QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 215/2014/DS-GĐT NGÀY 05/06/2014 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

TÒA DÂN SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 05-6-2014, tại trụ sở Tòa dân sự Toà án nhân dân tối cao đã họp phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa:

Nguyên đơn:

Cụ Trần Thị Sửu sinh năm 1935; trú tại xóm Đình, thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Bị đơn:

Cụ Trần Thị Hợi sinh năm 1922; trú tại xóm Đa, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Đình Thắng sinh năm 1957.

2. Ông Nguyễn Đình Thu sinh năm 1960.

3. Bà Nguyễn Thị Thuận.

4. Bà Nguyễn Thị Tuân.

Ông Thắng, ông Thu, bà Thuận, bà Tuân đều trú tại xóm Đa, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

5. Cụ Hoàng Cấp sinh năm 1920; trú tại xóm Dền, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

6. Bà Hoàng Thị Hợi sinh năm 1947; trú tại cụm 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

7. Ông Hoàng Minh Chương sinh năm 1955; trú tại Trung tâm y tế cao su Tây Ninh.

8. Ông Hoàng Phú Khương sinh năm 1960; trú tại xóm Dền, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

9. Bà Hoàng Thị Phương sinh năm 1962; trú quán số 150, tổ 6, phường Mỏ Chè, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Cụ Hoàng Cấp, bà Hoàng Thị Hợi, ông Hoàng Minh Chương, bà Hoàng Thị Phương đều ủy quyền cho ông Khương.

10. Ông Vũ Huy Hòa trú tại xóm Đa, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

11. Bà Vũ Thị Nga sinh năm 1945; trú tại xóm Dền, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

12. Bà Vương Thị Hưởng; trú tại xóm Đa, thôn Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Bà Vũ Thị Nga và bà Vương Thị Hưởng đều ủy quyền cho ông Vũ Huy Hòa.

13. Ông Nguyễn Phụ Xuân sinh năm 1942; trú tại đội 2, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

14. Ông Nguyễn Phụ Thu sinh năm 1952; trú tại số 421, C1 Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

15. Bà Nguyễn Thị Cúc trú tại số 29, tổ 58, xóm Mới, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Bà Cúc ủy quyền cho ông Trần Thái Túc, trú tại số 29, tổ 58, xóm Mới, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

16. Bà Nguyễn Thị Dung sinh năm 1940; trú tại số 529, đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

NHẬN THẤY

Tại đơn khởi kiện ngày 28-9-2002 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là cụ Trần Thị Sửu trình bày:

Cố Trần Gia Ký có 2 người vợ;

1. Với vợ thứ nhất là cố Phùng Thị Bống có một con chung là cụ Trần Thị Nhớn, sau đó hai cố ly hôn. Cụ Trần Thị Nhớn có 4  người con là bà Nguyễn Thị Dung, bà Nguyễn Phụ Xuân, bà Nguyễn Phụ Thu và bà Nguyễn Thị Cúc.

2. Với vợ thứ hai là cố Vương Thị Vện, có 5 người con chung là: cụ Trần Thị Tỵ, cụ Trần Thị Dậu, cụ Trần Thị Hợi, cụ Trần Gia Đế (chết khi chưa có vợ con) và cụ Trần Thị Sửu.

Cụ Trần Thị Tỵ có chồng là cụ Hoàng Cấp, cụ Tỵ và cụ Cấp không có con chung. Cụ Cấp có 5 người con riêng là bà Hoàng Thị Hợi, ông Hoàng Văn Trường (liệt sỹ), ông Hoàng Minh Chương, ông Hoàng Phú Khương, bà Hoàng Thị Phương.

Cụ Trần Thị Dậu có chồng là cụ Vũ Huy Hoàn (chết năm 1983) và có 2 người con chung là bà Vũ Thị Nga và ông Vũ Huy Hòa.

Cụ Trần Thị Hợi có chồng là cụ Nguyễn Đình Phán (chết năm 2007) và 2 con là ông Nguyễn Đình Thắng và ông Nguyễn Đình Thu.

Cố Ký chết năm 1952, cố Vện chết năm 1980; cụ Nhớn chết năm 1990; cụ Tỵ chết năm 1990; cụ Dậu chết năm 1996 đều không để lại di chúc.

Cố Ký và cố Vện tạo lập được 3 khối tài sản tại xóm Đa, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, khi còn sống hai cố chưa phân chia, cụ thể:

+ Thứ nhất là nhà ngói 3 gian rưỡi, nhà tre 3 gian, bếp, chuồng lợn, sân gạch, 2 bể nước trên diện tích 633m2 đất thuộc thửa số 2492 (nay là thửa số 67 diện tích 488,1m2), hiện do ông Nguyễn Đình Thu (con cụ Hợi) quản lý, sử dụng.

+ Thứ hai là thửa đất vườn số 2484 diện tích 833m2, nay là 2 thửa, thửa 82 diện tích 420,9m2 và thửa 74 diện tích 277,7m2. Hiện nay ông Vũ Huy Hòa (con cụ Dậu) quản lý, sử dụng thửa 74; ông Nguyễn Đình Thắng (con cụ Hợi) quản lý, sử dụng thửa 82.

+ Thứ ba là thửa đất ao số 2400 diện tích 230m2 nay là thửa số 75 diện tích 200,5m2; hiện do ông Nguyễn Đình Thắng (con cụ Hợi) quản lý, sử dụng.

Nay nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế di sản của vợ chồng cố Ký, cố Vện; nguyên đơn đồng ý dùng 150m2 đất trong phần đất mà họ được chia làm nơi thờ cúng.

Bị đơn cụ Trần Thị Hợi do ông Nguyễn Đình Thắng đại diện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Đình Thắng, ông Nguyễn Đình Thu trình bày:

Thừa nhận nguồn gốc tài sản như nguyên đơn trình bày. Về quan hệ huyết thống: Ông Thắng, ông Thu không thừa nhận cố Bống là vợ cố Ký, ông Thắng cho rằng trong cải cách ruộng đất cố Vện bị quy địa chủ nên bị Nhà nước trưng thu, trưng mua tài sản. Sau Nhà nước sửa sai, cố Vện chuộc lại tài sản nên toàn bộ nhà đất có tranh chấp là của cố Vện. Năm 1964, cố Vện làm giấy chuyển nhượng tài sản cho các con, cụ thể là: Chia cho cụ Sửu nhà tre 03 gian dỡ về làm nhà ở; chia cho cụ Dậu 01 sào vườn; chia cho cụ Hợi 01 sào 11 thước đất ở, 09 thước 5 đất ao và phần đất vườn còn lại 01 sào 5 thước, nhà ngói 3 gian rưỡi, bếp, chuồng lợn 2 gian, sân gạch và 2 bể nước.

Vì vậy, nay không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của các nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Vũ Huy Hòa trình bày: hiện ông đang quản lý phần đất vườn do cố Vện chia cho cụ Dậu (mẹ của ông) là thửa số 74 diện tích 277,7m2 nên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của cụ Sửu.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các thừa kế của cụ Nhớn (gồm ông Xuân, ông Thu, bà Cúc, bà Dung, bà Hợi, ông Chương, ông Khương và bà Phương) đều yêu cầu chia thừa kế di sản của vợ chồng cố Ký, cố Vện theo pháp luật vì khi còn sống hai cố chưa chia cho ai.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị Nga (vợ ông Hòa) thống nhất trình bày và yêu cầu của ông Hòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thuận (vợ ông Thắng) thống nhất trình bày và yêu cầu của ông Thắng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Tuân (vợ ông Thu) thống nhất trình bày và yêu cầu của ông Thu.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm 07/2004/DSST ngày 04-6-2004, Tòa án  nhân dân huyện Hoài Đức quyết định: Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của cụ Sửu đối với di sản thừa kế của cố Ký, cố Vện đối với thửa đất số 67 diện tích 488,1m2. Tách thửa đất vườn ông Thắng, ông Hòa đang quản lý và thửa ao ông Thắng quản lý không còn thời hiệu nên Tòa án không giải quyết.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 01/2005/DSPT ngày 13-1-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại theo hướng chia thừa kế cả thửa đất vườn và thửa đất ao của cố Ký, cố Vện chết để lại.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2008/DSST ngày 14-5-2008, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của cụ Sửu đối với di sản thừa kế của cố Ký.

2. Chia giá trị như sau: cụ Sửu, cụ Nhớn và cụ Tỵ mỗi cụ được hưởng 116.139.333đ; cụ Hợi và cụ Dậu mỗi người được hưởng 517.627.000đ.

3. Chia hiện vật như sau:

Giao cụ Sửu sử dụng 100,25m2 đất trong thửa số 75 có giá trị 100.250.000đ.

Giao cụ Hợi sử dụng thửa đất số 82 diện tích 420,9m2 và 378,1m2 đất thửa số 67, cụ Hợi được sở hữu nhà gạch 3,5 gian, sân gạch trên phần đất thuộc thửa 67, tổng giá trị tài sản là 805.472.000đ.

Giao các thừa kế của cụ Nhớn do bà Dung đại diện sử dụng 100,25m2 trong thửa đất số 75 có giá trị 100.250.000đ.

Giao các thừa kế của cụ Dậu do ông Hòa đại diện sử dụng thửa đất số 74 diện tích 277,7m2 có giá trị 277.700.000đ. Ông Hòa được sở hữu các tài sản do ông và bà Hưởng phát triển trên đất đó.

Giao cụ Cấp (thừa kế của cụ Tỵ) sử dụng 110m2 trong thửa đất số 67 có giá trị 110.000.000đ.

Cụ Hợi phải thanh toán chênh lệch tài sản trả các đương sự sau: trả cụ Sửu: 16.089.333đ; trả các thừa kế của cụ Nhớn do bà Dung đại diện 16.089.333đ; trả các thừa kế của cụ Dậu do ông Hòa đại diện nhận 239.927.000đ; trả cụ Cấp 6.139.333đ.

Ông Thắng và bà Thuận phải tự chịu thiệt hại về phần giá trị tài sản phát triển trên các thửa đất số 75 và 82. Ông Thu và bà Tuân phải tự chịu thiệt hại về phần giá trị tài sản phát triển trên thửa đất số 67.

4. Về ranh giới đất giao cho các đương sự sử dụng có sơ đồ kèm theo.

5. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm do chậm thi hành án, án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 19-5-2008, ông Thắng kháng cáo cho rằng cố Vện chuộc lại đất sau cải cách ruộng đất nên đề nghị bác đơn khởi kiện của cụ Sửu.

Cụ Sửu, ông Xuân, bà Dung kháng cáo yêu cầu không chấp nhận bản phân chia của cố Vện, yêu cầu chia theo pháp luật và tách 150m2 đất để làm nhà thờ.

Tại Quyết định số 01/QĐ/KNPT-DS ngày 16-6-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoài Đức kháng nghị bản án sơ thẩm với nhận định khi nguyên đơn khởi kiện đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của cố Ký.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 60/2008/DSPT ngày 24-9-2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định: sửa bản án sơ thẩm về án phí, giảm án phí dân sự sơ thẩm cho cụ Sửu và bà Dung; các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm được giữ nguyên.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Thắng có đơn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 48/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 21-4-2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án dân sự phúc thẩm số 60/2008/DSPT ngày 24-9-2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2008/DSST ngày 14-5-2008 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức xét xử sơ thẩm lại.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 385/2009/DS-GĐT ngày 19-8-2009, Hội đồng giám đốc thẩm của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao quyết định: hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 60/2008/DSPT ngày 24-9-2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2008/DSST ngày 14-5-2008 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức xét xử sơ thẩm lại với nhận định:

“Về thủ tục tố tụng: cố Trần Gia Ký chết năm 1952, cố Vương Thị Vện chết năm 1980, thời điểm mở thừa kế của hai cố đều trước ngày 01-7-1991, theo quy định tại Điều 17 của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-01-1999 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của hai cố đến ngày 10-3-2003.

Ngày 28-9-2002 cụ Trần Thị Sửu có đơn gửi Ủy ban nhân dân xã Di Trạch, huyện Hoài Đức đề nghị phân chia tài sản của cha mẹ là cố Ký, cố Vện chết để lại. Ủy ban nhân dân xã Di Trạch hòa giải nhưng không thành.


Ngày 08-3-2003 Ủy ban nhân dân xã Di Trạch có Công văn số 05/2003/CV-UB gửi Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, đề nghị Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, chưa có căn cứ để xác định cụ Trần Thị Sửu đã khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức theo quy định tại Điều 1 và khoản 3 Điều 34 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; mặt khác, tuy công văn của Ủy ban nhân dân xã Di Trạch đề ngày 08-3-2003 nhưng cũng chưa có căn cứ chứng minh Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã nhận được công văn và các tài liệu do Ủy ban nhân dân xã Di Trạch gửi đến trước 24h ngày 10-3-2003, nên việc Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thụ lý vụ án cùng ngày cụ Sửu nộp tiền tạm ứng án phí
(ngày 11-4-2003) cần phải được làm rõ. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng các đương sự tranh chấp liên tục kéo dài và Ủy ban nhân dân gửi hồ sơ, tài liệu đến Tòa án cấp sơ thẩm trong thời hạn để xác định Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật là chưa đủ căn cứ.

Đối với thửa đất vườn và thửa đất ao: Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng trên đất không có di sản của cố Ký, cố Vện (nhà ở, vật kiến trúc, cây lâu năm) nên thời hiệu khởi kiện tính đến ngày 10-9-2000 là hết thời hiệu, về vấn đề này thấy rằng, trong trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất mà trên đất không có tài sản (nhà ở, vật kiến trúc, cây lâu năm), theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế; điểm a khoản 1 Điều 170 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự năm 2005) thì cần phải xác định thời gian từ ngày 10-9-1990 đến ngày 15-10-1993 là thời gian trở ngại khách quan do pháp luật chưa quy định về thừa kế quyền sử dụng đất, nên các thừa kế của cố Ký, cố Vện chưa thực hiện được quyền yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất do hai cố để lại, nên thời gian trở ngại khách quan này không tính vào thời hiệu khởi kiện của các đương sự.

Về nội dung: Tại Tòa án, ông Nguyễn Đình Thắng khai trong cải cách ruộng đất, cố Vện bị quy thành phần địa chủ nên đã bị Nhà nước trưng mua tài sản; ông Thắng xuất trình tờ “Công phiếu tạm thời” ngày 10-7-1956 để chứng minh cho lời khai của mình. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng không có việc Nhà nước trưng mua và nếu có việc trưng mua thì Nhà nước đã thanh toán thóc và thu tài sản đó giao cho người khác, nhưng tài sản vẫn do cố Vện quản lý nên xác định toàn bộ tài sản nêu trên vẫn là di sản của cố Ký, cố Vện; còn Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để xác định tài sản của hai cố đã bị trưng thu trong cải cách ruộng đất và cố Vện đã chuộc lại. Việc xác định như Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nêu trên đều chưa đủ căn cứ; mà lẽ ra cần phải làm rõ cố Vện bị quy thành phần địa chủ, có hay không có việc Nhà nước trưng mua tài sản của cố Vện và Nhà nước trưng mua những tài sản (ruộng đất, nhà cửa) nào trong số tài sản của cố Ký, cố Vện theo tờ “Công phiếu tạm thời” ngày 10-7-1956 do ông Thắng xuất trình nêu trên mới có căn cứ giải quyết vụ án. Trong trường hợp xác định trong cải cách ruộng đất, cố Vện bị quy thành phần địa chủ và bị Nhà nước trưng mua tài sản (ruộng đất, nhà cửa) theo tờ “Công phiếu tạm thời” ngày 10-7-1956, có thời hạn thanh toán là 10 năm (đến 10-7-1966), thì cần phải xác định nhà đất bị trưng mua là những tài sản nào, nếu là tài sản (nhà đất) mà các đương sự đang tranh chấp thì phải xác định nhà đất này là nhà đất có liên quan đến quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991 của Nhà nước. Đối với những tài sản không bị Nhà nước trưng mua, trưng thu thì giải quyết theo quy định chung của pháp luật.

Thực tế thì ngày 17-8-1964 cố Vện đã lập “Giấy nhượng lại tài sản cho con”, văn bản này có thị thực của Uỷ ban hành chính xã Kim Hoàng, nên nếu có việc Nhà nước đã trưng mua các tài sản mà cố Vện phân chia cho các con, thì tờ phân chia tài sản của cố Vện ngày 17-8-1964 là cơ sở xác định Nhà nước chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng. Do đó nếu có căn cứ xác định cố Vện bị Nhà nước trưng mua tài sản thì cần phải làm rõ Nhà nước đã thanh toán số thóc cho cố Vện theo tờ công phiếu nêu trên hay chưa, nếu Nhà nước chưa thanh toán thóc hoặc đã thanh toán một phần cho cố Vện, nhưng Nhà nước chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đã trưng mua của cố Vện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01-7-1991, thì phải áp dụng quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 755 nêu trên để giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không áp dụng quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 để chia thừa kế di sản của cố Ký, cố Vện cho các thừa kế của hai cố là chưa đủ căn cứ.

Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm về nội dung nhưng trong phần quyết định của bản án lại tuyên sai so với bản án dân sự sơ thẩm về phần chia thừa kế của cụ Nhớn do chị Dung đại diện và thừa kế của cụ Dậu do anh Hòa đại diện, cần rút kinh nghiệm”.

Tại Quyết định số 21/2010/QĐST-DS ngày 30-9-2010, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án với lý do:

Ba thửa đất số 82, 74 và 75 mà nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như chưa có một trong các loại giấy tờ được quy định tại các khoản 1, 2, 5 của Luật Đất đai; còn tài sản trên đất các đương sự không có tranh chấp.

Riêng thửa 67 diện tích 488,1m2 trên có nhà ngói 3 gian rưỡi, nhà tre 3 gian, bếp, chuồng lợn, sân gạch, 02 bể nước là di sản thừa kế nhưng thời hiệu khởi kiện đã hết.

Ngày 20-4-2010, cụ Sửu kháng cáo không đồng ý với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên.

Tại Quyết định giải quyết kháng cáo số 33/2011/QĐ-PT ngày 28-2-2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 21/2010/QĐST-DS ngày 30-9-2010 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức với lập luận tương tự Tòa án cấp sơ thẩm.

Ngày 18-4-2011, cụ Sửu có đơn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Quyết định giải quyết kháng cáo
số 33/2011/QĐ-PT ngày 28-2-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

 

Tại Quyết định số 51/2014/KN-DS ngày 25-02-2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Quyết định phúc thẩm số 33/2011/QĐ-PT ngày 28-2-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao hủy Quyết định phúc thẩm, hủy Quyết định sơ thẩm số 21/2010/QĐST-DS ngày 30-9-2010 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức giải quyết lại từ sơ thẩm.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ý kiến của Kiểm sát viên và sau khi thảo luận;

XÉT THẤY

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định: cố Trần Gia Ký có 2 người vợ. Cố Ký với người vợ thứ nhất là cố Phùng Thị Bống có một con chung là cụ Trần Thị Nhớn; cụ Trần Thị Nhớn có 4 người con là bà Nguyễn Thị Dung, bà Nguyễn Phụ Xuân, bà Nguyễn Phụ Thu và bà Nguyễn Thị Cúc. Cố Ký với người vợ thứ hai là cố Vương Thị Vện có 5 người con chung là: cụ Trần Thị Tỵ, cụ Trần Thị Dậu, cụ Trần Thị Hợi, cụ Trần Gia Đế (chết khi chưa có vợ con) và cụ Trần Thị Sửu.

Vợ chồng cố Ký, cố Vện khi còn sống tạo lập được khối tài sản gồm:

Thứ nhất, nhà ngói 3 gian rưỡi, nhà tre 3 gian, bếp, chuồng lợn, sân gạch, 2 bể nước trên diện tích 633m2 đất thuộc thửa số 2492, nay là thửa số 67 diện tích 488,1m2. Hiện ông Nguyễn Đình Thu (con cụ Trần Thị Hợi) quản lý, sử dụng.

Thứ hai, thửa đất vườn số 2484 diện tích 833m2 hiện nay tách thành hai thửa số 82 diện tích 420,9m2 và thửa số 74 diện tích 277,7m2. Hiện ông Vũ Huy Hòa (con cụ Trần Thị Dậu) quản lý, sử dụng thửa 74; ông Nguyễn Đình Thắng (con cụ Trần Thị Hợi quản lý, sử dụng thửa 82.

Thứ ba, thửa đất ao số 2400 diện tích 230m2 nay là thửa số 75 diện tích 200,5m2. Hiện ông Nguyễn Đình Thắng (con cụ Trần Thị Hợi) quản lý, sử dụng.

Khi còn sống vợ chồng cố Ký, cố Vện chưa phân chia tài sản cho ai và đến khi chết hai cố không để lại di chúc.

Xét thấy, cố Ký chết năm 1952, cố Vện chết năm 1980, thời điểm mở thừa kế của hai cụ đều trước ngày 01-7-1991. Theo quy định tại Điều 17 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-1-1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cố Ký và cố Vện đến ngày 10-3-2003.

Ngày 28-9-2002, cụ Trần Thị Sửu có “Đơn đề nghị phân chia tài sản” gửi Ủy ban nhân dân xã Di Trạch, huyện Hoài Đức yêu cầu chia di sản của cố Ký, cố Vện. Sau khi nhận được đơn của cụ Sửu, Ủy ban nhân dân xã Di Trạch đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Ngày 08-3-2003, Ủy ban nhân dân xã Di Trạch có Công văn số 05/2003/CV-UB gửi Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo sổ Công văn đi thì đến ngày 21-3-2002, Ủy ban nhân dân xã Di Trạch mới chuyển Công văn số 05/2003/CV-DS và đơn của cụ Sửu đến Tòa án. Ngày 25-3-2003, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức mới nhận được Công văn của Ủy ban nhân dân xã Di Trạch. Ngày 11-4-2003, cụ Sửu nộp tiền tạm ứng án phí và Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thụ lý vụ án cùng ngày 11-4-2003. Như vậy, thời điểm cụ Sửu nộp đơn tại Ủy ban nhân dân xã Di Trạch và Ủy ban nhân dân xã Di Trạch có Công văn số 05/2003/CV-DS gửi Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cố Ký và cố Vện. Hơn nữa, khi đó chưa có Bộ luật tố tụng dân sự 2003 mà chỉ có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 chưa quy định rõ về thủ tục nộp đơn khởi kiện. Mặt khác, việc chậm gửi đơn của cụ Sửu đến Tòa án là do lỗi của Ủy ban nhân dân xã Di Trạch. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của đương sự thì Tòa án cần thụ lý đơn và giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện là không có cơ sở.

Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 và khoản 4 Điều 291, Điều 296, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận Kháng nghị số 51/2014/KN-DS ngày 25-02-2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Quyết định phúc thẩm số 33/2011/QĐPT ngày 28-02-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Hủy toàn bộ Quyết định phúc thẩm số 33/2011/QĐPT ngày 28-02-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và hủy toàn bộ Quyết định sơ thẩm
số 21/2010/QĐST-DS ngày 30-9-2010 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là cụ Trần Thị Sửu với bị đơn là cụ Trần Thị Hợi; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (gồm 16 người).

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ĐỀ XUẤT LỰA CHỌN LÀM ÁN LỆ

“Cố Ký chết năm 1952, cố Vện chết năm 1980, thời điểm mở thừa kế của hai cụ đều trước ngày 01-7-1991. Theo quy định tại Điều 17 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-1-1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cố Ký và cố Vện đến ngày 10-3-2003.

Ngày 28-9-2002, cụ Trần Thị Sửu có “Đơn đề nghị phân chia tài sản” gửi Ủy ban nhân dân xã Di Trạch, huyện Hoài Đức yêu cầu chia di sản của cố Ký, cố Vện. Sau khi nhận được đơn của cụ Sửu, Ủy ban nhân dân xã Di Trạch đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Ngày 08-3-2003, Ủy ban nhân dân xã Di Trạch có Công văn số 05/2003/CV-UB gửi Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo sổ Công văn đi thì đến ngày 21-3-2002, Ủy ban nhân dân xã Di Trạch mới chuyển Công văn số 05/2003/CV-DS và đơn của cụ Sửu đến Tòa án. Ngày 25-3-2003, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức mới nhận được Công văn của Ủy ban nhân dân xã Di Trạch. Ngày 11-4-2003, cụ Sửu nộp tiền tạm ứng án phí và Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thụ lý vụ án cùng ngày 11-4-2003. Như vậy, thời điểm cụ Sửu nộp đơn tại Ủy ban nhân dân xã Di Trạch và Ủy ban nhân dân xã Di Trạch có Công văn số 05/2003/CV-DS gửi Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cố Ký và cố Vện. Hơn nữa, khi đó chưa có Bộ luật tố tụng dân sự 2003 mà chỉ có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 chưa quy định rõ về thủ tục nộp đơn khởi kiện. Mặt khác, việc chậm gửi đơn của cụ Sửu đến Tòa án là do lỗi của Ủy ban nhân dân xã Di Trạch. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của đương sự thì Tòa án cần thụ lý đơn và giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện là không có cơ sở”.

 

Tên bản án

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 215/2014/DS-GĐT NGÀY 05/06/2014 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN TÒA DÂN SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án