QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 472/2014/DS-GĐT NGÀY 26/11/2014 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

TÒA DÂN SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Họp phiên tòa ngày 26/11/2014 tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao để xét xụ giám đốc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” do có kháng nghị số 337/2014/KN-DS ngày 15/9/2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với bản án dân sự phúc thẩm số 133/2011/DSPT ngày 19/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Cụ Nguyễn Văn Tám, sinh năm 1938; trú tại ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Bê, sinh năm 1961; trú tại ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

NHẬN THẤY

Tại đơn khởi kiện đề ngày 04/12/2009 nguyên đơn cụ Nguyễn Văn Tám trình bày: Năm 1979, cụ thấy hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Bê (con gái cụ) nghèo khổ, cụ đã cho bà Bê một nề nhà diện tích khoảng 300m2cặp sông Láng Hầm để cất nhà ở và cho thêm một công góc tư (tầm 3m) đất ruộng để canh tác, nhưng khoảng một năm sau bà Bê đã bán phần đất ruộng để trả nợ. Năm 2000, bà Bê than nghèo khổ đề nghị cụ lấy lại phần đất cụ cho bà Hai Kè mướn để bà Bê làm và đong lúa lại cho ông. Tuy nhiên từ khi thuê đến nay bà Bê chỉ đong cho cụ 02 năm bằng 20 giạ lúa. Năm 2006 vợ chồng cụ xuống kêu vợ chồng bà Bê lên nói chuyện nhưng bà Bê không lên mà chửi và dọa đâm chém cụ. Nay cụ khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị Bê trả lại cho cụ 2.420m2 đất ruộng.

Bị đơn bà Nguyễn Thị Bê trình bày: Phần đất tranh chấp bà sử dụng từ năm 1997, nguồn gốc do cụ Nguyễn Văn Tám cho. Bà không đồng ý theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Tám, đồng thời có đơn phản tố đề ngày 04/01/2011 yêu cầu cụ Tám trả số tiền bồi hoàn khoảng 130.000.000d và 330 giạ lúa.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 15/2011/DSST ngày 30/5/2011, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Văn Tám. Công nhận phần đất diện tích 2.420m2 thuộc thửa 1586, tờ bàn đồ 3C (thửa 1506 theo sổ đăng ký ruộng đất và bản đồ 299) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Nguyễn Văn Tám (có lược đồ kèm theo).

Cụ Nguyễn Văn Tám có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Bê đòi cụ Nguyễn Văn Tám phải trả 119.270.000d tiền bồi thường đất cụ Tám đã nhận khi thu hồi đất và tiền 03 năm không được canh tác đất.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 06/6/2011, bà Nguyễn Thị Bê kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 133/2011/DSPT ngày 19/9/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang quyết định:

Chấp nhận một phần khởi kiện của cụ Nguyễn Văn Tám.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Bê.

Cụ Nguyễn Văn Tám được nhận phần giá trị 826,7m2 đất thuộc thửa 1586 nằm trong diện tích đất tranh chấp bị thu hồi (Cụ Tám đã nhận xong).

Bà Nguyễn Thị Bê được quyền sử dụng 2.420m2 đất tranh chấp thuộc thửa 1586 tờ bản đồ số 3C (thửa 1506 sổ đăng ký ruộng đất, bản đồ 299).

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về nghĩa vụ nộp án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm, cụ Tám có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thấm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 337/2014/KN-DS ngày 15/9/2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 133/2011/DSPT ngày 19/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang. Đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm và hủy bản án dân sự sơ thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Thửa đất ruộng số 1506 tờ bản đồ số 3C diện tích 11.600m2 tọa lạc tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang là của cụ Nguyễn Văn Tám đứng tên trong “Sổ đăng ký ruộng đất” lập năm 1987. Năm 1997, cụ Tám giao cho con gái là bà Nguyễn Thị Bê 3.000m2 trong thửa đất trên để bà Bê canh tác. Năm 2009, cụ Tám tranh chấp đất với bà Bê. Năm 2010, Nhà nước đã thu hồi 826,7mđất trong phần đất trong phần đất 3.000m2 này, còn lại 2.420m2 bà Bê sử dụng. Cụ Tám yêu cầu bà Bê trả phần đất này. Bà Bê cho rằng cụ Tám đã cho bà 3.000m2 đất này cùng với 300m2 đất thổ cư bà đã làm nhà ở, không đồng ý trả cụ Tám 2.420mđất, đồng ý cho cụ hưởng phần đền bù 862,7m2 đất cụ đã nhận.

Bà bê xuất trình “Đơn xin xác nhận nhà ở họp pháp” của bà Bê gửi ủy ban nhân dân ấp Láng Hầm, xã Thạnh Kiên đề ngày 29/12/1997, có nội dung: xin xác nhận là bà có nhà ở họp pháp có nguồn gốc đất do cha ruột cho đất nền nhà 300m2, ruộng 3.000m2 phần đất không ai tranh chấp, về nguồn gốc nhà đã cất xong. Giấy này được viết bằng hai loại chữ khác nhau và khoảng cách giữa các dòng chữ có chỗ còn để trống không viết nội dung. Cuối đơn này có chữ ký cụ Tám ở dưới mục “người cho hoặc chuyển nhượng”; có ông Võ Nguyên Thảo thay mặt Ban nhân dân ấp xác nhận: bà Bê được cha ruột là cụ Tám cho 300m2cất nhà xong, đất tranh chấp; có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã cùng ngày với nội dung: đất nhà ở không diện tranh chấp, đủ điều kiện nhập khẩu.

Cụ Tám chỉ thừa nhận có ký vào giấy xác nhận cho bà Bê 300m2 đất ở Bê được nhập hộ khẩu, không cho bà Bê 3.000m2 đất ruộng. Tại lời khai 09/7/2010, ông Thảo xác định đơn mà ông xác nhận cho bà Bê chỉ có nội Bê viết là cụ Tám cho bà Bê 300m2 đất thổ cư, không có nội dung cho 3.000m2 đất và mục đích xác nhận vào giấy là để bà Bê có điều kiện được nhập hộ khẩu tại địa phương. Lẽ ra, phải làm rõ nội dung viết trong giấy trên có được viết trước hay sau khi cụ Tám và những người làm chứng là đại diện chính quyền địa phương ký vào phía dưới? tại sao lại viết hai loại chữ và mực có phần đậm, phần nhạt?

Mặt khác, nếu cụ Tám cho đất, nhưng bà Bê chưa làm thủ tục sang tên thì hợp đồng tặng cho cũng chưa hoàn thành, bà Bê mới sử dụng đất từ năm 1997 đến khi tranh chấp (năm 2009) mới được 12 năm nên cũng chưa được xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp. Khi chưa làm rõ một số nội dung trên, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của cụ Tám, còn Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của cụ Tám, đều chưa đủ căn cứ.

Vì vậy, kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị hủy bản án dân sự phúc thẩm và hủy bản án dân sự sơ thẩm nêu trên là có căn cứ chấp nhận.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297, Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH

- Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 133/2011/DSPT ngày 19/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang và hủy bản án dân sự sơ thấm số 15/2011/DSST ngày 30/5/2011 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Văn Tám với bị đơn là bà Nguyễn Thị Bê.

 

Tên bản án

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 472/2014/DS-GĐT NGÀY 26/11/2014 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án