TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN X THÀNH PHỐ HCM

Bản án số: 05/2011/LĐ-ST

Ngày: 15/04/2011

Vụ án: “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

 

 

 

 NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN X – THÀNH PHỐ HCM

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM:  

1. Ông Lê Minh P - Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa:  

2.Ông Pham Văn T - Hội thẩm nhân dân

3. Bà Trần Ngọc A - Hội thẩm nhân dân

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Bà Võ Thị Mai T, cán bộ Toà án nhân dân Quận X, Thành phố HCM.

Trong các ngày 14 và 15 tháng 04 năm 2011 tại trụ sở Toà án nhân dân Quận X xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2009/TLST-LĐ ngày 10 tháng 07 năm 2009 về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 81/2011/QĐST-LĐ ngày 14 tháng 04 năm 2011 giữa các đương sự:

NGUYÊN ĐƠN:

Ông NĐ_Nguyễn Minh Hào, sinh năm 1974 (có mặt)

Trú tại: 45/9 đường M, khu phố 5, phường LX, quận TĐ, thành phố HCM Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

Luật sư HTS - thuộc Văn phòng luật sư HL, Đoàn luật sư thành phố HCM (có mặt)

BỊ ĐƠN:

Ông BĐ_Tống Hoàng An - Là chủ doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn Địa chỉ: 952 NX, phường LB, Quận X, thành phố HCM

Đại diện theo ủy quyền của ông BĐ_An: Ông Nguyễn Văn Thọ, sinh năm: 1955

Địa chỉ: 952 NX, phường LB, Quận X, thành phố HCM (Văn bản ủy quyền ngày 25/11/2010)

NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện và trình bày của nguyên đơn ông NĐ_Nguyễn Minh Hào tại tòa án thì nội dung vụ án như sau:

Ông NĐ_Nguyễn Minh Hào vào làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn từ tháng 02/1992 đến ngày 10/03/2009 thì bị Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn cho nghỉ việc. Hàng năm Doanh ngiệp tư nhân Phương Sơn đều ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm với Ông từ năm 1992 đến năm 2009, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn không giao Hợp đồng lao động nên Ông không biết mức lương ký kết trong hợp đồng là bao nhiêu, Ông chỉ nhận bản Hợp đồng lao động năm 2009. Theo Hợp đồng lao động ngày 01/01/2009, có thời hạn từ ngày 01/01/2009 đến ngày 31/12/2009, thì mức lương chính thức là 800.000đ/tháng, phụ cấp chức vụ tổ trưởng là 200.000đ/tháng. Tuy nhiên, thực tế Ông làm cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn với hình thức trả lương khoán sản phẩm, mức lương trung bình sáu tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc với lương chính thức là 4.000.000đ/tháng và phụ chấp chức vụ tổ trưởng là 500.000đ/tháng.

Ngày 10/03/2009, ông NĐ_Hào nhận được Thông báo không số ngày 10/03/2009 của Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn về việc thông báo cho Ông nghỉ việc kể từ ngày 10/03/2009 với lý do “Do tình hình sản xuất kinh doanh năm 2008 có nhiều thay đổi” , từ đó Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn không cho Ông vào làm việc. Đến ngày 17/04/2009, ông NĐ_Hào nhận được Quyết định không số ngày 17/04/2009 của Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn về việc cho ông NĐ_Hào nghỉ việc với lý do “chấm dứt hợp đồng lao động”.

Ông NĐ_Hào cho rằng lý do mà Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn cho Ông nghỉ việc là không đúng quy định pháp luật, Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Ông trái pháp luật. Nay ông NĐ_Hào không muốn trở lại làm việc và yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn phải giải quyết chế độ thôi việc cho Ông với mức lương và phụ cấp là 4.500.000đ/tháng, cụ thể bao gồm các khoản như sau:

-           Tiền trợ cấp thôi việc: 17 năm x 1/2x 4.500.000đ = 38.250.000đ.

-           Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: 02 tháng x 4.500.000đ = 9.000.000đ

-           Bồi thường khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp trong những ngày ông NĐ_Hào không được đi làm từ ngày 10/03/2009 đến ngày xét xư sơ thẩm (14/04/2011): 25 tháng x 4.500.000đ = 112.500.000đ

-           Trả tiền 28 ngày nghỉ phép của năm 2008 (gồm 12 ngày phép theo chế độ hàng năm, 03 ngày phép tăng thêm hàng năm do ông NĐ_Hào có thâm niên làm việc 17 năm, 08 ngày phép do nghỉ lễ, tết và 01 ngày phép giỗ tổ Hùng Vương), mỗi ngày phép là 85.000đ: 24 ngày x 85.000đ = 2.040.000đ.

Tổng cộng các khoản mà ông NĐ_Hào yêu cầu ông BĐ_Tống Hoàng An phải trả là 161.790.000đ.

- Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn phải đóng bảo hiểm xã hội cho ông NĐ_Hào đầy đủ từ tháng 02/1992 đến ngày 14/04/2011 và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho ông NĐ_Hào.

Tại  bản  tự  khai  ngày  12/8/2009  và  tại  các  biên  bản  hòa  giải  ngày  19/8/2009,

17/11/2009, đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Trương Văn Sơn xác nhận về thời gian làm việc của ông NĐ_Hào tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn và việc ký kết hợp đồng lao động hàng năm giữa Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn và ông NĐ_Hào như lời ông NĐ_Hào đã trình bày là đúng. Ông Sơn thừa nhận việc Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn cho ông NĐ_Hào nghỉ việc là trái pháp luật. Ông Sơn chấp nhận tất cả các khoản yêu cầu của nguyên đơn đưa ra, tuy nhiên ông chỉ đồng ý mức lương để làm căn cứ giải quyết chế độ thôi việc là 1.000.000đ (800.000đ lương chính thức và 200.000đ tiền phụ cấp) theo Hợp đồng lao động năm 2009. Ông Sơn cho biết theo Hợp đồng lao động năm 2008 thì mức lương chính thức của ông NĐ_Hào là 540.000đ /tháng và phụ cấp chức vụ là 200.000đ/tháng.

Ngày 25/11/2010 ông BĐ_Tống Hoàng An đã làm văn bản ủy quyền đại diện cho ông Nguyễn Văn Thọ và ngày 29/3/2011 ông BĐ_Tống Hoàng An đã làm văn bản rút ủy quyền đại diện đối với ông Trương Văn Sơn.

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn ông NĐ_Nguyễn Minh Hào vẫn giữ nguyên yêu cầu, cụ thể yêu cầu ông BĐ_Tống Hoàng An phải trả số tiền 161.790.000đ do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn phải đóng bảo hiểm xã hội cho ông NĐ_Hào đầy đủ từ tháng 02/1992 đến ngày 14/04/2011, trả lại sổ bảo hiểm xã hội.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn, ông Nguyễn Văn Thọ, thống nhất về thời gian làm việc của ông NĐ_Hào tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn. Ông Thọ cho rằng việc Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn ra quyết định cho ông NĐ_Hào nghỉ việc là đúng quy định pháp luật nên Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn không chấp nhận các khoản bồi thường mà ông NĐ_Hào yêu cầu. Ông Thọ chỉ đồng ý trả tiền trợ cấp thôi việc trong thời hạn 17 năm, mỗi năm làm việc nửa tháng lương và phụ cấp và trả tiền 15 ngày nghỉ phép hàng năm của năm 2008 mà Doanh nghiệp chưa thanh toán. Tuy nhiên mức lương làm căn cứ để tính trợ cấp thôi việc và thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm là 1.000.000đ/tháng. Đồng thời, ông Thọ trình bày, hiện nay các bản Hợp đồng lao động giữa Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn và ông NĐ_Hào, các chứng từ sổ sách liên quan đến tiền lương của ông NĐ_Hào đã thất lạc nên không thể cung cấp cho Tòa án được.

XÉT THẤY:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Ông NĐ_Nguyễn Minh Hào làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn từ năm 1992 đến năm 2009, hai bên có ký kết hợp đồng lao động. Đến ngày 17/4/2009, Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn ra quyết định cho ông NĐ_Hào nghỉ việc nên dẫn đến tranh chấp. Đây là vụ án tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án:

Ông NĐ_Nguyễn Minh Hào vào làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn liên tục từ tháng 02/1992 đến ngày 10/03/2009. Hàng năm Doanh ngiệp tư nhân Phương Sơn đều ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm với ông NĐ_Hào từ năm 1992 đến năm 2009. Hợp đồng lao động cuối cùng là hợp đồng không số ngày 01/01/2009, có thời hạn từ 01/01/2009 đến ngày 31/12/2009. Ngày 10/03/2009, ông NĐ_Hào nhận được Thông báo không số ngày 10/03/2009 của Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn về việc thông báo cho ông

NĐ_Hào nghỉ việc kể từ ngày 10/03/2009 với lý do “Do tình hình sản xuất kinh doanh năm 2008 có nhiều thay đổi”. Đến ngày 17/04/2009, ông NĐ_Hào nhận được Quyết định không số ngày 17/04/2009 của Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn về việc cho ông NĐ_Hào thôi việc với lý do “chấm dứt hợp đồng lao động”. Ông NĐ_Hào cho rằng Doanh ngiệp tư nhân Phương Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Ông trái pháp luật, Ông không muốn trở lại làm việc và yêu cầu ông BĐ_Tống Hoàng An (chủ Doanh ngiệp tư nhân Phương Sơn) phải trả cho Ông tiền trợ cấp thôi việc, tiền lương những ngày không được đi làm từ ngày nghỉ việc đến ngày xét xử sơ thẩm, bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thanh toán 24 ngày nghỉ phép của năm 2008, mức lương làm căn cứ để tính chế độ thôi việc là 4.500.000đ/tháng, tổng cộng số tiền là 161.790.000đ đồng. Ngược lại, bị đơn cho rằng Quyết định cho ông NĐ_Hào thôi việc là đúng pháp luật, bị đơn chỉ đồng ý trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông NĐ_Hào 8,5 tháng lương và thanh toán 15 ngày phép hàng năm của năm 2008, mức lương làm căn cứ để tính là 1.000.000đ, ngoài ra bị đơn không chấp nhận Khoản yêu cầu nào khác của ông NĐ_Hào. Đây là vấn đề mà Hội đồng xét xử cần xem xét giải quyết.

Xét ông NĐ_Nguyễn Minh Hào làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn do ông BĐ_Tống Hoàng An làm chủ từ tháng 02/1992 đến ngày 10/03/2009. Hàng năm Doanh ngiệp tư nhân Phương Sơn đều ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm với ông NĐ_Hào. Hợp đồng lao động năm 2009 có thời hạn từ 01/01/2009 đến ngày 31/12/2009. Như vậy, giữa ông NĐ_Hào và ông BĐ_Tống Hoàng An đã phát sinh quan hệ lao động, ông NĐ_Hào đang làm việc tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn theo hợp đồng lao động xác định thời hạn. Ngày 10/03/2009 Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn ra văn bản thông báo cho ông NĐ_Hào nghỉ việc kể từ ngày 10/03/2009 với lý do “Do tình hình sản xuất kinh doanh năm 2008 có nhiều thay đổi”. Đến ngày 17/04/2009, ông NĐ_Hào nhận được Quyết định không số ngày 17/04/2009 của Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn về việc cho ông NĐ_Hào thôi việc với lý do “chấm dứt hợp đồng lao động” . Căn cứ vào Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, các văn bản hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng lao động và xử lý kỷ luật lao động thì ông BĐ_Tống Hoàng An đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông NĐ_Hào trái pháp luật.

Theo Khoản 1 Điều 41 Bộ luật lao động quy định:

“Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại đoạn 1 Khoản này, người lao động còn được trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật này“

Do ông BĐ_Tống Hoàng An đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông NĐ_Nguyễn Minh Hào trái pháp luật, nay ông NĐ_Hào không muốn trở lại làm việc nên ông BĐ_Tống Hoàng An phải có trách nhiệm trả các khoản nêu trên cho ông NĐ_Hào.

Theo Điều 15 Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương thì tiền lương làm căn cứ để tính các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bồi thường do đơn

phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật . . . là tiền lương theo hợp đồng lao động được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi sự việc xảy ra, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Ông NĐ_Hào nghỉ việc ngày 10/3/2009 nên sáu tháng trước khi ông NĐ_Hào nghỉ việc gồm các tháng 10, 11, 12 năm 2008 và tháng 01, 02, 03 năm 2009. Theo hợp đồng lao động ngày 01.01.2009 có thời hạn từ 01/01/2009 đến 31/12/2009 thì lương của ông NĐ_Hào 800.000đ/tháng và phụ cấp chức vụ tổ trưởng 200.000đ/tháng, tổng lương và phụ cấp là 1.000.000đ/tháng. Đối với Hợp đồng lao động năm 2008, hiện nay cả nguyên đơn và bị đơn đều không giao nộp cho Tòa án nên không xác định được mức lương. Nguyên đơn xác định mức lương trong hợp đồng năm 2008 thấp hơn mức lương theo hợp đồng năm 2009, còn bị đơn khai mức lương của ông NĐ_Hào theo hợp đồng lao động năm 2008 là 540.000đ/tháng và phụ cấp chức vụ là 200.000đ/tháng, nhưng bị đơn không cung cấp được Hợp đồng lao động năm 2008, đồng thời bị đơn chấp nhận lấy mức lương theo Hợp đồng năm 2009 để làm căn cứ giải quyết các chế độ. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận lấy mức lương 1.000.000đ/tháng làm căn cứ giải quyết các khoản do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Ông NĐ_Hào yêu cầu lấy mức lương 4.500.000đ/tháng để làm căn cứ giải quyết chế độ thôi việc là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Hợp đồng lao động ngày 01/01/2009 giữa ông NĐ_Nguyễn Minh Hào và ông BĐ_Tống Hoàng An sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2009 nên các khoản về trợ cấp thôi việc, bồi thường tiền lương trong những ngày không được đi làm và đóng bảo hiểm xã hội chỉ được chấp nhận giải quyết đến ngày chấm dứt hợp đồng lao động là ngày 31/12/2009. Do đó, ông NĐ_Hào yêu cầu giải quyết các chế độ tính đến ngày xét xử sơ thẩm 14/04/2009 là không có căn cứ.

Ông NĐ_Hào có thời gian làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn 17 năm. Căn cứ vào các Điều 74, 75, 76 Bộ luật lao động thì năm 2008 ông NĐ_Hào sẽ được nghỉ phép hàng năm là 15 ngày. Tuy nhiên, ông NĐ_Hào chưa nghỉ phép năm 2008 và nay ông NĐ_Hào nghỉ việc nên chủ Doanh nghiệp tư nhân Phương Sơn phải thanh toán tiền lương 15 ngày phép này cho ông NĐ_Hào. Ngoài ra, ông NĐ_Hào còn yêu cầu ông BĐ_Tống Hoàng An phải trả tiền lương đối với 08 ngày nghỉ lễ, tết và 01 nghỉ giỗ tổ Hùng Vương năm 2008, xét yêu cầu này là không có căn cứ nên không chấp nhận.

Ngoài ra, ông NĐ_Hào còn yêu cầu ông BĐ_Tống Hoàng An phải đóng bảo hiểm xã hội cho Ông đầy đủ từ tháng 02/1992 đến ngày xét xử sơ thẩm. Do Ông không có các hợp đồng lao động hàng năm nên Ông không biết mức lương cụ thể là bao nhiêu nên đối với khoảng thời gian chưa đóng bảo hiểm xã Hội từ tháng 02/1992 đến tháng 06/1995 và từ tháng 01/1998 đến tháng 03/1998 thì đóng theo mức lương cơ bản, còn các khoản chưa đóng sau này phải đóng theo mức lương theo hợp đồng năm 2009. Như đã phân tích trên, ông BĐ_Tống Hoàng An chỉ có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã Hội cho ông NĐ_Hào đến ngày kết thúc hợp đồng lao động là ngày 31/12/2009. Tuy nhiên, hiện nay ông BĐ_An đã đóng bảo hiểm xã hội cho ông NĐ_Hào đến tháng 06/2010. Nay ông BĐ_An phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bổ sung các khoảng thời gian trước đây chưa đóng từ tháng 02/1992 đến tháng 06/1995 và từ tháng 01/1998 đến tháng 03/1998 theo mức lương cơ bản do Nhà nước quy định cùng thời điểm, đồng thời phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho ông NĐ_Hào.

Do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông NĐ_Nguyễn Minh Hào, cụ thể như sau:

- Tiền trợ cấp thôi việc: 17 năm x 1/2x 1.000.000đ = 8.500.000đ.

- Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: 02 tháng x 1.000.000đ = 2.000.000đ

- Bồi thường khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp trong những ngày ông NĐ_Hào không được đi làm từ ngày 10/03/2009 đến ngày 31/12/2009 (09 tháng 21 ngày): 9 tháng x 1.000.000đ + 21/30 tháng x 1.000.000đ = 9.700.000đ

- Trả tiền 15 ngày nghỉ phép của năm 2008: 15/30 tháng x 1.000.000đ = 500.000đ. Tổng cộng các khoản mà ông BĐ_Tống Hoàng An phải trả là 20.700.000đ.

- Ông BĐ_Tống Hoàng An phải đóng bảo hiểm xã hội bổ sung cho ông NĐ_Hào theo quy định của pháp luật với khoảng thời gian và mức lương làm căn cứ đóng cụ thể như sau:

Từ tháng 02/1992 đến tháng 06/1995, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 120.000đ/tháng

Từ tháng 01/1998 đến tháng 03/1998, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 144.000đ/tháng.

Về án phí:

Ông NĐ_Nguyễn Minh Hào được miễn án phí lao động sơ thẩm.

Ông BĐ_Tống Hoàng An phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 20.700.000đ x 3% = 621.000 đồng.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Áp dụng:

-  Điểm a Khoản 1 Điều 31; Điểm c Khoản 1 Điều 33; Điểm a Khoản 1 Điều 35; Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004;

-  Điều 38; Điều 41; Khoản 1 Điều 42; Điều 73; Điểm a Khoản 1 Điều 74; Điều 75; Khoản 3 Điều 76; Khoản 3 Điều 166 Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/1995 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007);

-   Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005;

-   Khoản 2 điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án có hiệu lực ngày 01.7.2009;

- Luật Thi hành án Dân sự năm 2008.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông NĐ_Nguyễn Minh Hào.

1.1. Ông BĐ_Tống Hoàng An có trách nhiệm trả cho ông NĐ_Nguyễn Minh Hào số tiền 20.700.000đ (hai mươi triệu bảy trăm ngàn đồng) do ông BĐ_Tống Hoàng An đơn phương chầm dứt hợp đồng lao động với ông NĐ_Nguyễn Minh Hào trái pháp luật.

Trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Thi hành tại cơ quan thi hành án dân dự có thẩm quyền

Kể từ ngày ông NĐ_Nguyễn Minh Hào có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông BĐ_An chưa trả hết các khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu thêm tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thi hành án.

1.2. Ông BĐ_Tống Hoàng An có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bổ sung cho ông NĐ_Nguyễn Minh Hào theo quy định của pháp luật đối với khoảng thời gian và mức lương làm căn cứ đóng cụ thể như sau:

-  Từ tháng 02/1992 đến tháng 06/1995, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 120.000đ/tháng.

- Từ tháng 01/1998 đến tháng 03/1998, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 144.000đ/tháng.

Ông BĐ_Tống Hoàng An phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho ông NĐ_Nguyễn Minh Hào.

2. Về án phí:

2.1. Ông BĐ_Tống Hoàng An phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 621.000đ (sáu trăm hai mươi mốt ngàn đồng).

2.2.Ông NĐ_Nguyễn Minh Hào được miễn án phí lao động sơ thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Tên bản án

Bản án số: 05/2011/LĐ-ST Ngày: 15/04/2011 Vụ án: “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English