Khái niệm chức năng của nhà nước và bộ máy nhà nước

Chức năng của nhà nước là những phương diện (mặt) hoạt động chủ yếu của nhà nước nhằm để thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước.

Chức năng của nhà nước được xác định xuất phát từ bản chất của nhà nước, do cơ sở kinh tế và cơ cấu giai cấp của xã hội quyết định. Ví dụ: các nhà nước bóc lột được xây dựng trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và bóc lột nhân dân lao động cho nên chúng có những chức năng cơ bản như bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, đàn áp sự phản kháng và phong trào cách mạng của nhân dân lao động, tổ chức, tiến hành chiến tranh xâm lược để mở rộng ảnh hưởng và nô dịch các dân tộc khác … Nhà nước xã hội chủ nghĩa co sơ sở kinh tế là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, là công cụ để bảo vệ lợi ích của đông đảo quần chúng lao động, vì vậy chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa khác với chức năng của nhà nước bóc lột cả về nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện.

Căn cứ vào phạm vi hoạt động của nhà nước, các chức năng được chia thành chức năng đối nội và chức năng đối ngoại:

Chức năng đối nội là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước trong nội bộ đất nước. Ví dụ: Đảm bảo trật tự xã hội, trấn áp những phần tử chống đối chế độ, bảo vệ chế độ kinh tế … là những chức năng đối nội của các nhà nước.

Chức năng đối ngoại thể hiện vai trò của nhà nước trong quan hệ với các nhà nước và dân tộc khác. Ví dụ: phòng thủ đất nước, chống xâm lược từ bên ngoài, thiết lập các mối bang giao với các quốc gia khác …

Các chức năng đối nội và đối ngoại có quan hệ mật thiết với nhau. Việc xác định và thực hiện các chức năng đối ngoại luôn phải xuất phát từ tình hình thực hiện các chức năng đối nội. Đồng thời, kết quả của việc thực hiện các chức năng đối ngoại sẽ tác động mạnh mẽ tới việc tiến hành các chức năng đối nội.

Để thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại, nahf nước sử dụng nhiều hình thức và phương pháp hoạt động khác nhau, trong đó có ba hình thức hoạt động chính là: Xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Trong mỗi nhà nước, việc sử dụng ba hình thức hoạt động này cũng có những đặc điểm khác nhau. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi nước, các phương pháp hoạt động để thực hiện các chức năng của nhà nước cũng rất đa dạng nhưng nhìn chung có hai phương pháp chính là thuyết phục và cưỡng chế. Trong các nhà nước bóc lột, cưỡng chế được sử dụng rộng rãi và là phương pháp chủ yếu để thực hiện các chức năng của nhà nước. Ngược lại, trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa, thuyết phục là phương pháp cơ bản, còn cưỡng chế được sửu dụng kết hợp và dựa trên cơ sở của thuyết phục và giáo dục. Các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước.

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan từ trung ương xuống địa phương, bao gồm nhiều loại cơ quan như cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp … Toàn bộ hoạt động của bộ máy nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước, phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị. Bộ máy nhà nước bao gồm nhiều cơ quan, mỗi cơ quan cũng có những chức năng, nhiệm vụ riêng phù hợp với phạm vi quyền hạn được giao. Vì vậy, cần phân biệt chức năng nhà nước với chức năng của mỗi cơ quan nhà nước cụ thể. Chức năng của nhà nước là phương diện hoạt động chủ yếu của toàn thể bộ máy nhà nước, trong đó mỗi cơ quan khác nhau của nhà nước đều tham gia thực hiện ở những mức độ khác nhau. Chức năng của một cơ quan chỉ là những mặt hoạt động chủ yếu của riêng cơ quan đó nhằm góp phần thực hiện những chức năng và nhiệm vụ chung của nhà nước.

Mỗi kiểu nhà nước có bản chất riêng nên chức năng của các nhà nước thuộc mỗi kiểu nhà nước cũng khác nhau và việc tổ chức bộ máy để thực hiện các chức năng đó cũng có những đặc điểm riêng. Vì vậy, khi nghiên cứu các chức năng của nhà nước và bộ máy nhà nước phải xuất phát từ bản chất nhà nước trong mỗi kiểu nhà nước cụ thể để xem xét.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC