộ gồm: 01 Câu lạc bộ tại thôn Nguyễn và thôn Vĩnh Khương, Xã Yên Sơn, Thành phố Tam Điệp; 01 Câu lạc bộ tại chi hội 4 xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh; 01 Câu lạc bộ tại thôn Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô. Tổng số hội viên ở 3 câu lạc bộ là 165 người, các câu lạc bộ đã thành lập Ban chủ nhiệm hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả. Mỗi câu lạc bộ đã được Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh tặng 01 bộ máy đo huyết áp và 01 cân điện tử nhằm nâng cao sức khỏe cho các thành viên câu lạc bộ, đồng thời được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Các câu lạc bộ đã vận động các hội viên đóng góp 100.000 đồng/người và kêu gọi nguồn xã hội hóa nhằm tạo quỹ tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Câu lạc bộ tổ chức các đội tình nguyện viên để chăm sóc người cao tuổi cô đơn, ốm đau trong cộng đồng. Đặc biệt các câu lạc bộ còn tổ chức hoạt động cộng đồng như dọn vệ sinh thôn xóm, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng thông qua các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ. Nội dung sinh hoạt tại các câu lạc bộ phong phú đa dạng với các nội dung chăm sóc sức khỏe, phương pháp tăng thu nhập... nhằm nâng cao nhận thức của các hội viên. Các câu lạc bộ đều có tổ văn nghệ để các thành viên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tạo không khí vui tươi trong các dịp hội họp của cộng đồng.

Từ các căn cứ pháp lý và thực tiễn trên, việc thành lập câu lạc bộ là đúng đắn và rất cần thiết nhằm giúp người cao tuổi nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo, góp phần hỗ trợ cải thiện điều kiện sống và đổi mới đời sống tinh thần cho người cao tuổi ở cộng đồng dân cư.

B. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. TÊN ĐỀ ÁN: Đề án thành lập các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020.

II. CƠ QUAN QUẢN LÝ, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Cơ quan quản lý, thực hiện: Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Bình.

2. Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính; Sở Lao Động -Thương Binh và Xã Hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

III. PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đề án thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình từ năm 2017 đến năm 2020.

IV. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

Người cao tuổi và gia đình người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên tình nguyện khác trong cộng đồng đặc biệt là người cao tuổi nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

V. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020; đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tăng thu nhập cải thiện đời sống và bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi thông qua các hoạt động và cách tiếp cận liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng nhằm chăm sóc và phát huy đầy đủ, có hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong xây dựng địa phương, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nâng cao vai trò của Hội người cao tuổi và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần làm tốt công tác người cao tuổi và già hóa dân số.

2. Chỉ tiêu

- Giai đoạn 2017-2018: Thành lập 45 Câu lạc bộ ở 8 huyện, thành phố, trong đó xây dựng điểm 05 Câu lạc bộ ở các xã: Khánh Thành (huyện Yên Khánh), Yên Phong, Yên Thắng (huyện Yên Mô), Yên Sơn, Yên Bình (Thành phố Tam Điệp)

- Giai đoạn 2019-2020: Xây dựng 28 Câu lạc bộ ở 8 huyện, thành phố.

VI. NHIỆM VỤ

1. Thành lập các câu lạc bộ

1.1. Quy mô và cơ chế hoạt động Câu lạc bộ

- Quy mô Câu lạc bộ: Xây dựng mỗi Câu lạc bộ có từ 50-70 thành viên, trong đó 70% là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, 30% còn lại là người dưới 60 tuổi, (Cơ cấu giới trong Câu lạc bộ: 60-70% là phụ nữ; Cơ cấu thành phần kinh tế hộ: 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, 30% còn lại là người có điều kiện kinh tế khá, biết cách làm ăn)

Câu lạc bộ được tổ chức ở một thôn hoặc hai thôn liền kề nhau; Ban chủ nhiệm gồm 5 người (Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, 3 ủy viên); có tổ tình nguyện viên từ khoảng 10 người, gồm các tình nguyện viên chăm sóc tại nhà và tình nguyện viên hỗ trợ phát triển kinh tế, để giúp đỡ người cao tuổi khó khăn; có các tổ văn nghệ, tổ quản lý vốn vay tăng thu nhập...

- Cơ chế hoạt động: Câu lạc bộ do thành viên tự quản lý, có kế hoạch và báo cáo hàng tháng; Sinh hoạt ít nhất 01 lần/tháng; chủ động xây dựng, thực hiện và giám sát các hoạt động của mình; công khai quản lý tài chính và tự tạo thu nhập thêm để chi cho các hoạt động trong thời gian triển khai và sau khi Đề án kết thúc.

- Tiêu chí lựa chọn:

+ Tự nguyện, nhiệt tình, sống ở địa bàn;

+ Muốn giúp đỡ bản thân và người khác;

+ Đồng ý nộp phí hội viên;

+ Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động khác của câu lạc bộ;

+ Đồng ý tuân theo Quy chế của câu lạc bộ;

+ Được các hội viên khác chấp nhận.

1.2. Trách nhiệm của Ban chủ nhiệm và các hội viên, tình nguyện viên

a) Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ

Mỗi Câu lạc bộ có Ban Chủ nhiệm (5 người) gồm: 1 Chủ nhiệm, 1 Phó Chủ nhiệm và 3 ủy viên: Ủy viên 1: Phụ trách công tác văn hóa văn nghệ, chăm sóc sức khỏe; Ủy viên 2: Phục trách Kế toán; Ủy viên 3: Thủ quỹ, thư ký.

Ban Chủ nhiệm do Ban Thường vụ Hội cơ sở giới thiệu, đề nghị Ủy ban nhân dân xã ra quyết định công nhận. Thành viên Ban Chủ nhiệm là người cao tuổi dưới 70 tuổi, Kế toán và thủ quỹ dưới 60 tuổi có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội và có khả năng lãnh đạo câu lạc bộ hoàn thành nhiệm vụ. Thành phần Ban chủ nhiệm có từ 2-3 người là nữ giới và có ít nhất 1 người thuộc hộ nghèo/cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

* Thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ:

- Tham gia quyết định phát triển thành viên câu lạc bộ trên cơ sở lấy ý kiến của các thành viên;

- Đại diện cho câu lạc bộ tham gia các hoạt động tại địa phương;

- Đại diện cho câu lạc bộ đề xuất ý kiến tới chính quyền, hội người cao tuổi địa phương.

* Trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ:

- Chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của câu lạc bộ;

- Xây dựng dự thảo quy chế hoạt động của câu lạc bộ để thành viên thông qua;

- Chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ;

- Vận động nguồn lực cho câu lạc bộ;

- Xây dựng hồ sơ quản lý thành viên và tình nguyện viên;

- Báo cáo các hoạt động và báo cáo tài chính hàng tháng;

- Quản lý quỹ của câu lạc bộ;

- Báo cáo, đề xuất mong muốn và kiến nghị của thành viên với chính quyền, hội người cao tuổi địa phương.

b) Hội viên

Hội viên câu lạc bộ là những người nghèo, khó khăn, thiệt thòi, tự nguyện tham gia vào câu lạc bộ hoặc là người được Hội cơ sở giới thiệu tham gia vào câu lạc bộ, là người có điều kiện, biết cách tổ chức, hướng dẫn giúp người cao tuổi nghèo hoạt động và làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong câu lạc bộ.

* Quyền của thành viên câu lạc bộ:

- Được chia sẻ thông tin, kiến thức, được nâng cao nhận thức về mọi mặt;

- Được các thành viên khác chia sẻ, hỗ trợ khi gặp khó khăn và bảo vệ quyền lợi khi cần thiết;

- Được khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm;

- Được hướng dẫn tập thể dục, dưỡng sinh;

- Được vay vốn/hiện vật nếu có nhu cầu được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động tăng thu nhập phù hợp;

- Được tham gia vào các hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ, giao lưu;

- Được tham gia tổ chức các hoạt động xã hội tại cộng đồng, được đề xuất mong muốn, nguyện vọng đến ban chủ nhiệm để phản ánh đến chính quyền địa phương.

- Với những hội viên câu lạc bộ cao tuổi sau nhiều năm gắn bó với câu lạc bộ sẽ được chia thành 2 nhóm:

+ Những hội viên cao tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt để đảm bảo tham gia đầy đủ và tích cực tất cả các hoạt động của câu lạc bộ như những hội viên khác thì vẫn tiếp tục làm hội viên chính thức của câu lạc bộ.

+ Với các hội viên cao tuổi sức khỏe không còn đảm bảo thì sẽ làm hội viên danh dự và không là hội viên chính thức của câu lạc bộ, sẽ không được vay vốn của câu lạc bộ, nhưng vẫn hưởng các quyền lợi như: tham gia các hoạt động của câu lạc bộ nếu sức khỏe cho phép, dự sinh hoạt tháng, khám sức khỏe, tập thể dục, dưỡng sinh, được ưu tiên giúp đỡ khi có khó khăn... Hội viên danh dự không phải đóng phí hội viên hay các khoản khác trừ khi tự nguyện. Trong trường hợp này câu lạc bộ tuyển thêm hội viên mới thay hội viên đã chuyển sang hội viên danh dự để đảm bảo tiêu chí, thành phần câu lạc bộ.

* Trách nhiệm của hội viên câu lạc bộ:

- Thực hiện đầy đủ các nội dung và quy chế hoạt động của câu lạc bộ;

- Tham gia các buổi sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động khác của câu lạc bộ thường xuyên, đầy đủ, đúng giờ, nhiệt tình và trách nhiệm;

- Đóng phí thành viên câu lạc bộ đầy đủ và đúng hạn;

- Tích cực học tập nhằm trang bị thông tin, kiến thức mới;

- Đối với những người vay vốn của câu lạc bộ phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của câu lạc bộ, hoàn trả vốn, gốc và lãi đầy đủ đúng thời gian theo quy định;

- Sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ kiến thức cho các thành viên khác trong câu lạc bộ và cộng đồng.

c) Tình nguyện viên trong câu lạc bộ

- Tình nguyện viên là thành viên của câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ được mời từ 5-7 người tham gia câu lạc bộ.

- Tình nguyện viên là những người trẻ, khỏe, nhiệt tình, có điều kiện về thời gian và vật chất tự nguyện tham gia chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi vươn lên trong cuộc sống.

- Tình nguyện viên có quyền được tham gia sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, được khám sức khỏe và tập dưỡng sinh như mọi thành viên khác.

1.3. Thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập Câu lạc bộ

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ.

1.4. Tiến độ phát triển Câu lạc bộ từ năm 2017 đến năm 2020

Đơn vị

Tổng số CLB dự kiến thành lập qua các năm

Ghi chú

2017

2018

2019

2020

Huyện Kim Sơn

5

3

3

2

(Căn cứ theo Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 25/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Huyện Nho Quan

5

3

3

2

Huyện Yên Khánh

4

2

2

2

Huyện Yên Mô

4

2

2

2

Huyện Gia Viễn

4

2

2

2

Huyện Hoa Lư

2

1

1

1

TP. Ninh Bình

3

2

1

1

TP. Tam Điệp

2

1

1

1

Tổng số

29

16

15

13

2. Hoạt động của câu lạc bộ

2.1. Hoạt động tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo

Mỗi Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập, được hỗ trợ một khoản kinh phí hoặc hiện vật trị giá từ 30- 50 triệu đồng (ưu tiên vận động từ nguồn xã hội hóa) để làm quỹ cho thành viên vay tăng thu nhập: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ... lãi suất tối đa là 1 %/ tháng, toàn bộ số tiền lãi nộp vào quỹ của câu lạc bộ. Ngoài ra còn có phí hội viên (2.000 - 5.000 đ/tháng) và vận động nguồn lực từ cộng đồng thông qua số Tấm lòng vàng, tổ chức tiết kiệm (nếu thành viên tự nguyện và Ban chủ nhiệm có khả năng quản lý) và thực hiện các hoạt động gây quỹ tập thể khác. Để sử dụng vốn vay, câu lạc bộ có tăng thu nhập, phối hợp với khuyến nông hoặc cá nhân làm ăn giỏi tổ chức truyền thông về kỹ thuật sản xuất, giúp đỡ nhau khi khó khăn để hạn chế rủi ro.

2.2. Hoạt động chăm sóc sức khỏe

Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức tập thể dục dưỡng sinh, phối hợp các cơ sở y tế địa phương tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và hỗ trợ các thành viên tiếp cận bảo hiểm y tế.

2.3. Hoạt động chăm sóc tại nhà thông qua các tình nguyện viên

Mỗi Câu lạc bộ tổ chức đội tình nguyện viên có ít nhất 5 tình nguyện viên nhằm chăm sóc cho những trường hợp cần giúp đỡ tại nhà với các hoạt động đa dạng như trò chuyện, nấu cơm, giặt giũ, giúp đỡ việc nhà.

2.4. Hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng

Hoạt động tự giúp nhau là một điển hình của Câu lạc bộ. Các thành viên câu lạc bộ tự bàn bạc và tình nguyện giúp nhau về ngày công, tiền, hiện vật, hoặc kỹ thuật. Đặc biệt câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động cộng đồng như dọn vệ sinh thôn xóm, bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị ở địa phương.

2.5. Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích

Câu lạc bộ phổ biến, tuyên truyền về chế độ chính sách của Đảng và nhà nước cho người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Đồng thời tham gia phát hiện, đề xuất việc thực hiện quyền của người cao tuổi theo quy định của luật pháp, chính sách.

2.6. Hoạt động nâng cao kiến thức

Tại các buổi sinh hoạt, Câu lạc bộ tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức phương pháp tăng thu nhập, nâng cao sức khỏe và các chế độ chính sách... Phát động này không chỉ nâng cao nhận thức, kiến thức mà còn giúp người cao tuổi tự tin hơn.

2.7. Hoạt động chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần thông qua văn hóa văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu

Các câu lạc bộ đều có tổ văn nghệ để các thành viên tham gia các tiết mục hát, múa, thơ, tiểu phẩm ... Phong trào văn nghệ tập thể tạo không khí vui tươi trong mỗi buổi sinh hoạt và tham gia biểu diễn trong các dịp hội họp của cộng đồng và các thành viên, động viên thăm hỏi lẫn nhau.

2.8. Hoạt động vận động nguồn lực

Câu lạc bộ có các hình thức vận động nguồn lực như Sổ tấm lòng vàng để hỗ trợ người gặp khó khăn, từ nguồn lãi cho vay được quay vòng, từ phía thành viên và hoạt động tăng thu nhập chung của câu lạc bộ. Điều này giúp câu lạc bộ bền vững về tài chính.

3. Kiểm tra, giám sát, đánh giá và sơ, tổng kết

Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên giám sát các hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; định kỳ hàng quý kiểm tra; định kỳ sáu tháng sơ kết rút kinh nghiệm; hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và làm công tác thi đua khen thưởng, biểu dương cán bộ hội viên và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ có thành tích xuất sắc đã tham gia đóng góp vào xây dựng, hoạt động câu lạc bộ.

VII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về Câu lạc bộ

- Hợp tác với Trung ương Hội Người cao tuổi và cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của câu lạc bộ về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

- Tổ chức thăm quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng câu lạc bộ.

2. Huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia nhân rộng Câu lạc bộ

- Hỗ trợ hàng năm từ Ngân sách tỉnh, Ngân sách huyện và Ngân sách xã nơi dự định thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

- Vận động nguồn lực từ Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

- Phối hợp với Ban quản lý Đề án quốc gia của Trung ương Hội tổ chức tìm kiếm nguồn lực, dự án.

3. Phối hợp với các địa phương, đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan để chỉ đạo lập dự toán ngân sách, lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền (theo Điều 24, Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuồi); để các thành viên câu lạc bộ được vay vốn sản xuất giảm nghèo. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để truyền thông, hướng dẫn câu lạc bộ kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình nông nghiệp, nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa và Thể thao để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ... của các câu lạc bộ. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình và các Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... tham gia huy động nguồn lực để thành lập, quản lý và giúp đỡ các câu lạc bộ hoạt động.

VIII. KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí

- Ngân sách nhà nước: Hỗ trợ cho những nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi các cấp và nguồn xã hội hóa: Hỗ trợ cho hoạt động của Câu lạc bộ.

2. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến khoảng 2.765 triệu đồng, cụ thể như sau:

Nội dung

Kinh phí hỗ trợ theo từng năm (Triệu đồng)

KP hỗ trợ cả giai đoạn (Triệu đồng)

2017
(29 CLB)

2018
(16 CLB)

2019
(15 CLB)

2020
(13 CLB)

Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động ban đầu cho các CLB: Cân sức khỏe, máy đo huyết áp, tăng âm loa đài di động phục vụ truyền thông (mức 5 triệu đồng/CLB)

145

80

75

65

365

Hỗ trợ Quỹ tăng thu nhập của các CLB (mức 30 triệu đồng/CLB)

870

480

450

390

2.190

Quản lý, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án.

30

30

30

30

120

Tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho Hội Người cao tuổi, cán bộ chính quyền và đoàn thể, ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

30

20

20

20

90

Tổng cộng

1.075

610

575

505

2.765

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với với UBND các huyện, thành phố, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của Đề án; hướng dẫn các câu lạc bộ xây dựng quy chế hoạt động, quy chế quản lý quỹ của câu lạc bộ; hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp vận động nguồn lực cho việc nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, sử dụng nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của Hội người cao tuổi, cơ quan thường trực của Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện; tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh của câu lạc bộ.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở cấp quốc gia và địa phương.

4. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Đềán theo quy định của luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hướng dẫn các đơn vị liên quan quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án; phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin tuyên truyền trong tỉnh tăng cường các thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, huy động nguồn lực để nhân rộng mô hình câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn câu lạc bộ kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới.

7. Sở Y tế

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ được khám sức khỏe định kỳ, được tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn. Hỗ trợ kỹ thuật để thành lập đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi.

8. Sở Văn hóa và Thể thao

Chủ trì, phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần cho người cao tuổi; hướng dẫn hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dưỡng sinh... phù hợp với người cao tuổi.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Hướng dẫn các tổ chức thành viên tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ, giúp đỡ vận động nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương, tạo điều kiện cho UBND các xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Điều 2. Giao Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, địa phương có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Đề án; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh; Giám đốc các sở; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4
- Bộ Lao động-TB&XH;
- Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VP5, VP6.
ĐN01/KHLĐ2017

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

THEGIOILUAT.VN
Đang có hiệu lực
HL: 13/02/2017

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

Quyết định 310/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 310/QĐ-UBND Ngày ban hành 13/02/2017
Ngày có hiệu lực 13/02/2017 Ngày hết hiệu lực
Nơi ban hành Tỉnh Ninh Bình Tình trạng Đang có hiệu lực

Tóm tắt nội dung

Quyết định 310/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020
Mục lục

Mục lục

Close