QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 12/2006/LĐ-GĐT NGÀY 04/07/2006 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP VỀ TRƯỜNG HỢP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 04 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, giữa:

- Nguyên đơn: Ông Tae Man Song, sinh năm 1948; quốc tịch Hàn Quốc;

Địa chỉ báo tin: Ông Lee Seong Hui, Lô 49, khu B, đường số 2, Kho cảng Bình Tân, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.

- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy tầu biển Hyundai-Vinashin (gọi tắt là Công ty Hyundai-Vinashin); trụ sở tại: Số 1 Mỹ Giang, Ninh Phước, Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà; do ông Lee Sung Woo, Tổng Giám đốc là đại diện.

NHẬN THẤY:

Ông Tae Man Song được tuyển dụng vào làm Thuyền trưởng tại Công ty Hyundai-Vinashin từ ngày 11-3-1999 theo các hợp đồng lao động có thời hạn  01 năm; cụ thể là:

- Hợp đồng lao động ký ngày 11-3-1999 đến ngày 10-3-2000,

- Hợp đồng lao động ký ngày 11-3-2000 đến ngày 10-3-2001,

- Hợp đồng lao động ký ngày 11-3-2001 đến ngày 10-3-2002,

- Hợp đồng lao động ký ngày 11-3-2002 đến ngày 10-3-2003,

- Hợp đồng lao động ký ngày 11-3-2003 đến ngày 10-3-2004,

- Hợp đồng lao động ký ngày 11-3-2004 đến ngày 10-3-2005.

Tiền lương theo hợp đồng là 3.700.000 Won/tháng (tương đương 51.800.000 đồng Việt Nam).

Trong thời gian làm việc theo các hợp đồng lao động nói trên, ông Tae Man Song chỉ có giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, thời hạn từ ngày 11-3-2001 đến ngày 10-3-2002.

Ngày 27-4-2004, Công ty Hyundai-Vinashin giao nhiệm vụ cho tàu kéo do ông Tae Man Song là Thuyền trưởng, ông Lee Seong Hui là Máy trưởng, kéo tàu Chí Linh từ ụ tàu ra ngoài cảng để kéo tàu Harackle và Phao nổi của giàn khoan Đại Hùng vào ụ tàu, để các tổ sản xuất tiến hành sửa chữa theo kế hoạch. Ông Tae Man Song và 03 người lao động Hàn Quốc khác không thực hiện lệnh điều động của công ty, đồng thời rời khỏi nơi làm việc.

Ngày 29-4-2004, Tổng Giám đốc Công ty Hyundai-Vinashin họp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trao đổi về việc ông Tae Man Song tự ý bỏ việc và ra bản Thông báo huỷ bỏ hợp đồng lao động đối với ông Tae Man Song, vì lý do ông Tae Man Song vi phạm cam kết trong hợp đồng lao động. Ngày 03-5-2004, ông Tae Man Song nhận được thông báo huỷ bỏ hợp đồng lao động.

Ngày 01-12-2004 ông Tae Man Song có đơn kiện Công ty Hyundai-Vinashin về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Ông Tae Man Song yêu cầu Công ty Hyundai-Vinashin phải nhận Ông trở lại làm việc, nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, bồi thường tiền lương trong thời gian không được làm việc và trả trợ cấp thôi việc theo Điều 41, Điều 42 của Bộ luật lao động.

Công ty Hyundai-Vinashin không chấp nhận yêu cầu của ông Tae Man Song, đồng thời có yêu cầu phản tố, đòi ông Tae Man Song phải liên đới bồi thường thiệt hại do không chấp hành lệnh điều động sản xuất, với tổng số tiền bị thiệt hại là 60.860,50 USD.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 03/2005/LĐST ngày 27-5-2005, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã xử:

Căn cứ Điều 133, khoản 3 Điều 166, Điều 41, Điều 42, Điều 87 Bộ luật lao động, Điều 14, 15, 16 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ, Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17-9-2003 của Chính phủ; tuyên bố hợp đồng lao động đã ký kết từ ngày 11-3-2004 đến ngày 10-3-2005 giữa ông Tae Man Song với Công ty Hyundai-Vinashin là hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

- Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Tae Man Song buộc bị đơn phải bồi thường cho ông Tae Man Song tổng cộng là: 465.336.662 đồng Việt Nam.

- Bác yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu ông Tae Man Song phải bồi thường số tiền là 60.860,50 USD vì không có căn cứ pháp lý.

Công ty Hyundai-Vinashin phải chịu 20.239.995 đồng án phí đối với yêu cầu phản tố bị bác, trừ 11.476.000 đồng tạm ứng đã nộp, còn phải nộp 8.817.995 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04-6-2005, ông Tae Man Song kháng cáo yêu cầu tính lại tỷ giá giữa đồng Won và đồng Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm và buộc Công ty Hyundai-Vinashin bồi thường đủ tiền lương, trợ cấp thôi việc và mất việc theo quy định.

Ngày 08-6-2005 bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại bản án lao động phúc thẩm số 03 ngày 28-10-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã xử:

Áp dụng khoản 2 Điều 275; khoản 1 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự; sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng Điều 133; khoản 4 Điều 166; Điều 41, Điều 42 Bộ luật lao động. Buộc:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin phải bồi thường cho ông Tae Man Song các khoản tiền lương và trợ cấp thôi việc là: 736.423.268 đồng Việt Nam.

- Bác yêu cầu phản tố của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy tầu biển Hyundai-Vinashin đòi ông Tae Man Song phải bồi thường 60.860,50 USD vì không có căn cứ chấp nhận.

Giữ y các quyết định khác của bản án sơ thẩm.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí lao động phúc thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Tổng Giám đốc Công ty Hyundai-Vinashin có nhiều đơn khiếu nại bản án phúc thẩm.

Tại Quyết định số 01/KN-LĐ ngày 23-3-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án lao động phúc thẩm số 03 ngày 28-10-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tại Kết luận số 09/KL-ALĐ ngày 29-5-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là cần thiết và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao căn cứ khoản 3 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự, huỷ bản án phúc thẩm số 03 ngày 28-10-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án sơ thẩm  số 03/2005/LĐST ngày 27-5-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà xét xử lại theo trình tự sơ thẩm. Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giữ nguyên quan điểm nêu trên.

XÉT THẤY:

Tại Điều 4 của hợp đồng lao động đã quy định: “Thời gian làm việc của bên B phụ thuộc vào tình hình công việc của bên A”. Tại Điều 9 của hợp đồng lao động cũng quy định bên A có quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với bên B, nếu bên B “Không tuân theo điều động của bên A”.

Căn cứ vào thoả thuận tại hợp đồng lao động như nêu trên, thì việc ông Tae Man Song không thực hiện mệnh lệnh kéo tàu trong ngày 27-4-2004, là vi phạm hợp đồng lao động, do đó Công ty Hyundai-Vinashin có quyền được chấm dứt hợp đồng lao động, song có vi phạm về thời gian báo trước.

Tuy nhiên, theo trình bày của các bên đương sự và kết quả xác minh của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà, trong thời gian làm việc tại Công ty Hyundai-Vinashin theo các hợp đồng lao động, thì chỉ có khoảng thời gian làm việc từ ngày 11-3-2001 đến ngày 10-3-2002, ông Tae Man Song được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hoà cấp giấy phép lao động.

Căn cứ quy định tại Điều 133 Bộ luật lao động và Điều 6 Nghị định 
số 105/2003/NĐ-CP ngày 17-9-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thì việc Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định hợp đồng lao động đã ký giữa Công ty Hyundai-Vinashin với ông Tae Man Song, từ ngày 11-3-2004 đến ngày 10-3-2005 là hợp đồng lao động vô hiệu, là có căn cứ pháp luật. Song Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại cho rằng Công ty Hyundai-Vinashin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông Tae Man Song, nên buộc Công ty Hyundai-Vinashin phải bồi thường cho ông Tae Man Song tiền lương trong những ngày không được làm việc, kể từ khi chấm dứt hợp đồng cho đến khi hết hạn hợp đồng lao động, cộng với hai tháng tiền lương theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật lao động là không đúng pháp luật.

Do hợp đồng lao động giữa các bên bị vô hiệu, cho nên căn cứ vào quy định tại Điều 16 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động và pháp luật hiện hành, thì ông Tae Man Song chỉ được hưởng các quyền lợi của người lao động do các bên đã thoả thuận trong hợp đồng tính đến ngày ông Tae Man Song bỏ việc chứ không phải đến khi hết thời hạn hợp đồng.

Về yêu cầu phản tố của bị đơn: Công ty Hyundai-Vinashin đưa ra yêu cầu đòi ông Tae Man Song phải liên đới bồi thường khoản tiền là 60.860,50 USD, bao gồm: chi phí thuê tàu kéo và nhân viên của Công ty Dịch vụ hàng hải, khoản thu bị mất do không giải phóng được ụ tàu và cầu cảng để cho thuê, khoản tiền phạt vì chậm giao tàu cho khách hàng và chi phí tiền công lao động cho những người lao động phải nghỉ việc.

Các tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy: Vì ông Tae Man Song không thực hiện việc kéo tàu, do đó Công ty Hyundai-Vinashin phải thuê tàu kéo MASC 3 của Công ty Dịch vụ hàng hải Chi nhánh Nha Trang để kéo, lai dắt tàu trong ngày 28-4 và 29-4-2004, với chi phí là 176.139.936 đồng.

Việc ông Tae Man Song không kéo tàu đã làm chậm tiến độ sửa chữa tàu Chí Linh. Do đó, căn cứ vào hợp đồng sửa chữa tàu, Công ty Hyundai-Vinashin bị phạt do chậm giao tàu Chí Linh số tiền là 698.978,00 USD. Theo tính toán của Công ty Hyundai-Vinashin, thì số tiền phạt của 02 ngày là 66.569,34 USD.

Các chứng cứ nêu trên cho thấy thực tế đã xảy ra thiệt hại về tài sản và lợi ích cho Công ty Hyundai-Vinashin; thiệt hại đó phát sinh từ việc vi phạm của ông Tae Man Song. Toà án cần phải xem xét đầy đủ các chứng cứ, trên cơ sở đó xác định những thiệt hại thực tế nào đã xảy ra và lỗi gây ra thiệt hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Hyundai-Vinashin với lý do không đủ chứng cứ là đã chưa xem xét một cách toàn diện các chứng cứ do Công ty Hyundai-Vinashin cung cấp.

Từ nhận định nêu trên, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nhận thấy cần chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, huỷ bản án phúc thẩm số 03 ngày 28-10-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án sơ thẩm số 03/2005/LĐST ngày 27-5-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà xét xử lại vụ án theo trình tự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

Huỷ bản án phúc thẩm số 04 ngày 28-10-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và Bản án sơ thẩm số 03/2005/LĐST ngày 27-5-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà giải quyết, xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

____________________________________________

- Lý do huỷ các bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

1. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định Công ty Hyundai-Vinashin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tae Man Song là không đúng pháp luật;

2. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Hyundai-Vinashin là chưa xem xét toàn diện các chứng cứ do bị đơn cung cấp.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

1. Sai sót trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hợp đồng vô hiệu;

2. Thiếu sót trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ.

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 12/2006/LĐ-GĐT ngày 04/07/2006 về vụ án tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English