Bộ máy nhà nước, cơ quan nhà nước trong hệ thống khoa học pháp lý

Bộ máy nhà nước, cơ quan nhà nước trong hệ thống khoa học pháp lý

1.      Cơ quan nhà nước:

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nhà nước phải thiết lập một bộ máy nhà nước gồm những độn quân tách ra khỏi xã hội để chuyên làm nghề quản lý hoặc hầu như chuyên làm nghề ấy. Đội quân ấy được biên chế và được tổ chức rất chặt chẽ thành những cơ quan nhà nước.

Cơ quan nhà nước là một thiết chế quyền lực nhà nước dung để chỉ một người hoặc nhóm người được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có biên chế xác định với đội ngũ công chức được xếp theo ngạch, bậc căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể được phân công và năng lực, trình độ thực tế của mỗi người để thực hiện quyền lực nhà nước.

Việc thành lập hay giai thể một cơ quan nhà nước nhất định là xuất phát từ yêu cầu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong từng thời kỳ nhất định. Số lượng các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan và chủ quan của đất nước, năng lực cán bộ và cách nhìn nhận vấn đề từ phượng diện tổ chức.

Quyền lực nhà nước (thẩm quyền) được trao cho mỗi cơ quan là “chất keo” liên kết giữa chúng, là cơ sở để từng cơ quan thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng là tiêu chuẩn để phân biệt cơ quan nhà nước với các cơ quan không phải của nhà nước.

Thẩm quyền của mỗi cơ quan được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, rõ ràng và công khai. Trong phạm vi thẩm quyền được trao, mỗi cơ quan độc lập và chủ động thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Quyền năng của các cơ quan nhà nước thường được biểu hiện trên ba mặt cơ bản là:

Ban hành các văn bản pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt …); Tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật; Kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật.

Những công việc quản lý và chỉ đạo cụ thể đều dựa trên cơ sở của pháp luật và suy cho cùng là bảo đảm cho mọi hoạt động trong xã hội ổn định và được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật.

Để thực hiện được việc quản lý toàn diện, thống nhất mọi mặt đời sống xã hội, hệ thống cơ quan nhà nước thường được tổ chức theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ.

2.      Bộ máy nhà nước:

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống cơ sở, được tổ chức theo những nguyên tắc chung thống nhất, tạo thành một cơ chế đồng bộ để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.

Muốn tổ chức và hoạt động có hiệu quả, bộ máy nhà nước phải được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định, chứ không thể tùy tiện được. Mỗi bộ máy, mỗi cơ quan nhà nước có những nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau xuất phát từ bản chất của nhà nước, vị trí, tính chất của cơ quan nhà nước, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và các yếu tố như truyền thống dân tộc, điều kiện tự nhiên và xã hội, …của mỗi nước trong từng thời kỳ cụ thể. Khi nhu cầu khách quan của xã hội và những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… thay đổi thì bộ máy nhà nước cũng phải có những cải cách hoặc đổi mới tương ứng.

Bộ máy nhà nước hình thành từ sơ khai đến hoàn thiện, từ ít nhận viên tới nhiều nhân viên, từ ít cơ quan đến nhiều cơ quan, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động ngày càng hoàn thiện, khoa học, dân chủ và hiệu quả. Sự phát triển các cơ quan nhà nước phụ thuộc vào sự phát triển các chức năng nhiệm vụ của nhà nước.

Tính chuyên môn hóa ngày càng cao đòi hỏi sự chia tách của các cơ quan nhà nước ngày càng nhiều, cũng vì thế sự phối hợp giữa chúng ngày càng phức tạp và trở nên quan trọng hơn. Trong nhiều trường hợp, một cơ quan nhà nước không thể tự mình giải quyết trọn vẹn một công việc nào đó của nhà nước (chẳng hạn, Tòa án không thể xét xử được nếu thiếu sự phối hợp hoạt động của Cơ quan điều tra, giám định …).

Việc tổ chức và quản lý đối với cán bộ, công chức trong bộ máy ngày càng chặt chẽ và khoa học hơn dẫn đến năng suất lao động quản lý cao hơn, nhất là khi các thành tựu về khoa học – công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều hơn. Tất cả những điều đó càng làm cho bộ máy hoạt động có hiệu quả cao hơn, có khả năng giải quyết được nhiều công việc to lớn hơn.

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan từ trung ương xuống địa phương, bao gồm nhiều loại cơ quan như cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp …Toàn bộ hoạt động của bộ máy nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước, phục vụ cho lợi ích của xã hội và của giai cấp thống trị. Bộ máy nhà nước bao gồm nhiều cơ quan, mỗi cơ quan cũng có những chức năng, nhiệm vụ riêng phù hợp với phạm vi quyền hạn được giao.

Các nhà nước hiện nay đều mong muốn và hướng đến một bộ máy đơn giản, gọn nhẹ ít tốn kém, nhưng hoạt động có hiệu quả cao để thực thi những chức năng nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước. Muốn vậy, các nhà nước phải thường xuyên nghiên cứu để tinh giản biên chế; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới các nguyên tắc tổ chức và hoạt động sao cho phù hợp; giảm bớt các thủ tục không cần thiết; ứng dụng nhiều hơn khoa học – công nghệ vào lĩnh vực hoạt động nhà nước.

3.      Phân loại các cơ quan trong bộ máy nhà nước:

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để phân loại các cơ quan của bộ máy nhà nước. Dưới đây là một số các phân chia:

-         Căn cứ vào chức năng thực hiện quyền lực nhà nước thì các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

-         Căn cứ vào trình tự thành lập, các cơ quan nhà nước có thể được chia thành các cơ quan do dân trực tiếp bầu ra và các cơ quan không do dân trực tiếp bầu ra.

-         Căn cứ vào tính chất thẩm quyền, các cơ quan nhà nước có thể chia thành các cơ quan có thẩm quyền chung và các cơ quan có thẩm quyền riêng. Loại cơ quan thứ nhất có quyền xem xét và quyết định bất cứ vấn đề gì để bảo đảm lợi ích xã hội. Loại cơ quan thứ hai chỉ có thẩm quyền xem xét và quyết định những vấn đề trong một phạm vi nhất định của đời sống xã hội.

-         Căn cứ vào cấp độ thẩm quyền theo lãnh thổ, các cơ quan nhà nước được chia thành các cơ quan nhà nước ở trung ương và các cơ quan nhà nước ở các địa phương. Các cơ quan trung ương có thẩm quyền bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Các cơ quan địa phương chỉ có thẩm quyền trong giới hạn của địa phương mình.

-         Căn cứ vào thời hạn thực quyền có thể chia thành các cơ quan hoạt động thường xuyên và các cơ quan lâm thời.

-         Căn cứ vào tính chất, chức năng, trình tự thành lập có thể chia các cơ quan nhà nước thành các cơ quan quyền lực nhà nước; Nguyên thủ quốc gia; các cơ quan quản lý nhà nước; các cơ quan xét xử; các cơ quan kiểm sát.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC